Chúa Nhật XXXII thường niên  - Năm C
TIN VÀO SỰ SỐNG LẠI
SƯU TẦM

Ai trong chúng ta hãy tự hỏi mình xem có can đảm để sống không ? Bởi vì phần đông trong chúng ta ai cũng sợ chết và nhất là cái chết ấy lại đến một cách bất ngờ. Quả thực, chết là một thực tại đáng sợ nhất trong cuộc đời. Chết là một hành động phản tự nhiên, nhất là ta phải trải qua trong cuộc sống. Chính vì thế về mặt luân lý người ta không ngừng đi tìm đủ mọi cách để tránh nghĩ về sự chết hay phủ nhận cái chết sẽ không đến với chúng ta.

Trong ngôn ngữ thông thường dường như chúng ta cũng tránh nói đến cái chết. Bởi đó, người chết được gọi là người quá cố, người khuất núi, người đã yên giấc nghìn thu hay người đã ra đi trước chúng ta, nhưng muốn hay không cái chết vẫn là người bạn đồng hành mỗi ngày với chúng ta. Thật thế, trong cuộc sống chúng ta đã chứng kiến không biết bao nhiêu người thân thương ruột thịt của chúng ta phải chết, đồng thời chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều cái chết qua các phương tiện truyền thông mỗi ngày. Đối với những người không có niềm tin, cái chết quả là một cái gì phi lý nhất trong cuộc sống. Nhưng đối với những ai có niềm tin thì chính cái chết mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, đó là thái độ mà mỗi Kitô hữu vẫn thể hiện khi đứng trước cái chết. Cái chết mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, bởi chúng ta vẫn tin rằng, bên kia cái chết thì cuộc sống vẫn tiếp tục, đó là cuộc sống trong cõi phúc trường sinh. Đây là niềm tin, niềm hy vọng mà chúng ta được mời gọi để nuôi dưỡng mỗi ngày.

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta củng cố niềm tin và hy vọng. Chúa Giêsu không những rao giảng về sự sống lại, mà chính Ngài còn là sự sống lại. Sự Phục Sinh của Ngài là bảo chứng của cuộc sống và làm chứng cho lời rao giảng của Ngài. Chính sự Phục Sinh của Ngài mà niềm tin của chúng ta được xây dựng.

Quả thật, như lời thánh Phaolô khẳng định trong thư gởi giáo đoàn Côrintô : “Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì đức tin của chúng ta thật là hão huyền”. Niềm tin vào sự Phục Sinh của Chúa Kitô mang lại ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta. Với niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta tìm được ơn can đảm để sống, mặc dù có trải qua bao nghịch cảnh thử thách, khổ đau. Với niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta vẫn tiếp tục tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, đó là cuộc sống hạnh phúc bất diệt trên Nước Trời. Cũng qua đoạn Tin Mừng trên, thánh sử Luca kể lại cho chúng ta nghe về việc chối từ của những người trí thức thuộc phe Saducê. Họ không tin có sự sống lại, họ đặt ra một vấn nạn về việc một người đàn bà có bảy đời chồng : “Nếu có sự sống lại thì người đàn bà này sẽ thuộc về ai trong số bảy người chồng đã chết ?”. Họ thách thức Chúa như vậy, nhưng họ thắc mắc và ngụy biện như vậy là vì họ có một quan niệm sai lầm về sự sống đời sau và về sự sống lại.

Sự sống sau cái chết không còn giống như sự sống ở hiện tại, và sự sống lại không phải là sự phục hồi để trở về đời sống trần tục bình thường mà là một sự sống đã được thăng hoa, đã được biến đổi, đã được nâng cao trong ân sủng Chúa, được thăng cấp như sự sống các thiên thần.

Không có kinh nghiệm trần tục nào, không có một ngôn ngữ con người nào có thể diễn tả một cách tích cực sự thật thiêng liêng này. Chúa Giêsu đã trả lời cho những kẻ chất vấn Ngài như sau : “Con cái đời này cưới vợ gả chồng, song những ai được dự phần đời sau, được sống lại từ cõi chết thì sẽ không cưới vợ lấy chồng nữa. Họ sẽ không chết nữa vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa và là con cái của sự sống lại”.

Sức mạnh cuối cùng về lý luận của Chúa Giêsu, đó là điều mà chính Con Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta. Vì không ai có thể nói cho chúng ta biết những chuyện trên trời nếu không phải là Đấng ngự trên trời xuống. Là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Chúa Giêsu có đầy đủ uy tín để quả quyết : “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ sống”. “Con có tin không ?”, Chúa Giêsu đã nói với Martha và đã hỏi thánh nữ như vậy. Và ngày hôm nay, Ngài cũng hỏi mỗi người chúng ta : “Con có tin klhông ? Con có tin Ta, có tin vào sự sống, tin vào sự sống lại hay không ?”.

Tháng Mười Một chúng ta không khỏi ngậm ngùi nhớ lại người thân thương đã chết, chia ly cách biệt vẫn là nỗi đau nhất trong cuộc sống. Nhưng với niềm tin Phục sinh, chết như được dẹp bỏ, người chết như vẫn hiện diện gần gũi với chúng ta và đây chính là nguồn diễm phúc của những ai có niềm tin vào sự sống lại.