Chúa Nhật XVII thường niên - Năm A
CƠ HỘI NỘI TÂM
SƯU TẦM

Vào thế kỷ thứ 18, vua Charles IV nước Tây Ban Nha đã đoán trước sự xâm lược của hoàng đế Napoleon, nên quyết định đem dấu toàn bộ sưu tầm những chiếc đồng hồ cổ và những ngọc thạch trang sức quí giá trên chiếc vương miện của chánh thể quân chủ Tây Ban Nha. Nhà vua đã yêu cầu một người đầy tớ trung tín chôn giấu bộ sưu tầm đồng hồ vào một vách tường của một căn phòng trong 365 căn phòng nơi triều đình. Nhà vua cũng đã ra lệnh cho ông chôn cất kho tàng ngọc thạch trong một bức tường khác. Người đầy tớ khôn ngoan và trung tín đã cẩn thận đánh dấu căn phòng chôn giấu kho tàng bằng cách cắt một miếng vải nhỏ trên bức màn của mỗi căn phòng chứa kho tàng, để khi chánh thể quân chủ Tây Ban Nha nắm chính quyền trở lại, họ có thể tìm thấy dễ dàng.

Năm 1814, vua Ferdinand VII, con của vua Charles IV, lên ngôi phục quyền cho nền quân chủ. Dĩ nhiên là ông muốn tìm lại kho tàng của mình, nhưng có một vấn đề. Ông vua bù nhìn mà hoàng đế Napoleon đã đặt lên cai trị hoàng cung Tây Ban Nha trong thời gian ngoại xâm lại rất thích việc trang trí nội cung. Ông đã thay đổi toàn bộ tất cả những bức màn trong mỗi căn phòng! Do đó vua Ferdinand phải đối diện với một sự chọn lựa hoặc là phải gỡ tất cả gạch trên mỗi bức tường xuống, hay là để y như vậy. Nhà vua đã chịu mất kho tàng và để y như vậy. Mọi người đã nghĩ rằng đây chỉ là một câu chuyện hoang đường của người Âu Châu, cho đến thời gian gần đây, khi người thợ phải sửa lại những ống dẫn nước trong một căn phòng của hoàng cung, đã khám phá ra bộ sưu tầm những chiếc đồng hồ cổ. Có lẽ, một ngày nào, sẽ có người lại tìm thấy một kho tàng khác gồm những đồ trang sức bằng ngọc thạch trên vương miện còn đang bị mất ở hoàng cung trong một căn phòng nào đó.

Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa ra một loạt những dụ ngôn từ đời sống cụ thể để minh họa cho ý nghĩa và hình ảnh của nước trời. “Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời cũng giống như người buôn nọ, đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy…” Tôi muốn tập trung vào ý nghĩa của hai dụ ngôn, kho tàng chôn giấu trong ruộng và viên ngọc quý. Vì hai dụ ngôn này cho chúng ta một sự trái ngược hữu ích, lại được xếp đặt kề bên nhau. Sự trái ngược đó là anh nông dân đã tình cờ bắt gặp kho tàng trong công việc cày bừa; còn người buôn ngọc trai phải vất vả đi tìm ngọc quý qua tiền bạc bỏ ra và kinh nghiệm của tay nghề.

Palestine là vùng đất giao thông. Không ai thực sự muốn có đất trừ khi miếng đất đó là một phương tiện để di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, và nó thường bị tranh giành qua lại. Vào những thế kỷ trước Chúa Giêsu, cuộc sống rất bất ổn và mong manh. Không có ngân hàng để cất giữ của cải. Chiến tranh, bệnh tật, nạn dịch, đói khát, cướp bóc, nô lệ… hay bất cứ một sự bất hạnh nào cũng có thể lấy mất cuộc sống. Nhiều người đã chôn giấu của cải dưới đất, hy vọng rằng một ngày nào sẽ trở lại, nhưng nhiều người đã ra đi vĩnh viễn. Do đó, người ta thường tìm thấy kho tàng.

Có rất nhiều người cày ruộng mướn, nhưng rất ít người buôn bán ngọc. Đó là một nghề đòi hỏi phải có vốn và có sự hiểu biết rộng rãi. Người buôn ngọc là kẻ đổi chác những viên ngọc bình thường để tìm lấy những viên ngọc quý, có giá trị hơn. Ông ta biết đường đi đến những khu chợ trời của vùng Vịnh, Persion Gulf, và An Độ dương để buôn bán.

Thời Chúa Giêsu, ngọc là những loại đá quý. Kim cương còn rất hiếm, hầu như chưa có. Pliny, một người đương thời với Chúa Giêsu, đã viết về nữ hoàng Cleopatra của Ai cập, sống từ năm 69 – 30 trước Chúa Giêsu Kitô, đã mua 2 viên ngọc với giá tương đương là 4 triệu đôla. Hoàng đế Julius (100 – 44 trước công nguyên) của đế quốc Rôma đã mua cho mẹ một viên ngọc trị giá 350.000 đôla. Trong dụ ngôn này, người buôn ngọc phải biết rất rõ cấu trúc, hình thù, loại đá, và giá trị của viên ngọc để trao đổi tất cả mọi sự.

Trong các loại ngọc, có loại ngọc trai. Một viên ngọc trai được thành hình khi một vật lạ xâm nhập vào trong lớp nhuyễn mạc ở bên dưới vỏ sò, gây đau đớn cho con sò. Hệ thống phòng vệ tự nhiên của con sò tiết ra một chất lỏng, được gọi là mẹ của ngọc, bao vây lấy vật lạ bằng một cái túi, rồi cô lập nó khỏi phần cơ thể và biến nó thành một viên ngọc lộng lẫy. Viên ngọc được tạo ra bởi chính con sò. Cũng như thế, đối với con người chúng ta, những hoàn cảnh đau khổ có thể trở nên những cơ hội cho những biến đổi nội tâm.