Chúa Nhật XXVII thường niên  - Năm C
NIỀM TIN
SƯU TẦM

Thử thách đau khổ là điều chúng ta không thích lắm. Vậy mà chúng ta vẫn gặp trong cuộc đời. Thế nhưng nếu biết tín thác vào Thiên Chúa, vươn lên bằng một sức mạnh của niềm tin. Sứ điệp lời Chúa hôm nay sẽ giúp chúng ta củng cố và khám phá lại xem niềm tin của mình lãnh nhận từ đâu? Và chúng ta đón nhận sức mạnh niềm tin đó bằng cách nào và thể hiện niềm tin đó ra sao trong môi trường sống của mình.

Tôi đã chấp nhận điều mình không thấy dựa vào lời chứng của người khác đáng tín nhiệm hơn. Thiên Chúa luôn đi bước trước đến với con người trong việc thể hiện niềm tin, nếu Ngài không giúp, không ban sức mạnh, chúng ta không thể dấn thân và hướng về Ngài được. Bởi vậy, đức tin trước hết là một hồng ân, một món quà chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa một cách nhưng không, nhưng rất có giá trị. Vì thế, người Kitô hữu không được tự mãn với giá trị đó nhưng phải khao khát tìm kiếm như các tông đồ hôm nay trong bài Tin Mừng này, tìm Ngài xin Ngài hướng đi.

Trong những năm tháng đi theo Thầy, sống bên Thầy, học cùng Thầy, các tông đồ vẫn chưa đặt trọn cả con tim, tấm lòng của mình vào Thầy, bởi thế đứng trước những khó khăn, điều khiển cộng đoàn, các ông cảm thấy chưa đủ can đảm để chu toàn bổn phận cao cả ấy, nên đã chạy đến cầu cứu Thầy gia tăng sức mạnh để gánh vác cộng đoàn. Tại sao các ông lại khao khát đến thế? Bởi vì các ông đang cần, đang thiếu nên mới xin Thầy ban cho, ban thêm đức tin cho mình.

Trong khi các ông đang khao khát một lòng tin vững mạnh thì Thầy lại ban cho một hạt đức tin bé nhỏ như hạt cải. Trước lời cầu xin đó Chúa mời gọi các ông ý thức lại tầm quan trọng và giá trị của niềm tin mình. Bằng cách hãy rời bỏ chỗ đứng của mình chuyển sang chỗ đứng đức tin, rời xa tầm nhìn của mình chuyển đến tầm nhìn đức tin. Ngày nay khi khoa học ngày càng phát triển, người ta tin vào nỗ lực tri thức mình hơn là tin Chúa. Theo bạn nghĩ gì về vấn đề này? Như thế để có được sức mạnh của niềm tin người tông đồ phải làm gì? Thiết nghĩ rằng cần mở lòng đón nhận qua sự gặp gỡ và cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống mình.

Cảm nhận sự hiện diện Thiên Chúa sẽ giúp người ta đón nhận được niềm tin đối diện với thử thách trong việc lựa chọn: dấn thân hay lùi bước, củng cố niềm tin hay đành đánh mất niềm tin. Cần sống tích cực hơn để tránh rơi vào tình trạng ngã lòng, kêu trách Thiên Chúa như dân Cựu ước năm xưa mà ngôn sứ Habacúc trong bài đọc I vừa nêu lên cho chúng ta. Cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa còn là tin Chúa, để Chúa lôi kéo, dẫn đi, biến đổi và gia tăng sức mạnh giúp người tông đồ can đảm chịu đựng đau khổ, không hổ thẹn làm chứng cho Tin Mừng như bài đọc II trong thư thứ 2 thánh Phaolô tông đồ gửi cho Timothê vừa nhắn gửi chúng ta tư tưởng này. Vì thế đón nhận niềm tin là dịp để chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và tín thác vào Ngài.

Gặp gỡ Thiên Chúa là tín thác vào Ngài để lãnh nhận một sức mạnh mới thôi thúc người tông đồ dám mạo hiểm trong cách nghĩ, dám hành động trong cách làm ngay cả những công việc vượt sức con người. Gặp gỡ Chúa trong niềm tin giúp người ta dễ dàng qui hướng về Chúa, vượt ra khỏi sự hiểu biết hạn hẹp nơi mình. Lúc đó, người ta mới có đủ sức mạnh để chuyển núi dời non… mới phát sinh hiệu quả kỳ diệu trong cuộc sống và thể hiện hoa trái của niềm tin.

Sống đức tin đòi người ta phải hành động như lời thánh Giacôbê: “Đức tin không hành động là đức tin chết”. Hành động ở đây là hành động vô vị lợi, phục vụ nhưng không. Cách phục vụ này ngoài đời rất khó gặp, bởi vì không ai làm công không cho người khác bao giờ. Để đức tin sinh ơn ích, người Kitô phải sống như người đầy tớ tầm thường trước mặt Chúa, phải hành động như người làm công vô dụng, vô dụng không phải là vô tích sự nhưng có nghĩa là chu toàn bổn phận những công việc hàng ngày một cách khiêm nhường không cần ai biết đến, không tìm quyền lợi cho mình. Đó là cách trao ban niềm tin, phục vụ niềm tin cho người khác.

Đã đón nhận thì phải có trao ban, trao ban với tinh thần trách nhiệm: Không đòi Chúa trả công, bắt người ta đền ơn mình. Vì đức tin chúng ta lãnh nhận nhưng không từ Thiên Chúa thì giờ đây chúng ta phải trả lại nhưng không trong việc trao ban tình thương, chia sẻ tình bác ái cho tha nhân.

Là người Kitô hữu: không phải lúc nào niềm tin của chúng ta cũng vững mạnh cả đâu: có những lúc tôi cảm thấy có Chúa, tin Chúa, yêu Chúa bởi vì tôi gặp điều tốt lành, nhận nhiều hồng ân…

Có những lúc tôi cảm thấy không có Chúa, chán Chúa, đâm ra nghi ngờ không tin Chúa nữa bởi vì tôi gặp nhiều bất hạnh đau khổ, thử thách: cháy nhà, gặp tai nạn, thiên tai, lũ lụt, mất mùa, mất nhà, mất của mất người thân, hoặc thất nghiệp, thất bại, thất tình… Những lúc đó chúng ta đừng quá bi quan nhưng cần phải bình tĩnh suy nghĩ lại cho dù ta có đay nghiến ông trời, nguyền rủa Thiên Chúa, than thân trách phận, chúng ta cũng không tránh khỏi những đau khổ thử thách. Cho bằng chúng ta:

. Hãy lắng nghe tiếng Chúa, ý Chúa muốn tôi trong hoàn cảnh nào?

. Cầu nguyện, đón nhận, phó thác, tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa.

Niềm tin luôn là một ân huệ Chúa ban: nên để có được sức mạnh niềm tin mình, người tông đồ cần phải biết mở lòng đón nhận, khao khát tìm kiếm ơn Chúa và thể hiện trong cuộc sống để niềm tin chúng ta mỗi ngày càng sinh nhiều hoa trái. Hoa trái này cần phải cụ thể bằng một quyết tâm cho mình: “Sống điều mình tin bằng việc yêu thương, giúp đỡ, nâng đỡ anh em đang gặp thử thách bên chúng ta”.