Chúa Nhật VI thường niên - Năm A
NHƯNG LÀ ĐỂ KIỆN TOÀN
Chú giải của Noel Quesson

Sau các mối Phúc thật, là phần dẫn nhập. Bài giảng trên núi được tiếp tục trong ba chương dài trong đó Matthêu trước hết tập họp sáu phần đề giữa Luật của Mô-sê (“Anh em đã nghe Luật dạy rằng”) và Luật mới của Đức Giêsu (Thầy bảo thật cho anh em biết...). Chúa nhật này, chúng ta, đọc bốn phân đề đầu tiên, đi trước bằng một soạn mở đầu đem lại định hướng tổng quát cho cả bài đọc.

Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ lề luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn.

Đức Giêsu không phải là một nhà cách mạng muốn thay đổi mọi sự như thế quá khứ đã không tồn tại, để bắt đầu lại từ con số không? Cũng không phải là một nhà bảo thủ không muốn thay đổi gì cả như thể mọi việc trong quá khứ luôn luôn hoàn hảo. Chúng ta chớ quên rằng Tin Mừng của Thánh Matthêu được gởi đến các cộng đoàn Kitô hữu, ở Pa-lét-tin và Ki-ri theo Kitô giáo từ đạo Do Thái. Những câu hỏi về các sự “tiến hóa" được trình bày với nhiều sự kịch liệt: có nên bảo vệ các tập tục cắt bì cho các em nhỏ không bởi vì giờ đây đã có phép rửa tội? Có nên tiếp tục tôn trọng ngày Sabát không? Có nên tiếp tục chỉ ăn thức ăn "theo đúng nghi lễ" không? Vấn đề tiến hóa, tiến bộ lịch sử ấy vẫn còn là một trong những vấn đề quan trọng nhất của mọi thời đại. Trong những thời kỳ lịch sử biến động, những cuộc xung đột giữa "cũ và mới", giữa "truyền thống" và "tiến bộ" trở nên quá khích. Và điều đó được đặt ra ở khắp nơi: trong Giáo Hội, trong thành phố, trong chính trị trong nghề nghiệp, trong gia đình. Đối với Đức Giêsu, không có vấn đề bãi bỏ quá khứ, cũng không có việc bảo tồn nguyên xi mà phải cho nó một sự sống mới, trong một thành tựu. Không phải vì truyền thống cổ xưa mà nó tốt. Không phải vì một ý tưởng mới mà nó tốt hơn: Đức Giêsu sẽ cho chúng ta sáu ví dụ trong phần nối tiếp của Bải giảng trên núi.

“Vì Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm, một phết trong Lề Luật cũng không thể đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế thì sẽ bị gọi là bé nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời”.

Theo Đức Giêsu, Kitô giáo đến để hoàn thành Do Thái giáo. Tân ước là một chồi ghép hoàn toàn mới được nuôi bằng nhựa của cây ô-liu cũ tức "Cựu ước", để làm cho cây sinh ra nhiều quả (Rm 11, 17-24). Vâng, Đức Giêsu là Đấng được loan báo và chuẩn bị, Đấng đến để kiện toàn Luật và lời các ngôn sứ nghĩa là toàn bộ Kinh Thánh, Abraham, Môsê, Đavít, Isaia, các Thánh vịnh, các Hiền nhân, toàn bộ lịch sử và tư tưởng của Israel sẽ trổ hoa và phát triển trong Đức Giêsu.

Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sê chẳng được vào Nước Trời.

Công thức này phát triển nguyên tắc tổng quát mà sáu phản đề mà Đức Giêsu sắp triển khai sẽ đem lại sự minh họa.

Sự công chính là một từ ngữ Kinh Thánh rất phong phú mà Matthêu ưa thích một cách rất đặc biệt (Mt 1,19; 3,15; 5,6.10-20; 6,1.33; 9,13; 10,41; 11,19; 12,37; 13,17.43.49; 20,4; 21,32; 23,28.29.35; 25,37.46; 27,19.24). Từ “công chính" này không chỉ có ý nghĩa hạn hẹp mà ngôn ngữ hiện đại cho nó: sự công bằng xã hội điều hành những tương quan giữa con người với nhau "sự công chính" theo nghĩa Kinh Thánh chủ yếu là "theo đúng điều mà Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành". Một người công chính là người hoàn toàn đồng ý, cộng sinh,liên minh, hòa hợp với Thiên Chúa, Đấng suy nghĩ và thiết lập vũ trụ và điều hành nó với sự thông minh kỳ diệu. Người công chính, bởi “sự tương ứng" của đời sống người ấy với ý muốn của Thiên Chúa, sẽ tham dự vào Thiên Chúa và đi đến hạnh phúc, nghĩa là đến "mục đích vì đó mà người ấy được sinh ra". Vả lại Đức Giêsu đề nghị một sự "công chính mới", một sự hoàn thiện con người mới. Đức Kitô nói phải vượt qua sự công chính... vậy của ai nào?

- Các kinh sư những nhà thần học của thời đại ấy, những nhà chú giải Kinh Thánh, những vị thầy có chục vị, những giáo trưởng dạy đạo một cách chính thức… Các người ‘pha-ri-sêu’ (Biệt phái) những giáo dân dấn thân của thời đại ấy, liên kết với nhau trong một "phong trào" của những người nhiệt thành, cố gắng sống mọi yêu sách của đức tin thuần túy nhất không để thanh danh bị tổn hại.

