Chúa Nhật XII - Mùa  Thường Niên - Năm A
CÁC CON ĐỪNG SỢ
Sr Mai An Linh, OP

Chúa Nhật tuần trước chúng ta chia sẻ với nhau về chân dung của người được sai đi, thì Chúa Nhật XII thường niên năm A tuần này Giáo Hội lại cho chúng ta suy nghĩ về lời trấn an của Chúa Giêsu đối với người được sai đi : “ các con đừng sợ” (Mt.10,26), không sợ gì hết vì người tông đồ không làm việc một mình, mà có Thiên Chúa đi cùng “ Người sẽ cứu họ khỏi tay kẻ dữ” (Ger.20,23), và dù có tội lỗi ngập tràn cũng không sợ vì “ ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đấy ân huệ càng chan chứa”(x.Rm.5,15). 

Đừng sợ không có nghĩa là kẻ bách hại không làm gì được ta, nhưng có ý muốn nói với chúng ta rằng : ta không nên sợ vì số phận của ta giống Đức Kitô. Phải sợ những kẻ bách hại vì họ đáng sợ, nhưng chúng ta phải chấp nhận sự sợ đó và tuyên xưng đức tin, phải tỏ lộ cho mọi người biết mầu nhiệm về Nước Thiên Chúa qua lời chứng của chúng ta. 

Chúa bảo chúng ta đừng sợ vì :  

Sứ điệp vĩ đại về Nước Thiên Chúa sẽ được tỏ lộ ra, mặc dầu từ trước tới giờ những bước đầu rất khiêm tốn và bị ẩn khuất. Người tông đồ có thể tưởng rằng mầm sống hay những hạt giống đã bị chết đi. Nhưng không phải thế, những gì mà trước kia còn trong bóng tối thì sẽ được mạc khải ra trong vinh quang sáng lạn, khi ấy Tin Mừng sẽ tỏ sáng và chiến thắng như ánh mặt trời ban mai. 

Không ai có thể làm chết đi cuộc sống đích thực của con người tức là cuộc sống cả hồn cả xác. Cùng lắm người ta chỉ giết được thân xác chứ không giết được linh hồn. Chỉ có Thiên Chúa mới làm cho con người sống hoặc chết đi, mới là Đấng mà ta phải kính sợ. Cuộc sống đích thực không thể bị xén bớt hay giết đi bởi con người. Và hãy nhớ : “ơn Ta đủ cho con” 

Lý do thứ ba mà Chúa đưa ra để khuyến khích người tông đồ đừng sợ là tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa quan phòng có nghĩa là Thiên Chúa gìn giữ mọi tạo vật Ngài đã dựng nên, kể cả những tạo vật hèn kém và vô giá trị như con chim sẻ, như sợi tóc trên đầu. Nhưng sự quan phòng ấy không phải là một thứ định luật khắc nghiệt của tự nhiên, nhưng là một sự chăm sóc của một vị Thiên Chúa hằng sống và là Cha chúng ta. Tuy nhiên, nếu lời chứng của người tông đồ đưa đến cái chết, thì sự chết ấy cũng không ở ngoài ý muốn của Thiên Chúa. Không phải vì Ngài muốn họ chết, nhưng là muốn mọi người được sống. Và chính vì muốn cho hết mọi người được cứu thoát, hết mọi người so sánh nghe rao giảng Tin Mừng và Ngài muốn thấy các chứng nhân của Ngài phải chết.

 Chúa Giêsu muốn người tông đồ đi truyền giáo để làm chứng Ngài là Đấng Messia trước mặt người đời, và trong ngày xét xử Ngài sẽ làm chứng họ thuộc về Ngài trước mặt Thiên Chúa Cha. Trái lại, nếu họ từ chối Ngài, Ngài sẽ chối từ họ. Điều cần để ý ở đây là Chúa muốn nhấn mạnh đến bổn phận chinh yếu của người tông đồ là rao giảng về Nước Thiên Chúa chứ không về chính mình. Đàng khác ở đây Chúa cho chúng ta thấy vào lúc xét xử Ngài sẽ là trạng sư bênh vực cho chúng ta.

 Như vậy, lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu : “các con đừng sợ” có nghĩa là người tông đồ cần phải khôn ngoan, tỉnh thức để cân nhắc mọi nguy hiểm có thể xẩy đến cho mình, và phải vững tâm, chứ đừng lo âu xao xuyến trước những tấn công và thử thách. Niềm tin sẽ giúp họ khôn ngoan và phá tan sự sợ hãi. Niềm tin ấy được bộc lộ như sau : Mình thuộc Đấng Messia vì là tông đồ của Ngài, chịu đựng cùng một số phận như Ngài và rồi sẽ được vinh quang như Ngài. Chính cái ý thức đó sẽ là nguồn an ủi và gia tăng sức mạnh cho người tông đồ của Chúa Giêsu.Những suy nghĩ trên cho chúng ta thấy chân dung của người tông đồ là tiếp nối truyền thống các ngôn sứ. Ngay từ thời Abraham cho đến thời Chúa Giêsu và sau đó, chân dung người tông đồ vẫn là một : hy sinh chính mạng sống mình để có đời sống mới đích thực hơn.

 Lạy Chúa, xin cho chúng con khi làm việc tông đồ biết đón nhận mọi nghịch cảnh trong niềm tin và phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa, trung thành, can đảm, hiên ngang loan báo Tin Mừng dù có phải thiệt thòi, dù có phải hi sinh mạng sống miễn sao Danh Chúa được tỏa sáng trên toàn thế giới.