Chúa Nhật III thường niên - Năm A
TIẾNG GỌI CỦA CHÚA
Niềm Vui Chia Sẻ

Năm 1950, một hội nghị đại diện 17 quốc gia đã bầu Albert Schweitzer làm “người hùng của thế kỷ”. Hai năm sau (1952). Albert Schweitzer được giải thưởng Nobel hoà bình. Schweitzer được toàn thế giới tuyên dương là một thiên tài đa dạng: Ông vừa là một triết gia lừng danh, một nhà thần học nổi tiếng, một sử gia đáng kính, một nhạc công sôlô trong dàn nhạc và còn là một bác sĩ thừa sai nữa.

Nhưng điểm nổi bật nhất nơi ông là niềm tin Kitô giáo sâu sắc. Chính niềm tin này đã khiến ông thành “người hùng của thế kỷ”: Năm 21 tuổi, Schweitzer tự hứa với mình là sẽ nghiên cứu nghệ thuật và khoa học cho đến năm 30 tuổi, rồi sẽ cống hiến cuộc đời còn lại cho những người thiếu thốn bằng một hình thức phục vụ trực tiếp nào đó. Và thế rồi, vào sinh nhật thứ 30 của ông, nhằm ngày 13/10/1905, ông đến một hộp thư ở Paris gởi một số thư về cho bố mẹ và bè bạn thân thiết nhất, báo cho họ biết ông sắp sửa ghi tên vào đại học để lấy bằng y khoa, sau đó ông sẽ đi Phi Châu sống như một bác sĩ thừa sai để phục vụ đám dân nghèo.

Những lá thư của ông lập tức bị phản đối ngay. Bà con và bè bạn ông đồng loạt phản đối dự tính mà họ cho là điên rồ của ông. Họ bảo ông là một người đem chôn dấu tài năng đã được uỷ thác cho ông… Tuy nhiên, Schweitzer vẫn khăng khăng thực hiện những ý định của mình. Năm 38 tuổi, ông trở thành một bác sĩ y khoa thực thụ. Năm 43 tuổi, ông đến Phi Châu mở một bệnh viện cạnh bờ rừng của khu vực gọi là Phi Châu xích đạo. Tại đây, ròng rã suốt hơn bốn mươi năm trời, ông đã dùng hết tài năng và sức lực để đêm ngày tận tuỵ săn sóc những người dân bản xứ nghèo nàn bệnh tật, với tất cả tình yêu thương và lòng nhân ái. Sau cùng ông đã chết ở đó vào năm 1965, hưởng thọ 90 tuổi.

Thưa anh chị em, động lực nào đã khiến ông Albert Schweitzer quay lưng lại với danh vọng và của cải trần gian để dấn thân làm việc cho đám dân cùng khổ nhất trong đám dân nghèo ở Phi Châu như thế?

Theo lời ông, thì một trong những động cơ thôi thúc ông làm điều đó chính là do ông suy gẫm Tin Mừng của Chúa Giêsu. Ông đã lắng nghe tiếng gọi của Ngài và quyết tâm đáp lại bằng cách dấn thân phục vụ dân nghèo ở Phi Châu. Ông nói: “Tôi không thể hiểu được tại sao tôi lại được phép sống một cuộc đời hạnh phúc như thế đang khi chung quanh tôi còn biết bao nhiêu người đang quằn quại trong đau khổ”.

Ngày nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục lên tiếng kêu gọi và đòi hỏi những ai đã nghe tiếng kêu gọi của Ngài phải có một đáp trả dấn thân cụ thể: Hãy sám hối! Hãy sống Tin Mừng Nước Trời! Hãy loan báo Tin Mừng cho đồng bào, cho nhân loại! Có nhiều người đã nghe được tiếng Chúa gọi. Một thứ tiếng vang lên từ bên trong, nhẹ nhàng nhưng rõ nét, mời gọi nhưng không kém phần thúc bách. Đáp lại tiếng Chúa là bước vào một khúc quanh của đời mình, và tứ đó đời mình đổi khác.

