Chúa Nhật VI Phục Sinh
YÊU MẾN VÀ TUÂN GIỮ
              Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Trong bối cảnh bữa tiệc ly cuối cùng, Đức Giêsu dành cho các môn đệ những lời tâm huyết đầy tình Thầy trò bằng việc ban giới răn mới, thiết lập Bí tích Thánh Thể. Ngoài ra, Chúa còn nhắn nhủ các ông như một lời di chúc: "Nếu các con yêu mến Thầy, thì sẽ giữ các điều răn của Thầy" (Ga 14,15).

Thế thì, giữ các điều răn nào để chứng tỏ chúng ta yêu mến Chúa? Hiểu theo nghĩa chặt, là Mười Điều Răn, nhưng hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những điều Thiên Chúa truyền dạy.

Chúng ta thấy trong cuộc sống có người con nào yêu mến cha mẹ mà lại không vâng lời cha mẹ; có học trò nào yêu mến thầy cô mà lại không nghe lời thầy cô dạy bảo; có vợ chồng nào yêu thương nhau mà không tự ràng buộc sống lời thề chung thủy với nhau.

Thế nhưng, việc vâng giữ lời Chúa không mấy dễ dàng, vì Lời Chúa sắc bén như dao, đòi hỏi con người phải từ bỏ ý riêng để sống theo ý Chúa, nhưng nếu chúng ta vâng lời Chúa dạy và tuân giữ vì lòng yêu mến Chúa thì sẽ đem lại ích lợi cho chúng ta.

Bằng chứng: nhờ Phêrô vâng lời Chúa chèo thuyền ra chỗ nước sâu thả lưới mà Ông mới có một mẻ cá lớn (Lc 5,5). Nơi tiệc cưới Cana, các gia nhân làm theo điều Chúa dạy, là kín nước đổ đầy các chum, nên mới có những chum rượu ngon hảo hạn. Tóm lại, vâng thì có lời.

Đức Giêsu không dạy điều gì mà Ngài không làm gương trước cho chúng ta. Ngài yêu mến Chúa Cha xem việc thi thánh ý Chúa Cha là lương thực cho mình "Của ăn Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy"(Ga 4,34). Cái giá mà Đức Giêsu phải trả cho tình yêu đối với Chúa Cha là Ngài vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá (Pl 2,8).

Ngày nay, đạo chúng ta dạy thêm nhiều điều: nào là Tin Mừng, nào là mười điều răn Đức Chúa Trời, sáu điều răn Hội Thánh và luật lệ Giáo Hội. Thế nhưng, Đức Giêsu nói toàn bộ Thánh kinh và các sách tiên tri, chỉ qui tóm lại hai điều đó là: mến Chúa và yêu người. Ai giữ hai điều này thì kể là giữ tất cả những điều khác.

Thánh Gioan Tông đồ nói rằng: nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại ghét tha nhân là kẻ nói dối. Vì tha nhân là người cùng chung sống với chúng ta mà chúng ta không yêu thương được thì làm sao yêu mến một Đấng ở cõi xa xăm nào?.

Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta biết một bằng chứng, một dấu hiệu để chứng tỏ thước đo lòng yêu mến Chúa được căn cứ vào đức bác ái đối với tha nhân. Bởi vì lòng yêu mến Chúa không chỉ giới hạn trong việc thờ phượng hay trong những sinh hoạt tôn giáo, mà còn phải được thể hiện bằng cả cuộc sống yêu thương nữa.

Nhưng thưa anh chị em, khi đối diện với cảnh nghèo đói của tha nhân, cụ thể như cơn đại dịch vừa qua, đôi khi chúng ta tránh né, hay phớt lờ bằng những câu trả lời: "Chừng nào tôi đủ ăn, dư mặc tôi sẽ giúp đỡ". Chúng ta có nhiều lý do để biện minh cho thái độ thiếu lòng thông cảm, thiếu tình liên đới với nhau.

 Trong khi đó giữa những khó khăn dịch bệnh chúng ta thấy có nhiều sáng kiến đầy tình bác ái như là: cây gạo ATM, siêu thị không đồng, quán ăn giã chiến, bữa sáng yêu thương…. Tất cả những sáng kiến đó làm lan tỏa yêu thương, mà ngay cả những người không biết Chúa là ai, không biết giới răn Chúa là gì, nhưng họ lại có lòng từ tâm như thế đó.

Ngày nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục dạy bảo chúng ta qua các giới răn, qua những thông điệp của Giáo hội, qua các vị đại diện Chúa…. Cho nên, khi chúng ta sống theo Lời Chúa  và lời Hội thánh dạy là lúc chúng ta thể hiện lòng yêu mến Chúa.

Thật ra, việc thực thi Lời Chúa, vâng giữ các giới răn của Ngài không dễ dàng chút nào, đòi hỏi phải cố gắng và hy sinh không ít, nhưng những hi sinh khó khăn ấy, làm sao sánh được phần thưởng lớn lao mà sau này Chúa sẽ tặng ban cho những ai hết lòng yêu mến Chúa.

Xin Mẹ Maria là mẫu gương lắng nghe và thực thi Lời Chúa, khi Mẹ thưa lời xin vâng và sống lời xin vâng trong suốt cuộc đời, bởi vì Mẹ đã hết lòng yêu mến Chúa. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta biết noi gương Đức Mẹ, là cố gắng sống hết lòng yêu mến Chúa được thể hiện bằng việc vâng giữ những điều Chúa và Hội Thánh dạy. Amen.