Chúa Nhật XIII - Mùa  Thường Niên - Năm A
VÌ NGƯỜI
SƯU TẦM

Ông Inhac Pađêrốtki, nhạc sĩ người Ba Lan. Một hôm, sau khi trình diễn, người ta gặp thấy ông ngồi im lặng sau hậu trường, vẻ mặt thẩn thờ, mắt nhìn xa xăm. Người nhạc công phụ diễn với ông, ngạc nhiên hỏi ông có đau bệnh gì không? Pađêrốtki trả lời: “Tôi vẫn khỏe. Tôi chỉ buồn vì thiếu mất hai người bạn. Họ là đôi vợ chồng có mái tóc màu nâu. Hôm nay vắng mặt họ tại hàng ghế thứ tư, nơi họ thường ngồi”. Người bạn kinh ngạc thốt lên: “Không ngờ ông lại có bạn nơi thành phố này. Ông quen thân với họ chứ?”. Pađêrốtki đáp: “Tôi biết họ rất rõ, nhưng tôi chưa bao giờ gặp họ hai mươi năm nay, cứ mỗi lần tôi đến đây trình diễn, họ đều có mặt tại hàng ghế ấy. Tôi mến họ cách thưởng thức nhạc. Họ là tư duy của tôi. Và tất cả những bản nhạc tôi chơi đều dành riêng để tặng họ. Hôm nay tôi mất hết hứng thú vì vắng họ”. Ngừng một lát, rồi ông tiếp: “Mong sao không có gì xảy ra cho họ”.

Chỉ nhờ vào cách thưởng thức nhạc mà đôi vợ chồng thính giả ấy đã được nhạc sĩ Pađerốtki dành trọn tài năng âm nhạc của ông cho họ. Một sự đáp trả vượt quá tưởng tượng. Tuy nhiên, sự đáp trả mà Chúa Giêsu hứa cho những kẻ theo Ngài còn vượt xa hơn biết bao. Khi chọn lựa theo Chúa Giêsu, người môn đệ biết sẽ không tránh được nhiều mất mát. Nhưng Thiên Chúa không để cho họ thiệt thòi. Ngài sẽ đền bù, một sự đền bù vượt xa mọi chờ mong. Trước mặt Thiên Chúa, sẽ không có gì bị bỏ quên. Một bát nước lã thôi cũng sẽ được đền bù xứng đáng. Và cũng không có việc làm nào là kém giá trị.

Đón tiếp một ngôn sứ sẽ lãnh phần thưởng của ngôn sứ. Đón tiếp người công chính sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Đón tiếp người rao giảng sẽ lãnh phần thưởng của người rao giảng. Chúa Giêsu đã nói như thế trong Tin mừng hôm nay. Người môn đệ đừng sợ mất phần thưởng, nhưng hãy sợ mình chưa trung thành thực thi bổn phận. Với Thiên Chúa, bổn phận, dù công khai hay âm thầm, cũng vẫn luôn cần thiết. Thiên Chúa cần những con người ngày đêm nhiệt thành rao giảng, làm chứng cho Ngài, thì Ngài cũng cần những tiếp tay âm thầm hỗ trợ cho những con người ấy. Đây chính là niềm phấn khởi, hi vọng cho mỗi Kitô hữu. Tài hèn,sức kém, chúng ta không thể làm ngôn sứ, làm người lãnh đạo, hoặc làm kẻ gánh vác những trách vụ nặng nề, nhưng chúng ta vẫn có thể đóng góp một vài giúp đỡ cho những con người ấy.

Dù là vĩ nhân, cũng cần đến những nhu cầu căn bản của đời sống. Công chúng sẽ chẳng bao giờ biết đến những con người đứng sau hậu trường. Nhưng nếu không có họ thì xã hội chẳng thể nào có được các vĩ nhân. Lịch sử chỉ nhớ đến các vĩ nhân, chứ lịch sử không đủ giấy bút để ghi lại những khuôn mặt đã góp phần vào đời sống của vĩ nhân. Lịch sử không nhớ, nhưng Thiên Chúa lại nhớ tất cả, chẳng bỏ sót một khuôn mặt nào. Phần thưởng của họ cũng có giá trị như của các vĩ nhân. Cũng có thể là các việc đạo đức của chúng ta không đặc biệt sáng chói để được gọi là người công chính, là thánh nhân. Tuy nhiên, nếu chúng ta góp phần làm cho một người khác trở thành công chính, góp phần bằng cầu nguyện, hi sinh, thì chúng ta cũng lãnh nhận triều thiên của người công chính.

Tìm hiểu thêm một chút nữa, chúng ta sẽ ý thức hơn và hiểu rõ hơn điều ấy: Càng đi tìm chính mình, chúng ta càng đánh mất chính mình. Càng co cụm trong vỏ ốc của mình, chúng ta càng chết dần trong nỗi cô đơn. Niềm khao khát hạnh phúc, chúng ta chỉ có thể lấp đầy khi đến với tha nhân mà thôi. Đó là chân lý nền tảng về con người. Con người chỉ thành đạt thực sự, con người chỉ thực sự là người khi biết sống cho tha nhân.

Qua cuộc tử nạn và cái chết của Ngài, Chúa Giêsu cũng khẳng định chân lý ấy. Ngài bảo chúng ta: “Ai tìm mạng sống mình, sẽ mất. Ai đành mất mạng sống mình, sẽ gặp lại”. Đó là nghịch lý của Kitô giáo. Nhưng đó cũng là chân lý của cuộc đời. Thật thế, tất cả những ai miệt mài trong tiền của, danh lợi, chức quyền, lạc thú riêng mình, thì rồi cũng chỉ chuốc lấy đắng cay, chua xót, muộn phiền mà thôi. Trái lại, một cuộc sống tiêu hao vì người khác sẽ luôn là một cuộc sống tràn đầy, sung mãn. Chính trong phục vụ chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Chính qua những cử chỉ yêu thương chúng ta mới tìm được bản thân mình. Đó là chính là ý nghĩa của “Kinh Hòa Bình” mà chúng ta vẫn thường hát: “Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…”