Chúa Nhật V Phục Sinh
KHUÔN MẶT THIÊN CHÚA
SƯU TẦM

Nếu gom các hình vẽ, các bức tượng Chúa lại để so sánh, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa có nhiều khuôn mặt khác nhau, tùy theo sự tưởng tượng của các họa sĩ và của các nhà điêu khắc.

Từ ghi nhận này, ta có thể liên tưởng đến hình ảnh Thiên Chúa mà mỗi người khắc họa cho đời mình. Thiên Chúa chỉ có một, nhưng mỗi người lại hình dung về Người một cách khác nhau, tùy theo sự suy nghĩ và sở thích riêng của mình chứ không hẳn đã đúng như hình ảnh đích thực của Người. Đây là điều rất quan trọng, bởi chính cái nhìn của ta về Thiên Chúa sẽ chi phối và ảnh hưởng đến niềm tin cũng như cách sống đạo của ta. Ta có thể đưa ra một vài thí dụ:

- Người Do thái đã hình dung Thiên Chúa là Đấng thánh thiện tuyệt đối nên Người hoàn toàn tách biệt với những gì phàm tục và tội lỗi. Từ quan niệm này họ cũng nghĩ rằng: Nếu muốn là con cái Chúa, người cũng phải sống tách biệt như vậy. Điều này đúng, nhưng không đúng ở chỗ nhân danh Thiên Chúa toàn thiện, người ta coi khinh và loại trừ những người tội lỗi, là những người rất cần đến sự nâng đỡ của mọi người. Vả lại, Thiên Chúa dù ghét tội lỗi nhưng lại rất yêu thương các tội nhân và muốn họ được cứu thoát.

- Có những người hình dung Thiên Chúa là một ông thẩm phán khắc nghiệt, chỉ biết dò xét tội lỗi của con người để trừng phạt. Nghĩ về Thiên Chúa như thế nên họ sống đạo, họ giữ lề luật chỉ vừa đủ để khỏi bị phạt. Và nghĩ về Thiên Chúa như thế, nên khi thấy một người gặp tai ương hoạn nạn, họ cho rằng đó là người tội lỗi. Quan niệm rằng: Tai ương, hoạn nạn là hình phạt của Thiên Chúa vẫn còn ăn sâu nơi tâm trí của nhiều người.

- Có người lại tưởng Thiên Chúa là một ông quan thích tham nhũng hối lộ. Vì thế, họ xin lễ, họ dâng cúng tiền bạc vào nhà thờ như để mua chuộc Thiên Chúa chúc lành cho những công việc của mình, kể cả những công việc mờ ám.

- Có người lại nghĩ Thiên Chúa chỉ là một ông thủ kho. Khi cần điều gì, họ đến gõ cửa xin Người mở kho để đáp ứng nhu cầu của họ. Nghĩ như thế nên đời sống đạo của những người này thu hẹp lại trong việc xin xỏ. Mà hầu hết chỉ là xin xỏ những nhu cầu vật chất. Nếu Thiên Chúa không đáp ứng điều họ yêu cầu, họ sẽ phản kháng, sẽ trách móc, thậm chí buông những lời xúc phạm đến Người.

- Có những người coi Chúa như một vị thần xa lạ, không liên hệ gì tới đời sống của họ, vì thế họ dửng dưng với Người…

Và còn rất nhiều cách nhìn khác về Thiên Chúa. Do đó, cũng có rất nhiều cách sống đạo, nhiều cách sống mối quan hệ đối với Thiên Chúa,

Ghi nhận những cách nhìn như thế về Thiên Chúa để thấy câu hỏi của ông Philipphê rất quan trọng:”Lậy Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Cha”. Và câu trả lời của Chúa Giêsu còn quan trọng hơn:”Ai thấy Thầy là thấy Cha”. Thiên Chúa là Đấng vô hình, nhưng đã trở nên hữu hình nơi Đức Giêsu. Vì thế, cứ nhìn vào Đức Giêsu ta sẽ thấy được dung nhan đích thực của Thiên Chúa.-Nhìn Chúa Giêsu lân la với người tội lỗi để an ủi, để cứu vớt, ta sẽ biết Thiên Chúa không ruồng bỏ người có tội, nhưng yêu thương và tha thứ.

- Thấy Chúa Giêsu đến với những người nghèo khổ, những người đau ốm tật nguyền, ta biết Thiên Chúa là Đấng không vô tâm trước những nỗi thống khổ của kiếp người.

- Nhìn Chúa Giêsu thổn thức trước mộ ông Lagiarô, động lòng trắc ẩn trước cảnh người mẹ góa đi chôn xác con trai mình, thương cảm đám dân chúng bơ vơ đói khát như chiên không có người chăn, ta thấy Thiên Chúa gần gũi con người biết bao.

- Nhìn Chúa Giêsu quì xuống rửa chân cho các môn đệ, chiêm ngắm Chúa Giêsu quằn quại trên thập giá, ta biết Thiên Chúa yêu thương ta dường nào.

- Nghe Chúa Giêsu xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ giết mình, ai dám nghĩ rằng Thiên Chúa thích báo thù và trả oán…Vì Chúa Giêsu biểu lộ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, nên nếu muốn thấy Thiên Chúa, muốn hiểu biết Thiên Chúa, thì phải gần gũi và gắn bó với Chúa Giêsu.Chỉ khi có cái nhìn đúng về Thiên Chúa ta mới có được thái độ sống phù hợp với đạo làm con.

Chớ gì chúng ta không bị Chúa Giêsu trách cứ như Người đã trách cứ ông Philipphê: Con theo đạo biết bao lâu rồi mà vẫn chưa biết Thầy, chưa biết Cha ư?