Chúa Nhật VI thường niên - Năm A
BÃI BỎ HAY KIỆN TOÀN?

JM. Lam Thy ĐVD.

Bài Tin Mừng Chúa nhật VI/TN-A (Mt 5, 17-37) trình thuật Lời dạy của Đức Giê-su: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” (Mt 5, 17-18). Mới thoạt nghe, không hiểu vì sao Đức Ki-tô lại nói về vấn đề bãi bỏ hay kiện toàn Lề Luật, nhưng đọc tiếp câu sau (“Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” – Mt 5, 20), thì hiểu ra là Người muốn nhắc đến đám kinh sư và người Pha-ri-sêu.

Đó là đám người chuyên vỗ ngực tự cho mình là người thông luật và tự hào mình lúc nào cũng tuân thủ Lề Luật cách nghiêm chỉnh. Đáng tiếc là họ “nói mà không làm, bó những gánh nặng mà đặt lên vai người ta, còn chính họ lại không buồn động ngón tay vào”, và nhất là “họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy” (Mt 23, 3-5). Hơn thế nữa, họ vẫn cho rằng Đức Giê-su chống lại Lề Luật (cụ thể là luật Mô-sê), và họ đã liên tục đem Lề Luật ra gài bẫy Người (“các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng.” – Lc 11, 53-54). Họ luôn tìm những chứng gian để có cớ xử án Người (“Còn các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng thì tìm chứng gian buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình” – Mt 26, 59).

Quả thật “các nhà thông luật kinh sư và Pha-ri-sêu” rất đáng nhận những lời khiển trách này: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ. Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.” (Mt 23, 23-24). Họ tự cho là mình thông luật, muốn dùng luật lệ để dạy dỗ hướng dẫn người khác, nhưng khi hành động và nhất là cư xử với những người xung quanh, thì họ lại chứng tỏ họ là “quân dẫn đường mù quáng”. Dẫn đường mù quáng thì có khác gì “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” (Lc 6, 39). Thực ra, những người ấy không phải là không biết mình đang làm gì. Họ rất thông luật, miệng thì leo lẻo luật lệ, nhưng khi thực hành thì “Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.” (Lc 11, 46). Họ “đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.” (Lc 11, 52).

Quả thật những nhà thông luật “mồm loa mép giải” đã cố tình quên mất điều căn bản của Lề Luật là những lý luận mang tính răn đe, nhằm giúp con người trở nên hoàn thiện; nó chỉ thực sự có ích khi người ta đem ra thực hành. Nói (lý thuyết) mà không làm (thực hành) thì chỉ là thứ “thùng rỗng kêu to” mà thôi. Trong khi đó, đám kinh sư và Pha-ri-sêu dạy người ta cách giữ Luật để được khen ngợi chứ không phải để được nên hoàn thiện. Họ chỉ giữ cái vỏ bên ngoài mà cố tình quên đi cái cốt lõi bên trong (“Thật, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.” (Lc 11, 39). Họ chỉ nói mà không làm, hoặc nói một đàng làm một nẻo, “ngôn hành bất nhất”, nên Đức Giê-su mới dạy: “Vậy tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm hãy giữ; còn những việc họ làm thì đừng có làm theo”.

Đó là lý do giải thích tại sao Đức Giê-su dùng kiểu nói có 2 vế: Một vế mang tính lý thuyết (“Luật dạy rằng… ), còn vế kia là thực hành (“Còn Thầy, Thầy bảo…”) nhằm giúp các môn đệ được nên hoàn thiện. Với chủ định ấy, Đức Giê-su đã liên tục đưa ra 6 Lời khuyên (5 “Đừng”: Đừng giận ghét, Chớ ngoại tình, Đừng ly dị, Đừng thề thốt, Chớ trả thù ; và 1 “Nên”: Phải yêu kẻ thù). Trước hết là lời khuyên “Đừng giận ghét”: Con người khi đứng trước những mối bất hoà thường có 2 thái độ, hoặc nổi sùng tìm cách chống cự, hoặc thoái lui theo kiểu “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Chống cự biểu lộ sự giận ghét đã đành, nhưng thoái lui cũng vẫn ẩn chứa sự hậm hực trong lòng. Đàng nào cũng không tránh khỏi ấm ức, thù hằn.

