Chúa Nhật XX thường niên - Năm A
MỘT ĐỨC TIN MỚI MẺ VÀ MÃNH LIỆT
Achille Degeest

Miền Tyrô và Siđôn nói chung là phần đất cuối cùng ở miền tây bắc xứ Palestina. Đa số dân chúng ở đây là người Do thái sinh sống tại vùng này, vì thế dân ngoại cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều về phương diện hiểu biết lề luật của Chúa nên chúng ta không ngạc nhiên mấy nếu một vài người ngoại đạo lại biết vài đoạn Kinh Thánh nho nhỏ. Điều này giải thích danh từ ‘con vua Đavít’ mà người phụ nữ Canaan đã dùng để thưa với Chúa. Tại sao Chúa Giêsu lại đi lên tới vùng này? Có lẽ là để đi xa xứ Galilêa một ít vì nơi đây tính cách đại chúng của Người có thể lam cho nhiều tâm hồn nghĩ lầm về một Đấng Cứu Thế trần gian. Cũng có lẽ Người lên đây là để đào tạo các môn đệ cách thong thả hơn. Nhất là qua cách Người cư xử với người phụ nữ Canaan Người muốn dậy các môn đệ một bài học thường thức. Họ sẽ nhớ lại khi đặt vấn đề người ngoại giáo gia nhập Giáo Hội, gia nhập Nước Trời và họ sẽ biết là không thể nào từ chối không cho người ngoại giáo gia nhập được. Nói chung thì đoạn Tin Mừng này tuy bề ngoài có vẻ cứng cỏi, nhưng cho thấy rõ là Chúa Giêsu quan tâm đến người ngoại giáo cách sâu xa và Người hằng yêu mến họ. Nó cũng chứng tỏ người ngoại giáo có một khả năng mới mẻ và mãnh liệt để đón nhận đức tin. Đức tin của người phụ nữ Canaan đánh động chúng ta ở những điểm nào?

1) Đây là một đức tin khiêm tốn. Người phụ nữ bất hạnh có người con gái bị ốm, đau khổ đến nỗi kêu tới Chúa Giêsu, nhưng tiếng kêu của bà ta không có vẻ hiếu thắng. Bà ta không ý thức là đang nêu ra một quyền lợi. Trái lại khi nghe Chúa bảo là tình thế muốn Ngài hoạt động ở Israel chứ không phải nơi người ngoại giáo, bà ta đã trả lời với một cung cách làm nổi bật mức độ của lời cầu xin. Bà ta cầu xin và bà đặt mình ngang hàng với đàn chó con sống bằng những mụn bánh dư thừa từ bàn ăn rơi xuống. Người phụ nữ Canaan đã gắn bó cho đức tin cái tính chất khiêm nhượng, khiến Chúa phải xiêu lòng. Đức tin vẫn là một tiếng kêu hồn nhiên. Nếu phải phân tích ta sẽ thấy trong đó dấu hiệu của một sự đau khổ lớn lao, một sự choáng váng vì trông cậy đột ngột và kẻ đó là một sự an tâm đầy tin tưởng. Hình như người phụ nữ Canaan khi được Chúa trả lời và như thế là được Người quan tâm đến, đã nắm chắc phần thắng. Một cách chắc chắn, bà ta cảm thấy là Chúa sẽ chữa lành cô con gái của bà.

2) Đây là một đức tin nài nỉ. Đức tin dừng lại cách mạnh mẽ ở một điểm rõ ràng: Chúa Giêsu có thể chữa lành đứa bé đang bị ốm. Trước mặt Chúa, người phụ nữ Canaan đã nhấn mạnh và nhắc lại lòng tin tưởng của bà vào quyền năng và lòng nhân từ của Chúa. Lúc đầu bà ta bị xua đuổi một cách cứng rắn, nhưng bà ta vẫn kiên nhẫn và tỏ ra ngoan cố, cái ngoan cố đặc biệt của bà mẹ. Trên bình diện tâm lý đức tin này có tính cách hiện sinh vì nó đi từ kinh nghiệm đau khổ và từ hy vọng sẽ được chữa lành. Trên bình diện thiêng liêng sâu xa, người ta có thể nghĩ rằng Chúa đã đặt vào trong tâm hồn người phụ nữ Canaan một ơn riêng (một ơn huệ) để bà bám chắc lấy Chúa và tin tưởng vào Người.

3) Đây là một đức tin mới mẻ và vươn xa. Đức tin không vướng mắc bởi các vấn đề, những vấn đề từ nơi khác tới. Từ các tông đồ khi các Ngài cho rằng cách làm của người phụ nữ Canaan chỉ nỗi quấy rầy và từ nơi Chúa Giêsu khi Người nêu ra vấn đề quyền ưu tiên của dân Israel. Đức tin của người phụ nữ Canaan lật đổ các vấn đề để đi thẳng tới đối tượng, điều này làm chúng ta phải suy nghĩ. Thực vậy, từ lâu chúng ta thường được nuôi dưỡng bằng rất nhiều ơn huệ của Chúa trong vụ trụ đức tin. Tuy thế đức tin của chúng ta có giữ được vẻ mới mẻ, sức vươn xa và sự khiêm tốn mà nó phải giữ hay không? Phải chăng chúng ta bị vướng mắc bởi những vấn đề thường làm suy yếu đức tin của chúng ta?