Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa
PHÉP RỬA CỦA CHÚA GIÊSU
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

CÂU HỎI GỢI Ý

1. Matthêu mô tả gì trong phép rửa của Chúa Giêsu: cảm xúc tôn giáo? thị kiến? kinh nghiệm về một trật tự khác? Việc Thần khí xuống "như một chim câu (c.16) và lời nói của "tiếng từ trời có ý nghĩa gì trong hậu cảnh Cựu Ước và đối với hôm nay?

2. Việc Thần khí tấn phong Chúa Giêsu làm Messia và tiếng nói từ trời soi sáng thế nào lời gian Tẩy giả công bố về việc hối cải và Nước Trời gần bên (3,2), lời mà Chúa Giêsu lấy lại sau đó (4,17)? Làm sao cho thiên hạ nghe lời công bố ấy hôm nay? Và từ đoạn văn này, ta rút ra được điều gì giúp hiểu về phép rửa trong Giáo Hội?

3. Chúa Giêsu phủ nhận quan niệm của vị Tẩy Giả về Nước Trời và về cuộc giáng lâm của Đấng Messia trên điểm nào?

4. Làm sao giải thích thái độ Chúa Giêsu đến xin chịu phép rửa?

*******

1. Việc rao giảng của Gioan Tẩy Giả dẫn ta đến phép rửa của Chúa Kitô, trung tâm đích thực của các trình thuật chương 3- 4. Về phép rửa này, Tin Mừng Nhất Lãm cống hiến cho ta 3 bản văn song song rất giống nhau. Thế nhưng đoạn văn của Matthêu lại thêm vào trình thuật một mẩu đối thoại ngắn giữa Gioan và Chúa Giêsu, một mẩu đối thoại rất có ý nghĩa xét trong nhãn giới của ông. Rồi đây chúng ta sẽ thấy nó ý nghĩa chỗ nào.

2. Khi chấp nhận liên đới với kẻ tội lỗi, Chúa Giêsu tỏ ra muốn phản đối quan niệm của vị Tẩy Giả về Nước Trời và về cuộc giáng lâm của Đấng Messia: thay vì xuất hiện như Thẩm phán cánh chung đến quét sạch sân lúa trong cơn Hỏa nộ, Chúa Giêsu lại tự hủy trong dòng nước Giođan. Trình thuật Matthêu như thế kín đáo ám chỉ cuộc Tử nạn, qua việc đồng hóa Chúa Giêsu với người Tôi tớ Giavê (Is 42,1; x. Mt 3,17), Đấng đã gánh lấy mọi yếu hèn của ta (Is 53,4; x. Mt 8,17). Chính trình thuật Tử nạn của Chúa Giêsu (27,45-56) cũng chứa đựng nhiều yếu tố của cảnh này, như chúng ta sẽ thấy về sau khi nghiên cứu cuộc Khổ nạn.

3. Thuộc văn thể nào cái trình thuật về thị kiến khai mạc của chúng ta đây, một trình thuật xem ra không mô tả một quang cảnh thấy được bên ngoài, cũng chẳng tỏ cho biết một kinh nghiệm tâm lý hay một mặc khải bên trong của Chúa Giêsu? Trước hết, trình thuật có chủ ý thần học; nó biểu lộ mối ưu tư của các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên muốn diễn tả niềm tin của họ vào Chúa Giêsu như vào kẻ đến thỏa mãn lòng mong đợi Đấng Thiên Sai, và muốn biện minh cho thái độ khó hiểu của Chúa Giêsu khi đến xin Gioan làm phép rửa. Trình thuật có những nét tương tự với các cuộc "thần hiện " (tỏ mình của Cứu Chúa) hay với những cảnh "kêu gọi ngôn sứ", thường thấy trong Cựu Ước. Nhưng đúng hơn, nó thuộc về một văn thể khác mang tính chất khải huyền, mà ta có thể gọi là văn thể "thị kiến giải thích" (vision interprétative), thường được dùng trong các Targumim. Thật vậy, các Targumim liên hệ đến lịch sử tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp, đều soi sáng lạ lùng trình thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa của chúng ta.