Chống cự, trả thù ư? Ca dao VN có câu “Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, Đánh được người thì mặt vàng như nghệ”. Mặt đỏ như vang thì hách lắm, cứ như Quan Công ấy! Nhưng mặt vàng như nghệ thì hẳn là …không giống ai! Tức giận quá độ thì mặt đỏ bừng bừng, quyết một trận sống mái. Đánh người bị thương tật, thậm chí có thể tử vong, thì mình tránh sao khỏi vòng tù tội. Ấy là chưa kể mình đánh người, bộ người không biết đánh trả sao? Nếu người khoẻ hơn mình và trả đòn, hoặc nếu người không chống trả được, nhưng liệu con cháu người ta có để yên cho mình không? Chắc chắn phải tù tội, hoặc có thể bị trả thù, xin tí huyết, mặt lúc đó không “vàng như nghệ” thì còn “đỏ như vang” làm sao được nữa.

Đừng ngoại tình ư? Khó lắm! “Văn mình vợ người”, viết văn thì chỉ thấy văn mình là hay, còn văn thiên hạ là đồ bỏ; nhưng đối với người bạn đời thì lại thấy thua xa vợ hàng xóm. Thế đấy! Làm sao tránh khỏi tội ngoại tình khi trong tư tưởng đã như thế! Nên chi “ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5, 28). Đã có một truyện cổ kể rằng: Các bà phải mang nặng cái bào thai tới 9 tháng 10 ngày, đến khi sinh đẻ thì lại đau đớn tưởng chừng muốn đứt hơi, bèn bàn nhau lên xin Thương đế cho các bà chỉ chịu mang nặng thôi đã quá đủ, còn khi sinh nở thì để các ông đau đớn cho biết mùi. Thượng đế xét thấy cũng hợp lý và chấp thuận. Từ đó, mỗi khi các bà sinh đẻ, thì đức lang quân quằn quại kêu la; nhưng khổ một nỗi, không thiếu những trường hợp vợ ông A sinh, mà ông B lại quằn quại đau đớn. Phu nhân nhà sinh, đức lang quân hàng xóm đau, ấy mới kẹt! Thế là các bà lại lũ lượt kéo lên xin Thương đế cho “ai đẻ thì người ấy đau”. Kể cũng thú vị.

Cứ tưởng ở cái thời đại được gọi là văn minh phù phiếm này mới có nhiều cảnh cười ra nước mắt, thực không ngờ cách đây hơn 2.000 năm, ngoại tình đã làm xốn mắt Đấng Cứu Thế, và còn xa hơn thế nữa, bởi đến ngay như vua Đa-vit (cách Đức Giê-su tới 42 đời – Mt 1, 17-18) đã vợ con đùm đề (Sb 3, 1-9), mà cũng cầm lòng không được trước cảnh vợ của U-ri-gia, người Khết – một tướng quân thuộc quyền nhà vua – đang tắm, rồi thì cướp vợ và đầy chồng người ta ra biên ải, để mượn tay quân thù sát hại (2Sm 11, 10-26). Thế đấy! Quả thực, vấn đề ngoại tình là truyện dài từ xưa tới nay không có hồi kết. Bệnh ngoại tình đã trở thành bệnh mãn tính cổ kim thời đại, và có lẽ hơn ai hết, Đức Ki-tô biết rõ con người là như thế, nên Người đã không kết án người đàn bà ngoại tình; chẳng những thế, Người còn cứu chị ta thoát khỏi nhục hình “ném đá cho tới chết” như lụât Mô-sê thời đó (Ga 7, 2-11).

Rồi cũng từ cái “văn mình, vợ người” đi tới chỗ “chán cơm thèm phở” cũng chẳng bao xa và tếch thêm một bước nữa mấy hồi, khoái rẫy vợ là cái chắc! Ngày xưa thì còn hiếm chứ ngày nay thì đầy rẫy, mà cũng không thiếu những quốc gia chấp nhận, khuyến khích việc ly dị, khiến xảy ra biết bao thảm cảnh nhà tan cửa nát. Chia của, chia con, chia đủ thứ, rồi thì “Anh đi đường anh, tôi đường tôi. Tình nghĩa đôi ta có thế thôi” (Thế Lữ). Rốt lại, cũng không đi ra ngoài Lời dạy của Đức Giê-su: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mt 5, 32). Chung quy cũng lại là ngoại tình, vậy mà còn được đời khen là ông ấy (bà ấy) có số đào hoa nữa cơ đấy!

