Chúa Nhật XVI thường niên - Năm A
HÃY ĐỂ CỎ LÙNG VÀ LÚA MỌC LÊN ĐẾN MÙA GẶT

Lm. Phêrô Lê văn Chính

     Chúa nhật tuần này trở lại với dụ ngôn về Nước Trời với hình ảnh người gieo giống, nhưng với một khía cạnh chuyên biệt hơn: phải nhổ cỏ để bảo vệ lúa hay để cỏ lùng lớn lên chung với lúa. Khi công việc  gieo hạt giống vừa xong thì kẻ thù, lợi dụng lúc chủ nhà đang ngủ, liền gieo cỏ lùng vào ruộng. Khi lúa bắt đầu mọc thì cỏ lùng cùng mọc và lớn lên chung với lúa. Cách làm thường tình của nghề nông là phải diệt sạch cỏ để lúa có thể lớn lên. Người ta phải thuê thợ nhổ sạch cỏ trong ruộng, đó là cách giải quyết nhanh gọn và hiệu quả. Thế nhưng, khi các đầy tớ đến trình bày sự việc với chủ là có nhiều cỏ lùng xuất hiện giữa lúa và xin phép chủ đi nhổ cỏ, thì đã nhận được quyết định của chủ là để cho cỏ lùng lớn lên chung với lúa cho đến mùa gặt. Lý do giải thích của chủ là sợ rằng khi các đầy tớ nhổ cỏ thì họ sẽ nhổ luôn cả lúa. Đồng thời chủ cũng giải thích thêm rằng đợi khi mùa gặt, thì sẽ nhổ cỏ lùng trước, bó lại và đốt đi, sau đó sẽ thu lúa vào kho. Rõ ràng cách hành xử của chủ khác lạ so với cách làm việc của người nông dân bình thường. Bổ túc cho giải thích về Nước Trời còn kèm theo hai dụ ngôn ngắn khác là dụ ngôn hạt cải và nắm men trộn trong bột. Hạt cải nhỏ hơn hết trong mọi thứ hạt giống, nhưng khi lớn lên thì thành cây to và chim trời có thể đến nương náu ; nắm men trộn trong đấu bột, tuy nhỏ bé, nhưng đủ sức làm cho đấu bột dậy lên.

            Dụ ngôn chỉ dùng một số hình ảnh của đời sống con người, chen vào đó là những điều rất mới mẻ mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh. Hình ảnh được sử dụng với những nét mới mẻ diễn tả mầu nhiệm Nước Trời. Thiên Chúa chính là người chủ ruộng, và Chúa Giêsu là người gieo hạt giống, ruộng là thế gian, mùa gặt là ngày tận thế, lúa tốt là con cái Nước Trời, cỏ lùng là con cái gian ác. Người chủ ruộng Nước Trời sẽ hành xử một cách hoàn toàn mới mẻ và quyết đoán, ông để cho cỏ lùng lớn chung với lúa, và nhẫn nại chờ đợi cho tới mùa gặt rồi mới phân tách và chọn lựa : lúa thì được cất vào kho và cỏ lùng thì bị đốt đi. Trong dụ ngôn này, ngoài phần trình bày dụ ngôn còn có lời giải thích dụ ngôn có tính cách ẩn dụ. Tức là những yếu tố trong dụ ngôn là hình ảnh được giải thích như diễn tả một ý nghĩa nào đó, chẳng hạn ruộng được hiểu là thế giới, hạt giống tốt là những con cái Nước trời, cỏ lùng là con cái ma quỉ, mùa gặt là ngày tận thế. Cách giải thích này có ưu điểm là giải thích hết mọi yếu tố của dụ ngôn cách rõ ràng dễ hiểu, nhưng mặt khác cũng giới hạn ý nghĩa của dụ ngôn vào trong một ứng dụng xác định. Như thế, dụ ngôn về cỏ lùng trong ruộng được hiểu về ngày tận thế khi người lành được thưởng và người ác bị luận phạt. Thế nhưng, ngoài ý nghĩa này, chúng ta còn có thể đưa ra những giải thích khác chẳng hạn từ dụ ngôn này chúng ta có thể nhìn thực trạng của Giáo hội thời thánh Matthêu,và có thể cũng là hình ảnh cộng đoàn chúng ta, bao gồm vừa những thánh nhân cũng như tội nhân. Sự hiện diện của Nước Trời ở giữa chúng ta không loại trừ sự hàm hồ lẫn lộn những cỏ lùng tội nhân nơi đó ân sủng của Thiên Chúa chưa hoàn toàn chiến thắng. Như thế, dụ ngôn này muốn nói lên thực trạng khá thất vọng như thế đó. Những dụ ngôn khác về hạt cải và chút men trộn trong đấu bột nói lên chiều kích xem ra có vẻ bề ngoài vô nghĩa của Nước Trời khi mà chúng ta lại muốn hy vọng điều gì đó rõ ràng quyết định. Tuy nhiên, mặc dù khởi đầu nhỏ bé khiêm tốn, sự phát triển lớn mạnh của Nước Trời là  không thể thay đổi và kết quả rất là đảo lộn.

