Chúa Nhật XIX thường niên - Năm A
KÉM TIN HAY HOÀI NGHI
JM. Lam Thy ĐVD

Bài Tin Mừng hôm nay (CN XIX/TN-A – Mt 14, 22-33) trình thuật về phép lạ “Đức Giê-su đi trên măt biển”. Có một chi tiết gây sự chú ý khá đặc biệt là sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho mọi người ăn no nê (CN XVIII/TN-A – Mt 14, 13-21), thì “Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió.” (Mt 14, 22-24). Vì sao lại có cảnh đó? Ấy cũng bởi vì các môn đệ vẫn còn “kém tin”, nên nếu Đức Giê-su đi trên mặt biển sóng yên gió lặng, thì chắc chắn các môn đệ cũng vẫn cái tật cố hữu “bán tín bán nghi”; nên Người mới bắt các ông lên thuyền đi ngược chiều gió thổi bị sóng đánh, có như thế thì khi Đức Ki-tô đi trên mặt biển động dữ dội, các ông mới tin vào phép lạ.

Đối với con người, đi trên mặt biển yên lặng còn không tin nổi, huống hồ đây lại là đi trên mặt biển đầy sóng gió, các môn đệ cũng không ngoại lệ. Và vì thế, nên khi thấy Thầy “đi trên mặt biển sóng gió” cách ngon lành, “các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!” Ôi chao! Người Thầy bằng xương bằng thịt sống liền bên, dạy biết bao điều hay lẽ phải, làm biết bao nhiêu phép lạ, thậm chí còn kêu gọi môn đệ “Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.” – Ga 14, 11), vậy mà cuối cùng vẫn bị môn đệ coi là “ma”! Thật hết biết! Cứ tưởng Thầy sẽ nổi cơn thịnh nộ, nhưng Người vẫn ôn tồn: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” thì đủ rõ tấm lòng bao dung của Người Thầy Chí Thánh hiểu rõ các môn đệ mềm yếu đến độ nào.

Đến như thế mà vẫn còn một Phê-rô đã “không tin vào mắt mình”, mà còn đòi kiểm chứng nữa (“Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.”). Cho đến khi được thỏa mãn yêu cầu, nhưng vẫn cứ “nửa tin nửa ngờ” nên mới bị chìm và la lên cầu cứu: “Thưa Ngài, xin cứu con với!”, và thật đáng nhận lời quở trách: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” (Mt 14, 31). Lời quở trách của Người Thầy Chí Thánh lại thêm một lần gây ấn tượng thật sâu sắc: Thật vậy, nếu chỉ để ý đến vế trước của lời quở trách (“Người đâu mà kém tin vậy!”), thì thấy Đức Ki-tô chỉ cho là đức tin của các môn đệ còn yếu kém; nhưng đến vế sau (“Sao lại hoài nghi?”), thì mới thấy là Người đã “đi guốc trong lòng” (tục ngữ VN) “ông ruột ngựa” Phê-rô và nói chung là các môn đệ (theo từ nguyên thì “hoài nghi” là: “trong lòng còn ngờ vực, không tin tưởng”, chớ không chỉ là “yếu kém đức tin”).

Quả thật lập trường của “ông ruột ngựa” Phê-rô đã bộc lộ rõ ràng: chỉ có một nửa tin tưởng, còn nửa kia vẫn là nghi ngờ. “Bán tín bán nghi” là thế đó! Cuối cùng thì có thể kết luận: Thánh Phê-rô (kể cả các môn đệ khác nữa) không chỉ “yếu đức tin, kém tin”, mà còn không tin tưởng, còn “hoài nghi” nữa kia. Cũng chính vì thế nên không chỉ lần này thánh nhân tuyên xưng “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”, mà sau này còn khẳng định chắc nịch “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 16); để rồi sau đó lại chối Thầy 3 lần trong một đêm, trước một đứa tớ gái nhà Cai-pha. Hành trình đức tin của người Ki-tô hữu ngày nay cũng có thể so sánh với cuộc đọ sức của Phê-rô đã trải qua trên mặt biển và nói chung là cả một thời gian 3 năm từ khi theo Thầy cho tới “ngày Lễ Ngũ Tuần” sau khi Thầy đã tử nạn và phục sinh vinh hiển:

Phê-rô đã có những bước đầu chắc chắn, mạnh dạn. Người Ki-tô hữu hôm nay cũng đã có những bước khởi đầu đi theo Chúa như vậy. Rồi năm tháng trải qua, gió ngược nổi lên, và bắt đầu nhen nhúm những nghi ngờ khiến lòng hoang mang lo sợ. Và thế là, con người nặng dần và muốn chìm nghỉm giữa biển đời sóng gió. Ngày xưa Phê-rô chối bỏ đức tin chỉ vì một đứa tớ gái nhà Cai-pha, ai cũng cho là “nhát gan như thỏ đế”, lòng tin mong manh như “chỉ mành treo chuông”; nhưng ngày nay còn hơn thế nữa kia. Không ít người chẳng bị ai cật vấn, tra hỏi, chỉ mới nghe đồn, nghe nói thôi, đã vội vàng cất giấu bàn thờ để chưng hình lãnh tụ. “Chưa khảo đã xưng” (tục ngữ VN), chưa ai tra khảo đã vội vàng khai là “không tôn giáo”! Hoá cho nên, rất cần phải có liều thuốc chữa căn bệnh “bán tín bán nghi”, đó là điều tất yếu.

Để chữa được căn bệnh đó, thì điều tiên quyết là bản thân phải có một quyết tâm, tiếp theo là phải thực sự va chạm với thực tế các sự kiện diễn ra trong cuộc sống, trong thiên nhiên, trên biển cả cuộc đời (như các môn đệ thủa xưa trên con thuyền “bị sóng đánh vì ngược gió”), để mở rộng đầu óc mà hiểu rằng có một Đấng Quyền Năng quan phòng mọi sự trong vũ trụ. Đấng ấy chỉ có thể là “ông Trời”, là “Thượng đế”, là “Thiên Chúa” mà thôi. Tin vào Đấng ấy, thì ma mị quỷ quái chẳng làm gì được. Còn căn bệnh “yếu đức tin” thì cũng đừng vội bi quan, bởi đó cũng là căn bệnh chung của tất cả mọi người trần thế. Duy chỉ có điều, muốn chữa được căn bệnh này, ngoài vấn đề hết sức cần thiết là trau giồi, củng cố cho bản thân một niềm tin vào một Thượng đế duy nhất, còn cần phải ý thức rằng con người là mỏng giòn, là yếu đuối, không thể tự mình làm được công việc to tát ấy, nếu không biết cậy dựa vào Đấng Bảo Trợ, Người sẽ bảo vệ và trợ giúp đắc lực tuyệt đối cho những kẻ tin vào Người. Đấng ấy cũng chính là Thượng đế, là Thiên Chúa, là ông Trời, và đó chính là Ngôi Ba Thánh Thần vậy.

Lời khuyên chí tình cho những người “nửa tin nửa ngờ” luôn luôn và mãi mãi vẫn chỉ có thể là: Xin đừng bao giờ đặt điều kiện: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”, mà hãy luôn luôn nói, mạnh dạn nói, tha thiết nói, nói với tất cả chân tình: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” Vâng, “Libera me, Domine!”, Lạy Chúa, xin thương xót con, xin cứu vớt con, bây giờ và mãi mãi, bây giờ và trong giờ lâm tử. Amen.