Chúa Nhật XII - Mùa  Thường Niên - Năm A
CAN ĐẢM GIỮA NHỮNG THỬ THÁCH
Lm. Jude Siciliano, OP

Thưa quý vị, 

Làm ngôn sứ của Thiên Chúa, cá nhân hay tập thể, không phải là chuyện dễ, lại càng không phải là an nhàn thư thái. Ngược lại nó đòi hỏi nhiều gian truân, khốn đốn. Có khi phải hy sinh cả tính mạng. Vì vậy, bài đọc I trích sách tiên tri Giêrêmia và đọc 3 nói về số phận các môn đệ Chúa Giê-su, đầy rẫy những từ ngữ mang tính đe doạ, gây sợ hãi như kinh hoàng, tố cáo, mắc bẫy, trả thù, khiếp sợ, rỉ tai, âm mưu... Kìa lão “kinh hoàng tứ phía”, chúng ta hãy tố cáo nó đi. Tất cả bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã. Họ nói: Biết đâu nó chẳng mắc lừa, rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó”. Giọng điệu bài Tin Mừng nói về số phận các tông đồ tuy kém gay gắt hơn nhưng vẫn đậm màu sợ hãi: “Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn...” Cũng những từ giết chết, khước từ, bí mật, kinh hãi, sợ sệt... Tại sao vậy? Tại số phận của các ngôn sứ Thiên Chúa là như thế.  

Phụng vụ chọn các bài đọc để chúng hoà hợp với nhau, bài nọ bổ túc cho bài kia, gởi đến chúng ta một sứ điệp về số phận các môn đệ Chúa. Chúng ta nhìn kỹ hơn các nguyên nhân gây nên tình trạng ấy? Những ai sống đúng ơn gọi đều cảm nghiệm những “chống đối” của thế gian, xác thịt và satan... Đúng như Chúa Giê-su đã nói trong Phúc âm Gio-an: “Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em...” (15,18). Tuần lễ vừa qua chúng ta nghe về ơn gọi của dân tộc Ít-ra-en, được Thiên Chúa chọn làm dân riêng, làm dân thánh giữa các quốc gia (Xh 12,2-6). Tương tự, Giê-rê-mi-a được gọi làm ngôn sứ và các môn đệ được Chúa Giê-su chọn làm tông đồ, ban quyền năng rao giảng Nước Trời, đều phải chịu chung một số phận bị ghen ghét, ngược đãi, mặc dầu công việc của họ là cao quý, tức làm phát ngôn viên của Đức Chúa Trời, công bố tình thương xót của Thiên Chúa và kêu gọi thiên hạ sống đáp trả bằng hình thức yêu thương và hành động công bằng đối với tha nhân. Chúa Giê-su còn đi xa hơn, loan báo và thiết lập “Nước Đức Chúa Trời” giữa nhân loại. Một hiện thực Thiên Chúa ngự giữa nhân loại. Một cộng đồng thi hành công bình, bác ái đến mức trọn hảo. 

Bài Tin Mừng hôm nay, như vậy, là hệ quả của Tin Mừng tuần trước. Chúa chọn lựa các tông đồ, sai phái các ông đi vào đồng lúa chín vàng, những đám đông vất vưởng như đàn chiên không có người chăn. Hôm nay Chúa báo trước cho họ số phận của mình, họ sẽ gặp chống đối gay gắt từ thế lực hoả ngục. Satan và tay sai nhất tề nổi dậy quyết sống mái với các thợ gặt Nước Trời. Ngày nay chúng ta vẫn cảm nghiệm như vậy. Giống như Giê-rê-mi-a và các tông đồ, Hội Thánh vẫn chịu bách hại đến mức độ tử đạo. Chỉ những thợ gặt trá hình ngon ngọt với thế gian là được an bình. Tiên tri Giê-rê-mi-a đã tuân thủ lời Chúa kêu gọi, cảnh cáo các vua chúa quan quyền, các thế lực đền thờ, và toàn thể nhà Giu-đa sẽ bị trao vào tay đế quốc Ba-by-lon nếu không ăn năn trở về với Thiên Chúa (20,1-6). Họ đã bịt tai, tẩy chay, bắt bớ, đánh đòn và giam ông vào ngục tối, bắt đeo gông cùm. Giê-rê-mi-a không ngờ mình phải chịu số phận nặng nề đến thế khi vâng lệnh làm ngôn sứ. Ông nói, ông đã bị Thiên Chúa “lừa” vào sứ vụ: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con và Ngài đã thắng, suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con” (20,7). Ông phàn nàn một cách cay đắng số phận làm ngôn sứ cho Chúa trong một thế giới ương ngạnh. Bây giờ ông muốn im lặng cũng chẳng được, bởi lời Ngài như bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt (20,4). 

