Chúa Nhật XXV thường niên  - Năm C
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN - C
Lm Giuse Đinh tất Quý

"Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa,

vừa làm tôi tiền của được".(Lc 16,13)

Chúng ta tiếp tục nói truyện với nhau về con đường hẹp của Chúa. Hôm nay chúng ta nói với nhau về vấn đề hơi tế nhị một chút. Vấn đề có liên quan đến tiền bạc.

I. Nói đến tiền bạc tự nhiên tôi nghĩ đến một câu châm ngôn của Pháp. "Tiền bạc là một người đầy tớ tốt nhưng là một ông chủ xấu". Nếu không biết cảnh giác thì con người rất có thể bị tiền bạc chi phối và sai khiến...biến người có nó thành một tên nô lệ.

Thánh Antonio, là giám mục của vùng Firenze nước Ý vào khoảng thế kỷ thứ 15, có kể lại một câu chuyện mà ngài đã tận mắt chứng kiến trong đời mục vụ tông đồ:

Một hôm, ngài đang đi trên đường thì Thiên Chúa cho ngài thấy có một vị thiên thần cứ bay lượn bên trên một ngôi nhà nghèo nàn lụp xụp. Ngài ghé vào hỏi thăm cha sở vùng nay thì được biết gia đình ấy tuy rất nghèo nhưng lại rất đạo đức và tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Thánh Antonio động lòng thương, hiểu ra ý Chúa muốn soi sáng cho mình, ngài bèn trích quỹ từ thiện, kín đáo trợ cấp hàng tháng một số tiền vừa đủ để gia đình này có vốn liếng mà chí thú làm ăn cho đỡ nghèo khổ.

Bẵng đi một thời gian, ngài lại có việc đi qua vùng ấy. Ngài chợt giật mình trông thấy một tên quỉ xấu xa đang bay lượn trên mái một ngôi nhà khang trang đẹp đẽ nhất vùng. Ngài lại ghé vào cha sở để hỏi thăm, thì hóa ra đó chính là ngôi nhà của gia đình mà ngài đã từng trợ cấp lâu nay. Ngài biết họ đã cố gắng ăn nên làm ra, nhưng dần dần, vì tham lam, họ đã học đòi những thủ đoạn mánh khóe bất lương để làm giàu nhanh chóng, đời sống họ hoàn toàn vô đạo đức, trở nên ích kỷ và độc ác, khinh bỉ xua đuổi những người nghèo khổ láng giềng ngày xưa. Hiện tại họ lại còn thói ăn chơi trụy lạc.

Thánh nhân đau lòng quyết định cắt đứt nguồn trợ cấp, để mong họ sớm hiểu ra mà sám hối quay về đường ngay nẻo chính. Quả thật, của cải vật chất xa hoa dễ làm cho con người hư đi nếu sống mà xa đường lối của Thiên Chúa. 

Trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta còn thấy vì tiền bạc, người ta còn có thể đánh mất cả phẩm giá làm người của mình.

Người quản lý trong bài Tin Mừng hôm nay không phải là người nghèo khó. Anh bị tiền bạc sai khiến và đã trở thành kẻ bất lương.

Người chủ trong bài Tin Mừng hôm nay cũng chẳng kém gì người quản lý bất trung của ông ta. Một người lương thiện làm sao mà dám mở miệng ca ngợi những hành vi bất chính. Quả đúng là cá mè một duộc.

II. Vậy thì chúng ta phải có thái độ thế nào đối với vấn đề tiền bạc?

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa đưa ra những chỉ dẫn khá rõ rệt. Chúa bảo: "Hãy dùng tiền bạc"(Lc 16,9) - Dùng là sử dụng nó. Dùng chứ không tôn thờ nó. Hãy dùng nó như một phương tiện chứ đừng coi nó như một mục đích. Không biết dùng tiền bạc một cách chính đáng đẹp lòng Chúa, con người dễ trở thành ích kỷ chỉ nghĩ tới mình, mà không biết quan tâm đến những người chung quanh.

 Có một chàng thiếu niên nọ học trường Mỹ Thuật vào phòng làm việc của một nhà danh họa người Pháp, đang lúc ông này đi vắng. Chàng thấy một người ăn mày ngồi làm mẫu cho hoạ sĩ vẽ. Động lòng trắc ẩn anh liền cho người này một quan tiền.

