Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm A
BIẾT ĐẤNG MÌNH THỜ PHƯỢNG
Chú giải của Noel Quession

Đức Giêsu đến một thành xứ Samari, tên là Xy kha gần thửa đất ông Giacóp đã cho ông là ông Giuse. ở đấy có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ, trưa. Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước.

Những trang viết lớn của Gioan thì không ai quên được. Ta có thể đọc chúng ở nhiều mức độ không đối lập nhau: 1. Một báu vật văn chương và thi ca. 2. Một ý nghĩa nội sinh từ diễn tiến kịch tính của các màn diễn. 3. Một sự nêu bật giá trị tâm lý tinh tế của Đức Giêsu. 4. Một sự phong phú những kỷ niệm Kinh Thánh được sử dụng lại. 5. Một cách sử dụng các ý nghĩa biểu tượng sâu xa của loài người. 6. Và, bên trong tất cả những thứ đó, một nền thần học nhiệm tích và Kitô học cực kỳ cụ thể.

Vâng hãy nếm trước hết ý nghĩa hiện thực của cảnh tượng: Đức Giêsu mệt nhọc, vật vã, kiệt sức vì một chuyến đi dài dưới ánh nắng ban trưa. Người lại ăn chay, ngay trước bữa ăn không thể làm được gì nữa, Người ngồi xuống đất, lưng tựa vào thành bờ giếng. Người khát nhưng không có thùng múc nước. Một phụ nữ tới, đội một vò nước, theo kiểu phương Đông. Khi tôi kiệt lực, và tôi không thể làm được gì nữa, tôi có thể cầu ông Giêsu này, Người biết chuyện đó là gì.

Đức Giêsu nói với chị ấy: "Chị cho tôi xin chút nước uống". Lúc đó các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Samari liền nói: "Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông uống nước sao?”. Quả thế người Do Thái không được giao thiệp với người Samari, Đức Giêsu trả lời: "Nếu chị nhận ân huệ của Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị xin cho tôi chút nước uống thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”.

Đức Giêsu, con người tự do, ở đây vi phạm ba điều cấm kị: về chủng tộc, về tôn giáo, về giới tính. Ở Phương Đông, người ta cấm nói với với một người đàn bà ở chỗ công khai.

Những tín đồ Do Thái tốt đều khinh miệt những người Samari; cho là những kẻ rối đạo và sùng bái thần tượng. Từ tám thế kỷ, người Samari và Do Thái đã hết sức thù hằn nhau một cách dữ tợn. Nhưng Đức Giêsu tự do Người không tin vào những cấm cản dứt khoát, những nhãn hiệu nẩy lửa, những khẩu hiệu quá đơn giản của những cách phân loại chính trị hay tôn giáo giữa người tốt và kẻ xấu.

Người phụ nữ ấy nói: “ Thưa ông, ông không có gầu mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy”. Đức Giêsu trả lời: "Ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”. Người phụ nữ nói với Đức Giêsu: "Thưa ông, xin cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi đến đây lấy nước".

Chúng ta bắt đầu đoán về tất cả nghệ thuật tâm lý của Đức Giêsu (và của Gioan). Đây không phải chỉ là một ngụm nước mà một người nước ngoài đầy bụi bặm xin Đức Giêsu mang đến, ở chỗ sâu thẳm nhất của sinh thể mình, một thứ khát khao khác. Người đốt cháy lên nỗi khát khao làm cho những nguồn nước chảy vọt lên ở trong lòng những người đàn ông và đàn bà... Nước! Nước là một thực tại của sự sống. Không có một sự sống nào mà không có nước! cái yếu tố xem ra tầm thường và quá đơn giản này, lại là quí giá nhất. Ngay trong những vùng trên địa cầu mà ở đó có nước dồi dào, thì ngày nay, người ta lại phát hiện được giá trị thiết yếu của nó: người ta bảo vệ, người ta để nó sang bên cạnh để nó không thiếu, người ta thanh lọc nó. Thế thì chẳng ngạc nhiên gì khi nước đã có một giá trị biểu tượng phổ biến trong tất cả mọi nền văn minh và tôn giáo trong Kinh Thánh. "Nước hằng sống" là chính hình ảnh Thiên Chúa ban sự sống (Gr 2,13; Is 12,3; 55,1; Ed 47,1; Dc 14,8). Biểu tượng nước đầy dẫy trong sách Tin Mừng Gioan; nước hóa rượu của Cana (Ga 2,7); nước mà trong đó người ốm muốn lặn xuống ở chỗ giếng Bết-da-tha (Ga 5,7); nước mở mắt cho người mù ở giếng Si-lô-ê (Ga 9,7), con sông nước hằng sống chảy từ ngực Đức Kitô được loan báo trên bậc thềm của Đền Thờ (Ga 7,38), nước của sự sống cho những ai muốn sinh lại bởi nước và Thánh Linh, được loan báo cho Ni-cô-đê-mô (Ga 8,5), sau cùng, nước chạy vọt ra từ cạnh sườn của Đấng chịu khổ hình thập giá (Ga 13,39). Bạn có một nguồn nước nơi bạn, bạn biết đó, từ ngày bạn chịu phép Thánh Tẩy.

