Chúa Nhật XXIII thường niên - Năm A
CỘNG ĐOÀN KITÔ GIÁO
LÀ MỘT CHUYỆN ĐỨNG ĐẮN
Achille Degeest

Ba đoạn trong bài Tin Mừng mà Giáo Hội đem ra làm bài học có vẻ khác nhau xa, như thể Chúa đã lần lượt nói về những vấn đề riêng biệt. Cứ sự thực thì những lời nói của Chúa Giêsu đều gặp nhau trong cái thực tại là cộng đoàn Kitô giáo. Trong cộng đoàn thường có những luật lệ sống chung, và hơn nữa, giáo quyền có phép ban hành những luật sống đó và cuối cùng tất cả đều được thực hiện nhân danh Đức Kitô và chính vì thế mà có Chúa Kitô hiện diện trong đó.

1) Những luật sống chung trong Giáo Hội –trong cộng đoàn Kitô giáo đều nhắm đến đối tượng chính là làm cho Đức Ái được mọi người tôn trọng. Chúa chỉ dẫn cho chúng ta cách thức phải giữ trong trường hợp có tranh chấp. Công việc đầu tiên phải làm là tạo sự gặp gỡ, giữa cá nhân và cá nhân trong ước muốn tìm hiểu nhau hơn. Có hai trường hợp có thể xảy ra, dựa trên ý nghĩa của câu nói: “Nếu người anh em của con phạm tội”. Theo nghĩa đầu tiên thì hễ người nào phạm đến Thiên Chúa cách tỏ tường, trong trường hợp này, phải bắt đầu bằng cách giữ kín điều lầm lỗi mà mình biết được, rồi với thái độ thông cảm, tìm cách đưa người anh em ra khỏi chỗ lầm lạc. Theo nghĩa thứ hai, hễ người nào đó có lỗi với chúng ta, tức là làm hại đến chúng ta, lúc đó phải tìm cách giúp người anh em có lỗi hiểu rõ sự thiệt hại đã gây ra cho chúng ta, rồi không làm nữa. Nếu công việc đầu tiên ấy tỏ ra không có kết quả, lúc đó người ta mới chạy tới cộng đoàn để xin sửa trị kẻ lầm lỗi. Và nếu lúc đó kẻ ấy cũng không sửa mình, ta vẫn không có quyền khai trừ, không cầu nguyện và không tha thứ cho kẻ ấy, nhưng ta có cớ để cắt đứt ít nhiều mối tương quan thuộc phạm vi xã hội.

2) Điều mà chúng con ràng buộc ở dưới đất… Ta vừa thấy Chúa ban cho “Giáo Hội”, cho cộng đoàn Kitô giáo, quyền xét xử cách ăn ở của một trong các thành phần của Giáo Hội. Giáo Hội chỉ có thể làm được điều này nhờ những kẻ cứng đầu, những người có trách nhiệm. Người ta có quyền đi từ Giáo Hội, quan niệm dưới khía cạnh quyền bính, đến con người của các vị thủ lãnh. Trong Giáo Hội toàn thể các tín hữu sống Đức tin, nhưng do ý muốn của Chúa Kitô, cũng có những người mang trách nhiệm giáo dục đức tin và giúp kẻ khác thực hành đức tin cách trung thành. Đó là các tông đồ với vị thủ lãnh là Phêrô. Ngày nay ta có các giám mục và vị thủ lãnh là Đức Giáo Hoàng. Ở điểm này, một đoạn khác trong Tin Mừng Matthêu có nói rõ về vai trò nổi bật của Phêrô và qua đó vai trò của Đức Giáo Hoàng (Mt 16, 19). Xin xác định điểm này là Phêrô xưa vốn là Giám mục của giáo phận La mã. Đức Giám mục của La mã đích thân là người kế vị của Phêrô. Người tiếp tục giữ quyền hành và chức vụ của Phêrô. Các vị tông đồ khác lập thành Giám mục đoàn đầu tiên, mặc dầu không được cơ cấu hóa nhưng là có thực. Ngày nay các vị Giám mục là những người kế vị tập thể các tông đồ với các quyền hạn và chức vụ của các ngài. Do ý muốn của Chúa Kitô, Phêrô có quyền trên toàn thể các tông đồ. Cũng thế, Đức Giáo Hoàng ngày nay cũng có quyền trên đoàn thể các Giám mục. Cái quyền ấy nằm trong địa vị nổi bật đối với cá nhân Người và cũng là quyền quyết định trong việc chia sẽ một công việc chính yếu là cai quản Cộng đoàn của Giáo Hội.

3) Cộng đoàn sống trung thành với đức tin và đức ái lôi kéo sự hiện diện của Chúa Kitô. Khi các Kitô hữu, dầu là ít ỏi và nếu chỉ có hai người đi nữa, mà tụ họp với nhau nhân danh Đức Giêsu thì Người ở giữa họ. Điều ấy có nghĩa là, khi chỉ có hai người công giáo với nhau, và nếu họ biết thông cảm trong đức tin và đức ái, họ làm thành một tế bào của giáo hội. Không biết người ta có thấy được tầm quan trọng của điều này trong đời sống gia đình, lúc hội họp anh chị em trong khu phố hay trong những hoạt động chung để mở rộng Nước Chúa? Một nhận xét quan trọng: lẽ dĩ nhiên là một tế bào của Giáo Hội chỉ có giá trị khi giữ được liên lạc và đoàn kết với Giáo Hội phổ quát cách mật thiết.