Chúa Nhật XXIII thường niên - Năm A
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN A
Lm Giuse Đinh Tất Quí

"Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.

Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dười đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ".

1. Hãy cẩn thận

Đức Giám Mục Amolas đi thăm mục vụ một làng nọ, dân làng kéo nhau đến tố cáo vị ẩn sĩ trên núi, vì ông ta đem theo một phụ nữ chung sống.

Từ lâu dân làng này đã đàn tiếu, chỉ trích và kết án vị ẩn sĩ đó. Họ trình lên Đức Giám Mục:

- Xin Ngài chấm dứt ngay tình trạng sa đọa bê bối và gây nhiều gương xấu của vị ẩn sĩ đó.

Nghe những lời kết án gay gắt của dân làng, Đức Giám Mục quyết định đến với vị ẩn sĩ. Và dân làng kéo theo Ngài.

Đức Giám Mục bước vào lều của người ẩn sĩ. Ngài đưa mắt nhìn quanh rồi bảo dân chúng lục soát. Họ không thấy bóng dáng người phụ nữ đâu vì bà đi chợ mua thức ăn, nên Ngài bảo họ:

- Các ngươi hãy quỳ xuống xin Chúa tha lỗi, vì đã nói xấu và kết án vô cớ.

Và sau khi dân làng đã xuống núi, Đức Giám Mục cầm đôi tay vị ẩn sĩ và âu yếm nói:

- Cha nghe dân làng tố cáo con chung sống với người phụ nữ nào đó.

- Thưa có. Người đó chính là chị ruột của con.

Đức Giám Mục liền khuyên:

- Nhưng con phải cẩn thận, kẻo người ta hiểu lầm mà làm thiệt hại cho Hội Thánh.

Hai thái độ hoàn toàn khác nhau. Dân làng thì phê bình, chỉ trích, kết án, còn Đức Giám Mục Amolas đã áp dụng đúng lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin Mưng hôm nay. Ngài đã tìm cách đem vấn đề mọi người bàn tán thành vấn đề cá nhân để giúp anh em: "Nếu người anh em con trót phạm tội, con hãy đi sửa lỗi nó, một mình con nói với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe thì con đã được món lợi là người anh em con." (Mt. 18,15).

Hơn nữa, ngài đã không ứng xử như người có thẩm quyền. Trái lại, ngài dùng thẩm quyền mình mà bảo vệ danh dự cho anh em, để rồi ngài khuyên bảo một cách hết sức tế nhị và đầy lòng yêu thương.

Câu chuyện trên đây chính là bài học quý giá cho Kitô hữu chúng ta. Nhiều khi chúng ta chỉ nhìn bề ngoài mà phê phán kết tội anh chị em chúng ta cách bất công.

Còn nếu anh chị em chúng ta có phạm tội thật thì chắc chắn chúng ta phải thương giúp sửa lỗi họ như Lời Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng hôm nay. Trước hết chúng ta giúp sửa lỗi cách âm thầm kín đáo để giữ thể diện cho anh chị em.

Khi nào cần thiết lắm, chúng ta mới nhờ đến người khác trợ giúp, nhất là nhờ nhiều người cầu nguyện: "Thầy bảo thật anh em: nếu ở dười đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ" (Mt. 18, 19-20).

(Theo "Góp Nhặt" 6,82).

2. Sám hối trở về

Nghe lời của bề trên và lời khuyên của bạn hữu, hai ẩn sĩ tội nhân đã quyết định vào sa mạc ăn chay đền tội, ngày đêm đánh tội ăn năn lỗi lầm của mình. Ngày ngày cộng đoàn ẩn sĩ mang thức ăn nước uống đến cho họ.

Sau một thời gian, các ẩn sĩ nhận thấy có sự khác biệt giữa hai người: một người thì khỏe mạnh vui tươi, còn người kia ốm o buồn phiền. Cả hai đến trình diện bề trên và cộng đoàn, để chờ phán quyết xem có đáng được trở lại cộng đoàn không. Khi hỏi trong suốt thời gian đền tội, họ đã suy niệm những gì. Người ốm yếu buồn sầu thưa:

- Ngày đêm con nhớ tội con đã phạm, nghĩ đến hình phạt con phải chịu. Con sợ hãi quá đến mất ăn mất ngủ.