Làm thế nào các môn đệ của Đức Giêsu, những con người nghèo khổ và đơn sơ, không học vấn lại có thể so sánh với những học giả và các chuyên viên nhiệt tình của Lề Luật?

Ba ví dụ đầu tiên về sự "trội hơn" mà Đức Giêsu đề nghị là hoàn toàn có ý nghĩa và chủ yếu cho cả đời người:

1) Bạo lực, những mối tương quan sức mạnh giữa con người.

2) Tính dục, những tương quan tình cảm và thể xác giữa đàn ông và đàn bà.

3) Chân lý, những tương quan lắng nghe và đối thoại trong sự truyền thông.

BẠO LỰC:

"Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: “Chớ giết người". Ai giết người thì đáng bị ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: “ ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc thì phải bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Vậy nếu khi anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã; rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho, quan tòa, quan tòa lại giao cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng..."

Đây là “môi trường" thứ nhất mà con người phải trội hơn; môi trường của những mối tương quan nhân loại có xung đột và gây gỗ. Đức Giêsu biết rõ lòng dạ con người, trước khi trở thành những hành động xấu thì thù hận, sự khinh khi, bản năng thống trị đã làm hư hỏng tâm hồn con người. Bạo lực không chỉ là quả bom của kẻ khủng bố làm cho bạn kinh hoàng... bạo lực đã ở trong lòng bạn, khi bạn tức giận trong lòng chống lại những người không suy nghĩ như bạn. Và Thiên Chúa bảo đảm:cho phẩm chất các mối quan hệ của bạn: bạn phải "hòa giải" với kẻ thù của mình trước khi cầu nguyện! đó là cái mới mẻ, cái triệt để của Tin mừng... trong tương quan với luật cũ.

TÍNH DỤC:

Anh em đã nghe Luật dạy rằng: "Chớ ngoại tình Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngọai tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi, vì thà mất mộ phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hỏa ngục... Luật còn dạy rằng: "Ai rẫy vợ thì phải cho họ chứng thư ly dị". Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường.hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại mình, và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình..”

Những quan hệ giữa "đàn ông" và “đàn bà" là "môi trường" thứ hai trong đó Đức Giêsu mời gọi chúng ta "trội hơn" Lề Luật. Trước tiên chúng ta hãy ghi nhận rằng lời của Đức Giêsu nói ra là theo "quan điểm" của đàn ông, bởi vì xã hội thời Người, là một xã hội của đàn ông. Rõ ràng ngày hôm nay phải đọc những lời ấy trong sự hỗ tương trọn vẹn. "Mọi người đàn bà bỏ rơi chồng mình …

Những lời này của Đức Giêsu, liên quan đến tính dục của bạn, vợ chồng bạn, đời sống độc thân của bạn... bạn hãy đọc lại những lời ấy, như thể Đức Giêsu nói với chính bạn, mặt đối mặt. Những lời này đụng đến nhiều vết thương còn đau nhức, nhiều lý tưởng bị nhạo báng, nhiều ước mơ không được thực hiện đến nỗi có lẽ cần được giải thích đôi chút. Những cuộc tranh luận về "ngoại lệ của Mat-thêu” trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp) rất khó chỉ rõ, và tốt hôn hết là tham khảo đến những lời ghi chú của Kinh Thánh có ghi nhận về các cách hiểu về ngoại lệ ấy.

Tuy nhiên mỗi người chúng ta phải đón nhận lời yêu cầu của Đức Giêsu như một lưỡi gươm: Trong thế giới sự phi nhân mà chúng ta đang sống; những lời ấy của Đức Giêsu quả là thúc bách và dường như đi ngược lại với sự phát triển của đàn ông và đàn bà. Thật vậy, trong đáy lòng, chúng ta nhận biết những lời ấy xác định đường lối duy nhất và thật dũng cảm của việc phát triển thật sự. Cũng không nên hiểu những lời ấy như những điều quy định về luật pháp: Sự "'trội hơn" Luật mà Đức Giêsu đề nghị chỉ có thể sống... với Người, với ân sủng và tình yêu của Người.

CHÂN LÝ:

“Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: “Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa". Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ…”

Đây là những lệnh truyền của Đức Giêsu mang tính hiện đại rất cao. Đây hoàn toàn là vấn đề hiệp thông giữa con người với nhau. Những tương quan của con người bị làm hư hỏng từ bên trong bởi sự lừa bịp, bởi thủ đoạn, sự giả vờ, sự giả mạo, quỷ quyệt, dối trá… sự quảng cáo và thông tin thương mại… Đức Giêsu mời bạn đến với chân lý của cuộc “đối thoại”, các cuộc đàm luận của chúng ta. Tìm một sự bảo đảm bên ngoài trong một lời thề là một điều vô ích (tôi thề với anh tôi nói sự thật!) lời nói của một con người, lời nói của bạn tự nó phải có một giá trị: hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không… Đức Giêsu tạo ra một “nền đạo đức” mới. Người không bãi bỏ gì cả, người “kiện toàn” từ trong nội tâm điều mà tự nền tảng là lý tưởng của mọi chủ nghĩa nhân bản chân chính.