Chúa Nhật X thường niên - Năm A - CHÚA BA NGÔI
MẦU NHIỆM CAO CẢ
                   Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Hôm nay, Hội Thánh trên khắp hoàn cầu mừng trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi. Đây là một mầu nhiệm lớn nhất, cao cả nhất và khó hiểu nhất trong đạo Công Giáo chúng ta.

Với trí khôn hạn hẹp của con người làm sao chúng ta hiểu được mầu nhiệm cao cả này, nếu Đức Giêsu không mạc khải cho chúng ta biết. Vậy Đức Giêsu mặc khải mầu nhiệm này như thế nào?

 Thưa, Đức Giêsu không đọc một bài diễn văn dài dòng văn tự, gồm những giáo lý thần học cao siêu hay một bài giảng thuyết như nhà hùng biện nào đó, nhưng trong ba năm rao giảng, Đức Giêsu từ từ mặc khải cho chúng ta biết có một Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần.

Đầu tiên, Đức Giêsu mặc khải có Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Ngài mời gọi: "Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành" (Mt 5,48); Ngài bảo chúng ta hãy có lòng thương xót như Chúa Cha là Đấng xót thương (Lc 6,36). Ngài dạy chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha qua kinh lạy Cha...

Khi dạy về chính mình, Đức Giêsu tỏ cho biết Ngài là Con Một của Chúa Cha, được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian để cứu độ nhân loại. Ngài đến để thi hành thánh ý Chúa Cha (Ga 6,38). Khi đi rao giảng Tin mừng, Ngài làm rất nhiều phép lạ để chứng minh Ngài là Thiên Chúa quyền năng làm được mọi sự, ngang bằng với Chúa Cha (Mt 9, 2-8). Rồi cuối cùng trước khi tắt thở trên Thánh giá, Ngài phó linh hồn trong tay Chúa Cha.

Khi dạy về Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù trợ khác, để ở cùng các con luôn mãi" (Ga 14,16). Thật vậy, sau khi Đức Giêsu về trời, thì Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần.

Cuối cùng, trước khi về trời Đức Giêsu ra lệnh cho các tông đồ tiếp tục sứ mạng của Ngài là: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ. Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Mt 28, 19).

Gia đình Chúa Ba Ngôi là mẫu gương hiệp nhất với nhau trong một tình yêu duy nhất. Chúa Thánh Thần không tự mình mà nói nhưng chỉ nhắc lại cho các tông đồ nhớ lại những lời Đức Giêsu giảng dạy. Cũng vậy, Đức Giêsu không tự mình mà nói, nhưng chỉ nói những gì Ngài nghe được từ nơi Chúa Cha.

Sự sống của chúng ta có tương quan với từng Ngôi một. Chúa Cha sáng tạo trời đất muôn vật hữu hình và vô hình. Và đỉnh cao là tạo dựng con người nên giống hình ảnh Chúa.

Chúa Con đã hiến thân mình làm của lễ cứu độ trần gian. Ngài tự nguyện nộp mình chịu chết đền thay tội lỗi nhân loại.

Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá con người nên nghĩa tử của Chúa, và luôn tác động để con người hoàn thiện qua 7 nguồn ơn thánh. Chúng ta biệt qui cho dễ hiểu, chứ thật ra Ba Ngôi cùng hành động như nhau. Nghĩa là: đồng sáng tạo, đồng cứu chuộc và đồng thánh hoá.

Ba Ngôi đã làm tất cả vì yêu thương, Ngài không cần chúng ta phải đáp trả, nhưng cần chúng ta mặc lấy tình yêu Chúa để đối xử tốt với nhau trong cuộc sống. Thế giới hôm nay đang thiếu vắng rất nhiều tình yêu. Trong gia đình, nhiều cha mẹ ác tâm chối bỏ quyền sống nơi các thai nhi vô tội. Nhiều gia đình tan vỡ vì thiếu sự hy sinh và lòng bao dung tha thứ cho nhau. Cũng như thiếu sự bổ túc và tôn trọng lẫn nhau, chỉ sống với nhau để khai thác tiền bạc và thú vui thể xác mà thôi. Ở ngoài xã hội lại càng thiếu vắng tình thương nhiều hơn nữa. Người ta có trăm nghìn kế để tìm kiếm lợi nhuận, mà bất chấp tiếng lương tâm, hay luân thường đạo lý.

Anh chị em thân mến,

Từ khi lãnh Bí tích Rửa tội và Thêm sức, chúng ta được ghi dấu Thánh giá trên mình, và tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi bằng dấu Thánh giá. Trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta làm Dấu Thánh Giá nhiều lần. Bắt đầu ngày mới cho đến khi đi ngủ, mở đầu Thánh lễ cho đến khi lãnh nhận phép lành cuối lễ, trước và sau khi ăn, hay khi làm các việc đạo đức…

Vậy khi đặt tay lên trán chúng ta tôn vinh Chúa Cha toàn năng. Đưa tay xuống ngực chúng ta chúc tụng Chúa Con. Đưa tay sang trái, phải chúng ta vinh danh Chúa Thánh Thần tình yêu. Cho nên, dấu Thánh Giá là thể hiện lời tuyên xưng đức tin và là dấu chỉ người đó thuộc về Đức Kitô.

Trong bài đọc II, Thánh Phaolô khuyên: nhờ sống trong Chúa Ba Ngôi mà chúng ta có sức mạnh để chịu đựng những gian nan thử thách. Vậy chúng ta hãy làm dấu Thánh giá một cách ý thức, nhất là khi gặp sự khốn khó hay khi bị cám dỗ, xin Chúa phù trợ và gìn giữ chúng ta. Thánh Antôn lần kia đang cầu nguyện thì bị cám dỗ về đàng trái, với tất cả ý thức, Ngài làm dấu Thánh giá, lập tức ma quỷ bỏ chạy ngay, Ngài thoát được cơn cám dỗ. Vậy hôm nay mừng kính mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, chúng ta nên ý thức hơn mỗi khi làm dấu Thánh giá, là làm với tất cả tấm lòng tôn kính và hãnh hiện tuyên xưng niềm tin của mình trong Chúa Ba Ngôi. Amen.