Chúa Nhật II Mùa Chay - Năm A
CÕI PHÚC
SƯU TÀM

Trong cuộc đời này, có nhiều người đã đi tìm cái chết cho mình. Trong số ấy có những người giàu sang quyền quí, và cũng có những người nghèo khổ bần cùng. Người giàu sang quyền quý sau khi hưởng thụ mọi thú vui của cõi đời, đã chỉ thấy một sự trống rỗng trong tâm hồn, một sự vô vị của cuộc sống nên tìm đến cái chết như muốn nói lên rằng họ tuyệt vọng về cuộc đời. Những người nghèo khổ bần cùng suốt đời phải làm thân trâu ngựa. Họ không đủ sức chịu đựng những nhọc nhằn, những tủi nhục của kiếp tôi mọi nên cũng đã tìm đến cái chết như tìm một sự giải thoát cho cuộc đời. Dù chết trong hoàn cảnh nào thì cả người giàu lẫn người nghèo kể trên đều có một lý do chung và lý do mạnh nhất đã đẩy đưa họ tới chỗ chào thua cuộc đời. Lý do đó là vì họ “Sống mà không có lý tưởng để vươn tới, không có niềm tin vào ngày mai ở bên kia cuộc đời”. Đối với họ, đời người chỉ thu gọn lại trong những tháng năm của cuộc sống này và chết là hết, không còn gì.

Nhưng người Kitô hữu không thể nghĩ thế. Người Kitô hữu biết rằng mình có một cõi phúc để đi về sau khi cuộc đời này chấm dứt. Cõi phúc ấy được báo trước qua cuộc biến hình đầy vinh quang huy hoàng của Chúa Giêsu. Cõi phúc ấy đã làm cho ba môn đệ của Chúa Giêsu ngây ngất đến độ ông Phêrô đã phải thốt lên rằng: “Thầy ơi, chúng con được ở đây thì sướng lắm”. Những chưa được. Cõi phúc ấy nằm ở cuối cuộc hành trình đời người, và các tông đồ cũng như mỗi người chúng ta chỉ có thể đi vào cõi phúc ấy sau khi đã đi hết lộ trình cuộc đời của mình. Khổ một nỗi hành trình cuộc đời của người Kitô hữu không phải là xa lộ thênh thang, bằng phẳng, nhưng lại là một con đường khúc khuỷu, quanh co, đầy chông gai sỏi đá. Nó giống như con đường lên núi Sọ của Chúa Giêsu. Và vì thế mà nhiều người, trong đó có cả chúng ta đã không dám bước vào. Thành công nào trong đời cũng có cái giá phải trả. Chúa Giêsu chỉ có thể bước vào vinh quang của ngày Phục Sinh sau khi đã đi vượt qua con đường đau khổ, con đường thập giá. Người đã can đảm vượt qua được con đường ấy và đã đi vào cõi phúc. Người mời gọi và chờ đợi chúng ta cùng đi vào cõi phúc ấy với Người: “Ai muốn theo tôi, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi”. Không có con đường thứ hai, không có con đường tắt nào khác dẫn tới cõi phúc ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi. Bước sang năm mới có lẽ ai trong chúng ta cũng có một kế hoạch làm ăn, và chúng ta có thể mường tượng ra những thành công sẽ đến. Những thành công ấy sẽ là động lực thúc đẩy chúng ta làm việc, chấp nhận mưa nắng dãi dầu, chấp nhận thức khuya dậy sớm v.v… Đạt được cõi phúc trường sinh chính là một thành công lớn nhất và chung cuộc của đời sống con người, nhưng chẳng biết nó có đủ hấp dẫn để lôi kéo ta, để giúp ta chấp nhận những hy sinh, từ bỏ, chấp nhận lấy những thập giá trong đời sống mình hay không? Nếu không thì quả là đáng tiếc.