          Người đó là ai? Té ra là Nam Tước Jacque de Rothschild. Nam Tước rất ưa mỹ thuật, nên bằng lòng ngồi kiểu kẻ ăn mày, vì họa sĩ bảo đầu Nam tước có cái vẻ đặc biệt lắm. Nam tước cầm đồng tiền và cám ơn chàng thiếu niên hào hiệp.

          Khi họa sĩ trở về, Nam tước mới biết chàng thiếu niên đó là một sinh viên rất nghèo, nhưng giàu tài năng. Nam tước bèn gởi cho chàng một vạn quan, lại cắt nghĩa là đó là số lãi của món tiền chàng bố thí.

Sách châm ngôn 19,17: “Kẻ bố thí cho người nghèo là cho Giavê vay, Đấng sẽ trả lại việc lành”.

Hãy dùng tiền bạc mà mua lấy bạn hữu. (Lc 16,9). Biết dùng tiền bạc mà mua lấy bạn hữu chúng ta sẽ làm cho cuộc đời của chúng ta có được một điều rất quí giá trong cuộc sống này. Đó là một cuộc đời "có hậu" - Có hậu ngay trong cuộc sống hôm nay và còn có hậu cho cả cuộc sống đời đời mai sau như Chúa đã hứa.

George Horace Lorimer, chủ bút tờ Saturday Evening Post trong nhiều năm, có lần viết: "Có tiền và có những cái mua bằng tiền là tốt. Nhưng nếu biết dùng tiền và đừng để mất những thứ tiền không mua được còn tốt hơn".

  Mạnh Thường Quân nhà giàu có, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Hoan sang đất Tiết đòi nợ, lúc sắp đi, Phùng Hoan hỏi:

- Tiền nợ thu được có định mua gì về không?

Mạnh Thường Quân nói:

 - Ngươi xem trong nhà ta còn thiếu thứ gì thì mua.

Khi đến đất Tiết, Phùng Hoan cho gọi dân làng lại bảo rằng:              

- Các ngươi công nợ bao nhiêu, Thường Quân đều cho cả. Rồi đem văn tự ra đốt sạch.

Lúc về, Phùng Hoan thưa với Mạnh Thường Quân:

- Nhà tướng công châu báu đầy kho, chó ngựa đầy chuồng, người đẹp đầy nhà, không còn thiếu thứ gì nữa. Chỉ còn thiếu một cái "nghĩa", tôi trộm phép vì tướng công đã mua về.

Mạnh Thường Quân nghe thấy nói thế, cũng không hỏi gì đến tiền nữa. 

Sau Mạnh Thường Quân phải bãi quan về ở đất Tiết, dân đất Tiết nhớ đến ơn xưa ra đón rước đầy đường. Thường Quân bấy giờ mới ngoảnh lại bảo Phùng Hoan rằng:

- Trước tiên sinh vì tôi mua "nghĩa " nghĩa ấy ngày nay tôi mới trông thấy.

Lời kết trong bài suy niệm hôm nay cũng là lời của Chúa: "Hãy trung tín trong việc sử dụng của cải" Trung tín trong việc sử đụng chúng ta làm cho cuộc đời của chúng ta "có hậu", có hậu ngay ở đời này và còn có hậu cho cả đời sau của chúng ta . Amen.

 

 

1 Một hôm, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. 2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!" 3 Người quản gia liền nghĩ bụng: "Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!".

5 "Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: "Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?" 6 Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu ôliu". Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi". 7 Rồi anh ta hỏi người khác: "Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?" Người ấy đáp: "Một ngàn thùng lúa". Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi".

8 "Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

9 "Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. 10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. 11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? 12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?

13 "Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được".

 

CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN C

(Lc 16,1-13)

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Trong thời đại kinh tế thị trường và văn minh hưởng thụ ngày nay, tiền bạc là một cám dỗ rất lớn. Tiền bạc có thể làm cho người ta quên mất tình nghĩa với anh em và xa rời tình yêu Thiên Chúa.

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy nghe lời Chúa dạy để chúng ta biết sử dụng tiền bạc như thế nào để nó luôn là đầy tớ phục vụ mình, chứ không bao giờ là ông chủ bắt ta nô lệ nó.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Chúng con quá mải mê kiếm tiền đến nỗi nhiều khi lơ là bổn phận đối với Chúa.

- Chúng con quá coi trọng tiền bạc đến nỗi nhiều lần lỗi công bình và bác ái.

- Chúng con chưa yêu mến Chúa trên hết mọi sự.

