Chúa Nhật XXXII thường niên  - Năm C
NIỀM VUI VĨNH CỬU
Cha Mark Link, S.J.

Chủ đề: "Chúng ta phải sống ở đời này theo một phương cách nhằm đảm bảo niềm vui vĩnh cửu ở đời sau."

Có một bà mẹ mang thai đôi. Một đứa là gái, đứa kia là trai. Nhiều ngày tháng trôi qua, và chúng lớn dần. Khi càng lớn, chúng càng vui mừng ca hát: "Có được sự sống thật là vĩ đại!"

Cùng nhau chúng thám hiểm lòng mẹ. Khi chúng tìm thấy chiếc nhau của bà mẹ, chúng la lên vui sướng: "Mẹ thương chúng ta biết là chừng nào đến nỗi chia sẻ sự sống cho chúng ta!"

Không bao lâu, hai đứa ngày càng thay đổi đáng kể. Đứa con trai hỏi, "Thế nghĩa là gì?"

"Có nghĩa cuộc sống của chúng ta trong lòng mẹ sẽ chấm dứt," đứa con gái trả lời.

"Nhưng mình không muốn rời lòng mẹ," đứa con trai nói. "Mình muốn ở đây mãi."

Đứa con gái trả lời, "Mình đâu có lựa chọn được. Nhưng mà biết đâu có đời sống sau khi sinh."

"Làm sao được?" đứa con trai hỏi. "Chúng ta sẽ bị tách khỏi cái nhau của mẹ mình thì làm sao sống nổi? Hơn nữa, trong bụng mẹ có những chứng cớ rõ ràng là có những đứa sống trước mình, và chưa có đứa nào trở lại đây cho mình biết là có sự sống sau khi sinh. Không được đâu, đến đây là chấm dứt."

Và rồi đứa con trai thấy tuyệt vọng, suy nghĩ. "Nếu đời sống trong bụng mẹ chấm dứt bằng cái chết, thì mục đích của đời sống đó là gì? Ý nghĩa của nó là gì? Có lẽ mình không có mẹ. Có lẽ mình chỉ bịa ra người mẹ để cảm thấy an tâm."

"Nhưng chúng ta phải có một người mẹ," đứa con gái nói. "Vì làm thế nào mà chúng ta vào đây được? Làm thế nào chúng ta sống được?"

Và rồi những ngày cuối cùng trong bụng mẹ đầy những thắc mắc và lo sợ.

Sau cùng, giây phút chào đời đã đến. Khi hai đứa mở mắt nhìn, chúng đã khóc vì sung sướng. Những gì chúng thấy còn hơn cả mơ ước.

Dĩ nhiên, câu chuyện trên chỉ là một ngụ ngôn. Nó so sánh đời sống ở thế giới này với đời sống trong lòng mẹ.

Cũng như hai đứa trẻ song sinh tự hỏi về đời sống sau khi sinh giống như thế nào thì chúng ta cũng tự hỏi về đời sống sau khi chết và thế giới ấy giống như gì.

Và cũng như đời sống sau khi sinh vượt quá những mơ ước của hai đứa song sinh thì đời sống sau khi chết cũng vượt quá ước mơ của chúng ta. Theo lời Thánh Phaolô:

"Điều mà chưa ai từng thấy hay nghe biết, điều mà chưa ai dám nghĩ sẽ xảy ra, thì đó chính là điều mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho những ai yêu mến Người" (1 Corinthians 2:9)

Chuyện ngụ ngôn của hai đứa song sinh thích hợp với các bài đọc hôm nay. Vì cả Phúc Âm và bài đọc một đều rõ ràng đối phó với sự sống sau khi chết.

Và vì thế, có lẽ thật thích hợp cho chúng ta để suy nghĩ về đề tài đó.

Một cách cụ thể, chúng ta có thể suy nghĩ về câu hỏi rất thực tế: Trong thế giới bận rộn này, làm sao một con người có thể sống theo một phương cách nào đó nhằm đảm bảo sự sống vĩnh cửu ở đời sau?

Câu hỏi này được đề cập đến trong một cuốn sách của Doris Lee McCoy có tựa đề là Megatraits: Twelve Traits of Successful People. (Vô Số Đặc Điểm: 12 Đặc Điểm của Người Thành Công).

