Chúa Nhật XIX thường niên - Năm A
CHÍNH THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ
Lm. Phêrô Lê văn Chính

Các bài đọc của tuần này đưa chúng ta cách cụ thể vào việc gặp gỡ quyền năng cứu độ của Thiên Chúa và Nước Chúa, được biểu lộ nơi Đức Giêsu Kitô. Gặp gỡ, tiếp xúc với Thiên Chúa, đó là một thách đố đối với con người chúng ta là người tín hữu. Làm sao chúng ta có thể gặp gỡ được quyền năng cứu độ của Thiên Chúa ? Chúng ta gặp được quyền năng cứu độ của Thiên Chúa ở đâu, nơi nào, bằng cách thế nào ? Điều chúng ta cần nhận thức, đó là Thiên Chúa luôn có những biểu lộ vượt mọi dự đoán của con người, theo một đường lối khôn ngoan khác với loài người. Trong khi con người chúng ta vẫn dự đoán quyền năng của Thiên Chúa được biểu lộ qua những sức mạnh thiên nhiên như gió thổi mạnh, động đất và lửa mà tiên tri Êlia vẫn chờ đợi, thì Chúa lại biểu lộ sự hiện diện của Người qua cơn gió thổi nhẹ. Trong câu chuyện Phúc âm, quyền năng và sự hiện diện của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn nơi con người Ðức Giêsu. Quả thực, Ðức Giêsu thực sự là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người chúng ta, vì Người chính là Con Thiên Chúa, mạc khải chính Thiên Chúa mà những thực tại thiên nhiên như gió, lửa, động đất không thể nào biểu lộ cách trọn vẹn được: Thiên Chúa hành động để cứu độ. Ðể gặp gỡ được Chúa Giêsu như là sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta cần đến một điều mà thánh Phêrô đã chưa có cách hoàn thiện lúc ông  xin Chúa Giêsu để đi trên mặt biển đến với người, đó là đức tin. Ðức tin làm cho chúng ta có thể gặp được Ðức Giêsu và đón nhận quyền năng cứu độ của Người, ngay cả khi đức tin chúng ta còn yếu ớt, thì Ðức Giêsu cũng đưa bàn tay của Người ra để chạm đến và cứu vớt chúng ta. Điều cần thiết là nhận thức sự yếu đuối của mình trước những sức mạnh trong thiên nhiên vũ trụ, để biết lắng nghe theo Lời của Đức Giêsu và đến với Người.

          Cao điểm của Lời Chúa trong bài Tin mừng là việc Chúa Giêsu tự mạc khải chính mình cho các môn đệ đang sợ hãi vì chứng kiến Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với họ : “chính Thầy đây”. Thật ra, nguyên bản tiếng hy lạp của lời này chính là Mạc khải của chính tên Thiên Chúa “Ta là” khi Môisen nhận được mạc khải về danh Thiên Chúa nơi bụi gai (Xh 3,14). Lời mạc khải này của Chúa Giêsu cho các môn đệ trong bối cảnh của biển cả, sóng gió và đêm tối, gợi lại đường lối đặc trưng mà Thiên Chúa vẫn tự xác định về chính mình trong sách Isaia 40-55. Trong một trích đoạn, Thiên Chúa phán: “Ta là Chúa, chính Ta mở đường giữa đại dương và mở lối giữa sóng nước oai hùng” (43,15-16). Trích đoạn này muốn nói việc Thiên Chúa mở một con đường qua biển Ðỏ và cứu dân Do thái khỏi bị truy đuổi tàn sát bởi quân Ai cập. Thiên Chúa cứu độ biểu lộ mạnh mẽ qua con đường xuyên qua biển cả, giờ đây biểu lộ nơi chính Ðức Giêsu đang cứu Phêrô khỏi chìm vào biển cả. Theo Cựu ước, chỉ có Thiên Chúa có quyền năng đạp trên sóng biển. Ðây là điểm nổi bật rõ rệt, Ðức Giêsu là Ðấng quyền năng duy nhất thực hiện điều mà chỉ có Thiên Chúa có thể làm được. Trong lời nói của Chúa Giêsu với các môn đệ, chính Thầy đây, cũng như qua việc Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các môn đệ, Phúc âm Matthêu muốn trình bày một xác tín thần học quan trọng nhất: đó là nơi Ðức Giêsu, Thiên Chúa ở với chúng ta để cứu độ chúng ta.

          Sự biểu lộ của Thiên Chúa qua làn gió nhẹ, cũng là chủ đề của bài đọc thứ nhất tường thuật về tiên tri Êlia vừa mới đánh bại 450 sư sãi của thần Baal trong một cuộc chạm trán ngoạn mục ở núi Carmel, giờ đây phải chạy trước cơn giận và lời thề sát máu của hoàng hậu Jezabel. Ông chạy lên núi Horép, cũng là núi Sinai là nơi ông hy vọng được gặp Thiên Chúa trong một cuộc hội kiến đầy quyền năng như Môisen đã được gặp (Xh 19,16-19). Ở đây, những diễn biến của cuộc gặp gỡ Thiên Chúa đã diễn ra như gió thổi mạnh, động đất và lửa, nhưng Thiên Chúa không hiện ra trong những hiện tượng này. Trái lại, sự hiện diện của Thiên Chúa được biểu lộ trong cơn gió rì rào nhẹ. Những học giả đã tranh luận về ý nghĩa của đoạn này, có người đề nghị biểu hiện này là tiếng nói của Thiên Chúa, tức là lời Ngài, đó là đường lối ưu tiên biểu lộ sự hiện diện của Thiên Chúa, mà Elia là người sứ giả của Lời Thiên Chúa. Ðức Giêsu, qua sứ vụ của Người, mạc khải sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa nơi Lời được loan báo và nơi những hành động quyền năng của Người.