Đức Giêsu bảo chị ấy: "Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây". Người phụ nữ đáp: "Tôi không có chồng". Đức Giêsu bảo: Chị nói tôi không có chồng là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.

Biểu tượng miền Samari “bán mình làm đĩ” cho các thần tượng... mà cũng là người phụ nữ có thật. Đó là thân bèo giạt hoa trôi, cái đồ thừa thãi đáng thương, bị chìm xuống vực thẳm làm một thứ đồ chơi cho cả một nửa lố đàn ông. Thế thì ông là ai, anh chàng nước ngoài mệt phờ này, cái anh chàng Do Thái bị tẩy chay này, mà lại đoán ra vết thương lòng của tôi? Thế thì ông là ai, cái anh chàng dò xét cõi lòng phụ nữ với một sự tế nhị đến độ không làm người ta phải ngượng ngùng? ông là ai, cái người mà đã đoán được cả lòng tôi khát khao hạnh phúc mà những thứ tình qua đường của tôi không làm nguôi được ông là ai, cái anh bạn vô danh có vẻ muốn chìa tay cho tôi biết rằng, dù kinh nghiệm tôi trải qua có đau đớn thật, nhưng cuộc đời tôi có lẽ không phải là một thất bại?

Người phụ nữ nói với Người: 'Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ... Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này còn các anh lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi thờ phượng Thiên Chúa". Đức Giêsu nói: “Này chị, hãy tin tôi. Đã đến giờ các người thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ phượng Đấng các người không biết, còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng giờ đã đến và chính lúc này đây giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế Thiên Chúa là Thần Khí và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí vô sự thật”. Người phụ nữ thưa: tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự Đức Giêsu nói: "Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây".

Ôi đàn bà, cuộc đời của chị không phải đã hết, đã hỏng. Ôi, loài người, nỗi khát khao của người còn xâu xa hơn người tưởng. Ôi tội nhân, sự thất bại của người có lẽ sắp trở thành một nguồn suối.

Thờ phượng! Đấy là mục tiêu của Người! Ngươi không nghĩ đủ đâu. Nhưng tôi, tôi nhắc lại mười lần tiếng này: Thờ phượng. Ngươi được tạo thành cho Thiên Chúa. Ôi, đàn bà, tấm lòng ngươi quá lớn lao, nên không chỉ bằng lòng với những hạnh phúc rời rạc và tạm bợ! Tất cả những gì tận cùng đều ngắn ngủi.

Thờ phượng! Dù muốn hay không, con người đã được lập trình cho chuyện này. Chỉ một mình Thiên Chúa mới thanh thỏa được nhu cầu về vô hạn nơi chúng ta. Nỗi khát không những tái phát.

Thờ phượng! Thái độ huyền nhiệm của người đứng trước mặt Thiên Chúa, cõi lòng được ngoạm vào, hít vào, xoa dịu, no thỏa bởi Đấng trên cao!

