Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa
CON YÊU DẤU
Suy Niệm của Lm Nguyễn Bình An

Ngày 16 tháng 10 năm 1995, khoảng 400 ngàn người da mầu về thủ đô Hoa Thịnh Đốn tham dự ngày “Million men march”. Cả thế giới đứng tim vì nghĩ rằng sẽ có bạo động. Nhưng thực tế đã khác hơn dự đoán. Không riêng gì ông Louis Farakhan, mà cả cộng đồng dân gốc Phi-Mỹ đều cảm thấy bất ổn và tự ti vì sắc dân của họ. Nhiều gia đình và con cái bị bỏ rơi.

Tội ác tăng trưởng quá nhanh trong cộng đồng da đen. Tỷ số thanh thiếu niên bỏ học rất cao, hút sách nhiều và tù tội quá lố. Khu phố họ sống rất tệ rạc, ồn ào và thiếu vệ sinh. Công việc họ làm nặng nhọc mà lương bổng thấp. Họ thẳng thắn nhận diện khuyết điểm và quyết danh tân. Họ đã thức tỉnh, họ đã biết tự trọng, họ can đảm nhận trách nhiệm và họ được tái sinh khi quyết canh tân.

Ông Farakhan thách thức các chủ gia đình “hãy về thay đổi lối sống, hãy về chăm chỉ học hành, hãy về chăm sóc gia đình, hãy về chứng tỏ niềm tin của mình nơi Maisen, nơi Giêsu và nơi Mohamet”. Thính giả nhiệt tình hưởng ứng và ai nấy đều ra về trong một tinh thần mới : thống hối, canh tân, tự trọng và thăng tiến. Với thành quả trên, ông Farakhan đã trở nên một lãnh tụ quan trong và nổi tiếng. Vì ông đã tranh đấu cho bình đẳng, tự do và nhân quyền. Vì ông đã kêu gọi cộng đồng người da đen hãy tự trọng, tự cứu mình, tự xây dựng tương lai và nhất tề tạo cho mình một thế đứng hiển hách và oai phong trong cộng đồng nước Mỹ và trên thế giới. Tinh thần của ngày “một triệu người diễn hành” chính là hướng đi và cái mốc tối của mỗi tín hữu khi Giáo hội cử hành biến cố Đức Kitô chịu phép Rửa tại sông Jordan.

Đức Kitô không thị hiếu như một số người đi ngó xem Gioan Tẩy giả làm gì, sống ra sao và giảng dậy thế nào ! Ngài khiêm tốn nối đuôi những người thiện chí đến xin Gioan cử hành phép Rửa thống hối như một quyết tâm trước khi lên đường làm sứ mạng. Gioan đã sững sờ khi nhận ra Ngài trong đám đông và hoảng hốt thân thưa: “Xin Thầy rửa tôi, tôi đâu dám rửa thầy !” và Đức Kitô khiêm tốn trả lời: “hãy chu toàn bổn phận của ông, chúng ta phải thực thi ý Chúa và giữ trọn luật.” Đức Kitô đã không cho là hèn, là tầm thưởng, là ngoại lệ khi khiêm tốn đến với Gioan. Tâm tình vâng phục và khiêm hạ này đã làm Chúa Cha hài lòng và cảm động khi ban Thánh Linh và công khai tuyên dương: “đây là Con dấu yêu của Ta, hãy nghe lời Ngài”.

Vì Ngài vâng phục, xả thân, quên mình và coi bản thân Ngài như kém Gioan một bậc, dù Ngài đã dựng nên Gioan, nên Chúa Cha đã nhủ chúng ta vâng lời và theo gương Ngài. Có lẽ chúng ta đã đọc sách thánh và nghe lời giảng dậy hay chia sẻ Lời Chúa nhiều lần. Có lẽ tâm chúng ta đã bị đánh động và quyết tâm vài lần. Có lẽ chúng ta đã có những dự án hay chương trình hành động. Nhưng tình trạng dậm chân tại chỗ, với cuộc sống tầm thường hay sút kém là dấu chỉ chúng ta chưa cố gắng đủ để vượt qua các hy sinh, chướng ngại, khó khăn và chưa thoát ra cái vỏ sò cứng ngắc hay cái tôi nhiễm đặc : “tham sân si" đang giam cầm và gậm hấm chúng ta.

Ngoan hiền trong thánh đường, nhu mì khi đến toà Hòa giải, sốt sắng khi lên rước Chúa, rộng lượng khi dâng cúng là những dấu hiệu khởi sắc và đáng khuyến khích, nhưng chưa đủ. Chúng ta không được dừng lại ở đó. Hãy đem đạo vào đời, vào công sở, vào thương trường, vào nghề nghiệp và nhất là hãy sống đạo trong khuôn viên gia đình và trong các sinh hoạt tôn giáo. Hãy để ngũ thường “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” có cơ hội trưởng thành, phát triển và sinh hoa trái. Việc tu thân đã hoàn tất và tề gia đã ổn định, chúng ta sảng khoái bước sang lãnh địa trị quốc và tự tin giang tay bình thiên hạ. Cuối cùng chúng ta sẽ như Giêsu trở thành những người con dấu yêu của Chúa Cha, được sai đi làm sứ mạng cứu nhân độ thế và làm chúng nhân cho công bình, bác ái, yêu thương và tự do giữa nhân gian.

Nguồn: NS Dân Chúa Mỹ Châu