Chúa Nhật XXVI thường niên  - Năm C
HÃY NHÌN KỸ LÒNG MÌNH
Chú giải của Noel Quesson

Đức Giêsu đã nói dụ ngôn này: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”

Đức Giêsu đã trông thấy điều đó. Bấy giờ đã có những bất bình đẳng... giữa những người quá giàu, và những người quá nghèo.

Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu

Chúng ta nhận thấy rằng ông nhà giàu không có tên: Mỗi người chúng ta chắc hẳn có thể nhận ra mình nơi ông ta. Còn người nghèo có cái tên “Ladarô”. Trước mắt Thiên Chúa, Ladarô là một con người. Và cái tên mà Đức Giêsu cho anh (đây là lần duy nhất mà một nhân vật của dụ ngôn có một cái tên cụ thể) có đầy ý nghĩa: Trong tiếng Do Thái, El'azar có nghĩa là “Thiên Chúa - phù hộ”. Chúng ta đi đoán điều gì nơi ông nhà giàu bị... chê trách. Đó là ông ta đã đặt mọi niềm tin cậy vào sự giàu cồ của ông, vào nhân tính. Trái lại điều Đức Giêsu thán phục nơi người nghèo khó là dù thiếu thốn hết mọi sự của trần gian, anh chỉ trông cậy vào Thiên Chúa sẽ giúp đỡ anh.

Thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta

Chúng ta chớ quên rằng chính Đức Giêsu đã dùng cách mô tả bi thảm này: Bên trong nhà, người ta chè chén trong cảnh xa hoa; bên ngoài, kế bên là cảnh khốn cùng, giữa hai bên là một cái cổng. Cái cổng này ví như một “vực thẳm” phân cách giàu nghèo. Hai vũ trụ song song. Ông nhà giàu sống trong một thế giới khép kín trên chính mình, và không vượt qua cái cửa của ngôi nhà.

Phải sự giàu có, tài sản của chúng ta ngăn không cho chúng ta “thấy được” những người khác. Và người nghèo khó, mình đầy mụn nhọt, nằm bên ngoài trước cổng ông nhà giàu, dường như cũng không tận mắt nhìn thấy ông nhà giàu mà Đức Giêsu đưa lên sân khẩu.

Ngày 3 tháng 7 năm 1980 tại Sao Pau-lô ở Braxin, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô II đã áp dụng dụ ngôn này vào thế giới hiện đại một cách tập thể: “Những làn sóng di dân chen chúc nhau trong những khu nhà ổ chuột bất xứng nơi nhiều người mất hết niềm hy vọng và chết trong cảnh bần cùng. Trẻ em, thanh niên, người lớn không tìm thấy không gian sống để phát triển đầy đủ các năng lực thể chất và tinh thần, đi lang thang trong các đường phố nơi nhung làn sóng, xe cộ chạy tấp nập giữa những tòa nhà bằng bê-tông... Bên cạnh những khu phố ở đó. Người ta sống với mọi tiện nghi hiện đại, tồn tại những khu phố khác thiếu thốn đủ mọi thứ cơ bản nhất... Nhiều khi sự phát triển trở thành một sự thuật lại khổng lồ dụ ngôn ông nhà giàu và Ladarô, sự kề cận của cảnh xa hoa và cảnh khốn cùng càng làm trầm trọng tình cảm ức chế của những người không may mắn”

Đó đúng là điều Đức Giêsu đã nói:

Những mô tả ấy có tác động tôi điều gì không?

Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Abraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình”

Vậy đây là một sự lật ngược hoàn cảnh tình thế.

