Chúa Nhật III thường niên - Năm A
ÁNH SÁNG
SƯU TẦM

Dân ngồi trong tăm tối đã nhìn thấy ánh sáng huy hoàng.

Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy ngày xưa có những nhân vật khôn ngoan và thông thái, tuy đã chết từ lâu, nhưng vẫn còn được người đời nhắc đến, chẳng hạn như Aristote, Platon, César…Đồng thời, có những dân tộc đã trải qua những thời đại hoàng kim của mình, chẳng hạn người Hy Lạp nổi tiếng về văn hóa, người La Mã nổi tiếng về binh đội…

Còn hôm nay, chúng ta cũng có những nhà bác học với những phát mình làm đảo lộn cách thức suy nghĩ và hành động thường tình, chẳng hạn như máy hơi nước, máy vô tuyến, điện lực, nguyên tử…Đồng thời cũng có những quốc gia giàu mạnh nắm giữ vai trò của một siêu cường như Hoa Kỳ, Nga…

Thế nhưng, tất cả mới chỉ nổi tiếng, mới chỉ giỏi giang về những sự việc trước mắt và ở đời này. Còn nhụ sự việc thiêng liêng về đời sau, về linh hồn, về Thiên Chúa, thì họ lại hoàn toàn chẳng biết gì và không hề nói tới. Không nói tới, bởi vì có biết đâu mà nói.

Chevreul, một khoa học gia, đã phát biểu:

- Các bạn khoa học của tôi thật tài giỏi trong những lãnh vực chuyên môn, thế nhưng trong lãnh vực tôn giáo, họ không hơn gì những em nhỏ mới được xưng tội rước lễ lần đầu. Miệt mài vào công việc nghiên cứu trong những lãnh vực chuyên môn ấy, họ không cho tôn giáo là quan trọng, nên không chịu tìm hiểu cũng như không chịu sống theo những tiêu chuẩn của tôn giáo.

Đúng thế, lãnh vực của khoa học là lãnh vực của thực nghiệm. Khoa học khởi đi từ những hiện tượng, những sự việc cụ thể, để rồi dẫn tới những định luật và áp dụng những định luật ấy vào đời sống thực tế.

Còn quốc gia thì bận rộn với vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế, chỉ có tôn giáo mới lo đến linh hồn, đến đời sau, đến Thiên Chúa và đem lại lời giải đáp cho những vần đề đã từng làm chúng ta băn khoăn và thắt mắc.

May áo, chúng ta phải đến với thợ may. Đóng giày, chúng ta phải đến với thợ giày. Bắt điện, chúng ta phải đến với thợ điện. Về những sự đời này, chúng ta phải đến với những chính trị gia, những vị tướng lãnh, những nhà kinh tế…Còn về những sự đời sau, chúng ta phải đến với tôn giáo. Làm khác đi là đến với những nơi không có thẩm quyền, hoặc không đủ khả năng. Làm khác đi là đến lầm địa chỉ.

Một số vấn đề then chốt đã từng làm cho chúng ta băn khoăn và thắt mắc, chẳng hạn: Tôi bởi đâu mà đến? Tôi sống ở trên đời để làm gì? Và chết rồi tôi sẽ ra làm sao? Kẻ bất lương và người lành thánh có gì khác nhau ở bên kia cái chết?

Đứng trước những vấn đề này, chỉ có tôn giáo và nhất là Kitô giáo mới đưa ra được những lời giải đáp thỏa đáng. Bởi đó, thánh Tôma tiến sĩ đã có lý khi nói:

- Một bà lão thuộc giáo lý có khi còn am hiểu hơn những nhà bác học tài giỏi.

Đạo là đường, là ánh sáng. Không có đạo và nhất là không sống đạo, thì dù có thông thái và khôn ngoan tới đâu chăng nữa cũng vẫn là những kẻ đáng thương còn ngồi trong tăm tối.

Tuy nhiên, có điều thật bẽ bàng và cay đắng, đó là ánh sáng đã chiếu trong u tối, nhưng u tối lại không tiếp nhận ánh sáng. Sở dĩ như vậy vì họ không muốn bước đi trong ánh sáng. Họ giống như những người đau mắt, luôn ghét bỏ ánh sáng.

Vì thế, khôn ngoan về những sự việc ở đời này mà thôi chưa hẳn đã là khôn ngoan thực sự, trái lại nhiều khi còn dại đột và kém sáng suốt, bởi vì như lời Chúa đã xác quyết:

- Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích lợi chi.

Hãy đón nhận ánh sáng của Chúa, có nghĩa là hãy lắng nghe và thực thi những điều Chúa truyền dạy, bởi vì lời Chúa chính là đèn soi đường dẫn lối cho chúng ta đi.