Chúa Nhật Truyền Giáo - Năm A
THỐNG NHẤT ĐỜI SỐNG TRONG HÀNH ĐỘNG
Lm. Phêrô Lê văn Chính

          “Của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa, của Xêsa trả về Xêsa”. Câu nói của Chúa Giêsu đã trở thành châm ngôn danh tiếng hướng dẫn người tín hữu cũng như những người có lương tâm ngay thẳng trong xã hội. Mỗi lãnh vực đều có sự tự trị độc lập mà chúng ta phải tôn trọng trong cách hành xử của mình đồng thời vẫn có sự thống nhất nơi người hành động, không vì thế mà tạo ra một sự phân ly. Người tín hữu vừa phải tôn trọng bổn phận đối với luật pháp quốc gia, vừa phải tôn trọng bổn phận đối với Thiên Chúa. Những người do thái trong câu chuyện Phúc âm hôm nay đã cố gắng gài bẩy Chúa Giêsu. Họ bắt đầu bằng cách khen người, sau đó đưa ra một câu hỏi có tính chính trị, cố ý gài bẩy người lỡ lời: có được phép nộp thuế cho Xêsa không.                    

Sự tốt lành và chân lý phải dẫn chúng ta tới chỗ nhìn nhận chỗ đứng và hành vi thích hợp trong cả hai lãnh vực này. Khi lãnh vực trần thế được hướng dẫn bởi những giá trị và đường lối của Thiên Chúa, thì cũng có sự hiện diện ở đây lãnh vực của vương quốc Thiên Chúa. Và chúng ta chỉ trả một thứ thuế: tức là sự hy sinh chính mình mà Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta. 

          Những quyền bính do thái này gồm những người biệt phái và những người nhóm của Hêrôđê đã tính toán gian ác nhưng sai lầm về quan niệm rất trong sáng mẫu mực của Chúa Giêsu về chính mình và về sứ vụ của mình. Họ họp lại với nhau và với những người thuộc nhóm Hêrôđê để tính toán gài bẩy nộp người. Trước hết họ đưa ra một lời khen ngợi có vẻ rất chân thành nhưng thực sự lại là một âm mưu thâm độc : thưa thầy, chúng tôi biết thầy là người ngay thẳng, căn cứ theo sự thật mà dạy đường lối Thiên Chúa. Xin thầy nói cho chúng tôi biết thầy nghĩ thế nào: có được phép nộp thuế cho Xêsa không? Sự ác ý và không chân thành đã có trong tư tưởng và hành vi của họ làm chứng sự thiếu nhất quán trong chính bản thân của những người đặt ra câu hỏi. Thế nhưng sự gian ác của họ không qua mặt được Chúa Giêsu. Dù sao, đối diện với thách thức của họ, Chúa Giêsu cũng trả lời để chân lý được sáng tỏ và để giải gỡ một vấn nạn được đặt ra và giải quyết cách ngay thẳng. Người nói với họ đưa cho người xem đồng tiền. Khi họ đã đưa cho người đồng tiền, người hỏi họ xem hình và huy hiệu trên đồng tiền là của ai. Họ đã thưa của Xêsa. Cách trả lời của Chúa Giêsu là một cách cụ thể và chắc chắn. Người muốn chính họ trao cho người đồng tiền họ đang sử dụng để nói lên sự tùy thuộc và liên đới của họ vào một hệ thống xã hội và pháp lý của xã hội đó. Nếu như đã sử dụng tiền của chính quyền Xêsa, người ta phải có bổn phận đóng thuế cho chính quyền. Ai có lương tri ngay thẳng đều phải suy nghĩ như thế và phải tuân theo luật lệ của xã hội. Đồng thời Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh trong câu trả lời: người ta vừa phải chu toàn bổn phận dân sự vừa phải chu toàn bổn phận thiêng liêng đối với Thiên Chúa, bởi vì không những người ta tùy thuộc vào trật tự xã hội trần thế mà hơn nữa cũng tùy thuộc trật tự thiêng liêng của Thiên Chúa.   

Câu trả lời của Chúa Giêsu đặt mọi sự trong viễn tượng đúng của nó. Khi Thiên Chúa thực sự là trung tâm của đời sống chúng ta, vả chúng ta mang hình ảnh Chúa Giêsu một cách chân thành ngay thẳng trong mọi việc chúng ta làm, thì không cần có sự phân chia giữa những lãnh vực trần thế và thiên quốc. Không cần phải thắc mắc có phải nộp thuế cho Xêsa hay không. Nói cách khác, khi nhìn nhận cách trung thực quyền bính và thánh ý Thiên Chúa, chúng ta nhìn thấy thánh ý Thiên Chúa một cách cụ thể trong đời sống hằng ngày của mình khi chúng ta sống những mối tương quan với những người chung quanh trong gia đình, ngoài xã hội, nơi làm việc hay với chính quyền dân sự. Trong cuộc khổ hình thập giá, Chúa Giêsu đã sống một cách cụ thể điều này. Chúa Giêsu nhìn thấy thánh ý Chúa Cha trong mọi sự mà người phải đối diện, người bình an tiến bước, vừa chu toàn thánh ý Chúa Cha, vừa chấp hành mọi bản ản của chính quyền rôma cũng như của các thượng tế do thái.   