III. GIẢNG

  Tự bản chất, của cải không phải là tội lỗi, nhưng chúng ta có trách nhiệm với tiền bạc Chúa ban cho. Người ta có thể dùng của cải một cách ích kỷ như tên nhà giàu trong dụ ngôn người giàu có và Lagiarô mà chúng ta sẽ nói đến tuần sau và cũng có thể dùng nó để giúp cho đời sống dễ chịu không những cho mình, mà còn cho bạn bè và những người chung quanh mình nữa.

Các ra-bi Do-thái có câu: "Kẻ giàu giúp kẻ nghèo ở đời này, nhưng kẻ nghèo giúp kẻ giàu trong đời sau."

 Người Do-thái tin rằng của bố thí cho kẻ nghèo sẽ được ghi vào trương mục đời sau của người bố thí. Sự giàu có thật của con người không tùy những gì mình nắm giữ, mà ở những gì mình cho đi. Sách châm ngôn viết "Thương xót kẻ khó nghèo là cho Đức Chúa vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng đáng việc đã làm." (Cn 19,17)

Đừng quên mọi sự chúng ta có trên trần gian này rồi cũng sẽ có ngày qua đi. Chỉ có Chúa mới tồn tại mãi mãi.

Một vị trung thần của Hoàng đế Charles Quint của Đế quốc Đức ngã bệnh và đang phải chiến đấu với tử thần. Để tỏ lòng biết ơn và cảm mến đối với con người đã suốt đời trung thành với mình, Hoàng đế Charles đã đích thân đến ngay bên giường bệnh của ông. Cầm tay vị trung thần, Hoàng đế nói:

- Khanh đã hết dạ phục vụ trẫm, nay trẫm xin được dịp đền đáp, khanh hãy cho trẫm biết khanh mong ước điều gì, trẫm sẽ thỏa mãn yêu cầu của khanh.

Trong hơi thở đứt đoạn, vị trung thần liền tâu:

- Thần ước ao nhận được từ tay bệ hạ một ân huệ.

Đôi mắt Hoàng đế như sáng lên, ông hỏi nhanh:

- Khanh cứ nói, ân huệ gì trẫm cũng ban cho khanh.

Kẻ hấp hối cói một cách chua xót:

- Xin bệ hạ hãy ban cho hạ thần một ngày sống nữa, chỉ một ngày thôi.

Nghe xong lời của vị trung thần, Hoàng đế Charles chỉ biết lắc đầu chán nản:

- Trẫm đã được xem là quân vương quyền thế nhất trên thế gian này, nhưng điều khanh xin hoàn ngoài tầm tay của trẫm. Chỉ Thiên Chúa mới có thể ban và bảo đảm hồng an sự sống mà thôi.

Trong tiếng thở dài, vị trung thần mới thốt lên như một lời nhắn nhủ cho chính Hoàng đế:

- Thật là vô ích cho tôi, vì tôi đã điên rồ đến độ không biết dành nhiều thời gian hơn để phục vụ Chúa, mà lại hoang phí thời giờ trong việc phục vụ các vua chúa trần gian.

Vâng nhiều người đã sống như thế. Phải đợi đến gần chết mới mở mắt ra thì e rằng đã quá trễ.

   Vậy hãy là một người quản lý tín trung của Chúa. Hãy cố gắng sống biết chia sẻ để có được cuộc sống hạnh phúc ngay ở đời này.

Ông John Rochfeller lúc 33 tuổi mới có được 1.000 USA nhưng đến năm 43 tuổi ông đã là chủ một cơ sở lớn nhất nước Mỹ. Đến 53 tuổi thì ông đã trở thành người giàu nhất thế giới. Nhưng chẳng may là chính lúc đó ông lại bị bịnh rụng tóc. Bác sĩ bảo cho ông biết chỉ sống được đến năm 54 tuổi. Báo chí chế diễu ông, ông cười không nói chi cả. Ông suy nghĩ rồi đi đến quyết định dùng của cải của ông để xây nhà thờ, giúp người nghèo, đỡ đầu cho các công trình nghiên cứu thuộc lãnh vực khoa học, y khoa trong việc phục vụ con người. Kết quả, ông cảm thấy đời sống thật đáng sống. Sau đó ông sống một cuộc đời thanh thản bình an và ông sống tới năm 98 tuổi.

+ Con cái đời này tỏ ra khôn khéo với đời hơn con cái sự sáng.