Chúa Nhật IV Phục Sinh
TÔT LÀNH
SƯU TẦM

Hình ảnh chuồng chiên là một hình ảnh rất quen thuộc đối với người dân sinh sống tại vùng Palestine thời Chúa Giêsu. Đó là những dải hàng rào chắc chắn được quây lại theo hình vuông hay hình chữ nhật với một cửa ra vào duy nhất. Cứ chiều đến, các chủ đoàn chiên lùa chiên vào chuồng qua cửa duy nhất này, rồi trao phó việc canh giữ chuồng chiên cho những người được thuê mướn làm công việc này. Sáng sớm hôm sau, các chủ đoàn chiên lại đến để đưa chiên ra khỏi chuồng đi ăn nơi những đồng cỏ. Chuồng chiên là nơi bảo vệ an toàn cho đàn chiên.

Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc này khi so sánh Ngài với cửa chuồng chiên và người chăn chiên tốt lành để mạc khải lòng yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa đối với con người nói chung, và nhất là sự chăm sóc bảo vệ của Ngài đối với những ai tin nhận Ngài nói riêng, vì Ngài là mục tử tốt lành. Thế nào là một mục tử tốt lành? Chính Chúa Giêsu đã phác họa bằng ba vẻ đẹp:

Ân cần chăm sóc các chiên của mình: Vẻ đẹp này đã được diễn tả bằng hình ảnh một người thanh niên đang chăn chiên trên một cánh đồng lớn, có những cỏ non xanh, có những dòng suối mát, và người thanh niên ấy vác trên vai một con chiên đau bệnh. Sự chăm sóc của Chúa Giêsu mục tử đó là một vẻ đẹp có sức hấp dẫn.

Sẵn sàng hy sinh, liều mạng cho đoàn chiên: vẻ đẹp này thường được diễn tả bằng hình ảnh con bồ nông mẹ, nhỏ từng hạt máu của mình vào miệng những đứa con non nớt để nuôi dưỡng chúng cho đến hạt máu cuối cùng rồi lăn ra chết. Mẹ chết để cứu đoàn con. Sự hy sinh của Chúa Giêsu mục tử là một vẻ đẹp có sức đánh động những trái tim khô cứng.

Hiểu biết từng con chiên mình: Vẻ đẹp này đã được diễn tả bằng hình ảnh một người cha ôm hôn đứa con ngỗ nghịch trở về. Bởi vì mắt cha nhân từ, hiểu biết sự yếu đuối, dại khờ, nông nổi của đứa con, và hiểu thiện chí tối thiểu của đứa con mình. Đây là một vẻ đẹp phản ảnh tình yêu cứu độ của Chúa.

Ba vẻ đẹp trên đây đều nói lên vẻ đẹp duy nhất của Thiên Chúa, đó là tình thương xót. Tình thương xót là chân dung của Chúa, là dung mạo của Chúa, là khuôn mặt của Chúa.

Vì thế, khi so sánh mình với người mục tử tốt lành, Chúa Giêsu muốn cho mọi người hiểu rằng: Ngài chính là tiêu chuẩn, là mẫu mực để xác định sứ mạng đích thực của những người được gọi và tuyển chọn cộng tác với Ngài trong sứ mạng coi sóc đoàn chiên là cộng đoàn những kẻ tin Chúa. Những người được chọn cho sứ mạng chăn dắt đoàn chiên nếu không vào qua cửa là Chúa Giêsu thì không phải là những chủ chăn đích thực. Nói rõ hơn, những chủ chăn đích thực phải được chính Chúa tuyển chọn.

Điều này đã được thực hiện từ khi Chúa thiết lập Giáo Hội cho đến ngày nay, như Công đồng Vaticanô II, trong hiến chế về Giáo Hội đã tuyên bố: “Chúa Giêsu đã chọn các tông đồ và Ngài muốn các người kế vị, tức là các giám mục, làm chủ chăn trong Giáo Hội cho đến tận thế”. Nhưng để chức giám mục được duy nhất và không bị phân chia, Chúa đã đặt thánh Phêrô làm thủ lãnh các tông đồ khác. Vì thế, các Đức Giáo Hoàng là những người kế vị thánh Phêrô là thủ lãnh hữu hình của toàn thể Giáo Hội. Như vậy, quyền bính trong Giáo Hội được Chúa trao phó cho Đức Giáo Hoàng, Đấng kế vị thánh Phêrô, và các Giám mục kế vị các tông đồ. Tuy nhiên, gần gũi chúng ta hơn cả còn có các linh mục, là những cộng tác viên đã được các giám mục ủy quyền chăm sóc đoàn chiên.

Do đó, chúng ta thấy sự tương quan giữa chúng ta và hàng giáo phẩm, tức là giữa đoàn chiên và các vị chủ chăn: qua linh mục chính xứ, chúng ta liên hệ với giám mục giáo phận. Qua Đức giám mục, chúng ta liên hệ với Tòa Thánh, với Đức Giáo Hoàng. Như vậy, linh mục là người thi hành nhiệm vụ chủ chăn trực tiếp với chúng ta, là người sống gần gũi chúng ta, đáng cho chúng ta thông cảm, chia sẻ, cộng tác và cầu nguyện cho các ngài.

Hy vọng rằng sự liên lạc mật thiết giữa giáo dân và chủ chăn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội. Nhờ sự liên lạc đó giáo dân ý thức trách nhiệm của mình hơn, lòng hăng say được phát triển và góp sức dễ dàng hơn vào công việc của chủ chăn. Phần chủ chăn, nhờ giáo dân, có thể phán đoán minh bạch và đúng đắn hơn về những vấn đề thiêng liêng cũng như trần thế. Như vậy, toàn Giáo Hội được vững mạnh và càng ngày càng tốt đẹp hơn.