4. Trình thuật này có lẽ có có liên hệ với kinh nghiệm phép rửa Kitô giáo mà Matthêu sẽ đề cập vào cuối Tin Mừng của ông (28,19). Người chịu thanh tẩy "đi lên" khỏi nước sự chết, đón nhận Thần Khí và tỏ mình ra như "Con chí ái" của Chúa Cha, trước khi được dẫn cùng với Chúa Giêsu vào hoang địa thế gian, hầu chịu thử thách cùng chu toàn phận vụ trong đó.

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

"Bấy giờ" (c. 13), một tiếng thường gặp trong Matthêu, ở đây tương đương với một công thức chuyển mạch thuần túy. "Xuất hiện" cũng là động từ Matthêu đã dùng để đưa Gioan Tẩy Giả nhập cuộc (3,1): ông tái nhấn mạnh mối tương quan mật thiết giữa Gioan và Chúa Giêsu vậy. "Bỏ Galilê”: Matthêu không đề cập đến Nadarét mà ông đã nói tới ở 2,23. "Để chịu thanh tẩy": mục đích rõ ràng của Chúa Giêsu. Matthêu minh bạch đặt vấn đề Chúa Giêsu chịu rửa, trước khi trả lời trong các câu kế tiếp.

Cuộc đối thoại giữa Gioan và Chúa Giêsu (cc. 14-15), mà chỉ Matthêu có, phản ảnh một khuynh hướng hộ giáo. Việc Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu đã sớm gây nhiều khó khăn cho Kitô hữu (so sánh Lc 3,21tt; Ga 1,29-34; Tin Mừng người Hy bá). Các khó khăn đó như thế này:

(1) Các vai trò xem ra đảo ngược, trái ngược với điều chính Gioan loan báo khi ông tự tuyên bố mình không đáng mở dây giày cho Đấng Messia tương lai;

(2) Phép rửa của Gioan, có việc thú tội kèm theo (3,6) được các tội nhân đón nhận, vậy Chúa Giêsu, khi cúi mình chịu, phải chăng cũng ý thức mình là tội nhân. Cuộc đối thoại giữa Gioan và Chúa Giêsu đem lại câu trả lời cho khó khăn thứ nhất, trong lúc cuộc thần hiện tiếp theo phép rửa làm giảm khó khăn thứ hai.

Gioan (c.14) nhận thấy bổn phận chuẩn bị cho Chúa Kitô đến giờ đây chấm dứt; lúc này tới phiên ông chịu rửa "trong Thánh Thần và lửa" (c. 11) và Chúa Giêsu phải là người ban phép. Nhưng Chúa Giêsu trả lời (c.15) rằng cần phải tuân theo thánh ý Thiên Chúa. Tiếng prepon (do động từ prepoin "thích hợp", và gán tương đương với dei: phải) diễn tả sự bắt buộc do thánh ý Thiên Chúa. Đoạn văn gần giống bản văn chúng ta là Dt 2, 10 (so sánh với Lc 7,30). ở đây có hai tiếng quan trọng, đặc biệt của thần học Matthêu: plêroun (làm trọn; thực hiện; hoàn thành; kết thúc) và dikaiosunê (sự công chính). Thông thường, plêloun có nghĩa là "làm trọn", theo nghĩa chấp hành tốt lề luật chẳng hạn. Nhưng trong Matthêu, nghĩa của nó phong phú hơn nhiều. Nếu dự đoán được những kết luận của cuộc phân tích Mt 5,17, ta sẽ hiểu rằng việc "làm trọn" ở đây (có hai nghĩa “bảo tồn và kết thúc”, “duy trì và kiện toàn”. Sở dĩ Chúa Kitô, khi chịu phép rửa bởi Gioan, "đã làm trọn" sự công chính, đó là vì Người vừa cúi chịu vừa siêu hóa và bày tỏ ý nghĩa tròn đầy của phép rửa ấy; cử chỉ của Người mặc khải điều đã được chứa đựng cách bất toàn trong việc người Israel cúi mình chịu phép rửa của Gioan vậy.