Đến như thề thốt thì xưa và nay cũng rứa, đều coi đó như một cách minh hoạ cho lời nói chứng tỏ sự thật. Nói về một vấn đề gì, phải thề mới được người ta tin. Người chân chính mà thề thì chẳng nói làm gì, mà có lẽ cũng vì thế nên Luật Mô-sê mới khuyên “Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa” (Mt 5, 33). Nhưng phần lớn – không, phải nòi là hầu hết mới đúng – những người dối trá, lươn lẹo, mới hay thề thốt, phần thì để che giấu cái xấu của mình, phần thì có thể lợi dụng lòng tin của người khác để lừa phỉnh, lường gạt. Ấy cũng bởi con người thích sự dối trá hơn là sự thật, thích khen hơn là chê, nên mới khoái thề thốt. Tuy nhiên, thề mà “thề cá trê chui ống” (tục ngữ VN) thì cũng trớt quớt (*) và… huề cả làng. Đó mới chỉ nói về mặt nhân sinh, nhưng còn mặt chính trị, kinh tế, xã hội, thì chẳng cần nói đâu xa, mà ngay ở cái nước VN lắm chuyện này, cũng nhan nhan cảnh ấy. Thực không thể ngờ được đến những người cầm cân nảy mực, quyết sách quốc gia, cũng đặt tay lên hiến pháp mà thề nhăng, hứa cuội! Ôi chao! Chỉ trời, chỉ đất, chỉ lên đầu, còn chỉ cả vào thần thánh mà thề nữa kia. Khiếp chưa? Chính vì thấy con người là như thế, nên Đức Ki-tô mới dạy: Đừng thề thốt.

Suy nghĩ cho kỹ Lời dạy của Đức Ki-tô trong bài TM hôm nay, rút ra được một bài học tuyệt vời: đó là Người vẫn luôn tôn trọng sự tự do mà Thiên Chúa đã ban cho con người (như sách Huấn ca viết: “Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó” – Hc 15, 16-17). Vì thế, Đức Ki-tô không hề bắt buộc, mà chỉ khuyên bảo, răn đe. Đáng lý ra, với quyền năng Thiên Chúa, Người sẽ “cấm” chớ không “khuyên”. Thay vì Người nói “Cấm không được…”, hoặc nhẹ nhàng hơn “Không được…” (Vd : Không được giận ghét, không được ngoại tình…), thì Người chỉ khuyên “Đừng…”, “Chớ… ” (Đừng giận ghét, Chớ ngoại tình…). Đến Lời khuyên bảo thứ tư (Đừng thề thốt), Người chốt lại: “Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5, 37). Như vậy là Đức Giê-su dạy phải nói, mà nói đúng sự thật (dù cho sự thật ấy có làm mất lòng thiên hạ). Sự thật là thước đo chân lý mà!

Đức Giê-su muốn các môn đệ cũng như những kẻ tin theo Người hiểu rằng việc tuân giữ Lề Luật để làm đẹp lòng Thiên Chúa, cốt ở hành động chớ không phải chỉ lý thuyết suông. Thật vậy, “khả năng phục vụ Giao Ước Mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống. Nếu việc phục vụ Lề Luật – thứ Lề Luật chỉ đưa đến sự chết và được khắc ghi từng chữ trên những bia đá – mà được vinh quang đến nỗi dân Ít-ra-en không thể nhìn mặt ông Mô-sê được, vì mặt ông chói lọi vinh quang – dù đó chỉ là vinh quang chóng qua – thì việc phục vụ Thần Khí lại không được vinh quang hơn sao? Vì việc phục vụ án chết mà còn được vinh quang như thế, thì việc phục vụ đức công chính lại chẳng vinh quang hơn lắm sao? So với vinh quang tuyệt vời này, thì vinh quang xưa kia chẳng vinh quang gì. Thật vậy, nếu cái chóng qua mà còn được vinh quang, thì cái còn mãi lại chẳng vinh quang hơn sao?” (2Cr 3, 6-11). Đức Giê-su “không bãi bỏ mà chỉ kiện toàn Lề Luật” chính là vì thế.

Nói tóm lại, giữ luật là để biểu lộ tâm tình con thảo đối với Thiên Chúa là Cha, Đấng muốn cho chúng ta cũng được trở nên hoàn thiện như chính Người. Do đó, giữ luật là sống mối quan hệ yêu thương, chứ không phải là việc làm vì ép buộc. Tình yêu đích thực không bao giờ là áp đặt, vì thế Lời dạy của Đức Ki-tô chỉ “khuyên” chớ không “buộc”. Chúa luôn mong muốn người tín hữu hôm nay hãy thành thực xét lại vấn đề tuân giữ Giáo luật. Ôi! “Lạy Chúa Giêsu, “Chúa đến không phải để hủy bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn”. Xin cho chúng con ngày càng tuân giữ luật Chúa cách trọn hảo, để được vào Nước Chúa hưởng phúc muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Danh Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện Giáo dân Thánh lễ CN.VI/TN-A).

————————

Chú thích : (*) “Trớt quớt” là tiếng nói địa phương (miền Nam VN), ngụ ý: Lời nói vừa ra khỏi miệng đã trôi tuột đi mất tăm. Ngu mỗ rất thích dùng tiếng này, vì cũng chẳng tìm được tiếng tương đương thay thế.