Thứ Tư lễ tro - Mùa Chay - Năm A
CHAY TỊNH
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Chay Tịnh: Theo sứ điệp Mùa Chay 2009

Sứ điệp trình bày thực hành Chay Tịnh dưới ánh sáng Thánh Kinh. Sứ điệp phân tích những giá trị và ý nghĩa Chay Tịnh nhằm giúp người tín hữu sống Mùa Chay Thánh. Chay tịnh theo tinh thần Phúc Âm không chỉ là giảm bớt ăn uống mà còn là chay tịnh của con tim được cụ thể hóa trong lời nói, ý nghĩ và việc làm. Một con tim chay tịnh không có chỗ cho hận thù, chia rẽ, sự nhỏ nhen, ghen ghét, ác ý, lạnh lùng và muôn vàn hình thái của ích kỷ. Một con tim chay tịnh chỉ có nơi một con người biết yêu thương, quảng đại, cởi mở và nhạy cảm trước bao nỗi khổ của anh chị em đồng loại.

Nền tảng Thánh Kinh:

-Trong những trang đầu tiên của Kinh Thánh, Chúa truyền dạy con người phải kiêng cữ, đừng ăn trái cấm: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,16-17). Thánh Basiliô chú giải “'ngươi không được ăn' là luật ăn chay và kiêng khem”.

- Chúa Giêsu chay tịnh bốn mươi ngày trong hoang địa. “Chúa Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói” (Mt 4,1-2).

- Môisê là người đã ăn chay trước khi đón nhận những tấm bia lề luật (x. Xh 34,28).

- Êlia ăn chay trước khi gặp Chúa tại Núi Horép (x. 1 V 19,8).

- Ét-ra, khi chuẩn bị cuộc hành trình từ nơi lưu đày về Đất hứa, đã kêu mời cộng đoàn dân chúng ăn chay để “hạ mình trước nhan Thiên Chúa chúng ta” (8,21). Đấng Toàn năng đã lắng nghe lời cầu nguyện của họ và bảo đảm cho họ sự quý mến và bảo vệ.

- Dân thành Ninivê, để đáp lại lời mời gọi hoán cải của Giôna, đã công bố lệnh ăn chay, như dấu hiệu của lòng chân thành, và nói rằng: “Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết?” (3,9). Trong trường hợp ấy cũng vậy, Thiên Chúa thấy việc làm của họ và tha cho họ.

- Việc chay tịnh đích thực, như Chúa Giêsu đã nhắc ở một nơi khác, chính là thi hành ý của Chúa Cha, “Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ thưởng công cho anh” (Mt 6,18).

- Việc thực hành chay tịnh luôn hiện diện trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi (x. Cv 13,3; 14,22; 27,21; 2 Cr 6,5).

Giá trị và ý nghĩa của chay tịnh:

- Ăn chay là một trợ giúp lớn lao để tránh tội và tất cả những gì dẫn đến đó. Vì thế, lịch sử cứu độ đầy dẫy những sự kiện mời gọi ăn chay.

- Các giáo phụ cũng nói đến sức mạnh của chay tịnh để kiềm chế tội lỗi, đặc biệt những thèm khát của “con người Adam cũ,” và và mở ra trong tâm hồn người tín hữu một con đường đi đến Thiên Chúa.

- Chay tịnh được đề nghị cho chúng ta như là một phương thế để phục hồi lại tình bạn với Thiên Chúa.

- Chay tịnh đem lại lợi ích cho hạnh phúc thể lý. Đối với người tín hữu, trước tiên nó là “một phương thế chữa trị” để chữa lành tất cả những gì ngăn cản họ sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.

- Chay tịnh giúp chúng ta loại trừ tính ích kỷ và mở rộng con tim để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.

- Chay tịnh cũng góp phần mang lại sự thống nhất cho con người, thân xác và linh hồn, giúp tránh tội lỗi và tăng trưởng trong cuộc sống thân mật với Chúa.

- Chay tịnh là một trợ giúp để mở mắt nhìn thấy tình trạng của bao nhiêu anh chị em chúng ta đang sống.

- Chay tịnh tự nguyện giúp chúng ta tăng trưởng theo tinh thần của Người Samaritanô nhân lành, cúi mình xuống và cứu giúp người anh em đau khổ.