Đến lượt người khỏe mạnh vui vẻ trình bày:

- Trong suốt thời gian đền tội, hằng ngày con nhớ những ơn lành Chúa đã ban cho con. Con luôn nghĩ đến tình thương hải hà của Chúa, vì Chúa là Đấng giàu tình thương và hay tha thứ.

Sám hối là khởi đầu của sự nên thánh. Không phải tất cả các Thánh là tội nhân, nhưng các ngài đều bắt đầu ý thức sâu sắc về tội lỗi và sự yếu đuối của mình, để rồi tin tưởng trông cậy vào tình yêu bao la của Thiên Chúa.

Lời đầu tiên Chúa Giêsu dùng để khai mạc sứ mệnh của Người là: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". Người đã nối kết lòng sàm hối và Tin Mừng. Tin Mừng là gì, nếu không phải là tình yêu của Thiên Chúa thể hiện qua con người của Đức Giêsu? Sám hối không chỉ lòng ý thức về tội lỗi mình. Sám hối đích thực không dừng lại ở buồn phiền, đau xót, sợ hãi, mà phải là đường dẫn đến Tin Mừng, là hoan lạc, vui mừng vì được Chúa yêu thương tha thứ. Và Thiên Chúa đã trao sứ mạng thương yêu tha thứ đó cho Hội Thánh, trong đó có chúng ta: "Thầy bảo thật anh em... dưới đất anh em tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy" (Mt. 18,18). Chính Chúa Giêsu đã công bố như thế trong Tin Mừng hôm nay. (Theo "Góp Nhặt" 6,16).

3. Hai hạt ngọc

Gia đình nọ có đứa con độc nhất, nhưng lại cứng đầu ương ngạnh. Cha cậu làm nghề đánh cá thường xa nhà. Vắng mặt cha, cậu thường vô lễ và không vâng lời mẹ. Người mẹ hết sức khuyên răn sửa dạy, nhưng cậu cứ tính nào tật nấy.

Một hôm cậu đi chơi, người mẹ đợi mãi đến khuya cậu mới về. Bà muốn dạy con một bài học để sửa mình, nên không mở cửa cho cậu vào. Bà nói:

- Con sẽ không được vào nhà, nếu con không tìm được cho mẹ hai hạt ngọc trong sáng nhất.

Cậu nhún vai, dửng dưng ra đi trong đêm khuya khoắt, nhưng cũng đành phải cố tìm hai hạt ngọc đem về cho mẹ để được vào nhà. Đi một lúc, cậu nhìn thấy hai điểm sáng, cậu mừng quýnh tưởng đó là hai hạt ngọc. Nhưng khi đến nơi, hai điểm sáng đó biến mất. Thì ra đó là đôi mắt con mèo. Và đây hai điểm sáng nữa, nhưng lại là ánh sáng mặt trăng chiếu xuống hồ nước. Cậu đi lang thang một lúc nữa, bỗng nhìn thấy có đốm sáng trên bãi cỏ, nhưng đến gần thì đó chỉ là những con đom đóm.

Đêm càng khuya, trời càng lạnh, bụng lại đói như cào, vừa buồn tủi, vừa ân hận, nước mắt chảy dài trên đôi má, cậu quyết định trở về nhà xin lỗi mẹ. Vừa gõ cửa, bà mẹ mở cửa ra, thấy cậu thì hớn hở thốt lên:

- Ô kìa! Hai hạt ngọc của mẹ đây rồi!...

Cậu con ngạc nhiên hỏi:

- Hai hòn ngọc đâu, thưa mẹ?

- Ở trên hai gò má con đó.

Đấy chính là những giọt nước mắt ăn năn sám hối.

Đời sống con người thường bị nguy hại do đủ thứ bệnh tật thể xác, nhưng trầm trọng và nguy hại hơn nữa là những căn bệnh mà cả bác sĩ chuyên môn tài giỏi cũng không chữa được. Đó là tội lỗi, là thói hư tật xấu của mỗi người. Cổ nhân nói thật đúng: "Nhân vô thập toàn", không ai hoàn hảo về mọi phương diện. Ai cũng có tật này lỗi nọ.

