Chúa Nhật XXV thường niên  - Năm C
TÊN QUẢN LÝ KHÔN KHÉO
SƯU TẦM

Nghe xong dụ ngôn này chúng ta không khỏi thắc mắc tại sao Chúa Giêsu lại khen ngợi một kẻ xấu xa và bảo chúng ta nên bắt chước cách xử sự của hắn. Và nếu để ý chúng ta sẽ nhận thấy không phải chỉ lần này mà còn trong nhiều lần khác, Chúa Giêsu đã đề cập tới cách thức cư xử của người xấu kẻ ác:

Chẳng hạn như khi so sánh việc phân xử của Thiên Chúa với một ông quan tòa bất chính, hoặc bảo chúng ta phải khôn ngoan như con rắn. Dĩ nhiên Chúa không bảo chúng ta noi theo lối sống bất công, hung dữ, xảo trá và lừa đảo, nhưng Chúa chỉ nói tới sự khéo léo của tên quản lý này mà thôi.

Điều chính yếu là bài học mà Ngài nhằm tới: Hãy khéo léo phục vụ nước trời như con cái thế gian phục vụ các công việc của họ. Từ đó Chúa đưa chúng ta sang việc xử dụng tiền của cho phải phép. Tên quản lý được nói tới ở đây là một người quan trọng, giữ chức vụ lớn trong một nông trại, hắn được chủ trao phó cho việc xử dụng gia tài, nhưng hắn phải làm theo ý chủ. Việc phung phá tiền bạc là điều trái với ý chủ và phải được điều chỉnh lại.

Ở đây, chủ không còn tín nhiệm hắn nữa vì hắn bị tố là kẻ bất lương, gian trá, lừa đảo và không đán tin cậy nữa. Trước sự kiện xảy ra, hắn đã suy nghĩ về tương lai và đã đưa ra những tính toán khéo léo. Hắn tỏ ra mình là một kẻ khéo làm, khéo xoay sở cả về phương diện tốt lẫn phương diện xấu. Chính sự khéo léo này lại làm cho hắn thêm bất lương hơn. Hắn giảm số nợ của những người vay mắc ông chủ: một trăm thùng dầu thì chỉ còn phải trả năm mươi thôi. Một trăm giạ lúa thì chỉ còn phải trả tám mươi thôi. Từ lề lối hành động của tên quản lý bất trung, Chúa nhận xét về thái thế nhân tình:

- Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn ngoan hơn con cái sự sáng.

Con cái đời này là những kẻ chỉ biết đến cuộc sống hiện tại và hoạt động nhằm đến những của cải vật chất mà thôi. Trái lại, con cái sự sáng là những người đón nhận tinh thần của Chúa, con cái đời này đã xử dụng mọi cách thức để đạt tới mục tiêu, vậy con cái sự sáng cũng phải biết xử dụng sự vật đời này một cách khôn khéo để chiếm lấy niềm hạnh phúc nước trời.

Một sự vật đời này gần gũi và căn bản nhất, đó là tiền của. Tiền của, nếu không biết xử dụng, nó sẽ trở nên một ông chủ hà khắc, bóp chết những tình cảm kính mến đối với Thiên Chúa và yêu thương đối với tha nhân.

Trái lại, nếu biết xử dụng đúng mực, nó sẽ đem lại nhiều lợi ích, chẳng hạn dùng tiền của để làm phúc bố thí cho kẻ nghèo, để tạo lấy những người bạn chân thành, một mai sẽ bênh vực cho chúng ta trước ngai tòa của Chúa.

Đằng khác, tiền của còn là một vật trắc nghiệm lòng trung tín của các môn đệ đối với Chúa. Căn cứ theo cách thức xử dụng để biết các ông là những người trung tín hay phản bội, chân thành hay gian dối, vì ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn, ai gian dối trong việc nhỏ thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ trao phó của chân thật cho các con…

Nên nhớ rằng, chúng ta chỉ là những người quản lý, còn Chúa mới là chủ. Vậy chúng ta phải biết xử dụng tiền bạc và những phương tiện vật chất cho phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa.

Để kết luận, tôi xin nhắc lại nơi đây một câu danh ngôn Tây phương, như một lời khuyên trong vấn đề xử dụng tiền bạc:

- Tiền bạc là một tên đầy tớ tốt, nhưng cũng là một ông chủ hà khắc.