Chúa Nhật I mùa vọng  - Năm A
TỈNH THỨC ĐỂ KHỎI BỊ BẮT CHỢT
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

CÂU HỎI GỢI Ý

1. Phần đầu của diễn từ này đã kể ra những dấu hiệu rõ ràng báo trước cuộc Quang lâm. Còn đoạn văn chúng ta đây, khởi đầu phần hai, nhấn mạnh điều gì? Có mâu thuẫn giữa hai phần không?

2. Mt là người duy nhất trong bốn tác giả Tin Mừng dùng chữ "Quang lâm" (Parousia) (24,3.27.37.39). Chữ này có nghĩa nào trong thế giới La-Hy?

3. Phải chăng các câu 40-41 nhằm trình bày cuộc Phán xét tận cùng như một thứ định mệnh mù quáng và ngẫu nhiên? Đâu là điểm chung giữa nhung hình ảnh rút ra từ cuộc sống hằng ngày?

4. Các câu 42-44 có cho biết sự tỉnh thức hệ tại điều gì không? Các dụ ngôn tiếp theo đó (24, 45-51; 25, 1-13; 25, 14-30) có lấy lại và soi sáng chủ đề tỉnh thức này không?

5. Trong dụ ngôn ở câu 43-44, việc Con Người được so sánh với một tên trộm có đáng ngạc nhiên không? Phải chăng đấy là trọng tâm của dụ ngôn? Giáo Hội sơ khai đã mặc cho dụ ngôn này ý nghĩa nào?

***

1. Trong phần đầu của diễn từ Cánh chung (cc.1-36), Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: Con Người chắc chắn sẽ đến và đến một cách rõ ràng. Mặc dù có những hạng thiên sai và ngôn sứ giả (cc.24-26) mà các tín hữu phải đề phòng, người ta vẫn không thể lầm lẫn được. "Vì như sấm chớp lòe bên đông rạng bên tây thế nào, thì cuộc Quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy" (c.27). Dụ ngôn cây vả nằm trong chiều hướng, ý nghĩa đó (cc.32-34): đừng hoang mang trước làm gì vô ích, sẽ có những dấu hiệu chắc chắn báo động cho các ngươi.

Với các câu 37-41, ta đi sang một ý tưởng khác, không phải là hệ luận của ý tưởng trước đó. Nếu Con Người sẽ phải đến cách rõ ràng, ai nấy đều nhận ra được, thì Người cũng đến một cách đột ngột bất ngờ. Việc đối chiếu với câu chuyện lụt đại hồng thủy thời Noe nhấn mạnh tới nguy cơ của tình thế ấy.

Để nói về việc Con Người trở lại, thánh Matthêô, duy nhất trong bốn tác giả, đã dùng từ ngữ "Quang lâm" (Parousia) (24,3.27.37.39). Nguyên khởi, chữ này có nghĩa là "đến, hiện diện". Trong thế giới La-Hy (Hy lạp-La mã), người ta dùng nó để chỉ việc hoàng đế long trọng ngự đến hay chính thức thăm viếng một thành nào. Trong Kitô giáo sơ khai, từ ngữ sớm được sử dụng để nói về cuộc trở lại vinh quang của Chúa Kitô vào ngày cánh chung (x. 1Tx 2,19; 4, 15; 2Tx 2, 1.8.9; 1Cr 15,23). Trong ngày ấy, phải tỏ ra không gì đáng trách (1Tx 3,16; 5,23), vì như bản văn cho thấy, phán xét đi liền với Quang lâm.

