Chúa Nhật IV thường niên - Năm A
PHÚC THAY
SƯU TẦM

Trong Kinh Thánh, "Hạnh phúc" là tiếng ca tụng người biết làm cho ơn Chúa ban sinh lợi, nên họ cảm thấy hạnh phúc ngay từ bây giờ, và nếu họ luôn trung thành với con đường đã chọn, họ sẽ được nhìn nhận là người công chính trong giờ phán xét."(Tin Mừng thánh Matthêu, Centurion, 1991, tr.58)

1. Bốn mối phúc đầu của Matthêu: ca tụng người biết hướng về Thiên Chúa và từ chối bạo lực.

* "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ". Sự nghèo khó mà mối phúc này nhắm tới không phải là sự nghèo khó về vật chất; nhưng là thái độ của một người nghèo tự nhận mình không có quyền đòi hỏi gì trước mặt Chúa, trái lại mọi sự mình có đều do bàn tay nhân từ của Thiên Chúa.

J. Potel chú giải: “Người Kitô hữu phải nhìn nhận mình đã lãnh nhận sự sống nơi Thiên Chúa; mà Đức Giêsu dạy rằng phải nhận ra và yêu mến Ngài như một người Cha. Sự nghèo khó tinh thần chính là chấp nhận từ thẳm sâu lòng mình rằng sự sống là quà tặng thường xuyên của người Cha này. Thiên Chúa không cần lời khen ngợi, Ngài tự hiến một cách vô vị lợi: đó chính là nguồn mạch sự khiêm nhường Kitô giáo. Sự khiêm nhường triệt để này tạo nên phẩm giá của một con người và của tất cả mọi người. Thật vậy, phẩm giá này không dựa trên sự giàu có cũng như những đức tính nhân bản, nhưng dựa trên tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mỗi người, nhất là người nghèo. Chính đây là trọng tâm của Tin Mừng vĩnh cửu".

* "Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp". Mối phúc thứ hai này nối dài mối phúc trên từ một câu Thánh Vịnh 36: “Những ai hiền lành sẽ chiếm hữu trái đất và sẽ hưởng một nền hòa bình sung mãn". J. Potel nói tiếp: "Sự hiền lành là hoa trái của sự khó nghèo. Người nghèo thì không có phương tiện thể lý hay pháp lý bảo vệ mình. Vậy phải chăng người nghèo hoàn toàn trơ trọi trước những người không nhìn nhận quyền của mình? Không, vũ khí của họ chính là sự hiền lành, sự nhẫn nại, sự tín nhiệm vào Thiên Chúa. Sự chiến thắng vĩnh viễn không đến từ võ lực. Ngày nay người ta gọi nó là kết quả của sự không dùng bạo lực".

* "Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an". Tận đáy sâu của nỗi tuyệt vọng, người tín hữu vẫn thấy ánh lên một niềm hy vọng: "Tia hy vọng này là khuôn mặt của Thiên Chúa. Ngài đến gần để an ủi người đắm chìm trong cơn thử thách".

* "Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng". Rảo qua toàn bộ Kinh Thánh, Sự công chính ở mối phúc thứ bốn được hiểu là "tự điều chỉnh" tâm hồn và thái độ theo cách thế Thiên Chúa đã làm. Thiên Chúa ở đây là Đấng đã đến để gặp gỡ con người và nối kết với họ bằng giao ước. Như vậy ‘trọn đời mình, người Kitô hữu tìm cách đáp ứng những đòi hỏi tinh thần và luân lý do giao ước này đề ra bằng cách thực hiện "sự công chính" đối với Thiên Chúa và đối với đồng loại’.

2. Bốn mối phúc sau hướng đến thái độ đặc trưng của người môn đệ Đức Kitô

* "Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương". Khi chiêm ngắm cách Thiên Chúa, Đấng nhân từ và xót thương cư xử với ta, người môn đệ của Đức Kitô học biết tha thứ những xúc phạm và trợ giúp anh em mình sống trong cảnh tuyệt vọng.

* "Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa". Sự trong sạch ở đây không có liên quan trực tiếp đến tình dục. Nó cũng không phải là sự chính trực, sự không giả dối, sự đi đôi giữa nói và làm. Sự trong sạch đây là con đường hợp nhất với Thiên Chúa.

* "Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa". Jean Potel giải thích: "Đối với Đức Giêsu, sống hòa bình bằng cách rèn luyện một đời sống hòa hợp và an lành không đủ, Ngài đòi một đức ái tích cực, nhất là khi không có hòa bình trong gia đình, nơi cộng đoàn Kitô hữu. Hòa bình sẽ được gọi không có biên giới cũng như tình yêu Thiên Chúa không có giới hạn. Những người xây dựng hoà bình là con Thiên Chúa: dĩ nhiên nhiệm vụ của con là tiếp tục công việc của Cha mình, mà điều Cha trên trời muốn là đem hoà bình đến cho con người".

* "Phúc thay ai bị bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ". Trung thành tuân giữ giáo huấn của Đức Kitô như trong các mối phúc không phải là không có những hiểu lầm, những đối nghịch, những bách hại, vì những giá trị Nước Trời đi ngược lại với những giá trị thường được đề cao như những tiêu chuẩn cuộc sống. Đối với Đức Giêsu, những môn đệ bị bách hại của Ngài là những người nghèo thật sự của mối phúc thứ nhất. Họ chỉ có lời hứa Nước Trời cho những khổ đau họ gánh chịu.

Tất cả các mối phúc đều vẽ lên một khuôn mặt, đó là khuôn mặt của Đức Giêsu. Jean Potel kết luận: "Đức Giêsu hân hoan đón nhận Nước Trời mà Ngài hết lòng chờ đợi và đã hoàn toàn dấn thân vì Nước Trời ấy. Cuộc đời, lời nói, hành vi của Ngài đều biểu lộ nơi Ngài một con người nghèo hèn, hiền lành, thương xót, trong sạch, kiến tạo hòa bình; một người chỉ sống vì Nước Trời đang đến, vì triều đại của Đấng mà các môn đệ Ngài sẽ cầu khẩn khi gọi là Cha".