Tuy vậy, ông vẫn tin vào Thiên Chúa và trung thành với sứ vụ, bất chấp những khốn đốn, kiệt quệ vì đồng bào, vì quyền lực đền thờ, ngay cả vì thân thích bạn bè: “Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã. Họ nói: Biết đâu nó chẳng mắc lừa, rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó.” Cố gắng thi hành ý Chúa như lương tâm mình phân định, sẽ luôn luôn đặt chúng ta trước sự chống đối của kẻ khác, ngay cả họ hàng thân thích, vì não trạng nô lệ tư tưởng hiện hành, những giá trị lừa dối, xu thời. Giê-rê-mi-a ở trong hoàn cảnh này và ngày nay những linh hồn lành thánh cũng vậy. Họ sẽ phải hứng chịu thù địch, chỉ trích ở ngay những nơi xem ra là thân thiện, nâng đỡ, ủng hộ, khích lệ, giữa gia đình, bạn bè, giáo xứ, tu hội. Trong cơn đau đớn thể xác và tâm hồn Giê-rê-mi-a cảm thấy bị bỏ rơi, bị Thiên Chúa trừng phạt. Nhưng thực sự Ngài luôn nâng đỡ ông. Người ta đo thành công ở thế gian bằng tiếng tăm và của cải hữu hình như giàu có, vàng bạc, nhà cửa. Còn người tín hữu bằng tiêu chuẩn nào? Nếu thiếu đức tin chúng ta cũng giống như vậy thôi. Khi gặp tai ương hoạn nạn, thiệt hại về tinh thần, vật chất chúng ta cũng nghĩ bị Chúa trừng phạt và không được Ngài yêu thương ban phước. Trường hợp của Giê-rê-mi-a chứng minh ngược lại. Càng trung thành với Thiên Chúa, ông càng bị đồng bào tẩy chay, hành xích. Nhưng đó chỉ là bề mặt. Thiên Chúa vẫn kiện cường, bảo vệ và chúc phúc cho ông. 

Vậy thì chúng ta phải xử trí ra sao? Chúng ta thấy nhiều lần ông than van với Thiên Chúa, ngay cả trách móc Ngài. Chúng ta có được phép làm như vậy không? Khi còn ở trung học, chúng tôi phải nghiên cứu từ jeremiad. Xem trong từ điển thì thấy định nghĩa là: Lời than vãn kéo dài và công phu. Dĩ nhiên từ này xuất phát từ tên của ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Ông ta luôn phàn nàn trách cứ Thiên Chúa. Nhưng đức tin của ông không thể bàn cãi. Ông hoàn toàn tin cậy Thiên Chúa, đến độ có thể nói là ngây thơ. Khi hoàn cảnh chống lại ông một cách khắc nghiệt, bị đánh đòn, bị đeo gông, bị cùm chân ông vẫn không tháo lui, nản chí. Ông hiên ngang rao giảng sứ điệp Thiên Chúa trao, bất chấp các đau khổ, khốn đốn. Tuy nhiên, ông đã nhiều lần than van cho số phận mình. Có lẽ chúng ta cũng được phép làm như vậy, khi vì ơn gọi mà phải gánh chịu cay đắng, miễn là giữ vững đức tin. 

