Chúa Nhật III Phục Sinh
ĐẤNG PHỤC SINH LÀ ĐẤNG
CHỊU ĐÓNG ĐINH
          Lm. Phêrô Lê văn Chính

Chán nản, thất vọng, hoang mang, đó là tâm trạng của hai môn đệ trên đường Emmau. Họ rời Giêrusalem để trở về Emmau, trong tâm trạng thất vọng và hoang mang tột cùng, vừa đi vừa trò chuyện về những gì vừa xảy ra. Chính lúc đó Đức Giêsu phục sinh hiện ra và đàm đạo với họ, nhưng họ không nhận ra người. Điều hai môn đệ này hoang mang chưa có thể hiểu được đó là những diễn biến đảo lộn xảy ra những ngày qua: Đức Giêsu đầy quyền năng thực hiện bao nhiêu việc phi thường như thế lại bị giết chết bởi những kết án của chính các thủ lãnh của họ là các thượng tế, rồi thì những tin tức do các phụ nữ cũng như chính các môn đệ trong nhóm nói rằng Người vẫn đang sống. Thực ra, nói cho cùng, hai môn đệ này đã theo Đức Giêsu và họ vốn thầm mang hoài bão thầy Giêsu của họ sẽ khôi phục lại Israel. Chắc hẳn hy vọng của họ có màu sắc chính trị. Và giờ đây họ đành gác lại mọi hy vọng vì thầy Giêsu của họ đã chết. Hay nói thẳng hơn nữa, thầy Giêsu đã không đáp ứng điều họ chờ đợi nơi Người, một Đấng Cứu thế thực hiện Nước Chúa ở trần gian. Điều làm chúng ta ngạc nhiên ghi nhận,  đó là Đức Giêsu Phục sinh hiện ra và cùng đi đường để đàm đạo với họ, mà họ không nhận ra Người, người lắng nghe họ trò chuyện, lắng nghe những ưu tư của họ như một người khách lạ bàng quan, không biết những chuyện thời sự vừa diễn ra để rồi lần hồi giải tỏa những ưu tư của họ và dẫn đưa họ đến một hiểu biết chân thực hơn về Đấng Cứu thế. Người đưa ra một lời nhận xét xác đáng về họ: “Ôi các anh thực là những kẻ khờ dại, chậm tin những gì các tiên tri đã báo trước”.

Trong tường thuật này, Đức Giêsu phục sinh hiện ra không cố gắng thuyết phục các môn đệ bằng cách cho các ông xem tay chân hay cạnh sườn của người, hay ăn uống trước mặt các ông, mà Người lại trò chuyện, lắng nghe những ưu tư của họ và giải thích Lời Sách Thánh cho họ hiểu biết về một Đấng Cứu Thế chịu đóng đinh thập giá. Một cách rõ rệt, Người sửa chữa quan niệm và nhận thức của họ về Đấng Cứu thế. Thay vì hình ảnh một Đấng cứu thế chính trị với hoài bão xây dựng một xã hội công bằng ấm no, Người kiên nhẫn trình bày cho họ một Đấng Cứu thế theo Thánh Kinh đã được các tiên tri loan báo, Đấng cứu thế phải chịu đau khổ, bị giết chết rồi mới đạt tới vinh quang. Người lần lượt qua các sách tiên tri mà giải thích cho họ, và tới cuối ngày, Người làm ra vẻ muốn từ giã họ nhưng sau cùng Người nhận lời ở lại với họ và đồng bàn với các ông để rồi biểu lộ chính mình khi cầm bánh và chén rượu đọc lời chúc tụng. Bấy giờ mắt các ông mở ra và các ông đã nhận ra Người khi bẻ bánh, đồng thời các ông đã nói với nhau: “Lòng chúng ta đã chẳng nóng lên khi Người giải thích lời Chúa cho chúng ta”.

