Chúa Nhật XXIX thường niên  - Năm C
BỔN PHẬN VÀ NIỀM VUI LỚN
Suy niệm của William Barclay

Dụ ngôn quan tòa bất chính được Chúa kể liên hệ trực tiếp đến sự giáo huấn các môn đệ về sự trở lại Ngài. Tuy nhiên, vẫn có giá trị khích lệ các tín hữu cầu nguyện qua mọi thời đại. Lý luận là thế này: nếu một quan án bất chinh, không sợ trời và cũng chẳng nể người, mà rồi cũng phải nhượng bộ trước lời kêu nài của một bà góa, thì huống chi Thiên Chúa công chính lại không sẵn sàng nghe lời cầu khẩn của những kẻ Ngài yêu thương sao?

Dụ ngôn này nói tới một việc đã thường xảy ra tại Pa-let-tin.

Có hai nhân vật trong chuyện này:

1. Vị quan tòa:

Rõ ràng ông không phải là một thẩm phán Do-thái. Các việc tranh chấp tầm thường xảy ra giữa người Do-thái được xử trước mặt các trưởng lão chứ không bao giờ đem đến các tòa án công cộng. Và theo luật Do-thái, nếu có vấn đề phải phân xử, thì một người không đủ để lập phiên tòa. Bao giờ cũng có ba vị quan án, một vị do bên nguyên cáo chọn, một vị do bên bị cáo chọn, và một vị khác được chỉ định cách độc lập. Vị quan tòa trong chuyện này là một trong những quan tòa ăn lương được bổ nhiệm hoặc bởi vua Hê-rô-đê hoặc bởi người La-mã. Các vị này nổi tiếng tham ô. Trừ khi bên bị cáo có thế lực về tiền bạc đút lót cho sự việc đi tới kết thúc, còn thì người ta không hy vọng gì được quan tòa xét xử cho. Thiên hạ đồn rằng các vị này sẵn lòng khiến công lý thành “công lý” chỉ vì một đĩa thịt. Dân chúng còn mỉa mai họ bằng cách chơi chữ; họ chính thức được gọi là quan tòa đoàn phạt, nhưng quần chúng gọi là quan tòa ăn cướp.

2. Bà góa này tượng trưng cho hết thảy những người nghèo nàn, cô thế, cô thân.

Dĩ nhiên, vì không có tiền bạc, bà ta chẳng hy vọng gì được xét theo lẽ công bình bởi một quan tòa như vậy. Nhưng bà ta có khí giới của sự kiên trì. Rất có thể, điều mà quan tòa này sợ là một loại bạo lực nào đó từ được dịch là quấy rầy có nghĩa: “kẻo nó làm cho mắt ta tối đen.” Chúng ta có thể tối mắt bằng hai cách:hoặc bằng giấc ngủ hoặc do một cú đấm! Dù sao, cuối cùng sự kiên trì của bà ta đã thắng. Dụ ngôn này cũng giống dụ ngôn về người bạn lúc nửa đêm… Dụ ngôn không có ý ví sánh Thiên Chúa với quan tòa bất chính, nhưng sách ngược lại với con người như thế, Chúa Giêsu có ý nói: “Thẩm phán bất chính còn như thế, lẽ nào Thiên Chúa không xem xét bênh vực những đứa con yêu ngày đêm kêu xin Ngài sao? Chắc chắn Ngài sẽ vội vàng cứu giúp họ.”

Chúng ta hãy nghe lời Đức Gio-an Phao-lô II nhắn nhủ giới trẻ về cầu nguyện dựa vào chính lời Chúa Giêsu bảo “phải cầu nguyện luôn đừng nản chí.” Tại sao chúng ta phải cầu nguyện?

1. Chúng ta phải cầu nguyện, trước hết, là vì chúng ta là tín hữu:

Thật vậy, cầu nguyện là vì nhận biết những giới hạn và lệ thuộc của chúng ta: chúng ta đến từ Chúa, chúng ta sống nhờ Chúa và chúng ta sẽ trở về với Chúa. Do đó, chúng ta phải trao phó chúng ta cho Người, là Đấng Tạo Dựng và Cứu Chúa của chúng ta, với một lòng tín thác trọn vẹn… Trước hết cầu nguyện là một hành vi hiểu biết, tâm tình khiêm tốn và biết ơn, một thái độ tin yêu phó thác nơi Đấng vì yêu thương đã ban cho chúng ta sự sống. Cầu nguyện là một cuộc đối thoại nhiệm màu, nhưng có thực, với Thiên Chúa, một cuộc đời diễn ra trong tin cậy và yêu mến.