           Trong các dụ ngôn về Nước Trời này, điều chúng ta có thể nhận thấy là thành quả của Nước Trời luôn được bảo đảm dù có gặp nhiều trở ngại từ nhiều phía như kẻ thù và cỏ lùng. Sự bảo đảm này phát xuất từ phía Thiên Chúa là Ðấng luôn quan tâm chăm sóc, nhìn thấy hết mọi sự, đồng thời lại rất nhân từ nhẫn nại, xét đoán khoan dung, và khoan hồng tha thứ, cũng như rất công chính ngay thẳng khi phân tách người công chính với tội nhân. Bài đọc sách Khôn ngoan nhấn mạnh nhiều khía cạnh công minh nhân từ hiền hậu của Thiên Chúa để chúng ta tin tưởng và can đảm sống ngay thẳng theo thánh ý Thiên Chúa. Đối với Thiên Chúa, chúng ta không nên bi quan thất vọng buông xuôi trong tội lỗi mà phải sáng suốt trong mọi hành động của mình, bởi vì Thiên Chúa nhẫn nại và khoan dung là để chúng ta hoán cải và đổi mới. Đồng thời, khi đối diện với những tội lỗi và sự ác thắng thế trong thế giới, cũng như nơi chính bản thần mình, chúng ta cũng không nên hùa theo tỗi lỗi và sự ác mà phải tỉnh táo kiên nhẫn để tự bảo vệ chính mình và lớn lên trong mọi nghịch cảnh.

          Cả ba dụ ngôn của Tin mừng ngày Chúa nhật hôm nay đều có kết luận hướng về tương lai. Chỉ trong mùa gặt mà cỏ lùng mới bị thu lại và đốt đi, còn lúa tốt thì thu gặt lại và cất vào kho. Còn trong thời gian hiện tại, Nước Trời chấp nhận sự hiện diện của lúa và cỏ lùng. Hạt cải nhỏ bé được gieo xuống, nhưng trước khi chim trời có thể đến nương náu, nó cần phải lớn lên. Chút men được trộn vào trong bột, nhưng nó phải dậy lên để có thể nấu bánh. Mỗi dụ ngôn đều nói về một tiến trình đã khởi đầu nhưng kết quả thì còn phải chờ đợi ở tương lai. Với Chúa Giêsu, Nước Trời đã được khai mào, nhưng chưa được hoàn tất trọn vẹn.

          Cả ba dụ ngôn này đều đặt việc Phán xét của Thiên Chúa vào viễn tượng tương lai: Thiên Chúa không xét xử tức thì lúc này, bài đọc thứ nhất nhắc chúng ta rằng Thiên Chúa luôn nhẫn nại và bao dung nhân từ, và đây là nền tảng để chúng ta hy vọng. Thiên Chúa “quyền năng” lại được hiểu là nguồn của sự công chính. Vì thế, quyền năng của Thiên Chúa được thực hiện một cách hoàn toàn khác với cách thế của chúng ta, quyền năng toàn vẹn nên Thiên Chúa nhẫn nại chờ đợi sự hoán cải của chúng ta. Ðiều này được mô tả trong dụ ngôn lúa và cỏ lùng trong đó chủ đã khuyên các gia nhân không được nhổ cỏ lùng mà phải chờ cho chúng lớn lên chung với lúa. Như thế, nơi mỗi người chúng ta, chúng ta có thời gian để hoán cải, để làm cho hạt giống tốt được lớn lên trong tâm hồn mình.  Nhiều khi chúng ta có khuynh hướng sợ hãi ngày Chúa phán xét. Chúng ta nghĩ mình là những cỏ lùng sẽ bị thiêu đốt và quả thật, trong đời sống hằng ngày, nhiều lần chúng ta đã sa ngã, không sống theo những đòi hỏi của Lời Chúa. Thế nhưng, nhịp sống của mầu nhiệm phục sinh, chết và sống lại, mời gọi chúng ta nhìn xa hơn những thời điểm hiện tại để nhìn thấy những khả năng hoán cải trong đời sống của chúng ta, để tin vào lòng nhân từ nhẫn nại của Thiên Chúa, và để mở rộng tâm hồn trước lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa. Cỏ lùng sẽ lớn lên. Nhưng Thiên Chúa luôn nhẫn nại. Nếu chúng ta nhớ rằng hạt giống tốt vẫn mọc lên cùng với cỏ lùng, và hạt cải nhỏ bé đang vươn lên cũng như chút men đang âm thầm làm cho khối bột dậy lên, thì chúng ta hãy tin tưởng hy vọng sự sống bên kia cái chết. Ðây chính là mầu nhiệm vượt qua mà chúng ta vẫn cử hành hằng ngày qua mầu nhiệm khổ nạn phục sinh của Chúa lôi kéo chúng ta theo vận hành hoán cải và đổi mới.

          Một thái độ khác chúng ta cần phải lưu ý, đó là nhiều người có lương tâm quá sức dễ dãi,cho rằng không cần quan tâm nghĩ tới việc Thiên Chúa phán xét. Những thái độ này cần phải được sửa chữa, bởi vì thời gian nhẫn nại của Thiên Chúa đồng thời cũng là thời gian bất ngờ. Thiên Chúa viếng thăm chúng ta vào lúc bất ngờ nhất, và khi đó chúng ta phải sẵn sàng để được đón nhận như là lúa tốt được gặt vào kho. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta Thiên Chúa vẫn hằng ban Thánh Thần để nâng đỡ hành trình của chúng ta. Thánh Thần Chúa vẫn được ban cho chúng ta như sức mạnh để chúng ta có thể lớn lên, giúp chúng ta có đời sống cầu nguyện nội tâm vững vàng trước những khó khăn của ruộng lúa thế gian với nhiều cám dỗ.