Cộng đoàn Thánh Matthêu chắc chắn đã phải trải qua kinh nghiệm của tiên tri Giê-rê-mi-a nhiều lần. Họ sống và rao giảng đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô trong môi trường không thuận lợi và đã cảm nghiệm sự chống đối của đồng bào chung quanh. Cũng giống như ngôn sứ Giê-rê-mi-a họ than thân trách phận vì tình hình không được như ý muốn. Ngược lại bị bách hại và xua đuổi, nếu không, thánh sử chẳng khi nào ghi lại lời an ủi của Chúa Giê-su cho những hoàn cảnh tương tự. Chúa nhắc nhớ các môn đệ: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.” (Ga 15,18) Nó bách hại anh em vì nó đã đóng đanh Thầy. Ngụ ngôn hai con chim sẻ bao hàm một điềm dữ. Chúng rơi xuống đất có ý nghĩa chính các môn đệ sẽ phải đối mặt với cái chết. Tuy nhiên, việc nhỏ nhặt như vậy mà Thiên Chúa không bỏ qua, huống hồ số phận của các kẻ theo Chúa! Tôi chẳng hiểu sau này mình có bị giết chết hay bỏ tù vì đức tin hay không? Và lúc ấy sẽ sợ hãi như thế nào? Nhưng điều chắc chắn là phải trả giá vì tín ngưỡng của mình, dù đắt dù rẻ nhưng vẫn là một cái giá, có khi là đau khổ, phải hy sinh, bị chê cười, nhạo báng, nhục mạ… như xưa nay các tín hữu trung kiên vẫn thường phải chịu.

 Thói thường của người rao hàng dùng giọng nói cao và lạc quan để giới thiệu món hàng của mình: trái thơm ngon ngọt, sản phẩm cao cấp, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, xe hơi hiện đại, đầy đủ tiện nghi, máy lạnh đa năng, ngôi nhà thông minh… chẳng hiểu Chúa Giê-su có học hỏi kỹ thuật tiếp thị của thời đại Ngài hay không? Còn cứ như Phúc âm hôm nay thì Ngài quá chân thật, nói với các tông đồ vừa chọn lựa, cần nâng đỡ thì lại dùng ngôn từ chẳng giống ai: sợ hãi, đau khổ, chết chóc, kinh hoàng trong các môi trường thù nghịch. Đúng lý, Ngài phải hứa hẹn với họ: vinh quang, địa vị, quyền cao chức trọng, bánh vẽ… Nhưng suốt trong bài đọc ba không thấy lời nào như vậy cả, phải can đảm lắm mới có thể làm môn đệ Ngài! Ngày nay chúng ta theo Ngài vì đã được mặc khải, được hiểu rõ tương lai theo Chúa là gì. Vào thời ấy mọi sự vẫn còn mù mờ, vẫn còn phải đánh bạc với số phận.

 Tuy nhiên, dù chương trình của họ trước quyền bính thế gian có khiêm nhường, nhỏ bé, vô nghĩa, họ cũng không phải tự ty mặc cảm hoặc sợ hãi trước những vĩ đại của thế gian. Vì trong lúc này, tin mừng phải giấu diếm, rỉ tai. Mầu nhiệm nước trời chỉ được loan báo trong số nhỏ dân chúng. Chúa Giê-su rao giảng trong bóng tối, sứ điệp của Ngài phải nói thầm lén. Nhưng sẽ có ngày tất cả được công bố, mặc khải, được biết đến: “Điều Thầy nói với anh em, lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà mà rao giảng.” Bởi vì chân lý không thể giấu diếm được. Nó thuộc sở hữu chung của nhân loại, là ngọn đèn pha dẫn lối cho loài người, không ai thắp đèn rồi lấy thùng mà đậy lại. Không có lý do gì mà người ta phải xấu hổ về sự thật. Cho nên, các tín hữu có nhiệm vụ loan báo chân lý của Chúa Giê-su cho toàn thể nhân loại, bất chấp hoàn cảnh ngược lại. Sống đức tin vào Chúa Giê-su có thể bị chèn ép bởi những lời hô hoán điếc tai của thế gian, những quyết định áp đảo của quyền lực thế tục ảnh hưởng tới tương lai thế giới. Nhưng cuối cùng đường lối tiếp cận sự sống của Ki-tô giáo vẫn là chân lý toàn thắng. Lịch sử loài người nhiều lần đã khẳng định như vậy. Những ý thức hệ vô đạo, những triết lý ngoại giáo, luôn luôn phải nhường bước cho giáo lý của Chúa Giê-su.