Tội lỗi làm lu mờ con mắt linh hồn, làm kiệt quệ ý chí. Cần phải nhờ người khác giúp đỡ sửa bảo mới có thể ăn năn hối hận. Cậu con này nhờ người mẹ khôn khéo sửa lỗi mới nhận ra lỗi lầm của mình. Đó là tình thương Chúa luôn mời gọi chúng ta ăn năn hối cải để được đổi mới. Đó cũng là sứ điệp của Lời Chúa trong các bài đọc Thánh Lễ hôm nay: "Nếu Ta bảo đứa gian ác: "Tên gian ác kia, nhất định ngươi phải chết, mà ngươi không nói để cảnh cáo nó phải từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó, đứa gian ác sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng còn máu của nó, Ta sẽ đòi ngươi" (Ed. 33,8).

Trong bài đọc hai, Thánh Phaolô nói với chúng ta: "Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại" (Rm. 13,10). Và trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu bảo chúng ta: "Nếu người anh em con trót phạm tội thì con hãy đi sửa lỗi nó" (Mt. 18,15)

(Theo "Phút cầu nguyện cuối ngày", tập 1)

4. Sửa lỗi cho nhau

Một phụ nữ làm việc ở một cửa hàng danh tiếng tuyên bố không theo tôn giáo nào cả. Cô nói với một vị linh mục:

- Thưa cha, tôi thấy những kẻ bê bối nhất cũng làm chung với tôi lại là những người Kitô hữu siêng đi nhà thờ,

- Đúng vậy. Trong số các Kitô hữu cũng có người tồi tệ như người ngoại đạo.

Cô ta ngạc nhiên hỏi:

- Thưa cha, như thế chẳng phải các Kitô hữu phải tốt hơn sao?

- Đúng thế. Đáng lẽ họ phải sống tốt hơn.

Cuộc đàm thoại ngắn ngủi trên đây khiến chúng ta phải suy nghĩ, phải nhìn lại bản thân chúng ta và anh chị em đồng đạo với chúng ta. Chúng ta có sống tốt hơn những người ngoại đạo không? Hay chúng ta bê bối hơn, như người nữ trên đây đã chứng kiến? Chúng ta thử xem xét ba trường hợp:

Một người bán vé xe nói với một ông bố: "Con trai ông có vẻ nhỏ tuổi. Ông trả tiền nửa vé thôi. Nếu chủ xe có hỏi, ông nói nó chưa tới 12 tuổi. Như thế, ông đỡ tốn tiền. Nếu anh chị em là ông bố đó, anh chị em sẽ nói gì với người bán vé đó?

Trường hợp thứ hai: Một người mẹ bắt gặp đứa con cầm cây kẹo mà biết nó ăn cắp. Chị em là mẹ nó, chị em sẽ làm gì?

Trường hợp thứ ba: Bạn nghe đứa bạn của con bạn nói: "Nếu mày cần hỏi câu nào trong ngày thi, mày cứ ra dấu". Nếu nó là con bạn, bạn sẽ bảo nó như thế nào?

Chẳng biết anh chị em sẽ giải quyết cách nào trong những trường hợp đó, nhưng cả ba bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay đều dạy chúng ta: người Kitô hữu không chỉ phải làm điều thiện mà còn phải giúp kẻ khác làm việc thiện, không chỉ phải lánh điều ác mà còn phải giúp kẻ khác tránh sự ác.

Trong bài đọc thứ nhất, Chúa phán bảo ngôn sứ Êdêkien:

"Nếu con không cảnh cáo kẻ xấu thay đổi cách sống của nó... Ta sẽ quy trách nhiệm cho con".

Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô bảo: "Nếu anh em thương mến kẻ nào, anh em sẽ không làm hại kẻ ấy".

