Chúa Nhật I Mùa Chay - Năm A
ÔI ! CÁT BỤI TUYỆT VỜI !
Lm Giuse Đinh lập Liễm

 

          Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác được nhiều bài hát có giá trị. Những bài hát đó còn sống với thời gian, nghe mãi không chán. Những bài hát đó không những có giá trị về phương diện âm nhạc, mà nhiều bài còn có giá trị về triết lý nhân sinh, một số bài lại bàng bạc tư tưởng Thánh Kinh.  Một trong các bài hát của ông là bài “Kiếp con người” đã mang mầu sắc của sách Sáng thế khi ông mở đầu bằng câu :”Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy”.

 

          Nhân dịp lễ Tro sắp tới, ngâm nga và cảm hứng theo bài hát trên, chúng tôi có một vài suy tư về ngày lễ đó để chuẩn bị tâm hồn chúng ta đi vào Mùa Chay thánh mà Hội thánh sắp mở ra cho chúng ta..

 

I. THIÊN CHÚA DỰNG NÊN CON NGƯỜI.

 

          1. “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

                Để một mai vươn hình hài lớn dậy”.

 

          Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không phải là người Công giáo, nhưng ông có những tư tưởng về kiếp sống con người như chúng ta.

 

          Sách Sáng thế nói đến việc Thiên Chúa dựng nên trời đất vạn vật từ hư không. Sau khi hoàn tất công việc tạo dựng, Thiên Chúa mới dựng nên con người.

 

          Thiên Chúa  phán :”Chúng ta làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”(St 1,26).

 

          Thiên Chúa đã dựng nên con người như thế nào ? Thì đây, sách Sáng thế đã mô tả :”Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người”(St 2,7).

 

          Theo định nghĩa thì “Bụi” là tên chung cho các vật chất rắn có đường kính nhỏ cỡ vài micromét đến nửa milimét.  Nghĩa là nhỏ lắm ! Với mắt phàm xác thịt thì không thể nào ta nhìn thấy hạt bụi được. Cho dù bạn có đi cắt mắt bằng tia Laser, hoặc đi thẩm mỹ viện sửa mắt cho to thành hai ba mí cũng không thể nào thấy hạt bụi nhỏ li ti này được. Nhưng bạn sẽ “cảm thấy” rất rõ ràng nếu hạt bụi này vướng trong mắt…

 

          Đối với con người, bụi là cái gì dơ bẩn, là biểu hiệu của cái gì hoang tàn và chết chóc. Thế mà Thiên Chúa đã dựng nên con người  bằng những hạt bụi li ti như vậy đó. Vì thế, ngày nay người ta thường nói về thân xác con người là “xác đất vật hèn”.

 

          2. “Ối ! cát bụi tuyệt vời”.

 

          Là người Công giáo, chúng ta tin là  nếu hạt bụi có được hóa kiếp là nhờ tình thương của Thiên Chúa. Vì nếu không, muôn đời hạt bụi vẫn mãi mãi là hạt bụi.

 

          Sách Sáng thế đoạn 2 câu 7 nói rõ :”Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật”(St 2,7).

 

          Con người sinh ra từ bụi đất nhưng con người không bằng bụi đất vì con người có hơi thở và hơi thở này  là hơi thở Sự Sống của Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa. Các muông thú động vật cũng có hơi thở nhưng sẽ chết đi và biến thành tro bụi. Con người khác xa các loài thụ tạo vì sự sống của con người  đến từ Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống. Ngài là Sự Sống :”Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”(St 1,27).

 

          Con người được Thiên Chúa dựng nên giống Ngài nên con người cũng sẽ được như Ngài là sống bất diệt, chứ không phải để chết như vạn vật.

 

          Chính vì tình yêu mà Thiên Chúa đã biến đổi thân phận của hạt bụi. Và hạt bụi đó được Thiên Chúa biến hóa thành con người giống hình ảnh Chúa để được sống và sống dồi dào trong tình Chúa yêu thương, trong sự thuận hòa với đồng loại.

 

          Ôi ! Cát bụi tuyệt vời !

 

          Cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa đối với con người hèn mọn, từ đời đời đã yêu thương và đưa con người lên làm bạn thân thiết với Ngài, nhất là cho con người được tham gia vào chức vụ Linh mục của Chúa Kitô, linh mục nhạc sĩ Kim Long đã sáng tác bài “Tình yêu Thiên Chúa”, trong đó có câu :

 

                             Bụi tro, ôi thân con là bụi tro đâu đáng

                             Mà Chúa cao siêu ngập tầng trời

                             Đã khắc tên con vào lòng Người

                             Nên bạn tâm phúc từ đây

                             Giữa hàng khanh tướng quyền uy.

