Chúa Nhật XXI thường niên - Năm A
GIÁ TRỊ CỦA LỜI TUYÊN TÍN
Minh An

Nếu như ở Chúa Nhật tuần XIX Thường Niên, Năm A, thánh sử Matthêu cho ta biết Chúa Giêsu khiển trách Phêrô là một kẻ kém tin: “ Hỡi kẻ kém tin, sao lại hoài nghi?” ( Mt 14,31), thì ở Chúa Nhật XXI này, tác giả Tin Mừng thứ tư lại đề cao giá trị con người bộc trực của Phêrô khi ông  tuyên tín về “sư phụ” của mình và được khen ngợi: “Này anh Si-mon, con ông Giô-na, anh thật là người có phúc...” (Mt 16, 17). Tại sao Phêrô, từ một con người bị khiển trách là “yếu tin” lại được khen ngợi là “có phúc” ?

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Mathêu dẫn người đọc đến miền Xê-da-rê, Phi-líp-phê để nghe lời tuyên xưng của ông Phêrô về Chúa Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” ( Mt 16, 16). Chính lời tuyên tín một cách mạnh mẽ này của Phêrô, đã đưa ông đạt đến một giá trị cao cả mà chính “Sư Phụ”  của ông đã phải khen ngợi ông là người có phúc: “anh thật là người có phúc” (Mt 16, 17). Không những Chúa Giêsu chỉ dừng lại ở lời khen ngợi Phêrô là người có phúc, nhưng Ngài làm cho giá trị lời tuyên tín của Phêrô được cụ thể hóa qua việc trao cho ông làm “thủ lãnh” Tông đồ đoàn cách riêng và làm nền tảng vững chắc cho Giáo Hội mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập, với quyền được tháo cởi hay ràng buộc:“Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16, 18-19).

Quả thế, chúng ta nhận biết được lời tuyên tín của Phêrô có giá trị đích thực là nhờ vào việc kiểm chứng của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, thông qua những dư luận của dân chúng, để biết xem họ sẽ quan niệm về Ngài như thế nào? Sau khi Ngài đã làm nhiều phép lạ, cứu chữa bệnh nhân, xua trừ ma quỷ... dân chúng đã chứng kiến và đi theo Ngài, họ cho Ngài chỉ là một trong số những người “ thánh” trong Cựu Ước mà thôi. Người thì bảo Ngài là Êlia, người khác nữa cũng chỉ nhận diện là Gioan Tẩy Giả, hay một trong những vị ngôn sứ nào đó:  Người ta nói Con Người là ai? Các ông thưa: kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy giả,  kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, người khác lại cho ông Giê-rê-mi-a  hay một trong các vị ngôn sứ” (Mt 16, 14).

Dân chúng là thế và có lẽ cũng chỉ đến thế thôi. Vì có khi con mắt đức tin của họ chưa được mở rõ, họ chưa thể nhận biết hết về Đức Giêsu là ai. Họ chỉ nhìn nhận được một số vai trò ít ỏi của Đức Giêsu mà thôi. Họ không thể nói hết được con người toàn diện Giêsu như là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Và phải chăng đây là cơ hội tốt nhất để Chúa Giêsu kiểm tra các môn đệ thân tín nhất của Ngài có cái nhìn về Ngài như thế nào?

May thay, Phêrô, con người  “bộc trực”, con người đã từng bị khiển trách là thiếu niềm tin, đại diện cho các anh em trả lời đúng về Thầy: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Đây là câu trả lời “chuẩn nhất”, đúng đắn nhất của Phêrô. Chính câu trả lời này của Phêrô đã làm cho ông trở nên con người có giá trị thiết thực trong Giáo Hội của Chúa, được Chúa khen ngợi ông là người có phúc. Tuy nhiên, lời tuyên tín của Phêrô không phải do chính ông tự nói lên, nhưng do mạc khải của Chúa Cha thúc đẩy, để ông nói lên lời đó.

Thật vậy, Đức Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống ” đã được Phêrô tuyên tín, nghĩa là Đấng Cứu Thế, đã được xức dầu và phong vương, nhưng Đấng Cứu Thế đó phải chịu nhiều đau khổ, bị phỉ nhổ, chịu đánh đòn, và chết trên thập giá để cứu thoát muôn dân (x. Mt 16, 21). Không phải mặc nhiên mà Phêrô đã tuyên xưng được như thế, nhưng ông đã được Chúa Cha mặc khải để tuyên bố Đức Giêsu là Đấng Kitô: “Này anh Si-mon, con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16, 17).

Ngày xưa, Chúa Giêsu đã kiểm chứng các môn đệ thân tín về danh tính của Ngài và Phêrô đã trả lời rất tốt: “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”. Còn bây giờ, có lẽ Ngài cũng sẽ kiểm chứng chúng ta để xem chúng ta quan niệm về Ngài như thế nào giữa một xã hội có nhiều “thứ chúa”? Và ta sẽ quan niệm về Thiên Chúa thật của mình ra sao?

Là kitô hữu đã theo Chúa nhiều năm, qua nhiều biến cố, ta tuyên xưng Chúa của ta như thế nào? Ta phải phác họa lại khuôn mặt thiết thực của Chúa Giêsu ra sao cho thế giới nhận biết? Chúng ta sẽ đạt được giá trị cao cả như Phêrô, và được Chúa khen ngơi, nếu chúng ta tuyên xưng và làm chứng cho Chúa cách thiết thực nhất, đúng đắn nhất!

Hãy suy nghĩ kỹ càng, cầu nguyện thâm sâu và diễn tả lại dung mạo của Chúa cách thiết thực nhất, rồi giới thiệu cho bạn bè và thế giới biết về Thiên Chúa tình yêu của chúng ta…