Và trong Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy chúng ta: "Nếu anh em con phạm tội, con hãy đi sửa lỗi nó, một mình con với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe con, con đã được mối lợi là anh em mình. Còn nếu nó không chịu nghe, hãy đem theo một hai người nữa..." (Mt. 18, 15-16).

Để kết thúc, chúng ta nài xin Chúa giúp chúng ta thực hành Lời Chúa dạy hôm nay, trong suốt cuộc đời chúng ta.

(Theo Cha M. Link).

5. Xin thương xót con

Đức cha Fulton Sheen kể một kinh nghiệm sau đây:

Một bà viết thư cho tôi biết có người anh đang nằm chờ chết ở một bệnh viện. Ông ta đã bỏ đạo 30 năm. Ông còn đầu độc kẻ khác bằng cách quảng bá sách báo nghịch đạo. Đã có 20 Linh mục đến thăm ông nhưng đều bị đuổi khéo.

Một buổi tối, tôi tìm đến gặp ông, nhưng không được ở lại 5 phút. Thay vì chỉ đến một lần, tôi đã đến với ông 40 lần. Và chờ đến lần 40, tôi mới bàn việc linh hồn với ông:

- Này ông bạn, có thể đêm nay ông bạn sẽ ra đi.

Ông ta hồn nhiên đáp:

- Vâng, tôi biết.

- Tôi tin chắc ông bạn muốn làm hòa lại với Chúa.

Vừa nghe đến đó, ông ta thét lên:

- Ông cút đi. Tôi không bao giờ làm hòa với Chúa.

Tôi liền nói với ông:

- Nhưng tôi không đến một mình.

Ông ta liền thắc mắc:

- Vậy ông đến với ai?

- Tôi mang Chúa đến cho ông đây. Ông cũng muốn Người cút khỏi đây sao?

... Thật sự tôi mang Mình Thánh Chúa đến cho ông...

Ông ta không nói gì nữa. Thấy vậy, tôi quỳ xuống bên giường ông. Sau khi thầm thỉ cầu nguyện, tôi nói với ông:

- Này ông bạn, tôi tin chắc ông muốn làm hòa với Chúa.

Nhưng ông ta từ khước một lần nữa, và lên tiếng gọi cô y tá. Tôi liền nài nỉ:

- Này ông bạn, tôi chỉ xin ông một điều: xin ông hứa với tôi: trước khi chết, ông hãy nói: "Lạy Chúa, xin thương xót con..."

Tôi đành ra về, nhưng tôi đã dặn cô y tá cứ gọi tôi, bất cứ lúc nào ông ta muốn. Và khoảng 4 giờ sáng, cô y tá điện thoại cho tôi, báo tin ông đã chết. Tôi liền hỏi:

- Trước khi chết, ông ta có nói gì không?

- Vài phút trước khi nhắm mắt, ông ta luôn nói: "Lạy Chúa, xin thương xót con".

Đức Cha Fulton Sheen đã thực hiện Lời Chúa dạy qua các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay, nhất là Lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng:

"Nếu anh em con phạm tội, con hãy đi sửa lỗi nó, một mình con với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe con, con đã được mối lợi là anh em mình" (Mt. 18,15).

Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm phép lạ. Đó là niềm xác tín của người Kitô hữu chúng ta. Trong các phép lạ Chúa Giêsu thực hiện, luôn có sự cộng tác của con người. Cần có nước để Chúa biến thành rượu, cần có 5 chiếc bánh và 2 con cá để Người hóa ra nhiều. Trong việc giúp người bỏ đạo đã 30 năm trên đây trở lại, cũng là nhờ sự giúp đỡ kiên trì của Đức Cha Fulton Sheen.

Chính Chúa mới là Đấng cải hóa tâm hồn con người. Chính Chúa mới là Đấng thực hiện phép lạ, nhưng Người luôn cần nhờ sự cộng tác nhiệt thành, kiên trì bền đỗ của chúng ta là tín hữu của Ngài. Chúng ta có cộng tác với Ngài chưa? Và chúng ta có sẵn sàng cộng tác với Ngài cách nhiệt thành bền đỗ như Đức Cha Fulton Sheen không?

(Theo "Chờ đợi Chúa")