Tiếng thứ hai, "hệt nghĩa công chính" (Matthêu rất ưa dùng, nhất là trong Diễn từ trên núi). Trong văn mạch chung của tư tưởng tôn giáo và tư tưởng xã hội Hy bá (cả hai chỉ là một), tiếng này chỉ sự hoàn thành thánh ý Thiên Chúa; sự tuân thủ Lề luật Giao Ước dưới mọi đòi hỏi yêu sách. Việc Matthêu dùng ý niệm "công chính" nằm trong truyền thống thần học của Israel: con người trở nên công chính khi, nhờ ý thức sâu sắc về sự siêu việt và thánh thiện của Thiên Chúa, họ cố gắng sống phù hợp với tôn ý Ngài. Nhưng tại sao Thiên Chúa đã quyết định là Đấng Messia của Ngài phải nhận phép rửa của Gioan và tỏ mình như kẻ có tội? Bản văn không đưa ra một lý do sáng sủa nào để giải thích ý định thần linh lạ lùng này, trừ ra lời ám chỉ mập mờ về việc “hoàn thành mọi nghĩa công chính". Nhưng toàn thể Tân Ước có gợi lên hai lý do của đòi hỏi ấy.

Lý do thứ nhất, được nhiều nhà chú giải nhấn mạnh dựa vào Mt 20,28 và 26,28, có thể phát biểu như thế này: Chúa Giêsu phải xóa hết tội lỗi của "nhiều người". Cv 8,32-35, trích Is 53,7-8, cho thấy Chúa Giêsu như là Tôi tớ Giavê chịu đau khổ vì tội dân mình, mặc dầu chính Người không vương mắc tội Phaolô còn minh định giáo thuyết ấy hơn: qua việc nhập thể, Chúa Giêsu đã mang lấy "một xác thịt giống xác thịt tội lỗi (Rm 8,3), Người đã trở nên chi thể và thủ lĩnh của một nhân loại tội lỗi. Thành ra mặc dầu chẳng phạm tội, Chúa Giêsu cũng phải cúi chịu phép rửa thống hối vì đã muốn liên đới với mọi tội nhân (2 Cr 5, 21; Dt 2, 14- 17).

Nhưng ta có thể thấy một lý do thứ hai trong phép rửa của Chúa Giêsu, hay đúng hơn là lý do đầu, song nhìn dưới một hình thức hơi khác. Lý do ấy không nhấn mạnh đến sự đồng hóa Chúa Giêsu với tội nhân cho bằng đến việc Người đồng hóa với các tội-nhân-hối-cải. Thật vậy, đối với người Do Thái, lãnh nhận phép rửa của Gioan là một yêu sách công chính, theo nghĩa là họ phải dùng nghi thức đó mà biểu lộ sự thống hối của mình, biểu lộ lòng ước muốn trở về với Giavê và sống trung thành hơn nữa với những đòi hỏi của Giao Ước. Xét về cơ bản thì sự công chính Kitô giáo, như Matthêu hiểu, đồng nhất ý nghĩa với sự công chính của Giao Ước cũ (nhưng cũng siêu hóa nó): đó là trung thành với các yêu sách của Giao Ước mới, là thần phục Luật mới của Chúa Kitô chương 5-7). Như thế, khi "làm trọn hết nghĩa công chính" là Chúa Kitô lấy thái độ trung thành với Giao Ước của những người Israel "công chính" làm của mình, đồng thời đưa lòng trung thành đó lên tới tuyệt đỉnh hoàn thiện. Đấy chính là ý nghĩa đặc biệt của phép rửa Chúa Kitô, một phép rửa trong đó Người trở nên liên đối với dân Người đang quay đầu trở lại. Qua phép rửa, Chúa Kitô kéo hết thảy những kẻ tin đi với mình và trong mình về tùng phục lại Chúa Cha; lòng tùng phục thảo hiếu này Người sẽ bày tỏ cách đặc biệt sáng ngời trong cuộc Tử nạn. Thành ra phép rửa của Chúa Giêsu đã là dấu chấp nhận trước cuộc Tử nạn (26,39), sự hoàn thành mọi lẽ công chính. Lời đầu tiên của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthêu tóm tắt cả cuộc đời Người vậy.

