Chúa Nhật II Phục Sinh

LẠY CHÚA TÔI, LẠY THIÊN CHÚA TÔI

Suy Niệm của Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh

Hôm nay là Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Phục Sinh, cũng là ngày cuối của Tuần Bát Nhật Phục Sinh. Bởi thế, bài Phúc Âm hôm nay mới có ba chữ "một tuần sau". Do đó, phần Phúc Âm bắt đầu từ ba chữ "một tuần sau" này mới là phần chính của chung Phụng Vụ Lời Chúa và của riêng bài Phúc Âm cho Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Phục Sinh cũng là Lễ Kính Chúa Tình Thương hôm nay. Tuy nhiên, để thấy được chiều hướng và cốt lõi của Mùa Phụng Vụ Phục Sinh, chúng ta nên có một cái nhìn tổng quan về những nét đặc thù nơi các bài đọc được Giáo Hội chọn cho mùa này.

Nét đặc thù thứ nhất nơi Phụng Vụ Lời Chúa của Mùa Phục Sinh, đó là chỉ có Mùa Phục Sinh mới không có các bài đọc (một) được trích từ phần Thánh Kinh Cựu Ước, kể cả nơi các lễ Chúa Nhật cũng như lễ Thường Nhật. Bài đọc (một) cho Chúa Nhật cũng như cho Thường Nhật trong Mùa Phục Sinh hoàn toàn theo Sách Tông Vụ, một chứng từ văn bản ghi lại tất cả hoạt động truyền giáo của Giáo Hội qua thành phần chứng nhân tiên khởi, để nhờ Chứng Từ Giáo Hội này, thế giới tin vào Giêsu Nazarét là Đức Kitô Thiên Sai, Con Thiên Chúa, mà được sự sống đời đời. Câu kết của bài Phúc Âm Thánh Gioan hôm nay đã thực sự khẳng định về Chứng Từ Giáo Hội, cũng như về tác dụng thần linh của chứng từ này như sau: "Những điều này được ghi chép lại để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa, hầu nhờ đức tin ấy, anh em được sự sống bởi danh Người".

Nét đặc thù thứ hai nơi Phụng Vụ Lời Chúa của Mùa Phục Sinh, đó là 7 Chúa Nhật trong Mùa Phục Sinh, kể cả ba chu kỳ phụng vụ A, B và C, hầu như hoàn toàn theo Phúc Âm Thánh Gioan, (trừ Chúa Nhật Thứ Ba của chu kỳ phụng vụ Năm A và B theo Phúc Âm Thánh Luca). Trong 7 Tuần Lễ Mùa Phục Sinh này, Phúc Âm của ba tuần đầu Mùa Phục Sinh về việc Chúa Giêsu sống lại hiện ra với các tông đồ, và bốn tuần còn lại về sự sống nơi Chúa Giêsu (Chúa Nhật IV về chủ chiên thí mạng sống cho chiên được sự sống, Chúa Nhật V và VI về sự sống thân mật giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, Chúa Nhật VII về sự sống Giáo Hội được hiệp thông, như sự sống nơi Chúa Cha và Chúa Con).

Như thế, chủ đề của Mùa Phục Sinh là chủ đề "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Ga 11:25): Ba tuần đầu về chủ đề Chúa Giêsu là sự sống lại và bốn tuần sau về chủ đền Chúa Giêsu là sự sống.

Phép Rửa trong Thánh Thần

Nét đặc thù thứ ba nơi Phụng Vụ Lời Chúa của Mùa Phục Sinh, đó là sự kiện Giáo Hội truyền giáo xẩy ra trước biến cố Thánh Thần Hiện Xuống. Thật vậy, sau khi cho đọc hết Sách Tông Vụ, nhất là ở bài đọc (một) Lễ Thường Nhật, kể từ Bài Giảng Tiên Khởi (Thứ Hai trong Tuần Bát Nhật), trong suốt Mùa Phục Sinh, Giáo Hội quay trở lại đoạn đầu sách với biến cố Thánh Thần Hiện Xuống. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bài đọc (một) và Phúc Âm trong Mùa Phục Sinh không đồng qui ở Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Ở chỗ, bài đọc (một) của Mùa Phục Sinh cho thấy Giáo Hội thực hiện việc Truyền Giáo, tức việc làm chứng cho Biến Cố Phục Sinh, hay làm chứng cho Đấng Phục Sinh thật là Đức Kitô Thiên Sai, Con Thiên Chúa, một việc có mục đích là để thế gian "được sự sống bởi danh Người", nghĩa là được hiệp thông thần linh, đúng như nguyện ước của Chúa Giêsu trong Lời Nguyện Tiệc Ly, một ước nguyện cũng chính là chủ yếu của Dự Án Cứu Độ và Công Cuộc Cứu Độ của Thiên Chúa, một ước nguyện được nhắc đến ở Phúc Âm Thánh Gioan ở Chúa Nhật VII cuối cùng của Mùa Phục Sinh cho cả ba chu kỳ A, B và C. Nếu Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của Kitô Giáo được cử hành cũng ở vào thời điểm 50 ngày sau Lễ Vượt Qua như Do Thái Giáo cử hành với Lễ Ngũ Tuần, hay lễ hoa mầu (xem Ex 23:16), thì quả thực việc Giáo Hội Truyền Giáo để thu hoạch hoa mầu cũng cần phải thực hiện cho đến khi đạt được hoa mầu tuyệt vời nhất là chính Tặng Ân Thánh Thần Hiện Xuống để canh tân bộ mặt trái đất vậy.

