Chúa Nhật II Phục Sinh
PHÚC CHO AI KHÔNG THẦY MÀ TIN
ĐỨC CHA PHÊRÔ Nguyễn Khảm

Chúa nhật tuần trước tôi nói về thứ ngôn ngữ biểu tượng Hội Thánh vận dụng trong đêm Phục Sinh. Đó là ngôn ngữ của lửa, ngôn ngữ của nước để diễn tả cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô chính là một công trình tạo dựng mới.

Hôm nay. Trong mối liên kết tôi xin gợi lên một khía cạnh khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến với các môn đệ Ngài thổi hơi trên các ông và nói : “Hãy nhận lấy thánh Thần”

Anh chị em hãy để ý đến từ “thổi hơi”. Hãy nhớ lại khi TC tạo dựng vũ trụ, tạo dựng con người bằng cách nào ?

Kinh Thánh kể : Chúa lấy đất nặn thành hình người. Thổi hơi vào, thế là đất trở thành một con người sống động và mang lấy sự sống của con người theo hình ảnh của TC. Rất tiếc sau đó con người đã nhân danh tự do của mình để khước từ mối hiệp thông với Thiên Chúa. Rồi từ đó gây ra bao nhiêu đổ vỡ trong quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa anh em, quan hệ con người và thiên nhiên vạn vật gây nên Đại Hồng Thủy .

Chúng ta nhớ đến chuyện Thiên Chúa tạo dựng con người trong Kinh Thánh như vậy thì sẽ thấy rõ ý nghĩa Đấng Phục Sinh thổi hơi trên các môn đệ và nói : “Hãy nhận lấy Thánh Thần”. Hành động này thể hiện ý Chúa Kitô Phục Sinh tạo dựng con người mới bằng hơi thở của Ngài, hơi thở của Ngài ở đây là Thánh Thần, nghĩa là tinh thần của Ngài. Cái tinh thần mà Ngài ấp ủ trong cuộc đời trần thế cho đến khi chết và cho đến khi sống lại .

Cái tinh thần ấy Ngài thổi hơi cho các môn đệ và thổi hơi trên tất cả những ai tin vào Ngài để tất cả những con người ấy mang tâm tư, tình cảm, ước muốn hy vọng, chọn lựa, ứng xử y như Chúa Giêsu vậy

Trên một tư tưởng như vậy trong bối cảnh Á Châu ngày hôm nay nó nói lên được cái gì ? Tôi có dịp đọc tài liệu về phần nhận định về Á Châu tôi thấy có một vài nhận xét chúng ta nên quan tâm. Các Ngài nhận xét Á Châu là một vùng đất nghèo. Mặc dù cũng có một vài nước gọi là hóa rồng như Nhật Bản, nhưng nhìn chung thì Á Châu vẫn là vùng đất nghèo. Ngay trong các nước phát triển sự cách biệt giữa giàu và nghèo rất lớn và càng sâu hơn. Nhìn Việt Nam chúng ta thì thấy rõ người thì tung tiền hoang phí, người lại kiếm không ra. Một hố sâu ngăn cách rất lớn.

Cùng với tình trạng nghèo khổ đó thì tôi thấy các nghị phụ nhận định rằng Á Châu là vùng đất có truyền thống Tôn Giáo văn hóa lâu đời và sâu sắc. Thế nhưng trong xu hướng Tây phương hóa ngày hôm nay cái ảnh hưởng của văn hóa Tây phương tràn vào bằng con đường du lịch, bằng con đường truyền thống xã hội. Nó đã khiến cho nhiều gía trị văn hóa và tôn giáo ở Á Châu bị đảo lộn .

Anh chị em cứ nhìn vào một vài nước trong khu vực Á Châu. Thái Lan chẳng hạn, dấu ấn của Phật Giáo rất lớn. Nhưng du lịch làm cho giá trị tôn giáo ở Thái Lan bị đảo lộn. Không phải là những giá trị đảo lộn một cách trừu tượng mà nó ảnh hưởng đến quan hệ sống. Tình trạng ly dị ở Á Châu càng lúc càng gia tăng. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng bị đe dọa. Mối quan hệ giữa người trong cuộc sống đời thường bị đe dọa.

Thêm vào đó tình trạng bất công và kỳ thị trong xử thế. Rất nhiều quốc gia ở Á Châu có nơi dựa vào lý do Tôn Giáo, có nơi dựa vào lý do sắc tộc, có nơi dựa vào lý do ý thức hệ để phân biệt đối xử với nhau. Như vậy khuôn mặt của Á Châu ngày hôm nay cần đổi mới để trở thành một vùng đất có công bằng hơn, có tự do hơn, có tình liên đới hơn, có tình huynh đệ hơn. Thế thì Tin Mừng của Chúa Kitô Phục Sinh có thể đem đến cái gì mới cho vùng đất Á Châu này không ?

Đấy là vấn đề mà người Kitô hữu đích thực phải quan tâm. Để trả lời cho câu hỏi đó tôi nghĩ rằng Tin Mừng Chúa Kitô có thể đóng góp rất nhiều. Chúa Kitô Phục Sinh có thể kiến tạo một khuôn mặt mới cho Á Châu. Bằng chứng cụ thể cho chúng ta thấy Ganđi một người An Độ, mặc dù ông không theo đạo công giáo nhưng rõ ràng ông rất trân trọng Chúa Giêsu, đặc biệt là 8 mối phúc thật Chúa Giêsu công bố. Nhiều người nhận định rằng : Cái lý thuyết bất bạo động của Chúa Giêsu .