Chúa Giêsu, khi kể các dụ ngôn, thường ưa dùng những ám dụ lấy từ Cựu ước, dễ hiểu đối với thính giả cây nho: hình ảnh Israel; người cha, vị quan tòa, ông chủ đất, người chủ hộ: hình ảnh Thiên Chúa, mùa gặt: hình ảnh cuộc Thẩm xét v.v...). ở đây Người tạo ra một ám dụ mới: cuộc Quang lâm của Con Người vào lúc tận cùng giống như một trận đại hồng thủy thứ hai. Hình ảnh được chọn cho thấy khá rõ ý tưởng diễn tả: cánh chung sẽ là một tai ương thình lình đổ xuống đầu mọi người. Thay vì mâu thuẫn với ý tưởng trước nói về biến cố được nhiều dấu hiệu tiên báo, các câu 37-41 trình bày một viễn tượng khác: thái độ của con người. Thiên hạ thời Noe không ngờ được chuyện gì cả và vẫn cứ ăn uống, cưới vợ lấy chồng. Sự vô tri này thật là nguy hiểm: họ đã chết vì đã không nhận ra dấu hiệu nào. Ngày tận cùng cũng vậy. Tai ương treo trên đầu mọi người và sẽ rơi lúc nào không hay. Trong ngày đó, toan tính gì thì đã quá muộn: phải mở mắt ngay từ lúc này đây!

2. Cuộc Phán xét chẳng những bất ngờ mà còn tức khắc. Người ta sẽ không còn giờ, còn cách nào chuẩn bị. Và khi mà thiên hạ tưởng là chẳng có gì khác biệt, thì lúc ấy lại có một cuộc lựa lọc: lúc ấy ta sẽ biết ai là trinh nữ khôn ngoan và dại khờ, ai là tôi tớ tín thành và bất trung (25, 1-30). Để diễn tả ý tưởng đó, bản văn dùng những hình ảnh lấy trong đời sống thường ngày: hai người làm ngoài đồng, hai bà đang xay bột.

Chắc hẳn đây là một nhóm thí dụ làm thành một ngạn ngữ bình dân mà Chúa Giêsu trích ra cho môn đồ. Thật thế, một bản văn Do thái còn giữ lại bằng tiếng copte, Khải huyền của Xôphônia (1, 8-16) có kể ra 3 thị kiến mà chẳng giải thích, như thể độc giả đã quá quen thuộc cảnh tượng; ba thị kiến này tương ứng lạ lùng với Mt và Lc: "Lúc bấy giờ tôi thấy hai người đang sóng bước trên cùng một lộ trình: tôi nhìn họ nói chuyện với nhau. Và tôi cũng thấy hai người đàn bà đang xay bột và tôi nhìn họ trong lúc họ cùng nhau trò chuyện. Và tôi cũng thấy hai người trên giường trong lúc họ đang nằm nghỉ" (x. P.Lacan, Joumal Asiatique, 1966, tr. 169-177). Ba lần lặp đi lặp lại này, thường thấy trong văn chương hy bá, cho ta liên tưởng tới một châm ngôn thông dụng mà các Tin Mừng cũng như cuốn sách Khải huyền Do thái nói đây đều tham chiếu.

Dầu sao, những thí dụ bình dân kia thật rõ ràng. Kẻ này người nọ đều lao động, đều cùng làm một công việc (hoặc cùng nghỉ ngơi, theo Luca), chẳng có gì khác nhau. Về phương diện này, cảnh hai người đàn bà đang xay bột thật đặc biệt sống động. Cối họ dùng là một thứ cối xay bằng tay nhỏ như ta còn thấy ngày nay bên Đông phương. Nó gồm hai khói đá tròn lắp chồng lên nhau; khối dưới nằm yên, và có một trục đứng; khối trên xoay động và có lỗ trũng ở giữa. Để xay, hai bà ngồi hai bên cối, cùng nắm một cái cán thẳng đứng và xoay tròn khối đá bên trên. Họ phải hòa hợp động tác với nhau và làm theo một nhịp điệu. Luca có nhấn mạnh đến tính cách tập thể của công việc này: "Hai bà cùng nhau xay bột". Nhìn họ làm việc ta chẳng thấy có gì khác giữa hai người. Thế nhưng, "một sẽ được đem đi, và một sẽ bị để lại".

Vì vào giờ ấy sẽ có sự phân biệt rẽ đôi giữa loài người bề ngoài xem ra giống nhau. Chỉ lúc đó mới thật sự xuất hiện sự xung khắc ghê gớm giữa họ: người này được cứu, người kia hư mất. Và dù không ai biết, người này đã ở trong ánh sáng và kẻ kia đã ngập trong tăm tối rồi. Đến lúc ấy mới chuẩn bị, mới ăn năn, mới xin can thiệp thì đã quá muộn.

