Chúa Nhật II Phục Sinh
THA THỨ TỘI LỖI
lLm Luca Maria

         Chúa chết để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại, nhưng Ngài đã phục sinh để mang đến niềm hy vọng lớn lao cho chúng ta. Hơn nữa, qua các linh mục Ngài còn ban cho chúng ta ơn tha thứ tội lỗi để chiếu tỏa tình thương của Ngài.

          Vì là con người yếu đuối, người ta dễ dàng sa ngã phạm các thứ tội làm mất lòng Chúa. Từ đó, nhiều khi tâm hồn họ mệt mỏi, cuộc sống bất an vì mang gánh nặng tội lỗi, nhất là khi phạm tội trọng khiến họ áy náy lương tâm, làm cho tâm hồn ra nặng nề, có khi sống trong lo âu.

          Khi lương tâm cảm thấy mỏi mệt, họ không cảm thấy hứng thú gì trong cuộc sống. Họ cảm thấy ngày sống như dài và vô vị vì họ chỉ thấy buồn chán, trống rỗng trong con người. Tâm hồn họ có khi nơm nớp, lo sợ khi phải đối diện với phán quyết công thẳng của Chúa, nhất là trong giờ chết. Từ đây, có khi họ co cụm lại, không muốn giao tiếp, liên hệ với ai, vì mặc cảm tội lỗi. Vì vậy, ai cũng mong được Chúa thông cảm và tha thứ cho những yếu đuối, lầm lỗi của mình.

          Chúa là Cha đầy lòng thương xót. Ngài không nỡ thấy chúng ta sống trong hoàn cảnh khổ tâm, cuộc sống nặng nề. Vì thế, Chúa đã trao cho các linh mục quyền tha thứ: “Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Các con cầm buộc ai thì tội người ấy bị cầm buộc.”

          Như vậy, Chúa ban cho các linh mục hồng ân trọng đại và một quyền lớn lao, đó là dù linh mục là người yếu đuối, mong manh, nhưng Ngài có quyền tháo cởi gánh nặng của lương tâm qua việc thứ tha tội lỗi, làm cho cuộc sống không còn nặng nề nhưng tâm hồn cảm thấy nhẹ nhàng, lương tâm thanh thản.

          Vì thế, khi chúng ta thành tâm xưng thú mọi tội lỗi, dù đó là những tội gì và ngài vừa ban phép tha tội cho chúng ta, chúng ta sẽ được tha thứ hết mọi tội đã phạm ngay lập tức. Bên cạnh đó, ngài cũng tháo gỡ mọi gánh nặng ghê gớm do tội lỗi gây nên.

          Nhờ lương tâm được nhẹ nhàng, mà con người cảm thấy như thoát được một gánh nặng vô hình nhưng rất ghê sợ vì nó tạo nên áp lực lớn từ bên trong nội tâm chúng ta.

          Vì được Chúa tha thứ qua vị linh mục, nên chúng ta dễ tìm lại được sự quân bình cho tâm hồn, và chúng ta sẽ không cảm thấy buồn chán, lo lắng nữa. Hơn nữa, chúng ta lại tìm thấy nhiều niềm vui trong cuộc sống, được nối lại tình thân nghĩa với Cha trên trời.

          Được tha thứ mọi tội lỗi là chúng ta được Cha trên trời luôn yêu thương, gìn giữ. Ngài lại tiếp tục ban ơn thánh để chúng ta có thêm sức mạnh chiến đấu với ma quỉ, thế gian và xác thịt mà giữ cho hồn xác trong sạch.

          Khi cảm thấy được Chúa thông cảm, yêu thương chúng ta sẽ không sợ hãi khi phải đương đầu với những gian nan, thử thách. Hơn nữa, chúng ta cũng sẽ dễ tha thứ cho người khác khi họ xúc phạm tới mình, và sẽ can đảm dấn thân giúp đỡ tha nhân.

Thày Phó tế Karl Leisner sinh năm 1915, thầy lớn lên tại Kleve. Năm 1934, thầy tu ở chủng viện Munich. Năm 1939, thầy được phong chức phó tế. Sau đó, thầy bị bệnh lao và được đưa đến một nhà điều dưỡng. Khi điều trị ở đây, một bệnh nhân báo cáo việc thầy phê phán Hitler. Sau đó thầy bị bắt và giam giữ.

Ngày 14/12/1941, thầy được chuyển tới khu giam giữ của các linh mục trại ở Tập trung Dachau. Bệnh lao của thầy trở nên nặng hơn.

Ngày 6/9/1944, Đức cha Gabriel Piguet của Giáo phận Clermont-Ferrand được chuyển đến Dachau làm tù binh. Cha Coninck xin Đức cha truyền chức linh mục cho thầy Leisner. Đức Cha Piguet đồng ý là lễ phong chức phải được Đức Tổng giám mục của Munich ủy quyền.

Tháng 12.1944, tù nhân mang số 103001, với chiếc nhẫn Giám mục được làm bằng đồng, Thánh giá trước ngực được khắc từ một mảnh gỗ sồi, và ngay cả mũ Giám muc cũng được làm cách kín đáo.

Ngày 17/12/1944, lễ phong chức linh mục diễn ra cách bí mật, trong nhà nguyện ở Khu 26. Zeller viết về buổi lễ và nói mình “ấn tượng sâu sắc vì có những linh mục hiện diện” trong buổi lễ. Nhiều tu sĩ giúp thầy phó tế, trong chiếc áo dài trắng được khoác bên ngoài bộ quần áo tù xọc.

Một nghệ sĩ violin người Do Thái chơi vài bản nhạc gần đó, để đánh lạc hướng sự chú ý của quân canh tù. Ngày 26/12/1944, tân linh mục dâng Thánh lễ mở tay, và đó cũng là thánh lễ duy nhất ngài chủ sự.

Khi quân đội Hoa kỳ giải phóng trại vào cuối tháng 4.1945, cha Leisner quá yếu, qua đời ngày 12.8.1945. Những lời cuối cùng cha viết là: “Lạy Chúa, xin chúc lành cho cả kẻ thù của con.” Cha nói với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ đừng buồn. Con biết con sắp chết nhưng con hạnh phúc.”

Ngài vẫn rất bình tĩnh khi bị giam ở Dachau và có cuộc sống đạo đức. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên chân phước cho cha Karl Leisner vào ngày 23/6/1996.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con biết tạ ơn Chúa vì Ngài luôn yêu thương, tha thứ tội lỗi chúng con và xin giúp chúng con biết thông cảm, thứ tha cho nhau để mọi người sống hạnh phúc. Amen.