 

II. NHƯNG CON NGƯỜI ĐÃ ĐI HOANG.

 

          “Bao nhiêu năm làm kiếp con người

            Chợt một chiều tóc trắng như vôi”.

 

          Thiên Chúa là Đấng Thiện hảo. Sau khi dựng nên vạn vật và con người, Thiên Chúa rất hài lòng :”Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra là rất tốt đẹp” (St 1,31)

 

          Sau khi đã dựng nên con người, Thiên Chúa đã đặt con người vào trong Vườn Địa đàng để hưởng mọi thành quả Thiên Chúa đã dựng nên, và Ngài lại còn ban cho con người có quyền trên  tất cả .

 

          Tuy thế, con người cũng phải bị thử thách xem có trung thành với Chúa không. Người phán với con người :”Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn, nhưng trái cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết”(St 2,16-17).

 

          Nhưng con người đã không tuân lệnh Chúa, theo lời khuyên nhủ của con rắn là ma quỉ, đã cả gan ăn trái cấm đó. Con người đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng và mất hết mọi hồng ân hồn xác mà Thiên Chúa đã ban cho lúc ban đầu.

 

          Thiên Chúa đã ban mọi hồng ân cho con người, trong các hồng ân ấy sự tự do, một hồng ân mà Thiên Chúa chỉ dành cho con người.  Nhưng sau khi con người dùng sự tự do đó mà đi nghịch lại với ý muốn của Thiên Chúa, thì con người đã từ chối sự thánh thiện và sự tốt lành mà Thiên Chúa ban.  Con người đã đi vào hư vô, vào quãng “không”. Có nghĩa là  con người chìm đắm trong những sự không tốt lành, không thánh thiện, không yêu thương, không bền vững. Con người bị rơi vào vùng bóng tối, vào kiếp đọa đầy : “Người sẽ phải đổ mô hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, người đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất”(St 3,19).

 

          Làm kiếp con người là vậy đó !

 

          Cái sự đau khổ của con người chịu, càng đau khổ hơn vì con người đã được nếm mùi hạnh phúc, đã biết thế nào là được yêu. Cũng như khi bị tù đầy mới khát khao những ngày được tự do; khi bị thất tình mới biết giá trị của những ngày sống hạnh phúc trong tình yêu.

 

          Tuy con người đã lìa bỏ Chúa, nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người. Thiên Chúa vẫn yêu thương, vẫn mời gọi, vẫn chờ đợi con người. Ngài đã sai Con của Ngài đến giải thoát chúng ta, để toàn thể con người không còn phải trở về kiếp bụi nữa. Chúa Giêsu sẽ cho chúng ta  được phục sinh vinh hiển với Ngài.  Đó là giao ước của Ngài với con người, với điều kiện là con người biết trở về với Ngài và biết bác ái yêu thương nhau. Nhưng, cũng phải kiên nhẫn đợi chờ. Thiên Chúa như người cha già hằng ngày đợi chờ mong ngóng tin vui chúng ta trở lại với Chúa.

 

III. CON NGƯỜI CẦN PHẢI TRỞ VỀ.

 

          “Xin úp mặt bùi ngùi

            Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui”.

 

          Hôm nay là ngày Thứ Tư Lễ tro, bắt đầu Mùa Chay thánh, thời gian thuận tiện giúp con người có dịp nhớ lại mình mà làm hòa với Chúa. Con người vì đi hoang nên hay quên bản thân mình, không nhớ mình là bụi tro và có thể trở về với bụi tro bất cứ lúc nào :

                             Nhiều khi quên thân mình bụi tro

                             Con người say tìm bóng phù du

                             Kìa xem, núi cao lên rồi mòn

                             Hoa tươi lên rồi tàn qua mau ngàn giấc mơ vàng.

                                      (Bụi tro – Phanxicô)

 

          Thái độ của chúng ta lúc này phải chăng là “úp mặt bùi ngùi” để xin ơn tha thứ ? Đúng vậy, Thiên Chúa sẽ thứ tha cho tất cả những ai biết ăn năn sám hối vì người ta thường nói :”Đánh kẻ chạy đi không đang người chạy lại”. Đang khi sám hối quay về với Chúa là chúng ta đang “Từng ngày qua mong ngóng tin vui”. Chắc chắn tin vui phải đến với con người sám hối vì Thiên Chúa như người cha đang mong ngóng đứa con đi hoang trở về.

 

          Chúng tin tưởng vào Chúa Giêsu. Ngài là Đáng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài sẽ giao hòa chúng ta với Chúa Cha. Ngài đóng một vai trò rất đ18c lực trong việc hòa giải này.