Chúa Giêsu gọi tôi như xưa Ngài đã gọi các môn đệ đầu tiên bên bờ hồ Galilê. Chúa vẫn hay gọi con người một cách bất ngờ. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy điều đó. Phêrô và Anrê, Giacôbê và Gioan, bốn vị này đã từng quen biết ít nhiều với Chúa Giêsu, nghe lời Ngài giảng và thấy Ngài làm phép lạ, nhưng họ không ngờ là một ngày nào đó, Ngài sẽ gọi họ làm Tông đồ. Đức Giêsu đi dọc theo bờ biển như một sự tình cờ. Ngài tình cờ thấy bốn anh em đang làm việc, kẻ quăng chài, người vá lưới. Tất cả ở trong một bầu khí êm đềm và huynh đệ. Đức Giêsu biết việc Ngài sắp làm. Ngài gọi những người Cha muốn. Tiếng gọi của Ngài vang lên thật bất ngờ. Tiếng gọi đưa đến những chia cắt không thể nói là không đau đớn. Các môn đệ đầu tiên đã phải từ giã nghề chài lưới, nghề đã nuôi sống gia đình họ và đã giúp họ trưởng thành, nghề đã đem lại cho họ biết bao kỷ niệm vui buồn. Chấp nhận bỏ nghề là chấp nhận bấp bênh. Các ngư phủ nay phải sống trên bờ, để đi theo một ông thợ mộc cũng đã bỏ nghề! Hơn nữa, họ còn phải từ giã gia đình và họ hàng thân thuộc. Họ đã coi Chúa Giêsu hơn cha mẹ, vợ con, nghề nghiệp, tương lai. Thái độ của các môn đệ đầu tiên thật đáng phục. Đó là thái độ lý tưởng của người nghe Chúa gọi, và sẵn sàng theo Ngài ngay lập tức.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu vẫn tiếp tục gọi mỗi người chúng ta hôm nay. Không phải một người đã chết từ 20 thế kỷ gọi chúng ta, nhưng là một Đấng đang sống. Ngài gọi đúng tên từng người trong chúng ta và Ngài muốn giao cho chúng ta một công tác đặc biết. Chúa Phục Sinh hôm nay vẫn cứ mời gọi từng người chúng ta cộng tác với Ngài trong chương trình vĩ đại, đó là chương trình cứu độ toàn thế giới. Tôi có nghe tiếng Ngài không? Tôi có muốn nghe được tiếng của Ngài không?

Nhiều khi chúng ta giả vờ không nghe tiếng Chúa để khỏi phải đáp lại, khỏi phải từ bỏ và đoạn tuyệt. Có nhiều tạo vật đang quấn lấy đời ta, không dễ gì gỡ được: Tiền bạc, sự ổn định, sự thoải mái tiện nghi, chút tiếng tăm địa vị, chút thoả mãn nơi thân xác… Từ bỏ là đặt mọi sự dưới Chúa, coi Ngài như giá trị cao nhất vượt trên mọi giá trị. Phải có tình yêu lớn lao mới có thể từ bỏ lập tức những gì chúng ta đang ôm ấp. Từ bỏ trở thành thước đo tình yêu của ta đối với Thiên Chúa. Đời người Kitô hữu là một cuộc lắng nghe không ngừng những tiếng gọi mời của Chúa. Chỉ những ai biết yêu mới nghe thấy và dám thực hiện ý Chúa tỏ lộ qua từng ngày, từng biến cố của đời mình.

Có thể nói, một trong những hoạt động chính của Chúa Phục Sinh là cất tiếng gọi con người. Ngài không ngừng mời gọi với một sự kiên nhẫn lạ lùng. Ngài gọi con người dưới trăm ngàn hình thức. Không phải chỉ là gọi ai đó đi tu, nhưng Ngài còn gọi cả giáo dân theo Ngài, theo Ngài bằng cách ở lại gia đình và môi trường xã hội để làm chứng cho Ngài, như một Albert Schweitzer, một Kitô hữu, một triết gia, một nhà thần học, một sử gia, một nhạc công sôlô và là một bác sĩ thừa sai. Chúa Giêsu vẫn cứ gọi và lay động trái tim mọi người, kể cả những kẻ chưa biết Ngài. Đời chúng ta là một chuỗi những tiếng gọi của Chúa. Tiếng gọi nào cũng mới mẻ và cụ thể. Nếu chúng ta đáp lại, Ngài sẽ đưa chúng ta đi xa hơn trong tình bạn, qua những tiếng gọi mới.

Các môn đệ đã đáp lại tiếng gọi của Chúa, không phải bằng lời nói, nhưng bằng hành vi từ bỏ thực sự. Chúa không mời gọi mọi người từ bỏ gia đình để sống đời thánh hiến, nhưng Chúa lại mời gọi tất cả chúng ta bỏ tính ích kỷ và cứng cỏi của mình để sống yêu thương tha nhân. Bỏ cái gì ngoài mình, không phải là điều quá khó. Nhưng bỏ chính bản thân mình với những dự tính, ước mơ, điều đó khó hơn nhiều.

Thưa anh chị em, nghe tiếng Chúa, đáp lại bằng cách từ bỏ và đi theo, đó là chu trình mà người tín hữu phải sống nhiều lần trong ngày, trong đời: “Hãy theo Thầy”. Chúa cứ nói với tôi câu đó hoài trong suốt đời tôi, và tôi hiểu rằng theo Chúa là được triển nở trong tự do yêu mến.