Chúa Nhật XXX thường niên  - Năm C
TỰ CAO & TỰ HẠ
AM Trần Bình An

Người dân Paris được biết đến với cách ăn mặc lịch sự và thái độ kiêu căng, ngạo mạn với khách du lịch. Mặc dù, Paris vẫn thu hút khoảng 29 triệu khách du lịch mỗi năm, nhưng định kiến về sự kiêu căng của người dân nơi đây (dù đúng hay không) vẫn đang tồn tại, ngăn cản khách du lịch đến thăm thủ đô của nước Pháp. 

Vì vậy, hội đồng du lịch Paris đang khuyến khích người dân địa phương thân thiện hơn với khách du lịch.“Mục đích là để phá bỏ những định kiến xấu về thái độ tiếp đón của người dân Paris và khu vực lân cận.” Jean-Pierre Blat, Tổng giám đốc hội đồng quản lý du lịch khu vực Paris nói với Telegraph.

Hội đồng du lịch Paris đưa ra những chỉ dẫn cho người dân về cách ứng xử với từng loại khách du lịch quốc tế. Ví dụ, hướng dẫn này giúp người dân Paris biết rằng khách du lịch Mỹ thích dịch vụ nhanh chóng, cá nhân, hiệu quả, họ am hiểu công nghệ và thường ăn tối vào 6 giờ chiều.

Hướng dẫn cũng chỉ ra rằng, khách du lịch Trung Quốc đến Paris để mua sắm những đồ sang trọng, đắt tiền, trung bình mỗi ngày một người chi tiêu 171 euros và rằng đơn giản chỉ với một nụ cười và chào bằng ngôn ngữ của họ sẽ khiến họ hài lòng.

Hướng dẫn còn đề cập tới việc người Trung Quốc rất nhạy cảm với thực phẩm và rượu vang. Nhưng người Nhật mới là những người chi tiêu mạnh tay nhất, trung bình mỗi ngày một khách du lịch Nhật Bản tiêu 186 euro. Hướng dẫn này cũng chỉ ra rằng người Nhật sẽ không bao giờ phàn nàn khi họ đang ở Pháp, nhưng nếu không hài lòng họ sẽ chỉ trích khi họ quay lại Nhật.

Hãy chờ xem người dân Paris sẽ thực hiện theo bản hướng dẫn này như thế nào và họ có trở nên thân thiện hơn trong mắt khách du lịch hay không. (vef.vn)

Thái độ kiêu căng của cư dân thủ đô Ánh Sáng đang làm mất dần đi vẻ hoa lệ, trang nhã và sang trọng của Paris trong mắt du khách. Chẳng ai dại gì bỏ tiền chuốc lấy cái bực bị khinh rẻ, nên hội đồng du lịch Paris lo lắng du khách khắp nơi tẩy chay, mới ra sức sửa chữa phong cách đón tiếp. 

Trong trích thuật Tin Mừng của thánh Luca, Chúa Nhật 30 hôm nay, Đức Giêsu điều chỉnh thái độ cầu nguyện của tín hữu, sao cho xứng đáng dâng lên Thiên Chúa. Nếu cứ kênh kiệu như dân Paris, thì làm sao đẹp lòng Chúa. 

Tự cao, tự đại 

Một trong những điều gây phản cảm nhất, hay đúng hơn là gây ác cảm nhất, chính là thói kiêu căng, hợm hĩnh, ngạo nghễ, tự cao tự đại, coi thiên hạ bằng nửa con mắt, coi trời bằng vung. Tánh kiêu ngạo đặc biệt bao giờ cũng lộ liễu, trần trụi, vỗ mặt, dù khéo léo che đậy bằng mọi thủ đoạn tinh vi đi nữa. 

Để cho mình nổi bật lên, sáng chói, ngoại hạng, thì cách thông dụng và dễ dàng nhất, đó là so sánh mình với người khác. Biêu riếu cái xấu xa, đê tiện, tội lỗi của thiên hạ vấp phạm, để hùng hồn minh chứng sự tốt lành, trong sạch, đạo đức của mình. Nhưng có thật thế chăng? Hay chỉ vì mình quá tài giỏi ăn vụng khéo chùi mép? 