 

          Chúng ta còn nhớ đoạn Kinh Thánh nói về việc ông Abraham can thiệp cho thành Sôđôma. Ông có tài cù cưa mặc cả với Chúa. Ông nại lý do thân con chỉ là… tro bụi, xin Chúa tha cho anh em đồng loại “cả thành”. Để Thiên Chúa nghe mà mủi lòng.  Ông nói :”Mặc dầu con chỉ là tro bụi, con cũng xin mạn pháp thưa với Chúa : giả như trong số năm mươi người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá hủy thành sao” ? Chúa đáp :”Không, Ta sẽ không phá hủy, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người”(St 18,27-28).

 

          Đọc Kinh Thánh ta thấy, đây không phải là  một lần đầu, mà cả  ngàn lần sau này con người cứ xin lỗi rồi phạm tội, cứ hứa rồi lại thất hứa với Thiên Chúa.  Nhưng Thiên Chúa đầy tình thương, Ngài biết thừa con người thề hứa như thế đấy, mà không phải thế. Ngài đã biết tỏng con người  là hay sa ngã, hay phạm tội, hay thất hứa,vẫn chứng nào tật ấy, nhưng Chúa vẫn cứ thương.

 

          Trong Thánh lễ hôm nay, mỗi người sẽ nhận được một chút tro xức trên đầu. Trong Cựu ước, việc xức tro và mặc áo nhặm được dùng để thực hành và biểu lộ lòng thống hối cá nhân hay toàn thể cộng đồng Israel. Tro chỉ thân xác chúng ta là tro bụi, sẽ phải chết (St 3,18-27; Gb 6,26; Est 4,13; Giona 3,6).

 

          Ngày xưa, khi ai làm việc gì không chính đáng, họ thường xức trên đầu để tỏ dấu chỉ ăn năn thống hối quyết tâm làm điều lành, tránh sự xấu.  Tro là dấu chỉ lòng ăn năn thống hối. Mỗi khi trông thấy tro bụi chúng ta liên tưởng ngay đến những gì đã qua, như một cánh đồng, một căn nhà, một khu phố sau cơn hỏa hoạn chỉ còn lại đống tro tàn.

 

          Xức tro là để tỏ lòng ăn năn sám hối. Ngày nay, Giáo hội chỉ dùng một chút tro tượng trưng để nhắc nhở ta. Xức tro  trên đầu không quan trọng bằng xức tro trong tâm hồn. Hãy xức tro vào  tâm hồn để ta thấy tâm hồn mình đã ra hoen ố vì tội lỗi. Hãy xức tro vào tâm hồn để ta thấy rõ ta đã bôi tro trát trấu vào khuôn mặt Thiên Chúa, làm lem luốc khuôn mặt Hội thánh, làm ô danh cho đạo thánh Chúa. Hãy xức tro vào tâm hồn để ta thấy rõ ta đã làm cho mối quan hệ với tha nhân bị vẩn đục vì những tham nhũng, những ích kỷ, những nhỏ nhen của ta. Hãy xức tro vào tâm hồn  để lòng ta xót xa, đau đớn, hối hận vì những tội lỗi đã phạm.

 

          Do đó, Mùa Chay phải là mùa chúng ta biết “úp mặt bùi ngùi”, biết nhắc nhở mình là thân tro bụi, biết Chúa đã tha tội và đang mong mỏi chúng ta trở về để ăn năn thống hối những lỗi lầm đã xúc phạm đến Chúa.

 

          Khi được xức tro trên đầu, chúng ta sẽ được nghe một câu nhắc nhở :”Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin mừng”(Mc 1,15). Thái độ cúi đầu nhận tro là bước đầu để chúng ta  tỏ lòng khiêm nhường, hạ mình nhìn nhận thân phận hèn yếu, rất cần tình thương và ơn cứu độ của Chúa. Đó cũng là dấu hiệu tỏ ra  chúng ta muốn trở về với Ngài.

 

          Ôi ! Cát bụi tuyệt vời ! Nhờ Chúa Giêsu mà hạt bụi tôi đây, không còn phải trở về kiếp bụi nữa, mà tôi sẽ được phục sinh. Nhờ Chúa Giêsu mà chúng ta sẽ được sống vinh hiển như Ngài. Chúng ta đã hơn vạn vật là Chúa đã cho chúng ta  cùng trở về, lại được sống hòa thuận với mọi người trong nhà Chúa.

 

          Như vậy, tro bụi hôm nay sẽ luôn nhắc nhở ta là hãy ăn năn sám hối, hãy luôn bỏ đường tội lỗi, hãy luôn sống thánh thiện, luôn yêu thương anh em để lúc nào chúng ta cũng sẵn sàng về cùng Thiên Chúa, để được phục sinh vinh hiển, để được hưởng hạnh phúc trường sinh với Ngài trên thiên quốc.