Các câu 16-17 trình bày sự kiện một cách gọn gàng, đơn giản. Điểm được chú trọng là biến cố thần hiện, trung tâm của tất cả phần này. Matthêu đã nhấn mạnh rằng việc thụ thai Chúa Giêsu là công trình của Thánh Thần (1,18-20), nay ông lại cho thấy sứ mệnh Người không có nguồn gốc nào khác hơn. Chính lúc Chúa Giêsu tỏ ra vâng lời và tự hạ, thì Người được xác nhận như là ngôn sứ và Messia, nghĩa là như Thẩm phán cánh chung (mặc dầu việc tỏ mình như Thẩm phán được hồi lại vào ngày Quang lâm). Thật thế, chính sự hạ mình như là Con được Cha sai đã làm cho người trở thành Thẩm phán cánh chung, vì chính trong sự xóa mình, sự tự hủy ấy (kénose, theo cách nói của Phaolô) mà trời đến gần đất.

“Trời mở ra": Matthêu dùng cũng một động từ như Isaia đã dùng trong một đoạn thời danh: "Ước gì Ngài xé trời Ngài xuống" (Is 63,19. Bản 70): Niềm hy vọng thiên sai diễn tả qua miệng ngôn sứ bây giờ được thực hiện vậy.

“Người thấy Thần khí Thiên Chúa". Việc Chúa Cha chấp nhận sự tùng phục của Chúa Con được biểu lộ rõ ràng qua việc Thần khí đáp xuống và nhất là qua "tiếng nói từ trời". Như thế phép rửa có vẻ là cuộc tấn phong Chúa Giêsu làm vua và Messia, vì Thần khí Người lãnh nhận là Thần khí đã ngập tràn các ngôn sứ và vua chúa để ban cho họ khả năng thi hành nhiệm vụ; nhưng hơn hẳn các nhân vật quá khứ, Người lãnh nhận Thần khí một cách dư đầy. Chính Isaia đã từng tiên báo như thế về Đấng Messia: "Sẽ đậu trên Người Thần khí Giavê, Thần khí khôn ngoan và trí tuệ, Thần khí mưu lược và anh dũng, Thần khí hiểu biết và kính sợ Giavê"(Is 11,2). Ngôn sứ Gioel cũng đã tiên báo: thời Đấng Messia tới sẽ được đánh dấu bằng việc tuôn tràn Thần khí cho mọi người (3, 1-2), việc tuôn tràn này bắt đầu từ sông Giođan nhưng sẽ đạt đến mức độ viên mãn trong ngày Hiện xuống.

"Người thấy Thần khí Thiên Chúa đáp xuống như chim câu”: Trong Do thái giáo, chim câu không hề được coi là hình ảnh của Thần khí, thế nhưng một vài bản văn các giáo sĩ có so sánh chuyển động của Thần khí Thiên Chúa với cử chỉ của một con bồ câu "bay chập chững trên bầy con mà không đụng tới chúng"; Thần khí cũng "bay là đà" trên nước nguyên thủy như vậy (St 12). Trọng tâm so sánh nằm ở chỗ nhấn mạnh tới thần tính của Thần khí (Thần khí chẳng phải là một mãnh lực mưu xuất từ thiên nhiên hay con người, song là một hữu thể siêu việt), lẫn tính cách dịu dàng, gần gũi của hoạt động Ngài. Bản văn Matthêu, như Maccô, không gợi lên hình dáng (Lc) cho bằng cách thức mà Thần khí đột hiện và tác động trên Chúa Giêsu. Trạng từ ngữ “hơi như (hôsei) chim câu" bổ nghĩa cho động từ "xuống" chứ không cho danh từ "Thần khí".

"Người này là Con Ta": Tiếng phán ra là tiếng Chúa Cha; tiếng ấy lấy lại lời khẳng quyết của Tv 2,7: "Con là con Ta, hôm nay Ta đã sinh con"; nó cũng lấy lại lời Giavê ngỏ cùng người Tôi tớ đau khổ sẽ thể hiện ơn cứu độ cho thân thuộc mình: "Này đây Tôi tớ của Ta mà Ta nâng đỡ Tuyển nhân của Ta mà Ta sủng mộ. Ta đã ban Thần khí Ta trên Người..." (Is 42, 1). Cũng có thể đối chiếu lời công bố của Thiên Chúa với nhiều bản văn Cựu ước trong đó Giavê gọi Israel là "con" Ngài (Xh 4, 22; Hs 11,1 v.v...) và một lần nữa kết luận rằng Matthêu muốn cho thấy Chúa Giêsu là Israel mới. Trình thuật Cám dỗ (4, 1-11) sẽ củng cố hơn nữa việc song đối này.