 Cho nên, Chúa truyền các môn đệ rao giảng chân lý ấy trên mái nhà, nơi công trường. Nhưng làm thế nào? Một số người trong lịch sử thực sự đã làm như vậy. Họ là những nhà hùng biện vĩ đại đứng trên đỉnh cao mà rao giảng cho mọi người xem được, nghe được. Tuy nhiên, đa phần chúng ta sợ hãi đỉnh cao và yêu thích vị trí khiêm tốn hơn, dù vẫn đòi hỏi can đảm. Mới đây tôi đọc được một câu châm ngôn của Brazin: “Từ điểm bạn đứng, bạn suy nghĩ”. Chúng ta được Chúa mời gọi đứng chung trên mảnh đất với Ngài, thì chúng ta cũng phải suy nghĩ như Ngài. Trái tim chúng ta đồng nhịp đập với trái tim Ngài. Nếu như chúng ta cùng đứng với Chúa Giê-su, chúng ta phải làm thế nào để đời sống và hành vi của mình được thế gian biết tới như có nguồn mạch từ Chúa Giê-su. Đó là phương pháp chúng ta rao giảng nơi quảng trường, trên mái nhà. Đáng tiếc hành động của chúng ta nhiều khi trái nghịch với những điều rao giảng, thì làm sao mang danh là môn đệ Chúa Giê-su? Ngài đã cho chúng ta dấu hiệu để làm môn đệ thực sự của Ngài khi rao giảng. Đó là đứng chung đất với Ngài về lương thiện, tha thứ, tốt bụng, quan tâm, tín thác, ân cần, nhưng đức tính mà sẽ gây chống đối từ phía thế gian. Đúng như sứ điệp của Ngài đã dẫn Ngài đến cái chết thê thảm trên thập giá. Ngài ý thức rất rõ sự kiện ấy sẽ xảy tới cho các kẻ trung thành theo Ngài, cho nên Ngài bảo họ: “Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn”. Bởi vì họ có quyền trên thân xác mà thôi. Thiên Chúa mới có quyền lực tối thượng và hoàn toàn, có thể “huỷ diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục”. Nhưng môn đệ không phải sợ quyền năng của Thiên Chúa, bởi vì Ngài chăm sóc chúng ta cho đến sợi tóc trên đầu. Con chim sẻ bay nhảy trên bầu trời chẳng đáng giá là bao, thế mà không con nào rơi xuống đất ngoài ý muốn của Thiên Chúa, huống chi tính mạng của con cái Ngài?

 Tuy nhiên điều bảo đảm này không loại trừ những khốn khó thử thách ra khỏi cuộc sống các tôi tớ Chúa. Ngược lại, như tiên tri Giê-rê-mi-a nói lên trong bài đọc I, chính ông phải hứng chịu tình cảnh kinh hoàng (tứ phía kinh hoàng), vì bị bỏ rơi, trừng phạt, khiếp sợ, trước mặt quân thù, thì các nhà rao giảng tân thời làm sao tránh khỏi? Bởi vậy, tìm kiếm địa vị, sang giàu, quyền bính, tiếng tăm, sung sướng trong sứ vụ rao giảng là điều không tưởng, trừ phi chúng ta giả hình như nhóm Biệt phái. Tai hại thay ngày nay nhóm này rất đông, tới chỗ nào cũng gặp, ngay cả trong các tu viện, giáo xứ, hội đoàn. Con đường của những kẻ theo Chúa là con đường khổ nạn. Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh đôi chim sẻ gãy cánh rơi xuống đất, chết banh thây để mô tả những nhà rao giảng lời Chúa. Đồng thời Ngài cũng bảo đảm rằng Đức Chúa Trời vẫn quan tâm tới họ, dù phải ngụp lặn trong gian truân. Chúa Giê-su cũng tuyên bố công nhận người ấy trước mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét chung. Tuần trước Ngài gọi và chọn chúng ta. Gởi chúng ta đi rao giảng Nước Trời, bởi Ngài thương đám dân nghèo khổ vất vưởng. Chúng ta nên phản ánh ơn kêu gọi, bằng cuộc sống Ngài mô tả trong Phúc âm hôm nay. Chẳng có hành động bác ái nào hơn là ban bản thân mình trong nếp sống thánh thiện mà Chúa đòi hỏi. Các hành động chỉ là bề ngoài, mạng sống mới là căn bản. Hành động mà không có nếp sống thánh thiện chẳng qua vẫn là giả hình. Trong một thế giới đầy bất công, độc ác, lừa đảo, âm mưu, sống cho xứng đáng danh hiệu môn đệ Chúa quả là khó khăn, cần nhiều can đảm và ơn Chúa. It is easier said than done (nói thì dễ làm thì khó) câu ngạn ngữ tiếng Anh là điều chúng ta phải luôn suy gẫm trong sứ vụ làm con Chúa. Xin Ngài ban thêm đức tin và nghị lực trong thánh lễ hôm nay. A-men.