Người nghèo đã ở giữa hỏa ngục trên trần gian. Bởi lẽ có những hoàn cảnh khốn cùng là một hỏa ngục thật sự. Giờ đây, ngươi ấy được hạnh phúc. Trong khi ông nhà giàu trước đây không thiếu thứ gì, giờ đây phải khốn khổ. Một trong những điểm đáng lưu ý của hai dụ ngôn, là Chúa không nói rằng người nghèo sống đức hạnh, và ông nhà giàu sống xấu xa. Đơn giản người này thì nghèo, người kia thì giàu, thế thôi. Ông nhà giàu không bị buộc tội đã ăn cắp của Ladarô hoặc đã bóc lột anh bang một nghiệp vụ khéo léo về bất động sản hay thương mại, hoặc không trả lương Ladarô cho công bằng, hoặc đã ngược đãi, bóc lột anh. Chúa cũng không nói rằng ông nhà giàu không bố thí cho Ladarô: Chỉ đơn giản là ông không nhìn thấy anh ta! ông đã để một vực thẳm khủng khiếp giữa ông và người nghèo. Họ xa nhau, người này xa cách người kia.

Ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Abraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Abraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!

Dĩ nhiên không nên tìm kiếm một sự mô tả thế giới bên kia trong những hình ảnh này. Đức Giêsu chỉ sử dụng những sơ đồ của tư tưởng người đồng thời. Người không thể nói cách khác để người ta hiểu Người: Thế giới bên kia được hình dung (!) như một âm phủ bao la (“Shéol”) với những thân thể (!), những cái lưỡi, ngón tay, lửa, nước, ở một nơi mà những kẻ bị kết án nhìn từ xa những người được ưu tuyển cách mình bằng một vực thẳm. Điều rõ ràng bên kia những hình ảnh bình dân làm sự đảo ngược những điều kiện ở trần gian. Giờ đây chính ông nhà giàu cần đến anh nhà nghèo.

Ông Abraham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được’

Đức Giêsu một lần nữa tái khẳng định “đặc quyền của những người nghèo” bởi miệng của Abraham. Chúng ta, hãy nhớ lại. Bài Ca Ngợi Khen (Magrificat): “Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,52-53). Chúng ta hãy nhớ lại bài diễn từ phác họa chương trình của Đức Giêsu ở hội đường Nagiarét: “Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Le 4,18). Chúng ta hãy nhớ lại mối phúc thật và mối họa: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó; khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có (Lc 6,20-24). Chúng ta hãy nhớ lại nhiều lời cảnh báo chống lại nguy cơ của những giàu có vật chất (Lc 12,15-21 - 16,9-11).

Đối với Đức Giêsu, sự giàu có bao gồm hai nguy cơ chết người:

1. Nó khép kín lòng mình với Thiên Chúa: Người ta bằng lòng với những lạc thú trần gian mà quên đi đời sống vĩnh cửu là điều chủ yếu.

2. Nó khép kín lòng mình với những người khác: Người ta không còn nhìn thấy người nghèo nằm ngay cổng nhà mình.

Chúng ta hãy lưu ý rằng, hỏa ngục dường như chỉ là sự kéo dài của tình trạng này: Xa cách Thiên Chúa như ở trần gian người ta vẫn thế; xa cách những người khác như ở trần gian Người ta vẫn thế. Một lần nữa, chúng ta ghi nhận rằng chính con người “tự phán xử mình ngay từ trần gian này”.

Hình phạt khủng khiếp ấy đơn giản là khoảng cách mà kẻ giàu có đã đặt ở giữa người ấy và Thiên Chúa, ở giữa người ấy và những người khác. Bởi vì Nước Thiên Chúa là sự hiệp thông của tình yêu. Kẻ giàu có đã tự kết án chính mình: “cái cổng nhà” hắn phân chia hai thế giới đã trở thành “vực thẳm”.

Tôi có tin chắc rằng tôi đang kiến tạo thiên đàng hay hoả ngục của tôi, mỗi lần tôi mở lòng tôi cho Thiên Chúa hoặc cho những người khác, mỗi lần tôi khép kín mình trong chính mình? Trần gian này là nơi rèn luyện bước đầu của thiên đàng và hỏa ngục.