          Tình huống nhị nguyên sai lầm là khi phân chia Thiên Chúa, đặt Thiên Chúa trong một lãnh vực (thiên quốc) và những chuyện đời trong một lãnh vực khác (là thế gian). Chúa Giêsu, khi đối diện với thế nhị nguyên mà những người biệt phái đặt ra, người khẳng định một viễn tượng đúng đắn và thống nhất : Thiên Chúa là Đấng tối cao trên mọi người và mọi sự, và chúng ta phải tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trước hết, và mọi lãnh vực khác sẽ có chỗ của nó đối với chúng ta một cách phù hợp. Các thánh tử đạo là những người đã sống một cách thống nhất chân lý này. Chẳng hạn thánh nữ Anê Lê thị Thành, bà là một bà mẹ có nhiều con cái đang cần sự hiện diện và chăm sóc của bà trong gia đình. Thế nhưng, do hoàn cảnh bách hại đạo, bà phải chịu cảnh tù tội. Khi phải chịu tra tấn trong ngục tù, bà vui lòng chịu mọi sự khốn khó. Khi các con cái đến thăm, bà rất bình thản và vui lòng chịu mọi sự đau khổ vì tra tấn tù ngục, sẵn lòng chết vì Chúa và khuyên dạy các con cái mình phải cố gắng giữ vững đức tin trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta có thể chứng kiến sự bình an và thống nhất tuyệt vời nơi những chứng tá sống động và chân thực này làm cho chúng ta hiểu rõ chân lý trong lời nói của Chúa Giêsu: của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa, của Xêsa trả về Xêsa.  

          Bài đọc thứ nhất theo sách tiên tri Isaia minh hoạ cho những giải thích của chúng ta trên đây về sự thống nhất giữa hai thẩm quyền Thiên Chúa và con người, khẳng định chủ quyền của Thiên Chúa trên mọi sự. Chính Thiên Chúa thi hành quyền bính qua mọi hoàn cảnh và mọi người Chúa tuyển chọn, dù là một nhà vua ngoại giáo như Cyrô, để thi hành phán quyết của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa củng cố và làm cho vương quyền của vua Cyrô được lan rộng và vững mạnh, để qua Cyrô phục vụ cho đường lối giải thoát của Thiên Chúa dành cho Israel là dân riêng của Thiên Chúa. Bài đọc khai triển ý tưởng chủ quyền tuyệt đối của Thiên Chúa trên vạn vật và vũ trụ cũng như con người.  Về phần thánh Phaolô, trong bức thư gửi giáo đoàn Thêssalônica, người chia sẻ những tâm tình của mình. Người luôn cảm tạ Thiên Chúa trong mọi sự trong những lời cầu nguyện của mình. Một cách nào đó, cũng để nói rằng người luôn bình an trong Chúa trong mọi hoàn cảnh thăng trầm của cuộc đời. Nhờ đời sống cầu nguyện kết hợp với Chúa cách sâu xa, người sống trọn vẹn ơn gọi của cuộc đời mình là hết lòng lo cho đoàn chiên được trao phó. Thánh Phaolô chia sẻ người luôn luôn nhớ đến các anh chị em tín hữu trong lời cầu nguyện của mình. Nhớ một cách chân thực, và tâm tình chân thực này được người diễn tả khi nói người nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, và sự vững lòng trông cậy vào Đức Giêsu Kitô của các anh chị em tín hữu. Đây cũng chính là những điểm liên hệ tới chủ đề lời Chúa hôm nay là sự thống nhất trong đời sống luân lý Tin cậy mến làm cho người tín hữu vừa vâng phục thánh ý Thiên Chúa vừa tôn trọng quyền bính của chính quyền. Trong một cái nhìn sáng suốt thanh thản, thánh nhân nhìn thấy sự tiến bộ về nhân đức nơi các tín hữu và chỉ cho các tín hữu thấy điểm căn bản của những cố gắng thực hành nhân đức: đó là bởi vì các tín hữu là những người được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn, tức họ có được phẩm giá cao cả đến từ Thiên Chúa. Ngoài ra, họ còn được lắng nghe lời Tin mừng do các tông đồ rao giảng. Lời Tin mừng này đầy tràn quyền năng Thánh Thần sẽ nâng đỡ người tín hữu để luôn luôn tiến triển hơn nữa và thực hành những nhân đức Tin cậy mến mà họ đã bắt đầu thực hành. Khi thực hành các nhân đức Tin cậy mến, đây là những nhân đức hướng về Thiên Chúa, nhờ bởi sức mạnh của Thánh Thần do Lời Tin mừng, người tín hữu cũng sống trọn vẹn những thực tại trần thế của mình. Họ sẽ sống hài hòa với mọi người cũng như với luật pháp quốc gia và góp phần xây dựng đất nước, đó cũng chính là ơn gọi của họ đến từ Thiên Chúa là đấng đã yêu thương và kêu gọi để họ sống một đời sống mới.