Công thức "Người này là Con chí ái Ta, kẻ Ta sủng mộ" được lấy lại từng chữ trong trình thuật Biến hình (17,5). Chắc hẳn Matthêu muốn thiết lập một sự tương đồng có tính cách thần học giữa hai biến cố. Thật vậy, cũng như cuộc biến hình là thể hiện trước việc tôn vinh Chúa Kitô khi Người sống lại tôn vinh là kết quả của tự hạ trong Khổ nạn), thì sự phê chuẩn của Chúa Cha và việc đổ đầy Thần khí cũng loan báo, theo cách thức riêng, việc tôn vinh Chúa Kitô (tôn vinh sẽ là kết quả không những của cuộc Tử nạn mà còn của cả đời sống tự hạ, bắt đầu từ việc hạ mình ngày chịu phép rửa). Hết thảy những điều này xác nhận rằng cảnh phép rửa thật là một cuộc thần hiện, y như cuộc biến hình, hơn là một thị kiến của riêng Chúa Giêsu. Cuộc thần hiện này nhắm tới các độc giả Tin Mừng đã trở thành môn đồ Chúa Giêsu (vì Matthêu không đề cập tới đám đông nào hết), y như cuộc Biến hình chỉ dành riêng cho 3 môn đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan thôi vậy.

KẾT LUẬN

Cơ cấu văn chương và thần học của tất cả phần này (ch.3-4) chỉ cho thấy nên tìm giáo huấn chủ yếu của các chương ở ngay trung tâm của chúng là 3,16-17. Thần khí Thiên Chúa xuống trên Chúa Giêsu và thánh hiến Người, không những như Ngôn sứ-tôi tớ, mà còn như kẻ hiện thân cho Nước Trời, vì Người là Đấng Messia thiên hạ đợi trông. Trong Chúa Giêsu, trời xem ra nối liền với đất, vì trong Người "Nước Trời đã gần bên" (3,2). Từ nay mọi cái đều hội tụ về Chúa Giêsu, và mỗi người đều được kêu mời nghe tiếng phán từ trời, tiếng ban ý nghĩa cho những gì xảy ra; từ nay Chúa giàu có bổn phận làm cho cuộc sống, ngôn ngữ, cử chỉ Người trở nên tiếng nói Chúa Cha ngỏ với nhân loại.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Phép rửa của Chúa Giêsu cho ta thấy Người muốn sống đời mình theo viễn tượng nào, muốn được sinh động bởi não trạng nào, muốn hành động theo phương cách nào. Người đứng về phía các tội nhân mà Người đến tha thứ và cứu vớt. Người mong biến đổi nhân loại, nhưng là từ bên trong, bằng cách chia sẻ thân phận nghèo hèn và khốn khổ của họ, hơn là từ bên ngoài, bằng xét xử phán đoán. Người từ chối thống trị, chinh phục với vũ lực, bắt buộc người ta phải thừa nhận Người. Từ đầu sứ vụ Người cho thấy chỉ muốn cứu nhân loại bằng cách tự hủy mình cho đến chết trên Thập giá. Kitô hữu nào dự định thực hiện cuộc giải phóng con người cũng phải chấp nhận các phương pháp như trên.

2. Lúc Chúa Giêsu chìm dưới dòng nước sông Giođan, nghĩa là trong vũ trụ của các tội nhân, dưới tận đáy khiêm nhượng, thì Chúa Cha đến gặp Người và đặt Người làm “Kitô và Chúa” (Cv 2, 33): ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.

3. Chúa Giêsu muốn liên đới với con người trong nỗi khốn cùng và sự yếu hèn của họ. Người muốn đợi chúng ta chính nơi đó. Vì thế đừng luống công làm ra vẻ quan trọng, tự đắc, cho mình xứng đáng với tình yêu của Người. Chính trong đáy vực sâu tội lỗi mà Người gặp gỡ và phục hồi ta.

4. Ai chịu thanh tẩy là đi vào đời sống nghĩa tử với Chúa Giêsu: người ấy được làm con cái Thiên Chúa theo cách riêng của mình và cũng nhận được Thần khí Chúa Cha và Chúa Con.