          Bài đáp ca dẫn chúng ta vào những tâm tình tin tưởng và hy vọng của Dân Chúa vào sức mạnh cứu độ và giải thoát của Thiên Chúa. Thánh vịnh 85 ghi lại những lời cầu nguyện của dân Chúa vào thời buổi đau khổ với nhiều khó khăn. Đây có thể là thời đầu khi họ vừa trở về quê hương từ cuộc lưu đày Babylon, nhìn thấy quê hương bị tàn phá và cảm thấy sức mình yếu đuối không biết có thể xây dựng lại được không. Những câu đáp ca lấy lại phần thứ hai của Thánh vịnh, lời cầu nguyện đã chuyển từ những lời than van đến những lời tin tưởng và đầy hy vọng vào Thiên Chúa của họ. Trong mọi hoàn cảnh, rồi thì mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp cho người biết đặt lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Rồi thì « lòng nhận hậu và trung thành sẽ gặp gỡ, đức công minh và sự bình an sẽ hôn nhau âu yếm ». Đây là những cách nói diễn tả Chúa sẽ biểu lộ quyền năng và sự trợ giúp của Thiên Chúa, và mọi người sẽ thấy lòng nhân hậu và trung thành của Thiên Chúa biểu lộ, bởi vì Thiên Chúa vốn là Đấng nhân hậu và thành tín.

          Trong kinh nghiệm của mình, nhiều người trong chúng ta thích nhìn ngắm thiên nhiên và qua đó khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa: biển cả bao la, núi non hùng vĩ, vẻ thơ mộng của một dòng sông, suối nước. Nhưng đức tin công giáo còn mời gọi chúng ta khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Ðức Giêsu, qua nhiều cách thế hiện diện khác nhau của Người. Ðức Giêsu thực sự là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa nhân loại chúng ta, diễn tả điều mà thiên nhiên không thể nào diễn tả trọn vẹn được: đó là khía cạnh Thiên Chúa hành động cứu độ. Thiên nhiên dù hùng vĩ như gió mạnh, biển cả, hay động đất, núi lửa cũng không thể diễn tả hết quyền năng của Thiên Chúa trong hành vi cứu độ của ngài. Ðức Giêsu đã truyền cho Phêrô: hãy đến. Lời truyền này cũng là lời nói với chúng ta, và cũng như Phêrô, lời này là lời cứu độ chúng ta, kéo chúng ta ra khỏi vực thẳm sự chết.

          Thực vậy, trong việc đến với Ðức Giêsu để được cứu độ, chúng ta đang thực hiện công việc căn bản của người tín hữu : đó là làm cho Nước Trời được ngự đến, để trong vương quyền và triều đại Thiên Chúa mọi người được nên một với Chúa Giêsu và Chúa Cha trong quyền năng của Thánh Thần. Chúng ta thường nghĩ tới đời sống người tín hữu là việc chúng ta đi đến với người khác. Tuy nhiên, bài Phúc âm chúa nhật này khai mở cho chúng ta một chiều kích ưu tiên khác của đời sống tín hữu : chúng ta phải đến với thầy Giêsu để được bàn tay cứu độ của Người nắm lấy chúng ta. Chính nhờ đời sống thân mật này với thầy Giêsu, được chạm tới bởi chính Ðức Giêsu và Lời của người mà chúng ta có thể trở nên chứng nhân của sự phục sinh của Người trong thế giới chúng ta. Ðiều cần thiết mỗi người chúng ta cần phải có, được nhắc nhở qua trường hợp của thánh Phêrô, đó là đức tin mạnh mẽ. Nhờ đức tin này mà chúng ta có thể nhận thấy Ðức Giêsu trong cuộc đời chúng ta, làm cho chúng ta có thể đi trên sóng biển của cuộc đời mà không bị nhận chìm.

          Trong kinh nghiệm đời sống của chúng ta là người tín hữu, chúng ta đã thực hành rất nhiều việc như đọc kinh xem lễ và thực hành việc giữ chay, giữ mùa phục sinh. Qua tất cả những việc này, chúng ta tin rằng chúng ta đang gặp gỡ và đón nhận quyền năng cứu độ của Thiên Chúa. Thế nhưng, điều quan trọng và cần thiết hơn nữa, đó là người tín hữu cần kết hợp thâm sâu mật thiết với thầy Giêsu để đón nhận cách cụ thể quyền năng cứu độ của Thiên Chúa. Kinh nghiệm của thánh Phêrô rất là tiểu biểu cho chúng ta. Chúng ta vẫn có thể thiếu điều mà thánh Phêrô chưa hoàn thiện được lúc bấy giờ là lòng tin vững vàng vào Chúa Giêsu mà chúng ta có thể nghĩ đến qua lòng tin vào Lời của người soi sáng những bước đi dọ dẫm của chúng ta trong đại dương của cuộc đời. Thách đố của Lời Chúa tuần này là nhắc nhở chúng ta Thiên Chúa biểu lộ cách bất ngờ, vượt mọi dự đoán con người. Chính khi các môn đệ ngỡ là ma thì Chúa Giêsu đang đến với họ. Chính khi các môn đệ tưởng là không thực, hay không tin tưởng được, thì Chúa Giêsu lại đang đến. Chúa Giêsu vẫn hiện diện vô hình với mỗi người chúng ta, điều cần thiết là hãy lắng nghe Lời người đang mời gọi.