Một khuôn mặt khác mới đây là Mẹ Têrêsa Calcutta. Một nữ tu cả thế giới ngưỡng mộ quí yêu. Như chứng tỏ rằng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô có thể tác động trên vùng đất Á Châu này, trong đó có đất nước Việt Nam ta. Với một điều kiện chúng ta phải cộng tác, phải trở thành con người mới, nghĩa là phải đón nhận hơi thở Phục Sinh thổi vào linh hồn mình, thổi vào trong cuộc đời mình.

Hình ảnh hơi thở gợi cho tôi suy nghĩ :

Suy nghĩ thứ 1 về đời sống cầu nguyện. Anh chị em có thể hỏi tại sao tôi lại liên tưởng đến cầu nguyện ? Lý do thế này chúng ta không thể sống nếu không có hơi thở. Từng giây phút chúng ta cần phải thở. Cần có những giây phút hít thở thật sâu thì não bộ mới có đủ dưỡng khí làm việc, cơ thể mới khỏe mạnh. Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy. Từng giây từng phút chúng ta sống trong Chúa. Thánh Phaolô nói : “Phải sống và chuyển động trong Chúa. Những giây phút hít thở thật sâu thần khí của Thiên Chúa đó là những giây phút cầu nguyện.”

Khi cầu nguyện là tôi đã tạm ngưng mọi công việc, ngồi đấy, tập trung tư tưởng hít thở thần khí của Thiên Chúa, hít thở ý nghĩ của Thiên Chúa, tâm tư tình cảm của Thiên Chúa, để tôi không còn nghĩ theo kiểu thế gian, hành động theo kiểu thế gian, mà phải sống và hành động theo ý Chúa. Chúng ta cần phải có những giây phút hít thở thật sâu trong cầu nguyện để có thể sống được đời Kitô hữu thật sự .

Gợi ý thứ 2 đối với tôi hình ảnh của hơi thở đó là lời mời gọi bỏ mình. Tôi nói điều này là dựa vào một hình tượng của nhà thơ Targo, một nhà thơ lớn của Á Châu và của thế giới. Trong một bài thơ tác giả diễn tả cuộc đời tôi giống như một ống sáo. Thiên Chúa đặt môi vào ống sáo đó xướng lên một khúc nhạc du dương. Thực ra ống sáo chỉ là một khúc tre, nhưng mà khi người nhạc sĩ đặt môi vào thì khúc tre rất tầm thường ấy tấu lên một điệu nhạc tuyệt vời làm say đắm lòng người. Nhưng để khúc tre đó có thể tấu lên một khúc hát thì điều căn bản là khúc tre phải rỗng.

Tương tự như vậy, khi thần khí của Thiên Chúa, hơi thở của Thiên Chúa được thổi vào trong chúng ta thì trong lòng chúng ta phải rỗng. Về mặt thần học : Cái hình ảnh này nói với tôi rất sâu với cái gọi là Màu Nhiệm tự hủy nơi Chúa Kitô. Chúa Kitô là Thiên Chúa nhưng Ngài không đòi mình ngang hàng với Thiên Chúa mà trái lại Ngài hủy mình ra không, lãnh lấy thân phận tôi đòi, trở nên giống người phàm, vâng phục cho đến chết và chết trên Thập Giá TC hủy mình ra không như vậy cho nên Thiên Chúa trở nên tràn đầy ở nơi Ngài .

Chúng ta thì sao. Chúng ta chưa hủy mình ra không được vì cái tôi, cái ích kỷ của mình quá lớn cho nên tình thương của Thiên Chúa không cách nào để vào tâm hồn chúng ta được. Tâm trí chúng ta quá vẩn đục cho nên sự thanh khiết của Thiên Chúa không cách nào xâm nhập vào được.

Chúng ta phải chấp nhận bỏ mình, quên đi cái tôi ích kỷ nhỏ nhen của mình để thần khí của Thiên Chúa có thể đong đầy và tác động mạnh mẽ vào trong cuộc đời chúng ta. Có lẽ sẽ một số anh chị em cho là tôi nói những chuyện quá sâu sa, quá xa vời. Không phải thế đâu. Tôi nghĩ đây là một đòi hỏi. Dù là một Linh Mục, tu sĩ hay một giáo dân, sống trong bất cứ một hoàn cảnh nào, một nghề nghiệp nào thì đây là một thái độ căn bản .

Cầu nguyện và tự bỏ mình để thần khí Chúa có thể tác động nơi chúng ta. Biến mình thành con người mới ở Á Châu chỉ có 2 % là Kitô hữu. Nhưng chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu đã từng nói : Chỉ cần một nhúm men thôi sẽ làm cho cả khối bột dậy lên.

Chỉ có 2% người Kitô hữu. Nhưng nếu họ là những Kitô hữu đích thực thì họ sẽ là một nhóm men cho cả Á Châu dậy lên một sự sống mới. Á Châu sẽ có một khuôn mặt mới .

Chuyện này nghĩ ra thì rất là lớn lao. nhưng chuyện ấy sẽ thành hiện thực nếu mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng đóng góp cộng tác thì sẽ tìm được Giáo Hội trên quê hương chúng ta cũng như trên đất nước Á Châu. Amen.