- Chay tịnh là một thực hành khổ chế quan trọng, một vũ khí thiêng liêng để chiến đấu chống lại mọi gắn bó mất trật tự với chính bản thân.

 Chay tịnh thực hành.

Chay tịnh chính là hãm mình. Hãm bớt dục vọng, hãm bớt đam mê, hãm bớt thói hư tật xấu, hãm bớt sự tham lam của cải, hãm bớt sự hung hăng gây chiến, hãm bớt lòng tự cao tự đại, hãm bớt cả những sở thích thường nhật. Sự hãm bớt như thế có một tác dụng rất lớn, nếu được thực hành thường xuyên, sẽ tạo cho ta một nội lực, một sức mạnh giúp ta làm chủ bản thân khi cần thiết. Ðức tính tự chủ dễ nảy sinh và phát triển nơi những con người quen hãm mình. Và chính đức tính ấy làm cho con người thực sự tự do, làm chủ bản thân, không nô lệ chính mình và bất cứ điều gì. Thoạt nghĩ tới thì sự hãm mình có vẻ là một sự gò bó, giới hạn, cắt xén, làm cho con người không còn được tự do thoải mái. Chính vì thế mà nhiều người trong xã hội hôm nay, kể cả những người có đạo, thậm chí cả những người sống đời tu trì, không thích hãm mình, và hầu như không còn hãm mình nữa. Ðó là lý do của sự xuống dốc về đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội. (x.Thư mục vụ Mùa Chay năm 2006, ĐGM Bùi Văn Đọc).

Chay tịnh theo tinh thần Phúc Âm không chỉ là giảm bớt ăn uống mà còn là chay tịnh của con tim được cụ thể hóa trong lời nói, ý nghĩ và việc làm. Một con tim chay tịnh không có chỗ cho hận thù, chia rẽ, sự nhỏ nhen, ghen ghét, ác ý, lạnh lùng và muôn vàn hình thái của ích kỷ. Một con tim chay tịnh chỉ có nơi một con người biết yêu thương, quảng đại, cởi mở và nhạy cảm trước bao nỗi khổ của anh chị em đồng loại. Rồi như anh chị em cũng biết, theo truyền thống, chay tịnh vẫn gắn liền với kiêng thịt. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận một thực tế là ngày nay có nhiều người đã thay thế việc kiêng thịt bằng những thức ăn đắt tiền hơn. Chay tịnh như thế chưa phải là “xé lòng” mà chỉ dừng lại ở việc “xé áo”.

Chay tịnh mà Hội Thánh đề nghị thật ra là lời mời gọi hướng tới việc chia sẻ của đức ái. Đức ái Kitô giáo không dừng lại việc làm phúc bố thí hiểu như một sự thương hại, nhưng hướng tới tấm lòng yêu thương chân thành, khiêm tốn và tôn trọng phẩm giá con người. Mùa Chay Thánh mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu để học với Ngài về một tình yêu luôn trao ban và sống vì người khác.(x. Thư Mục vụ Mùa Chay 2006, ĐGM Nguyễn Văn Nhơn).

Sống Chay tịnh là sống đơn giản. Thiếu Chay tịnh, thiếu đơn giản trong đời sống, con người dễ sa ngã, dễ đánh mất lý tưởng. Câu chuyện văn chương tu đức Ấn Giáo sau đây là một minh hoạ.

Ở một làng nọ, có vị đạo sĩ, Sadhu, tu thân lâu ngày, gần đạt đến bậc thánh nhân. Dân chúng ngưỡng mộ, quý mến nhà đạo sĩ, đến thỉnh ý, tầm thầy học đạo.

Một ngày kia, thấy vị đạo sĩ rách rưới, kẻ qua đường biếu nhà đạo sĩ manh vải che mình. Những lúc Sadhu ngồi thiền niệm, bày chuột tưởng tượng gỗ, rúc vào tấm vải gặm nhấm. Tội nghiệp, có kẻ qua đường thấy thế, biếu Sadhu con mèo bắt chuột. Dân trong làng thương tình, thay nhau đem sữa nuôi con mèo. Rồi ngày nọ, có kẻ hành hương từ phương xa, nghe tiếng thơm nhân đức, đến viếng nhà đạo sĩ. Người đàn bà giàu có ấy tặng đạo sĩ Sadhu con bò để lấy sữa nuôi con mèo. Để nuôi con bò, người ta làm cho nó cái chuồng. Từ dạo đó, con bò có chuồng, vị đạo sĩ không có nhà. Thấy thế không ổn, dân trong làng làm cho nhà đạo sĩ chiếc chòi lá.