Đức Giêsu thẳng thắn lật tẩy thói giả hình và kiêu ngạo: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra.” Trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt mình? Hỡi kẻ đạo đức giả, lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em.” (Lc 6, 41 – 42) 

Tuy biết vậy, tôi vẫn không thoát khỏi tâm tình cầu nguyện của người Biệt Phái, tự dối lòng mình tốt lành hơn người, mỗi khi tôi tỏ ra miệt thị người mắc tội trống, như cờ bạc, tượu chè, trai gái: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.” (Lc 18:11). 

Mỗi khi khô khan, tội lỗi xa rời Thiên Chúa, tôi lại chóng vánh vỗ về, ve vuốt  thân xác yếu hèn, đắm chìm vào tội nguyên tổ, kiêu ngạo, coi thường, coi rẻ và phỉ báng tha nhân,. Mỗi khi lìa đàn, lạc bầy như con chiên bị mất, như đứa con hoang đàng, tôi coi tha nhân bất thân thiện như kẻ xa lạ, như thù địch, vì thói kiêu căng, lòng tự mãn, tự cao, tự đại đã che mờ hình ảnh Thiên Chúa, đang hiện hữu trong anh chị em.  

Kiêu ngạo là ăn cướp ơn Chúa, vinh danh Chúa, để làm của riêng con, công nghiệp con. (Đường Hy Vọng, số 511) 

Tự hạ, tự hối 

"Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi." (Lc 18, 13). Người con hoang đàng trở về. Người thu thuế đứng xa xa cuối nhà thờ, xấu hổ không dám ngẩng mặt lên, thành khẩn cúi đầu đấm ngực ăn năn, sám hối, dốc lòng đền tội, nguyện xin Lòng Thương Xót của Chúa thứ tha, thì Đức Giêsu hân hoan giang rộng cánh tay ôm chặt lấy đoái thương trìu mến. “Vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy' (Lc 15, 24) 

Mỗi khi dâng lên Chúa tất cả tội lỗi, những điều xấu xa đê tiện, để khấn xin Chúa tha thứ, xót thương cho tâm hồn yếu đuối, cho thể xác ươn hèn, là tin cậy và phó thác, là tín trung và hy vọng, là cầu xin Chúa trở lại, ngự vào thăm, để chăm sóc, băng bó và cứu chữa tâm hồn đầy thương tích, hoen ố và nhem nhuốc. 

Khi con tự hạ mình, chưa hẳn con khiêm nhượng. Khi người ta hạ con, chưa hẳn con khiêm nhượng. Khi người ta hạ con, mà con vui lòng chấp nhận vì Chúa, lúc ấy, con khiêm nhượng thật. (Đường Hy Vọng, số 509) 

Lạy Chúa, khi đến với Chúa con tháo bỏ đôi giày những tham vọng của con, con cởi bỏ đồng hồ thời khóa biểu của con, con đóng lại bút viết các quan điểm của con, con bỏ xuống chìa khóa sự an toàn của con, để con được ở một mình với Ngài. Lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật, sau khi được ở với Ngài, con sẽ xỏ giày vào để đi theo con đường của Chúa con sẽ đeo đồng hồ để sống trong thời gian của Chúa, con sẽ đeo kính vào để nhìn thế giới của Chúa, con sẽ mở bút ra để viết những tư tưởng của Chúa, con sẽ cầm chìa khóa lên để mở những cánh cửa của Chúa. (Graham Kings) 

Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con là những kẻ tội lỗi, hẻn mọn, bất xứng với Tình Yêu đại lượng của Chúa. Xin Chúa cho chúng con biết khiêm nhường nhận ra sự yếu đuối, sự bất trung, lòng phản trắc, để nhận ra lòng từ bi nhân hậu của Chúa, cũng như luôn biết thông cảm những sai sót, khuyết điểm của tha nhân. 

Lạy Mẹ Maria, xưa kia Mẹ đã khiêm nhường thân thưa cùng sứ thần: "Xin hãy xảy ra cho tôi như lời thiên thần truyền", nghĩa là xin Thiên Chúa hãy làm nơi tôi điều Ngài muốn. Đó là tiếng xin vâng của Mẹ. Xin Mẹ hãy dạy chúng con luôn biết khiêm tốn đáp lại Thánh Ý Chúa như Mẹ vậy. Amen.