Chúa Nhật V thường niên - Năm A
SỰ SÁNG
Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Ngày kia trong lớp giáo lý, cô giáo lý viên nói với các em học sinh về đề tài 'Chúa Giêsu'. Hôm nay, cô muốn nói với các em về một người mà các em sẽ gặp. Người đó yêu thương và chăm sóc các em hơn cả chính gia đình, cha mẹ, anh chị em và bạn bè của các em. Người đó hảo tâm hơn bất cứ người hảo tâm nào mà các em biết. Người đó tha thứ tội lỗi cho các em bất kể các em đã làm sai lỗi, nếu biết sám hối. Cô giáo để ý có một em nhỏ trai rất chú ý lắng nghe khi cô giảng. Đột nhiên, em không thể giữ im lặng được nữa. Em giơ tay phát biểu: Em biết người mà cô đang nói tới. Người đó sống ngay bên góc đường. Kitô hữu là người tỏ bày cho người khác những điều mà Chúa Giêsu yêu thích.

Từ thời rất xa xưa, trong cuộc sống xã hội đã luôn xuất hiện kẻ nghèo, người giầu. Thiên Chúa an bài trao ban cho mỗi cá nhân những khả năng chuyên môn tiềm ẩn và số mệnh riêng. Sự sống là một mầu nhiệm vô biên, mỗi người được chia sẻ một tí chút khả năng. Hiện hữu trên trần gian, không ai giống ai hoàn toàn và cũng không có sự đồng đều giữa mọi người. Có người được sinh ra trong nhung lụa ấm êm, có người vào đời có đủ ăn đủ mặc và có kẻ được sinh ra trong đói nghèo khổ sở. Giầu có hay nghèo đói mời gọi sự hỗ tương chia sẻ để đạt hạnh phúc đời này và đời sau. Người nghèo nương tựa người giầu và người giầu chia sẻ cho người nghèo. Mọi khả năng tiềm ẩn có được đều là món qùa nhưng không của Thượng Đế ban. Chẳng có điều gì chúng ta có, mà không bởi trên ban cho. Chúng ta nhận lãnh nhưng không thì cũng hãy chia sẻ nhưng không. Tiên tri Isaia mời gọi: Hãy chia sẻ của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi (Is 58, 7).

Giống như thời tiên tri Isaia của hơn 2,500 năm trước, thế giới hiện nay cũng thế, có biết bao nhiêu người nghèo, đói ăn và cùng khổ. Xã hội thời nào cũng có người giầu kẻ nghèo. Nghèo không phải là cái tội. Đôi khi họ nghèo tiền bạc, nhưng giầu lòng nhân ái. Chúa đã dựng nên mỗi người một cách đặc biệt không ai giống ai. Chúa dựng nên con người và chúc phúc cho loài người được sinh xôi nẩy nở đầy mặt đất. Con người có gia đình, xã hội và cộng đồng để cùng nâng đỡ chia sẻ với nhau trong tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống. Mỗi người đóng góp chút khả năng đặc biệt để cùng vun đắp và xây dựng một thế giới văn minh và tiến bộ. Hãy ngắm nhìn thế giới đa dạng chung quanh có muôn mầu, muôn sắc tuyệt vời.

Mỗi loài thụ tạo hay mỗi con người đều là một kỳ công của tạo hóa. Tạo hóa đã đặt để trong mỗi sinh vật một sứ mệnh riêng biệt. Các loài thụ tạo liên đới hài hòa để tiếp tục sinh tồn. Con người là thụ tạo cao quý được Thiên Chúa yêu thương ban cho nhiều khả năng. Tuy con người hiện hữu trong trần gian giới hạn, nhưng có ước vọng cao vời và vượt trên các loài. Con người được sinh ra trong thời gian hữu hạn, nhưng lại ngưỡng vọng cuộc sống vĩnh cửu. Bởi thế, loài người có sứ mệnh cao cả là phải luôn học hỏi, nghiên cứu và suy tìm để nhận biết, chúc tụng, cảm tạ và tôn vinh Đấng Tạo Hóa.

Truyện kể: Vào một ngày nọ, khi thầy dòng ẩn tu đang cầu nguyện thì chợt trông thấy một người ăn xin tật nguyền, đó là người mẹ nghèo đang đi xin thức ăn cho con nhỏ bệnh hoạn. Nhìn thấy thế, vị ẩn tu thân thưa với Thiên Chúa rằng: Lạy Thiên Chúa tốt lành, làm sao Chúa lại để sự khổ đau xảy ra mà Chúa không can thiệp chi? Trong tận đáy lòng, vị ẩn sĩ nghe Chúa đáp lời: Ta đã thực hiện một số việc. Ta đã dựng nên con. Chúng ta là tác phẩm tuyệt với của Thiên Chúa. Chúa Giêsu phán: Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che dấu được (Mt 5, 14). Anh em là ánh sáng soi dọi cho trần gian. Ánh sáng của cuộc sống tỏa chiếu qua nhiều cách thế cả tinh thần lẫn thể chất. Có thể chiếu tỏa qua gương sáng đạo đức, qua lòng bác ái vị tha, qua trái tim từ bi hỉ xả và qua các nhân đức tin, cậy và mến. Ánh sáng có thể diễn tả qua lời nói dịu dàng, cử chỉ thân mật, khuôn mặt tươi vui, hy sinh phục vụ và sự ân cần giúp đỡ.

