Chúa Nhật Lễ Lá - Năm A
KINH NGHIỆM ĐAU ĐỚN
Achille Degeest

Bài tường thuật cuộc đau khổ của Chúa Giêsu thật khó diễn giải. Tự nó đã nói rất nhiều rồi. Phải đọc trong tinh thần cầu nguyện, phải để nó thấm nhập vào mình, tìm cách chịu đựng tính chất thực tế của nó, mở lòng đón nhận cái sứ điệp nó đề nghị. Chúng ta thử dừng lại ở một điểm: ở kinh nghiệm khác thường của Phêrô, vị tông đồ tự phụ, yếu đuối, ăn năn.

1) Hai câu 26,33-34 cho ta thấy Phêrô trung tín chừng nào, nhưng đồng thời cũng không biết rằng chước cám dỗ có thể bất ngờ và dữ dội ra sao. Trong những trường hợp khác, ông nghe lời Chúa Giêsu mà quyết định ngược lại với chính mình, còn đây ông lại phản đối lời Người. Chúa báo trước các môn đệ sẽ lìa bỏ Người. Phêrô cho là chuyện khó tin, không thể xảy ra được. Chúa nói thêm rằng ông sẽ chối Chúa trước khi gà gáy. Lẽ ra ông phải lo sợ, phải cầu xin cho khỏi sa ngã, đàng này ông phản ứng mạnh mẽ, đầy tin tưởng vào mình. Ông thành thực lắm. Ông cảm thấy không gì lay chuyển tình yêu đối với Thày. Ông không thể chấp nhận lời Chúa Giêsu báo trước rằng ông sẽ sa ngã. Cuối cùng, khi Chúa dặn ông phải tỉnh thức và cầu nguyện, thì Phêrô không thức, nhưng lại ngã ra ngủ, lòng vẫn đầy tin tưởng vào mình. Phải chăng ta gặp thấy một ‘âm vang’ của cái kinh nghiệm đau đớn này trong lời căn dặn mà sau này Người sẽ viết ra: “Hỡi anh em, hãy tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ thù địch của anh em như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé…” (1Pr 5,8).

2) Kẻ thù ồn ào và gầm thét đã tấn công Phêrô, đó là đám đông đã bắt Chúa Giêsu và tìm hết cách tỏ lòng căm phẫn đối với Người. Phêrô lo sợ, mà không biết mình sợ. Vì không biết mình, nên ông đã không thấy rõ sự yếu đuối của mình, do đó ông đã liều lĩnh: Phêrô theo Chúa xa xa, đến dinh thày cả thượng phẩm. Ông tưởng rằng sự việc rồi cũng sẽ kết thúc như bao nhiêu lần Chúa Giêsu đã chấm dứt những hành vi gây hấn của bọn Do thái. Ông chờ đợi mà không đề phòng. Ông sẵn sàng để sa ngã. Chỉ một câu hỏi của một người đàn bà cũng làm ông bối rối, một nỗi bối rối xen lẫn sợ hãi, tính hèn nhát và bản năng bảo tồn, mặc cảm tự ti là người xứ Galilêa, ‘khả năng’ nói dối. Ông chối Chúa Giêsu.

3) Nhưng Phêrô hối hận. Tiếng gà gáy làm ông nhớ lại lời tiên báo của Chúa. Ở đây, vẻ cao quý của Phêrô là ở lòng khiêm nhường, thành thực, tin tưởng dù đã sa ngã. Ông khiêm nhường vì nhận ngay mình có tội mà không phân tích lỗi lầm để tìm cớ chữa mình. Ông thành thực vì không quanh co trong việc nhìn nhận một lỗi lầm nghịch lại lời cam kết với Chúa Giêsu. Ông cảm thấy lờ mờ rằng nhờ nhận lỗi mình cách thành thật, ông được Thày khoan dung tha thứ. Ông khóc vì cảm động, và vì đối với một người khí phách như ông, thì đó có lẽ là cách duy nhất để xin lỗi. Phêrô thống hối đã được tha thứ và nên hùng tráng.