Người phụ nữ Samari vẫn còn có nhiều vấn đề tôn giáo có tranh cãi: phải thờ phượng Thiên Chúa ở đâu?... trên núi Garizim, miền Samari, hay trên núi Si-on ở Giêrusalem? Câu trả lời của Đức Giêsu là một sự vi phạm Truyền Thống: dám nói rằng Đền Thờ và các nghi thức phụng vụ không còn quan trọng gì cả! Thật là phạm thượng! Sự thờ tự Thiên Chúa đích thực là điều đã được thúc đẩy trong cuộc đời chúng ta nhờ chính "Thần Khí". Đền Thờ Thiên Chúa đích thực là đền thờ mà Chân lý của Chính Đức Kitô đến khánh thành: đó là thân xác Người; và Đức Giêsu nhận được sự đón tiếp tốt nhất không phải chính tại miền Giu-đê, nhưng tại ngay giữa miền Samari: “Các ông thờ phượng điều mà các ông không biết!". Chính người "Do Thái" biết sự thật. Nhưng chính "anh rối đạo" lại được phụ quyền. Lạy Chúa, xin cho chúng con sự yêu thích thờ phượng trong Thần khí và trong sự thật.

Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế không ai dám hỏi Người "Thầy cần gì vậy?” hoặc "Thấy nói gì với chị ấy thế?". Người phụ nữ ấy để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: "Đến mà xem, có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm, ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?". Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.

Tấm lòng của người phụ nữ đã được cứu thoát. Trong cuộc đời bị khô héo, một cuộc sống thấp lè tè dưới đất, hời hợt (tiêu thụ đủ loại), một nguồn nước đã vọt ra nơi chị ta. Chị không còn gì làm về cái giếng và cái vò nước này. Chị chạy đi thông báo về nước hằng sống mà chị vừa khám phá ra. Làm sao mà không kêu lên tin mừng cho cả làng nghe! Và chính cái quá khứ nặng nề tội lỗi của chị đã khiến cho chị thấy quá hợp để nói về Thiên Chúa: "Hãy đến xem có người đã yêu tôi với lòng xót thương". Câu chuyện này không phải là câu chuyện của bạn sao?.

Trong khi đó các môn đệ thưa với Người rằng: "Ráp-bi, xin mời Thầy dùng bữa". Người nói với các ông: 'Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết". Các môn đệ mới hỏi nhau: "Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?". Đức Giêsu nói với các ông: lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt?" Nhưng này. Thầy bảo anh em: "Ngước mắt lên mà xem, đồng luá đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái. Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi đễ được sống muôn đời, và như thế cả người gieo lẫn người gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy câu tục ngữ “kẻ này gieo người kia gặt" quả là đúng. Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em được vào hưởng công lao vất vả của họ.

Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng: Ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy khi đến gặp Người dân Samari xin Người ở lại với họ và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: "Không còn phải lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật chính chúng tai đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng Cứu Độ trần gian".

Vâng, từng nấc một, Gioan đã đưa chúng ta xuống chiếc giếng sâu, chính là huyền nhiệm về bản vị Đức Giêsu: một người nước ngoài đáng thương mệt nhoài và khát đến cháy cổ… một người Do Thái "biết Đấng mình thờ phượng" nhưng còn lớn hớn cả Giacóp, người sáng lập nước Israel, một ngôn sứ đọc được trong lòng người ta và đoán được những âu lo bị che khuất Đấng Mêsia được trông đợi đã làm chảy vọt lên nước hằng sống của cuộc sống muôn đời; và dạy cho loài người biết sự khát khao đích thực: Thờ phượng Thiên Chúa trong Thần khí và trong sự thật, tóm lại Đấng Cứu Độ trần gian.

Bao lâu còn chưa khám phá ra cái suối này, Đức Giêsu mà tất cả thức ăn của Người là thực hiện ý muốn của Chúa Cha, thì thế gian chết vì đói và khát cũng một thứ đồ ăn và thức uống đó luôn ở trong thực đơn nơi bàn tiệc của Giáo Hội. Phục sinh đến gần: phải chăng bạn sẽ ngã quỵ vì bệnh thiếu máu thiêng liêng ở gần ngay suối nước và bàn ăn? Và này bạn khát khao cái gì?