Chúa Nhật XIX thường niên - Năm A
QUYỀN PHÉP
SƯU TẦM

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, như vậy chính Ngài đã tạo dựng vũ trụ, vạn vật, muôn loài, vì thế Ngài có toàn quyền trên thiên nhiên. Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những bằng chứng để chúng ta quả quyết điều trên: Chúa đi trên mặt biển nổi sóng và gió yên lặng ngay khi có lệnh của Ngài hoặc khi có sự hiện diện của Ngài. Hoàn cảnh của phép lạ: Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hàng ngàn người ăn no, dân chúng phấn khởi quá muốn suy tôn Chúa làm vua, nhưng Chúa thì không đồng tình như vậy, nên Ngài bảo các môn đệ xuống thuyền ra khơi đi trước và đợi Ngài ở phía bên kia Biển Hồ, Ngài giải tán dân chúng rồi một mình lên núi cầu nguyện. Các môn đệ ra đi được khoảng vài cây số thì gặp sóng to gió lớn. Thánh Luca ghi lại: gió ngược thổi mạnh dữ dội, thánh Matthêu cho biết: lúc ấy vào khoảng canh tư, nghĩa là vào khoảng ba giờ sáng, như vậy lúc đó các môn đệ đã rất mệt mỏi sau mấy tiếng đồng hồ chèo chống. Giữa lúc ấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các môn đệ, hình như Ngài muốn đi ngang qua các ông. Vừa mệt mỏi, vừa đêm tối, các môn đệ thấy có bóng người đi trên mặt biển, tưởng là ma quái hiện hình, nên hoảng sợ, nhưng khi nghe tiếng nói quen thuộc trấn an: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”, các ông mới nhận ra Chúa, lập tức Phêrô xin phép đi trên mặt nước đến gặp Chúa. Chúa bằng lòng. Phêrô bước ra khỏi thuyền đến với Chúa, nhưng đức tin của ông còn yếu kém, ông hồ nghi và lo sợ nên bị chìm dần xuống và kêu xin Chúa cứu giúp. Chúa đưa tay cầm lấy tay ông và trách nhẹ: “Người đâu mà kém tin vậy, sao lại hoài nghi?”. Khi Chúa và Phêrô đã lên thuyền, sóng gió liền yên lặng và mọi người tuyên xưng Chúa: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa”.

Qua bài Tin Mừng này, chúng ta ghi nhận được ba bài học: Bài học thứ nhất, việc Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các môn đệ cho chúng ta biết Ngài là Thiên Chúa. Đối với Chúa, việc này không có gì là khó khăn, và đối với chúng ta, cũng chẳng có gì là khó hiểu, vì Ngài là Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng vũ trụ, Ngài quyền phép vô cùng. Chính Ngài cầm quyền trên mọi định luật vật lý, nên việc Ngài đi trên sóng nước không có gì là phản khoa học hay vô lý, nhưng lại minh chứng quyền năng Thiên Chúa của Ngài. Các môn đệ hôm ấy được chứng kiến tận mắt và ghi nhận sự kiện tỏ tường Chúa có quyền trên sóng biển, đi trên sóng, truyền cho chúng yên lặng. Vì thế, lòng tin của các môn đệ càng gia tăng. Đây cũng là điều nhắc nhở chúng ta: Chúng ta phải tin Chúa Giêsu tuyệt đối và thể hiện niềm tin ấy bằng cách sống theo những lời Chúa dạy, bởi vì như thánh Giacôbê nói: đức tin không có việc làm là đức tin chết.

Bài học thứ hai, đang khi các môn đệ gặp bão táp, sóng gió thì Chúa xuất hiện để cứu giúp họ. Trong khoảnh khắc mọi sự đều thay đổi vì có Chúa. Điều này cho chúng ta biết: Ở đâu có Chúa là có bình an. Cuộc đời chúng ta cũng vậy, có giông tố bão táp, có thử thách khó khăn, nhưng chúng ta đừng bao giờ thất vọng nghĩ rằng Chúa bỏ rơi chúng ta, Chúa ở xa chúng ta hay không để ý gì đến chúng ta. Không, Chúa luôn ở với chúng ta, Chúa luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường, Chúa luôn sẵn sàng trợ giúp chúng ta. Chúng ta có thể nói: trong những giờ phút khó khăn, nguy hiểm, khổ đau, chẳng những Chúa đi bên cạnh chúng ta, mà Chúa còn bồng bế chúng ta trên cánh tay toàn năng của Ngài.

Bài học thứ ba, thánh Phêrô thấy Chúa đi trên sóng nước ngon lành nên đã phản ứng khá mau lẹ, có thể nói quá vội vàng trước khi kịp suy nghĩ, là xin Chúa cho ông cũng đi trên sóng nước như Chúa. Chúa bằng lòng ngay, nhưng vì yếu lòng tin, lo sợ nên Phêrô đã bị chìm xuống. Ông lại vội vàng kêu xin Chúa và Chúa cũng cứu giúp ngay. Đây cũng là điều nhắc nhở chúng ta: một quyết định hay một hành động vội vàng thường dễ sai lầm và gặp khó khăn. Vì thế, cần suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định một điều gì hay làm một việc gì, cần phải xác định được nên làm hay không nên làm và làm lúc nào. Đó là hai vấn đề: chúng ta phải cầu nguyện nhiều trước khi làm, một khi đã làm thì làm cho đến nơi đến chốn. Nếu chẳng may thất bại thì cố gắng làm lại, đừng chán nản thất vọng. Thánh Phêrô đã làm như thế: đã tin cậy Chúa, rồi càng yêu mến Chúa hơn trước và được Chúa tín nhiệm nhiều hơn.