Như thế, không phải Thánh Thần chỉ là hoa trái của việc Truyền Giáo chứ không phải là tác nhân Truyền Giáo. Trái lại, phần đầu của bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, ngay từ khi sống lại từ trong cõi chết, Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần cho các vị tông đồ rồi vậy. Thật thế, "Đấng đến làm phép rửa trong Thánh Thần" (Ga 1:33), như Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả của Người minh nhiên chứng nhận về Người trên bờ Sông Dược Đăng trước mặt dân Do Thái, đã thực hiện phép rửa trong Thánh Linh này lần đầu tiên cho các tông đồ của Người ngay từ khi Người sống lại từ trong cõi chết, bằng hơi thở từ thân xác phục sinh của Người. Nhờ đó, ngay lúc bấy giờ, các tông đồ chẳng những đã được "tái sinh" (Ga 3:5), được "trở nên con người mới" (Ep 4:24; Col 3:10), mà còn vừa có đủ tư cách lẫn quyền năng để cứu độ nhân gian nữa, tức để ban sự sống mới cho nhân gian, hay để tái sinh nhân gian vào mối Hiệp Thông Thần Linh. Ở chỗ: "Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha, các con cầm tội ai thì người ấy bị cầm tội".

Đức Tin Làm Nhân Chứng

Trong việc làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh, thành phần chứng nhân tiên khởi là các tông đồ chẳng những phải được tác động bởi Thánh Linh là "quyền năng Đấng Tối Cao" (Lk 1:35), mà còn là việc các vị chứng thực Đức Tin Thần Linh của mình nữa. Nếu trước Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, nghĩa là trước Cuộc Khổ Nạn và Tử Giá của Người, đức tin của các vị tông đồ được thể hiện theo chiều hướng chấp nhận Thày: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16:16), thì đức tin của các vị sau Cuộc Vượt Qua của Người, nghĩa là sau khi Người phục sinh từ trong cõi chết, lại theo chiều hướng làm chứng cho Thày. Phân tách vậy thôi, chứ thật ra chủ ý của Chúa Kitô khi chọn gọi các vị, Người đã muốn các vị sau này sẽ trở thành chứng nhân cho Người rồi. Bởi thế, đối tượng đức tin của các vị, dù trước hay sau Biến Cố Vượt Qua, cũng chỉ là một, một đối tượng duy nhất: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Nếu Con Người Giêsu Nazarét phục sinh đã chứng thực Người thực sự Người "là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" thế nào, thì một khi đã công nhận Người đã sống lại từ trong cõi chết là các vị đồng thời cũng tin rằng "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Bởi thế, như trong Bài Giảng Tiên Khởi cho thấy, khi làm chứng Con Người Giêsu Nazarét thực sự đã phục sinh là các vị làm cho dân Do Thái nói riêng và tất cả mọi dân tộc nói chung nhận biết Con Người Giêsu Nazarét này chính "là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".

