Chúa Nhật Lễ Lá - Năm A
TÌNH YÊU ĐÁP LẠI HẬN THÙ
 Lm Giuse Đinh tất Quý

 Thiếu nhi chúng con thân mến,

Chúng con vừa nghe thánh Tin Mùng khá dài. Câu chuyện rất cảm động xảy ra vào những ngày cuối đời của Chúa Giêsu trên trần thế.

Cha hỏi chúng con: Qua câu chuyện hôm nay chúng con thấy được cái gì nổi bật nhất?

Chúng con cho cha ý kiến nào.

- Chúng con thấy lòng dạ của người ta thay đổi nhanh quá.

- Đúng! Cha cũng thấy vậy. Nhanh quá! Không thể tưởng tượng nổi.

-  Sao mà người ta ác quá!

- Đúng. Người ta ác với Chúa Giêsu quá. Chúa Giêsu đâu có thù hằn gì với ai. Nhiều người còn chịu ơn Chúa. Vậy mà sao họ nỡ tâm đối xứ ác với Chúa như thế.

- Thật là buồn lòng cho Chúa! Riêng đối với cha, điều cha cảm phục nhất là cách Chúa phản ứng và đối xử với mọi việc xảy ra một cách hết sức bình thản và đầy lòng yêu thương. Đây cha chứng minh cho chúng con. 

 Trước hết chúng con thấy Chúa thanh thản và chủ động bước vào cuộc Thương khó khi Người nói với các môn đệ: “Thầy ước ao dự bữa tiệc Vượt qua với các con”. Đứng trước cái chết, con người ai mà chẳng run sợ, vì con người nghĩ rằng chết là hết, chẳng có gì tồn tại. Nhưng với Chúa Giêsu, chết là đi về cùng Chúa Cha. Chúa yêu mến Chúa Cha, khao khát kết hiệp với Chúa Cha, nên Người thanh thản bước vào cuộc khổ nạn để được về cùng Chúa Cha. 

Lúc quân lính hung hăng đến bắt Chúa, Chúa vẫn hiền hòa không kháng cự.

 Bị vây bọc trong bầu khí sát máu, Chúa vẫn cư xử với lòng nhân hậu khoan dung. Chúa chẳng lo cho an toàn của bản thân: nên giữa lúc khó khăn khốn đốn Chúa vẫn mở rộng bàn tay nhân ái chữa lành vành tai bị đứt của người đày tớ vị thượng tế. 

Khi Giuđa đến hôn mặt Chúa, Chúa vẫn đối xử một cách lịch sự, tế nhị. Đối lại tội phản nghịch tày trời, Chúa chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở, hi vọng đánh thức lương tâm người học trò mê tiền mà đi đến phản bội.

Lúc đang bị xét xử, dù phải chịu nhục nhã đắng cay, Chúa vẫn quan tâm đưa mắt nhìn  Phêrô. Vị đại diện các tông đồ, sau khi chối Thầy, đã nhận được ánh mắt kín đáo của Thầy. Ánh mắt hiền dịu mà đau khổ. Ánh mắt trách móc thì ít mà tha thiết van xin thì nhiều. Ánh mắt nhân từ tha thứ đã khiến Phêrô ray rứt khôn nguôi.

 Rồi trên con đường lên Núi Sọ, dù vai phải mang cây thánh giá nặng nề, dù bản thân yếu mệt và tủi nhục, Chúa vẫn còn đứng lại an ủi những người phụ nữ khóc lóc, an ủi đám dân đã tố cáo, đã kết án Chúa.

 Trên thập giá, lúc đớn đau đã thấm vào đến tận xương tuỷ, lúc sức lực đã cạn kiệt, vậy mà Chúa vẫn còn quan tâm lắng nghe người trộm lành. Ôi sao mà lạ lúng quá. Thật là tuyệt vời!

 Và còn hơn thế nữa, Chúa đã tha thứ cho những sĩ quan, những binh lính hành hạ Chúa. Chúa không chỉ tha thứ mà còn cầu nguyện xin Chúa Cha tha cho tất cả mọi người có dính líu đến việc xử án Chúa.

Cha hỏi chúng con Chúa làm tất cả những điều ấy để với mọi người điều gì?

Câu trả lời không khó. Chúa muốn cho mọi người thấy tình yêu của Chúa.

Tình yêu ấy là làn ánh sáng xé tan bóng đêm thù hận, chiếu soi vào lòng của cả những người ghét ghen. Cha nhớ Đức Cha Fulton Sheen một tông đồ của Tin Mừng đã nói một câu rất hay: Tình yêu thương của Chúa giống như loài gỗ quí nhuốm cả hương thơm vào lưỡi búa đã đốn ngã nó.

Giữa những hung hãn tàn bạo, Chúa vẫn hiền lành khiêm nhường.

Giữa những hận thù, Chúa vẫn yêu thương.

Giữa những phản bội, Chúa vẫn tha thứ.

Tình yêu của Chúa đã thắng.

Có một nhà tư tưởng lớn Karl Menninger nói: "Tình yêu là liều thuốc kỳ diệu chữa trị mọi vết thương của cả người cho lẫn người nhận"

Nhà văn lớn người Nga tên là Lev Tolstoy còn nói mạnh hơn "Tình yêu kỳ diệu. Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự sống".

Nói tới đây cha nhớ đến một câu chuyện. Câu chuyện này thật đẹp. Câu chuyện như thế này: Một hiệp sỹ dũng cảm kia tên là Hidebrand bị một bạn đồng nghiệp tên là Bruno nhục mạ nặng nề. Hidebrand thề sẽ trả thù đích đáng. Ông suy nghĩ và chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình hành động. Cuối cùng ông chọn địa điểm và thời giờ thuận lợi đễ ra tay. Ông thức dậy sớm giữa đêm, một mình võ trong đầy đủ, đi đến một nơi thanh vằng mà ông biết Bruno sẽ đi ngang qua. Trên đường đi ông gặp thấy một nhà nguyện nhỏ còn mở cửa. Ông vào đó để chờ sáng, và trong khi chờ đợi ông giải trí bằng cách đi quan sát các bức tranh trong nhà nguyện.

Bức tranh thứ nhất vẽ Chúa Giêsu mặc áo choàng đỏ, đầu đội mão gai, phía dưới có ghi câu này bằng tiếng Latinh: “Bị lăng nhục, Ngài không đáp trả lại bằng lăng nhục”.

Bức thứ hai, nhắc lại cảnh đau buồn khi Chúa bị đánh đòn, với hàng chữ “Khi chịu những khổ đau như thế, Ngài không hề đe dọa”.

Và cuối cùng, bức thứ ba vẽ Chúa Giêsu trên Thập giá, hàng chữ là: “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Nhìn liên tiếp ba bức tranh như thế, tâm hồn Hidebrand bị xúc động mạnh. Ông quỳ gối xuống và bắt đầu cầu nguyện. Dần dần cơn hận thù giảm đi, rồi biến mất. Ông còn ngồi lại đó chờ kẻ thù của ông đến, nhưng chờ để tha thứ tận tình và để làm hoà với bạn. (Góp nhặt)

Cha chúc chúng con biết yêu thương như Chúa để cuộc đời chúng con giống Chúa nhiều hơn. Amen.