Chúa Nhật XXXII thường niên  - Năm C
VĨNH CỬU
SƯU TẦM

Chúng ta có thể dùng lý trí để biện luận rằng có đời sau. Nhưng những người đã làm chứng không phải bằng lời mà bằng công nghiệp và một đôi khi bằng cuộc sống của họ là những luận cứ tốt nhất. Đó là những vị tử đạo, bằng việc làm cho Thần Khí các ngài đã chứng tỏ rằng sự sống mạnh mẽ hơn sức mạnh của cái chết. Chúng ta nghĩ đến bà mẹ và bảy con trai của bà (Bài đọc 1). Nhưng có những tấm gương gần với thời đại chúng ta hơn.

Vào tháng 5 năm 1992, báo Observer đăng lại câu chuyện sau đây. Ba mươi nữ tu của Giáo Hội chính thống Nga bị Stalin giam giữ năm 1929 trong một nơi trước kia là tu viện của đảo Solovetsky trên bờ biển bắc của nước Nga. Như mọi tù nhân của các trại giam, người ta buộc các nữ tu phải lao động. Nhưng các nữ tu ấy cương quyết từ chối làm lao động và giải thích rằng họ không thể đồng ý “lao động cho những nhân viên của tên chống Kitô” (Antichrist).

Ban quản lý trại giam đã phản ứng nghiêm khắc. Nếu người ta không được y tế xác nhận không có khả năng lao động thì người từ chối lao động sẽ bị đánh đập và bị đưa đến một hòn đảo trừng trị mà không một ai còn sống để trở về.

Tuy nhiên, thật lạ lùng chính quyền trại giam dường như không muốn áp dụng sự trừng phạt ấy cho các nữ tu. Người đứng đầu bệnh xá của trại giam bối rối trước thái độ của các nữ tu. Dưới mắt ông, họ là những “tù nhân khó khăn”. Tuy nhiên thái độ của họ không giống những “tù nhân khó khăn” mà ông vẫn gặp. Thay vì kêu gào, la hét, các nữ tu chỉ bày tỏ sự đơn sơ, khiêm tốn và nhân từ.

Cảm thấy tiếc xót cho các chị ông yêu cầu một bác sĩ xác nhận các nữ tu không có khả năng lao động. Bác sĩ cũng là một tù nhân rất cảm kích trước các nữ tu, các chị bình tĩnh và tự chủ, ăn mặc chỉnh tề sạch sẽ. Khuôn mặt các chị tỏa ra một sự thanh khiết của tinh thần khiến người ta ngạc nhiên và sinh ra lòng tôn trọng sâu xa.

Bác sĩ cố thuyết phục các chị lao động, ông kể ra những gương lao động của các Kitô hữu khác. Khi thấy các chị không bị lay chuyển, ông nói ông sẽ nghĩ ra một bệnh nào đó cho các chị và tuyên bố các chị không có khả năng lao động. “Chúng tôi xin lỗi,”một nữ tu ngắt lời, “điều đó không đúng, chúng tôi mạnh khỏe. Chúng tôi có thể lao động. Nhưng chúng tôi không muốn lao động cho kẻ chống Kitô “.

Bác sĩ đã giải thích rằng các chị sẽ bị tra tấn và giết chết. “Thiên Chúa cũng sẽ giúp đỡ chúng tôi chịu đựng sự tra tấn,” một chị nữ tu bình thản đáp lại. Nhiều năm về sau, người bác sĩ ấy viết : “Nước mắt tôi trào ra. Tôi cúi đầu nhượng bộ các chị trong sự im lặng. Tôi đã muốn hôn bàn chân các chị”.

Ít lâu sau, các chị đồng ý may mền bông cho bệnh xá vì người ta cho phép các chị hát thánh thi nho nhỏ trong lúc làm việc. Tuy nhiên, một linh mục đến trại và nói với các chị rằng làm bất cứ việc gì cho các “nhân viên của kẻ chống Chúa” là sai lầm. Vì thế các chị từ chối lao động. Người ta lôi vị linh mục ra ngoài và bắn chết. Không bao lâu sau, các nữ tu cũng chịu chung một số phận.

Các nữ tu tỏ ra không lưỡng lự hoặc hoài nghi hoặc dao động. Nhưng điều đó không có nghĩa việc các chị làm là dễ. Mọi người đều thích sống. Các chị cũng thích sống nhưng không có nghĩa là bám lấy nó bằng mọi giá. Đối với họ, sự sống thật là sự sống muôn đời. Đức tin vào sự sống vĩnh cửu làm cho họ có thể hy sinh đời sống trần gian vì Đức Kitô.

Các nữ tu ấy, tín thác vào Thiên Chúa. Bà mẹ và bảy người con trai cũng đã làm thế. Chúng ta không làm gì hơn là noi gương tín thác Thiên Chúa của họ. Phaolô nói rằng chúng ta có niềm hy vọng chắc chắn. Niềm hy vọng này không bởi chính chúng ta mà bởi Thiên Chúa. Người là Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta là con cái Người. Người tạo dựng chúng ta để sống ở đây và sau này. Viễn cảnh rực rỡ ấy làm chúng ta có thể trân trọng sự sống mà không bám lấy nó. Và nó khuyến khích chúng ta sống một đời sống ngay lành.