3. Đứng trước giây phút chung cục cấp bách và thình lình như nước lụt đó, người tín hữu phải luôn tỉnh thức. Các câu 42 và 44 không cho ta biết phải tỉnh thức như thế nào mà chỉ nói: môn đồ Chúa hãy san sàng luôn vì đã được báo động. "Hãy tỉnh thức": mệnh lệnh đó kết thúc đoạn so sánh với lụt đại hồng thủy (c.42) và mở đầu một khai triển mới. Thật vậy, chủ đề tỉnh thức được lấy lại và minh giải qua những dụ ngôn cho thấy các hậu kết thực tiễn của việc chờ mong Chúa Kitô trở lại. Tỉnh thức chẳng phải là một thái độ nội tâm mơ hồ hay một nhân đức tiêu cực, cũng không có vẻ gì là một sự chờ đợi nôn nóng hay rối loạn cả. Đó là lòng trung thành với nhiệm vụ đã được giao phó (dụ ngôn người quản gia), là việc chuẩn bị đón Chúa Kitô trở lại (dụ ngôn mười trinh nữ), là yêu sách chu toàn trách nhiệm của mình (dụ ngôn các nén bạc), là bổn phận giúp đỡ các anh em hèn mọn nhất của Chúa Kitô.

4. Ý nghĩa dụ ngôn tên trộm (c.43) tự nó không khó hiểu. Cái tế nhị và khó khăn là vấn đề áp dụng dụ ngôn đó lúc ban đầu ở Đông phương, nơi trộm cắp hoành hành ban đêm, người ta thường rất sợ những cuộc thăm viếng như vậy lắm. Lề luật đã tiên liệu trường hợp gia chủ giết tên trộm nếu bắt gặp hắn đang đêm (Xh 22,2). Do đó, thay vì truy tầm nguồn gốc chủ đề tên trộm này trong những ám chỉ xa xôi, mơ hồ của Cựu ước (Gr 49, 4; G 24, 14), có lẽ nên nghĩ đến một vụ trộm vừa mới xảy ra tại địa phương - như động từ ở thì quá khứ muốn bảo (tất ông đã tỉnh thức và đã không để nhà bị đào ngạch). Chúa Giêsu dùng sự kiện đó để một lần nữa báo động cho các thính giả biết cơn khủng hoảng gần kề: hãy đề phòng để khỏi bị bắt chợt như gia chủ kia. Ông ấy đã không thể đoán trước; nhưng các ngươi, các ngươi chẳng được quyền nói: "Nếu tôi đã hay mọi chuyện". Vì đù không rõ ngày giờ, các ngươi vẫn biết tai biến sẽ tới bởi Ta đã báo cho hay. Như vậy ý nghĩa nguyên thủy của dụ ngôn này chắc hẳn trùng với ý nghĩa của dụ ngôn Noe.

Sự kiện trên giải thích một điểm có lẽ đã làm ta bỡ ngỡ là lối so sánh cuộc viếng thăm của tên đạo chích với cuộc trở lại của Con Người. Trọng tâm dụ ngôn không nằm trên lối so sánh đó, nhưng trên tính cách bất ngờ của biến cố. Một chuyện xảy ra không ai lường trước được. Vì vậy phải chờ đợi, cho dù chẳng biết thời cơ. Đàng khác, cần lưu ý rằng, đối với Kitô hữu, ngày trở lại của Chủ là một ngày vui chứ chẳng phải là một ngày tai biến.

Hình như ở đây truyền thống sơ khai đã mặc cho dụ ngôn này ý nghĩa ám dụ (và Kitô học). Ta thấy có dấu vết của việc chuyển từ dụ ngôn sang ám dụ khi so sánh Mc 13, 35:,"Các ngươi không biết lúc nào chủ nhà trở về " với Mt 24,42: "Các ngươi không biết ngày nào Chủ các ngươi đến." Ở đây cộng đoàn Kitô hữu đã áp dụng cho mình một dụ ngôn có ý nghĩa tổng quát hơn nhiều. Trong tình thế họ đang sống, trước sự trì hoãn của ngày Quang lâm, cộng đoàn đã hơi xê dịch trọng tâm dụ ngôn khi lấy tên trộm làm hình ảnh Con Người. Chúa Giêsu đã nhấn mạnh sự đột ngột của ngày Chung thẩm. Còn Kitô hữu sơ khai lại nghĩ tới Đấng sẽ đến phán xét vào ngày cánh chung. Chủ sẽ đến, đó là điều họ đoan chắc, nhưng Người sẽ đến thình lình. Thành ra phải không ngừng thức tỉnh.