Hành trình gặp gỡ Đức Giêsu Phục sinh là điều mời gọi chúng ta phải suy nghĩ để hoán cải chính mình. Hành trình này không đơn giản chỉ là thay đổi từ chỗ chưa tin Chúa Giêsu Phục sinh đến chỗ tin Người đã phục sinh một cách trí thức, tức chỉ trong trí tuệ của chúng ta. Nhưng hành trình này là một hoán cải thực sự nhờ Lời Chúa để rồi đón nhận một đời sống mới như Đức Giêsu đã can đảm sống khi Người thi hành thánh ý Chúa Cha đón nhận đau khổ thập giá xảy đến trong cuộc đời của mình.  Chúng ta dễ đơn giản nghĩ rằng các môn đệ thời Đức Giêsu có điều kiện thuận lợi hơn chúng ta để tin Chúa Phục sinh, bởi vì các ngài được Chúa Phục sinh hiện ra và giải thích Lời Chúa. Thực ra, hành trình đức tin của các môn đệ cũng giống với hành trình của mỗi người chúng ta, đó là các ngài cũng phải lắng nghe và học hỏi Lời Chúa để rồi hoán cải chính mình, can đảm bỏ đi những dự định riêng tư đầy tham vọng của mình về một Đấng Cứu thế chính trị với những cải cách xã hội trần thế công bằng ấm no để đón nhận hiểu biết mới mẻ hơn về Đấng Cúu thế chịu đau khổ, chịu đóng đinh nhục nhã trên thập giá, để rồi từ đó thực sự hoán cải trong đời sống mới và dấn thân trên con đường rao giảng Tin mừng thực thi thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời của mình.

Thánh Phêrô, trong bài giảng của mình, đã trình bày rõ nét về sự kiện Đức Giêsu Nazarét chịu đóng đinh: chính những người do thái đã tham dự vào việc kết án Người, nhưng những gì đã diễn ra đều theo dự định từ trước của Thiên Chúa, và Thiên Chúa đã cho người trỗi dậy để giờ đây ngự bên hữu Thiên Chúa và lãnh lấy Thánh Thần mà tuôn đổ xuống cho mọi người. Tức là từ những hành động độc ác của con người, Thiên Chúa lại biến đổi trở nên ơn cứu độ tha thứ cho loài người, nhờ sự vâng phục đầy lòng yêu mến của Đức Giêsu, người Con một của Thiên Chúa vui lòng tự hạ thẳm sâu trong cuộc đời của mình. Hệ luận của một nhận thức về những ơn lớn lao mà Thiên Chúa đã thực hiện cách quyết định trong lịch sử cho chúng ta, thánh Phêrô nhắc nhở mọi người hãy sống thực sự cung kính vì đã được cứu chuộc bằng chính máu quí trọng của Chúa Kitô là con chiên tinh tuyền không tì vết.

Sống mầu nhiệm Phục sinh quả là một thách đố mà chúng ta được mời gọi dấn thân thực hiện, nhất là trong thời gian mùa Phục sinh. Chúng ta vốn có một quan niệm cố hữu từ lâu, đó là chúng ta vẫn bằng lòng nghĩ rằng mình đã mừng mầu nhiệm Phục sinh đầy đủ, đã tham dự những buổi tĩnh tâm mùa chay, đã dự lễ Phục sinh đầy đủ, và chúng ta tự bằng lòng với chính mình. Thực ra, chúng ta phải trung thực để nhìn nhận mình chưa thực sự sống ý nghĩa Phục sinh khi còn theo đuổi những dự định trần thế, còn mong muốn những thành công trên đường công danh sự nghiệp, và không muốn sống thánh ý Chúa để chu toàn trách nhiệm Chúa trao phó, bởi vì chúng ta mới chỉ dừng lại ở lòng tin ở trí tuệ mà chưa thực sự hiểu biết về một Đấng Cứu thế chịu đóng đinh, chịu chết để rồi mới vào trong vinh quang. Chúng ta được mời gọi như hai môn đệ trên đường Emmau, nhận ra người khách lạ này là Đức Giêsu Nazarét, Người là một Đấng Cứu thế chịu đóng đinh vào thập giá và mời gọi chúng ta hãy đón nhận thập giá đời thường của mỗi người, đó cũng chính là chúng ta sống mầu nhiệm Phục sinh ý nghĩa nhất.