Từ ngày ấy, nhà đạo sĩ không còn nhiều thời giờ tu niệm như xưa, bận rộn nuôi con bò để lấy sữa nuôi con mèo. Nuôi con mèo để đuổi lũ chuột. Phải lo sửa sang căn nhà. Dân trong làng không muốn nhà đạo sĩ mất thời giờ săn sóc con bò, họ gởi một người đàn bà đến cắt cỏ nuôi con bò, săn sóc con mèo thay cho nhà đạo sĩ có giờ thiền tu.

Nhà đạo sĩ đã có tấm vải che thân, có con mèo đuổi chuột, có con bò cho sữa, có căn nhà để ở, có người đàn bà săn sóc cuộc đời mình. Chẳng bao lâu, nhà đạo sĩ không còn thời gian tĩnh mịch nữa, ông đầy đủ hết rồi.

Đâu là con đường tu đạo? Ông lấy người đàn bà làm vợ, thế là chấm dứt cuộc đời hạnh tu.

Câu chuyện bắt đầu chỉ là miếng vải che thân, rồi dần dần nhu cầu sinh ra nhu cầu, sau cùng nhà đạo sĩ mất lý tưởng hạnh tu. Làm thế nào nhà đạo sĩ Sadhu bỏ cuộc, đánh mất hành trình tu giới của mình? Của lễ, tặng vật kia êm ả quá đỗi. Nó như làn gió nhẹ mơ màng, dật dờ như dòng nước không tiếng động. Thế mà đánh đổ nhà đạo sĩ. Sự đổi mới ở đất nước tôi đang mang dáng dấp có nhà Sadhu nào sắp ngã không?

Của lễ dâng cúng không là tội. Nhưng người đạo sĩ có thể bị hủ hóa không ngờ. Lòng bao dung của tín đồ cũng phải khôn ngoan biết bao, chính họ có thể đưa con người hướng dẫn tôn giáo của họ vào tà đạo bằng của lễ ngẫu tượng.

Người ta làm chủ của cải, rồi một ngày bị của cải lấy mất tự do mà họ không ngờ. Để lòng mình làm chủ hay bị của cải làm chủ vẫn luôn luôn là một giằng co khốn khổ. Nó vẫn là con đường hạnh tu. Thật khó để mình chiếm hữu của cải chứ không để của cải chiếm hữu mình. Nhu cầu này sinh ra nhu cầu khác. Ta không biết đâu là bến bờ. Phương tiện nào đưa ta đạt đến mục đích, khó mà nhìn thấy.

Sống đơn giản đưa Shadu vào đời sống tu hạnh. Mất đơn giản, ông mất lý tưởng. Trong Giáo Hội, tất cả các đại thánh đều có đời sống đơn giản. Không phải trong Giáo Hội Công Giáo mà thôi, tất cả thánh nhân trong tôn giáo khác cũng vậy.

Không ngờ Sadhu đánh mất lý tưởng. Tội nghiệp ông. Tôi nghĩ, nhà đạo sĩ nào viết câu chuyện ấy, đã đạt tới bậc tỉnh ngộ rất cao như lời dạy “hãy tỉnh thức và cầu nguyện.” (x. Những trang nhật ký của một Linh mục, Lm Nguyễn Tầm Thường).

Chay tịnh có giá trị và ý nghĩa thật cao cả.Mục tiêu tối hậu của chay tịnh là giúp đỡ mỗi một người dâng trọn vẹn chính mình cho Thiên Chúa.

Kết thúc Sứ điệp, Đức Thánh Cha ước mong rằng: mỗi gia đình và cộng đoàn kitô hữu biết tận dụng thời gian Mùa Chay này, để gạt bỏ một bên những điều gì gây lo ra cho tâm trí và tăng trưởng trong những điều nuôi dưỡng tâm hồn, hầu yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Tôi đặc biệt nghĩ tới một sự dấn thân lớn hơn cho việc cầu nguyện, lectio divina, chạy đến bí tích hòa giải và tham dự tích cực vào bí tích Thánh Thể, đặc biệt Thánh lễ ngày Chúa nhật. Với thái độ bên trong ấy, chúng ta hãy đi vào tinh thần sám hối của Mùa Chay.