Ta biết hình ảnh tên trộm ấy được Tân ước nhắc lại nhiều lần. Chắc chắn nó phát xuất từ dụ ngôn này, bởi vì các bản văn Do thái giáo nói về ngày cánh chung không hề dùng đến nó. Thế mà trong 1Tx 5, 2-4 cũng như 2Pr 3,10, chính Ngày của Chúa theo nghĩa Cựu Ước (x. Am 5,18), tức là ngày sau cùng, (được so sánh với một tên trộm Ngày ấy bắt chợt mọi người, tín hữu cũng như lương dân; chỉ có những ai săn sàng mới không bị chộp thình lình. Như vậy, dụ ngôn đã được hiểu theo ý nghĩa Chúa Giêsu muốn. Tuy nhiên, trong Khải huyền (3,3; 16,15), Chúa Kitô đến như một kẻ trộm, và Người chỉ báo động cho Kitô hữu thôi. Chúng ta gặp lại ở đó ý nghĩa mà Giáo Hội sơ khai đã tìm thấy trong dụ ngôn.

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

"Thiên hạ cứ ăn uống": Lụt đại hồng thủy xảy đến vì nhân loại đã hoàn toàn sa đọa. Nhưng ở đây Mt không chủ ý nhắc đến sự đồi trụy có tính cách truyền kỳ của thời Noe; ông chỉ muốn nói đến đời sống bình thường của con người. Điều bản văn muốn nhấn mạnh là: một đời sống hoàn toàn tự nhiên như thế, không trái gì với luật Thiên Chúa, chẳng đồi trụy chút nào, vẫn không hề làm cho người ta tưởng nhớ đến ngày phán xét. Vậy mà, chính trong những điều kiện như thế, cuộc chung thẩm sẽ bất ngờ xảy ra.

 

"Một sẽ được đem đi, và một sẽ bị để lại”: Được đem đi có nghĩa là được đem về Nước Trời, và bị để lại có nghĩa là bị hư mất mãi mãi.

KẾT LUẬN

Lời Chúa Giêsu khẳng quyết ta không thể biết đâu là ngày giờ tận cùng như muốn bảo chúng ta đừng tính toán, giả định thời gian Người đến. Mối hy vọng Người trở lại đừng biến thành một sự chờ mong nôn nóng, song như là niềm xác tín rằng: Đấng đã và đang đến sống giữa các thân thuộc Người, sẽ ban cho cuộc đời con người và vũ trụ một ý nghĩa đích thực, để Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người (1Cr 15, 24-28).

Nhưng được giải tỏa khỏi thắc mắc "khi nào và làm sao", Kitô hữu lại càng phải sống như thể ngày đó gần kề. Trong ý nghĩa này, bản văn không mời gọi ta luôn ngước mắt về trời cho bằng hãy quan tâm đến những bổn phận thường nhật mà Chủ bảo phải làm. Ngày giờ tận cùng càng bí ẩn bao nhiêu, thì sự tỉnh thức càng khẩn thiết bấy nhiêu. Lời kêu gọi của các Tin Mừng: "Hãy sẵn sàng? Hãy tỉnh thức" phải vang dội trong tâm khảm những ai đang đón chờ ngày hội ngộ lớn lao đó, không như một mối ám ảnh về ơn rỗi riêng tư, nhưng như một đòi hỏi trung thành với nhiệm vụ Chủ đã trao phó.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Bên ngoài, không có gì phân biệt hai nông dân đang làm việc ngoài đồng và hai bà đang xay bột. Nhưng trước mặt Thiên Chúa, có một cái phân biệt họ, đó là thái độ nội tâm. Một người thuộc về số những kẻ không ngờ được chuyện gì, người kia thuộc về số biết rõ. Người thì chỉ lưu ý đến cuộc sống, dự định của mình, kẻ kia. quan tâm đến Thiên Chúa và ngày Ngài trở lại. Một chỉ nghĩ đến công việc riêng tư còn người kia làm việc trước mặt Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng hiện diện trước mặt họ y như công việc họ đang làm. Người thì ngủ, kẻ lại tỉnh thức. Lời này chiếu dãi ánh sáng trên cuộc sống hằng ngày của ta. Cái quan trọng không phải là việc làm nhưng là cách làm.