Người nào không yêu thương ở trần gian này đã tự loại mình ra khỏi “bữa tiệc của Thiên Chúa” nơi chỉ có những người nghèo được vào, những người này đã “mở lòng mình ra cho những người khác”. Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta thái độ và hữu thể của Thiên Chúa: Người là Tình yêu phổ quát. Một người cha đã giết con bê béo và tổ chức một bữa tiệc linh đình để đón nhận đứa con hoang đàng; Thiên Chúa là thế! Một người giàu có chè chén với bạn bè mình để lợi dụng của cải mình: Khác nhau biết bao!

Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này’

Chi tiết này không thôi, sẽ chứng tỏ khi cần rằng người ta không thể dùng những hình ảnh ấy để mô tả thực tại đời sau: Nếu Thiên Chúa thấy tình cảm tốt lành nhỏ nhất trong một Người, thì đương nhiên nơi này sẽ thôi không còn bị kết án nữa. Tình yêu của Thiên Chúa thì vô tận. Nhưng ở đây, chúng ta có một cảnh dựng để đưa vào câu trả lời sẽ theo sau.

Ông Abraham đáp: ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.' Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Abraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối’

Vậy một lần nữa, chúng ta đứng trước một lời yêu cầu làm những đấu chỉ khác thường. Ông hãy làm cho chúng tôi một phép lạ để tôi tin? ông hãy xuống khỏi cây thập giá, nếu ông là Con Thiên Chúa! ông hãy gieo mình từ nóc Đền thờ xuống. Một số Kitô hữu luôn luôn tiếp tục dựa vào các phép lạ và những lần hiện ra. Đức Giêsu từ chối các dấu chỉ giật gân (Lc 11, 16-29; Mc 8, 11-12; Mt 2,38; 16,1).

Ông Abraham đáp: ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin’

Thật vậy, sự sống lại của Ladarô, em trai của Mácta và Maria ở Bêtania, không những không thuyết phục được những người Pharisêu và các giáo trưởng, mà còn thúc đẩy họ có quyết định loại trừ Đức Giêsu (Ga 11, 45-53). Con đường chân chính duy nhất đến với đức tin không phải là một phép lạ nhãn tiền nhất mà là sự khiêm nhường lắng nghe Lời Chúa (Môsê và các ngôn sứ)... sự khiêm nhường và chú tâm nhìn thấy các nhu cầu của anh em chúng ta (người anh em đang đau khổ bên cạnh tôi)...

Nhưng Đức Giêsu xem ra đã khẳng định rằng số phận những người giàu đó đã khô cứng một cách bi thảm: Tính ích kỷ sự buông thả thái độ vô tôn giáo, thái độ khép kín lòng họ... sau cùng làm họ “không thể đọc được những dấu chỉ của Thiên Chúa”. Thỉnh thoảng, cái chết theo lẽ tuần hoàn mà đến, nhắc họ rằng sự vô cảm tâm linh là điều bấp bênh, và sự giàu có không bảo vệ họ mãi mãi. Nhưng tất cả đều vô ích: tài sản của họ đã làm họ mù mắt trước những nỗi khốn khổ của người khác và trước sự mỏng dòn của bản thân họ. Họ tự mãn về chính họ... bị giam hãm trong của cải của họ... Thiên Chúa không cưỡng đoạt. Người không thể ép buộc một ai yêu mến.

Để kết luận suy niệm bài Tin Mừng này, chúng ta phải tự hỏi. Ai giàu có? Ai nghèo khó? Thành hay bại rất nghiêm trọng đến nỗi nếu áp dụng câu chuyện này cho những người khác sẽ tai hại như khi nói rằng: “Tôi đâu có phải là ông vua dầu hỏa”.

Hãy nhìn kỹ lòng mình... Nó có mở ra cho Thiên Chúa, cho người khác không?

Bạn có nghèo không?