Nếu phần thứ nhất của bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến Tác Nhân Truyền Giáo là Thánh Thần thế nào, thì phần thứ hai của bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến Đức Tin Chứng Tá như vậy. Người đã đến và đã tỏ mình cho con người cuối cùng trong Nhóm Tông Đồ để tất cả mọi người trong các vị đều đồng tâm nhất trí tin vào Người. Dấu hiệu để chứng thực Người đã sống lại từ trong kẻ chết, như tông đồ Tôma đòi hỏi, cũng như chính Người đã sử dụng ngay vào lần hiện ra thứ nhất, (cả hai lần đều được bài Phúc Âm hôm nay đề cập đến), đó là những dấu vết tử giá của Người. Bởi vì, chỉ Thày mới có những dấu hiệu này. Hai tên tử tội bị đóng đanh hai bên tả hữu của Người dù có những dấu tử giá như của Thày đi nữa, nhưng chỉ có Thày mới báo trước việc Người phục sinh từ trong cõi chết mà thôi. Vậy nếu có dấu hiệu ấy tức là Thày đã chết, thì giờ đây, tận mắt thấy được (chứ không cần chọc cả bàn tay vào cạnh sườn và chọc ngón tay vào các lỗ đinh) thân xác xuất hiện trước mặt mình với những dấu hiệu ấy, các vị tông đồ làm sao có thể chối cãi được đó là Thày nữa. Sau khi thực sự đã bị tử giá mà không bị sự chết hủy diệt, trái lại, còn làm chủ sự chết, thắng được sự chết, bằng việc sống lại từ trong cõi chết như thế, thì quả thực Thày mình là một Chúa Tể, là chính Thiên Chúa vậy: "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi".

Đúng thế, Chúa Kitô sống lại từ trong cõi chết không phải chỉ để làm Chúa Tể của sự chết mà là Chúa Tể của chính lòng người, là Thiên Chúa của con người, một Chúa Tể và là một Thiên Chúa muốn tỏ mình cho con người, tìm hết cách để tỏ mình cho con người, để con người có thể nhận ra Người và tôn thờ Người: "Lạy Ngài tôi tin", như người mù từ lúc mới sinh trong bài Phúc Âm tuần trước, hay như tông đồ Tôma trong bài Phúc Âm hôm nay: "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi".

Vấn đề thực hành sống đạo:

Khi xin Chị Thánh Faustina người Balan vận động để xin Tòa Thánh thiết lập Lễ Kính Chúa Tình Thương vào Ngày Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh, Chúa Giêsu không nói lý do tại sao Người chọn ngày này. Tuy nhiên, căn cứ vào những gì Chúa hướng dẫn chị liên quan đến bức ảnh Chúa Giêsu có hai luồng sáng phát ra từ trái tim Chúa, và hàng chữ "con tin nơi Chúa" ở phía chân bức ảnh, chúng ta thấy rất thích hợp với bài Phúc Âm của Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh hôm nay. Bởi vì, trong bài Phúc Âm hôm nay, phần đầu liên quan đến lòng thương xót Chúa (Divine Mercy), qua sự kiện Chúa Giêsu đã ban cho các tông đồ quyền tha tội, và phần sau liên quan đến lòng tin của con người, một lòng tin có được là do thấy những dấu vết (tử giá) của lòng thương xót Chúa.

Về "hai luồng sáng" phát tỏa từ Trái Tim Chúa Giêsu, chính Chúa Giêsu cho biết là "tiêu biểu cho máu và nước", và ĐTC Gioan Phaolô II đã giải thích "nếu máu gợi lại cho thấy hy tế Thập Giá và tặng ân Thánh Thể thì nước, theo biểu hiệu của Phúc Âm Thánh Gioan, chẳng những biểu hiệu cho Phép Rửa mà còn cho cả tặng ân Thánh Linh nữa" (L'Osservatore Romano, ấn bản Anh Ngữ, 3/5/2000). Còn về việc thiết lập Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa vào Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Vọng, ĐTC Gioan Phaolô II, trong bài giảng Phong Thánh cho chị nữ tu Faustina ngày 30/4/2000, cũng chính là Ngày Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh, đã nói đến điều này: "Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh này từ nay trở đi trong cả Giáo Hội sẽ được gọi là 'Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa'" (cùng nguồn vừa dẫn). Ngày 5/5/2000, Thánh Bộ Phụng Tự và Qui Luật Bí Tích, đã chính thức ra thông báo về việc thành lập này như sau: "Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã quyết định rằng, theo Lễ Nghi Rôma, sẽ thêm tên gọi '(Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa) vào tên gọi 'Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh','" (L'Osservatore Romano, ấn bản Anh Ngữ, 31/5/2000).

Như thế, việc thực hành sống đạo của Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh này không gì hơn là thực hiện việc bày tỏ lòng "con tin nơi Chúa", như tông đồ Tôma đã tuyên xưng "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi" trước Dấu Vết Tử Giá của Lòng Thương Xót Chúa vậy. Nếu "Thiên Chúa là Thần Linh" (Ga 4:24) phải Nhập Thể và Vượt Qua để có thể tỏ hết mình ra và thông hết mình ra cho nhân loại, thì còn gì đẹp lòng Ngài hơn và vinh danh Ngài hơn là việc con người nhận biết Ngài, tin tưởng Ngài và phó mình cho Ngài !