Chúa Nhật XXVII thường niên  - Năm C
VUN TRỒNG ĐỨC TIN
Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC 

Thưa anh chị em,

Đức tin rất cần thiết cho ơn cứu độ của chúng ta. Vì như lời Đức Giêsu khẳng định: “Thiên Chúa yêu thương thế giam đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).

 Các tông đồ là những người được Đức Giêsu tuyển chọn. Các ông ở với Chúa, đã từng nghe lời Chúa giảng, từng thấy phép lạ Chúa làm, ấy thế mà họ vẫn thấy đức tin còn yếu kém, nên ngỏ lời xin Chúa "Xin Thầy thêm đức tin cho chúng con" (Lc 17,5).

Trong ba năm đi rao giảng Tin mừng, Đức Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ, điều đó chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa quyền năng làm được mọi sự. Thế nhưng, để phép lạ xảy ra, thì Chúa lại đòi lòng tin nơi con người, vì sau khi mỗi phép lạ xảy ra, thì  Đức Giêsu thường nói : “Đức tin của con đã cứu chữa con”.

Anh chị em thân mến,

Trong buổi họp với các nhân viên Bộ Giáo Lý Đức Tin, đức thánh cha Bênêđictô 16 nói rằng: “Hiện nay nhiều nơi đức tin có nguy cơ bị dập tắt như một ngọn lửa đang tàn. Những khủng hoảng đức tin sâu xa nhất chính là mất ý thức tôn giáo trong đời sống”.  Thế thì căn cứ vào đâu mà ngài nói lên điều đó?.

Thưa, với kinh nghiệm hơn 20 năm làm Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin và 5 năm trên ngôi Giáo Hoàng, Ngài thấy nhiều nơi và mọi tầng lớp trong Giáo hội cũng như ngoài Giáo hội đức tin đã bị lung lay.

Ngoài Giáo hội đây, là những tôn giáo bạn, những tôn giáo tin vào Chúa, nhưng chưa hiệp thông với Giáo hội Rôma. Những tôn giáo này ngày nay cũng đang gặp những thử thách về đức tin.

Rồi trong Giáo hội, số tín hữu hiện tại trong Giáo Hội Công giáo hơn 1 tỉ người, nhưng thử hỏi trong số những tín hữu này sống đức tin như thế nào?

Chúng ta biết rằng trước đây các nước Châu Âu có thể nói là chiếc nôi đức tin, vì máu các thánh tông đồ và các vị tử đạo đã đổ ra tưới thấm không biết bao nhiêu trên mảnh đất này, từ đó phát sinh ra các Kitô hữu. Và cũng từ đó các nhà truyền giáo mang hạt giống đức tin gieo vãi trên các xứ truyền giáo khác. Vậy mà ngày nay Châu Âu một số tín hữu đã không sống đức tin. Chính vì thế Đức Thánh Cha đã hô hào để tái “Phúc Âm hóa” và ngài nhắm vào Châu Âu một cách đặc biệt hơn, bởi vì họ là trưởng nữ của Giáo Hội.

Mặc dầu họ vẫn tin có Thiên Chúa, nhưng dường như họ sống không cần Thiên Chúa nữa. Hay nói cách khác, họ loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống dưới nhiều hình thức khác nhau. Họ sống tự do, muốn tin gì thì tin, muốn giữ thì giữ... chứ không theo một luật nào và cũng không theo một Đấng nào có quyền trên họ cả.

Vì đối tượng của đức tin, là tin những chân lý Chúa mặc khải được qui tóm trong Kinh Tin Kính, nhưng còn phải thực hành đức tin trong cuộc sống hằng ngày. Vì như lời thánh Giacôbê nói: “Đức tin không hành động là đức tin chết”(Gb. 2,17). Vậy để vun trồng đức tin, chúng ta cần làm những việc sau đây:

Trước hết, chúng ta thường ca tụng Chúa danh hiệu này hay ưu phẩm kia, nhưng trong thực tế, Ngài có quan trọng với chúng ta không? Nếu Chúa quan trọng nhất, không gì quan trọng hơn Chúa, thì phải coi thánh ý Chúa quan trọng, giới răn Chúa quan trọng.

Vì Chúa quan trọng, nên chúng ta dành thời giờ, tài năng, sức khỏe... mọi sự tốt đẹp nhất ưu tiên cho Chúa mà không tính toán, bởi vì Chúa quan trọng nhất đối với chúng ta.

Tiếp đến, tham dự Thánh lễ, là chúng ta cử hành mầu nhiệm đức tin. Chúng ta cố gắng cử hành với tất cả ý thức - trang nghiêm- linh động và đầy đủ theo ý Giáo Hội dạy. Đặc biệt, lúc rước lễ về, chúng ta nhớ cám ơn Chúa về hồng ân đức tin này. Đồng thời, noi gương các tông đồ, xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta.

Cuối cùng, thưa anh chị em, làm Dấu Thánh giá là dấu chỉ người đó thuộc về Chúa Kitô - Dấu Thánh giá là biểu lộ đức tin. Vì thế, chúng ta nên ý thức hơn khi làm Dấu Thánh giá.

Xin Đức Mẹ Mân côi, là Mẹ của những kẻ trên đường lữ hành đức tin. Xin Mẹ giúp chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa, để vun trồng đức tin mỗi ngày cho được lớn mạnh hơn vào Chúa. Amen.