Chúa Giêsu ước muốn mỗi người chúng ta hãy góp phần làm vinh danh Chúa Cha: Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời (Mt 5, 16). Kitô hữu là muối ướp mặn đời và ánh sáng dọi chiếu muôn nơi để mọi người, mọi nơi được ánh lên vinh quang Thiên Chúa. Thực hành các nhân đức sống động trong môi trường chung quanh bằng việc tốt lành. Gieo nhân tốt thì sẽ phát sinh hoa trái tốt. Một suy nghĩ tốt, một lời nói tốt, một cử chỉ tốt và một hành động tốt sẽ sinh muôn vàn hương hoa tốt lành. Người tốt và việc tốt sẽ chiếu dãi tấm guơng tốt. Hữu xạ tự nhiên hương. Thiên Chúa tạo dựng mong muốn mọi loài chia phần vinh phúc và chiếu tỏa vinh quang Chúa khắp nơi hoàn cầu.

Sau khi trở thành tông đồ của Chúa Kitô, Phaolô đã dành cả cuộc đời còn lại để rao truyền danh thánh Chúa, bất chấp mọi khó khăn cản trở. Phaolô lên tiếng: Phần tôi, khi tôi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của tài hùng biện hoặc của sự khôn ngoan, tôi đến công bố bằng chứng của Thiên Chúa (1Cor 2,1). Không dựa vào sự khôn ngoan hiểu biết của thế trần, Phaolô được chính Chúa Giêsu soi sáng thúc đẩy từ nội tâm. Ngài đã cố gắng rao giảng chân lý với lòng nhiệt thành nóng bỏng. Ngài thuyết phục mọi người hãy đặt niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh, nguồn ơn cứu độ. Chân lý cứu độ hoàn toàn không do sự nhận biết suy nghĩ khôn ngoan của người phàm mà do chính Chúa Giêsu mạc khải: Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan của người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa (1Cor 2, 5). Chúa Kitô là nguồn sáng thật đã chiếu sáng vào tâm trí chúng ta sự sáng thật. Sự sáng tinh tuyền của ơn cứu độ giải thoát.

Ánh sáng có thể len lỏi vào mọi nơi, mọi chỗ để đẩy lùi bóng đêm. Đêm tối là do thiếu ánh sáng. Khi mặt trời khuất bóng, màn đêm buông xuống. Con người khuất phục bóng đêm bằng các nguồn sáng hạt nhân, điện lực, động cơ và các nhu liệu. Ánh sáng mặt trời giúp mọi loài phát triển không ngừng trong thiên nhiên. Con người đã biết lợi dụng nguồn năng lượng để đưa vào cuộc sống. Ánh sáng văn minh mở rộng biên cương và kéo dài thời khắc làm việc và vui sống. Nhưng xã hội rất cần những ánh sáng thật chiếu dãi vào trong tâm hồn con người. Con người cần sự ấm áp của tình yêu thương, sự cảm thông, lòng thương xót và liên kết tình người. Một trái tim cô đơn có thể được sưởi ấm giữa mùa sương tuyết lạnh. Ánh sáng của những việc từ thiện và quan tâm cần thiết soi dọi vào giữa cuộc sống đầy vô cảm này.

Thánh Phaolô đã tâm sự: Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy (1Cor 2, 3). Biết mình yếu kém vì đã từng đi bách hại các Kitô hữu thuở ban đầu, khi luồng sáng đánh ngã ngựa, Saul bị mù lòa bước đi trong đêm tối của sự sợ hãi cho tới khi nhận được ánh sáng của Chúa Kitô. Phaolô can đảm nói lên sự thật về Chúa Kitô phục sinh. Ông đã bước đi trong sự sáng và chiếu dãi ánh sáng đó cho nhiều người và nhiều cộng đoàn tiên khởi. Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta cũng đón nhận ánh nến đức tin được đốt từ cây Nến Phục Sinh, chúng ta trở nên ánh sáng Chúa Kitô. Chúng ta hãy sống như con cái sự sáng luôn sẵn sàng đèn nến thắp sáng để ra đón Chúa Kitô.

Lạy Chúa, Chúa là ánh sáng và là sự sống. Xin ánh sáng của Chúa dẫn dắt chúng con ra khỏi bóng tối của sự dữ và sự dối trá. Xưa Chúa đã đem lửa xuống thế gian và mong cho lửa ấy cháy lên sưởi ấm mọi tâm hồn. Xin cho chúng con biết khơi dậy ngọn lửa yêu mến để nhiệt tâm sống chứng nhân cho tình yêu.