2. Lời khuyên tỉnh thức chờ mong Chúa Giêsu đến không chỉ nhắm vào thời sau cùng, nhưng còn nhắm tới việc Người đến trong đời mỗi người chúng ta: giờ chúng ta chết. Không ai hay được giờ ngày mình chết, chẳng ai biết cách tính toán, dự phòng. Giờ chết có thể đến thình lình, bất ngờ, đang lúc làm việc ngủ nghỉ, hay giải trí. Việc chuẩn bị chết cũng là việc chuẩn bị ngày Quang lâm. Nếu thật sự quan tâm đến tính cách bất ngờ và bí ẩn của giờ đó, nếu sẵn sàng luôn luôn, ta sẽ có một thái độ thực sự Kitô giáo để đón chờ Chúa đến.

3. Chúng ta, người tín hữu, đang sống trong một thế giới mà đối với nó, niềm xác tín việc Chúa Kitô trở lại với bao hậu quả kèm theo chẳng có một ý nghĩa gì. Thế giới quanh ta không chống cũng chẳng bênh việc trở lại đó; họ không hay biết điều ấy; họ cho là ảo tưởng, hão huyền. Niềm xác tín của chúng ta bị xem là dị thường, kỳ lạ; đức tin chúng ta vẫn luôn bị đồng hóa vào một thứ mê tín lỗi thời. Thế gian có lẽ chấp nhận sự hiện hữu của Giáo Hội như một tôn giáo tổ chức chặt chẽ, khả dĩ phục vụ được nhân loại trong vài vấn đề nhất thời hơi quá sức con người; thế gian thừa nhận Giáo Hội xét như Giáo hội giống với nó và đồng hóa với nó, nhưng ý nghĩa sâu xa của Giáo Hội là nhắc nhở và chuẩn bị ta chờ đón Chúa đến thì thế gian không bao giờ hiểu được. Thành ra thật là vô ích khi người tín hữu đi tìm trong thế gian và trong não trạng hiện thời những lý do để tin vào Chúa Giêsu và tin vào ngày Người trở lại; thế gian luôn bất lực, ngay cả trong nhung mộng ước, dự định điên rồ nhất và cuồng loạn nhất của nó. Vì thế, Chúa đã nhấn mạnh: "Hãy tỉnh thức, hãy sẵn sàng". Người biết rõ rằng đời sống thường nhật với bao nhiệm vụ gia đình và xã hội, cũng như não trạng đang sinh động nhân loại quanh ta, không thể giúp gì cho ta trong chuyện ấy; hơn nữa, ta thường xuyên bị lôi kéo vào sự vô ý thức chung, vào sự mê ngủ thiêng liêng toàn diện. Đôi khi ta đau khổ, lắm lần ta bỡ ngỡ vì tình trạng đó; song đừng viện cớ ấy mà thoái thác và làm phai nhạt trong ta niềm xác tín ngày Chúa trở lại.

4. Suốt Mùa Vọng này, Chúa sẽ tỏ mình cho mỗi người chúng ta. Đấy là điều chắc chắn: Chúa sẽ thông ban chính mình cho kẻ tìm Người qua sự bằng an nội tâm sâu xa hơn, một đức ái thực sự hơn, một sức can đảm mạnh mẽ để đương đầu với trách nhiệm hơn. Ta hãy chú ý và tỉnh thức để bắt gặp giờ của Người; giờ ấy sẽ làm cho ta nếm được tình yêu đích thật của Người và củng cố niềm tin của chúng ta vào việc Người đến lần sau hết.