Chúa Nhật XII - Mùa  Thường Niên - Năm A
HÃY SỢ TỘI
Lm Nguyễn Hùng

Vào một ngày đầu tháng Bảy, một nông dân ngồi trên chiếc ghế đu đưa trước hiên nhà, tay cầu tẩu thuốc hút có vẻ nhàn hạ. Một người khách lạ qua đường hỏi thăm:

 

- Ruộng trồng bông gòn của ông có khá không?

 

Nông dân trả lời:

 

- Tôi không có trồng bông gòn vì sợ có nhiều cỏ dại.

 

Người kia hỏi tiếp:

 

- Vậy thì vườn bắp của ông ra sao?

 

- Tôi không trồng bắp vì sợ hạn hán.

 

- Vậy ông có trồng khoai tây không?

 

- Không có, vì sợ sâu đất.

 

Người khách lạ mở to đôi mắt ngạc nhiên hỏi:

 

- Vậy thì ông trồng cái quái gì?

 

- Hổng trồng gì ráo trọi để khỏi sợ gì hết.

 

Sợ là một yếu tố tâm lý có ảnh hưởng lớn trong đời sống con người. Bậc cha mẹ và giới giáo dục thường dùng hình phạt gây sợ hãi để huấn luyện con cái, học sinh khi còn nhỏ. Chính phủ và các thể chế điều hành nắm vào sự sợ hãi đến một mức nào đó để giữ kỷ luật, trật tự. Các hãng bảo hiểm xe cộ, nhà cửa, sức khoẻ, sinh mạng... cũng khai thác yếu điểm tâm lý này nơi con người để... phát tài. Vụ khủng bố lớn ngày 11/9/2001 và những vụ khủng bố gần đây tại Do Thái cho chúng ta thấy có những người quá khích dùng nỗi sợ hãi như võ khí để khống chế, gây áp lực trên những cường quốc như Hoa Kỳ và các nước Âu Châu, Do Thái...  

Sợ hãi quá mức làm cho con người bị tê liệt, không thể làm gì được giống như ông nông dân kể trên. Ngược lại không biết sợ là gì khiến con người trở nên điên cuồng, quá khích, mất quân bình như những tử sĩ Palestine ôm bom tự tử để giết người của phe Do Thái. Sợ đúng mức giúp con người xa tránh những điều nguy hiểm, bảo vệ an toàn bản thân, đem lại hạnh phúc cho cuộc sống. Vì thế sợ hãi không phải là điều hoàn toàn xấu. Nó là một phần trong bản năng tự vệ, sinh tồn của con người. 

Thế nào là sợ hãi đúng mức? Đối tượng của sự sợ hãi chính đáng là những gì có thể gây tổn thương, nguy hại đến tính mạng của người ta. Khi đi vào rừng người ta sợ cọp từ trong bụi nhảy chồm ra xơi tái là điều chính đáng. Các cô nường khi thấy con gián, con chuột xuất hiện trong nhà vội vàng trèo lên bàn đứng hét không phải là nỗi sợ chính đáng.  

Trong bài Phúc Âm Chúa Kitô dạy cho các môn đệ biết nỗi sợ chính đáng. Chúa nói đừng sợ những người bắt bớ ai theo Chúa Kitô vì họ chỉ có thể làm hại đến thân xác, cùng lắm giết chết phần xác. Cuộc sống ở trần gian này rồi cũng sẽ chấm dứt không sớm thì muộn. Nếu phải chết sớm để làm chứng cho Chúa Kitô thì điều đó là cách diễn tả tình yêu đến tột cùng mà Ngài đã làm gương. Đó là một vinh dự, không phải là điều đáng sợ. Điều đáng sợ Chúa muốn nói chính là tội lỗi, chống lại Thiên Chúa, cắt đứt mọi liên hệ với Ngài để tự đưa mình vào hoả ngục, nơi đoạ phạt đời đời. 

Chúa muốn nhắc nhở rằng nguy hại đến thân xác không đáng sợ bằng những gì gây hại đến linh hồn. Chúng ta cần chú ý đến điểm này vì xã hội nặng vật chất này đang ru chúng ta vào cơn mê ngủ hưởng thụ, chôn vùi lương tâm mình trong vật chất. Có nhiều điều bệnh hoạn thông truyền qua phim ảnh, báo chí, Internet dưới danh hiệu "người lớn" (Adult) thật sự đang đầu độc cả người lớn và trẻ con. Có những cách gian lận chính phủ, hãng Satellite Disc, cable TV, sở làm... mà người Kitô hữu vướng vào và vẫn đi rước lễ tỉnh queo. Tất cả những điều đó đem lại cho con người thoải mái trong chốc lát, nhưng sẽ đưa linh hồn vào chốn đoạ phạt đời đời. Đó mới là điều đáng sợ và phải xa tránh. 

NS. Trái Tim Đức Mẹ