Một trong những người mà cô McCoy phỏng vấn khi thực hiện cuốn sách là ông Peter Coors, chủ tịch ngành bia của công ty Adolph Coors.

Ông Adolph Coors từ nước Đức vào Mỹ dưới dạng hành khách đi tầu lậu vé. Ông đến Hoa Kỳ mà không có giấy thông hành, không một đồng xu, không có gì cả.

Từ một khởi đầu không ai dám nghĩ đến, ông đã sáng lập một trong những công ty thành công và giầu có nhất Hoa Kỳ.

Peter Coors là chắt của Adolph Coors. Khi cô McCoy hỏi ông Peter nghĩ gì về sự thành công, ông trả lời như sau:

"Sự thành công đối với tôi thật căn bản. Thứ nhất, khi cuộc đời tôi chấm dứt, sự thành công sẽ là đứng trước mặt Thiên Chúa, và cảm thấy rằng dù tôi có những lầm lỗi, tôi luôn luôn coi Thiên Chúa như tâm điểm của đời tôi.

"Thứ hai, sự thành công đối với tôi là có được một gia đình tốt đẹp và một hôn nhân tốt đẹp. Đó là một phần rất quan trọng của đời tôi.

"Thứ ba, sự thành công đối với tôi là, sau thời gian làm việc với công ty chấm dứt, tôi có thể nói rằng tôi đã giúp đỡ, không chỉ công ty, nhưng còn các nhân viên nữa."

Ba nhận xét của ông Peter Coors bao gồm câu trả lời cho thắc mắc của chúng ta: Trong thế giới bận rộn này, làm sao một con người có thể sống theo một phương cách nào đó nhằm đảm bảo sự sống vĩnh cửu ở đời sau?

Thứ nhất, chúng ta phải sống ở đời này theo một phương cách mà sau khi chết, trước mặt Thiên Chúa, chúng ta đoan chắc rằng Thiên Chúa luôn luôn ở tâm điểm của đời sống chúng ta.

Thứ hai, chúng ta phải sống theo một phương cách mà, sau việc yêu mến Thiên Chúa, việc yêu mến gia đình chiếm địa vị ưu tiên trong đời sống.

Sau cùng, chúng ta phải sống ơn gọi của mình theo một phương cách không những tích cực góp phần cho ngành nghề và lãnh vực hoạt động nhưng còn cho những người mà chúng ta cùng làm việc.

Nếu chúng ta có thể thi hành như vậy, quả thật cuộc đời chúng ta đã sống theo một phương cách được cam đoan bởi lời hứa của Thánh Phaolô:

"Điều mà chưa ai từng thấy hay nghe biết, điều mà chưa ai dám nghĩ sẽ xảy ra, thì đó chính là điều mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho những ai yêu mến Người"

Chúng ta hãy kết thúc với một bài thơ. Bài thơ này là một kết luận thực tế, thích hợp với những gì chúng ta vừa nói. Bài thơ mang tên "Dẫu Vậy."

Con người thì vô lý, sai lầm, và ích kỷ,

Dẫu vậy hãy cố yêu thương họ!

Nếu bạn làm điều tốt, đời sẽ lên án bạn là vì nhiều ẩn ý. 

Dẫu vậy hãy làm tốt cho họ!

Nếu bạn thành công, bạn sẽ có thêm những người giả dối và kẻ thù ghét bạn. 

Dẫu vậy hãy thành công!

Những điều tốt bạn làm sẽ rơi vào quên lãng. 

Dẫu vậy hãy làm tốt!

Sự thành thật và thẳng thắn khiến bạn dễ bị tổn thương. 

Dẫu vậy hãy thành thật và thẳng thắn!

Những người vĩ đại với các tư tưởng vĩ đại có thể bị hạ nhục bởi những người ti tiện. 

Dẫu vậy hãy nghĩ đến điều vĩ đại!

Những gì bạn bỏ công xây dựng cả năm có thể bị tiêu hủy sau một đêm. 

Dẫu vậy hãy xây dựng!

Người ta thực sự cần được giúp đỡ nhưng họ có thể tấn công bạn nếu bạn giúp đỡ họ. 

Dẫu vậy hãy giúp đỡ họ!

Bạn hết sức xây dựng thế giới và chỉ nhận được những đắng cay. 

Dẫu vậy hãy hết sức trao ban cho thế giới!

Tác Giả Vô Danh