2. Vì là Kitô hữu, nên chúng ta còn phải cầu nguyện như Kitô hữu nữa:

Thật vậy, đối với Kitô hữu, việc cầu nguyện mang một sắc thái đặc thù là thay đổi bản chất và giá trị của cầu nguyện. Kitô hữu là môn đệ của Đức Giêsu, là người tin nhận Đức Giêsu là Ngôi Lời nhập thể, là con Thiên Chúa xuống trần gian giữa loài người chúng ta. Với tư cách là một người, cuộc đời của Đức Giêsu là đời cầu nguyện liên lỷ, một hành vi liên tục kính thờ và yêu mến Cha, và rồi cao điểm của cầu nguyện là hiến tế thập giá, tiên báo qua bữa Tiệc Thánh cuối cùng trong nhà Tiệc Ly và truyền lại qua các thế hệ bằng thánh lễ. Thế nên, người Kitô hữu biết lời cầu nguyện của mình là Chúa Giêsu, mọi lời cầu nguyện của mình đến từ Chúa Giêsu, chính Ngài cầu nguyện trong chúng ta, với chúng ta, và cho chúng ta. Tất cả những ai tin vào Thiên Chúa đến cầu nguyện, những người Kitô hữu cầu nguyện trong Chúa Kitô: Chúa Kitô là lời cầu nguyện của chúng ta…!

3. Cuối cùng, chúng ta phải cầu nguyện vì chúng ta yếu đuối và tội lỗi.

Cần phải khiêm tốn và thành thật nhận thức rằng chúng ta là những tạo vật hèn kém, với những ý nghĩ mơ hồ, hay thay đổi và yếu đuối, luôn cần nhận được nâng đỡ và an ủi. Cầu nguyện ban sức mạnh để theo đuổi lý tưởng cao cả, gìn giữ đức tin, cậy, mến, trong sạch, quảng đại; cầu nguyện mang lại can đảm để thoát khỏi tình trạng ù lỳ, và dần dần nếu chẳng may đã nhường bước cho cám dỗ và yếu đuối; cầu nguyện soi sáng để thấy và thẩm định các biến cố đời sống riêng tư mình và cả lịch sử trong viễn tượng cứu độ của Thiên Chúa và của đời đời. Thế nên, đừng bao giờ các con bỏ cầu nguyện! Đừng để một ngày nào qua đi mà chúng con không cầu nguyện một ít.

Cầu nguyện là một bổn phận, nhưng cũng là một niềm vui lớn! Vì đó là cuộc đối thoại với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô. Kiên trì lễ ngày Chúa nhật, và nếu có thể dự lễ nhiều lần trong tuần, cầu nguyện sáng chiều, và những lúc thuận tiện!”

Dụ ngôn này Chúa dạy liên hệ trực tiếp đến việc trở lại của Ngài. Do đó, không phải chỉ khuyến khích cầu nguyện tổng quát, mà đặc biệt là sự đến và đặc biệt hơn là ân huệ do đó mà ra. Tuy nhiên sức mạnh của dụ ngôn là kể lại cho Hội Thánh sự yếu đuối và cô đơn, và Hội Thánh trong khoảng thời gian từ lúc Chúa chịu đóng đinh cho đến khi Người trở lại. Chúa Giêsu vừa mô tả tình trạng của thế giới lúc Ngài trở lại. Ngài đã chụp hình thái độ vô tình, lơ là và miệt mài những chuyện trần tục, rồi bầy giờ Ngài muốn thúc giục kẻ theo Ngài hãy kiên nhẫn và hướng lòng về Ngài trong cầu nguyện.

Sau khi kể xong thí dụ, Chúa hỏi một câu đượm vẻ đau buồn: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” Có còn những kẻ thật lòng tin Đấng Kitô, yêu Ngài và trông đợi sự trở lại của Ngài? Câu hỏi đó chính là lời cảnh cáo long trọng về hiểm họa tinh thần thế tục và vô tín sẽ thịnh hành. Chúng ta không nên tuyệt vọng bi quan, Hội Thánh lúc nào cũng có kẻ thù, Hội Thánh luôn luôn canh giữ ảnh hưởng của thế tục đang vây quanh. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta kiên trì cầu nguyện liên kết mật thiết với nhau. Thánh Âutinh phát biểu: “Chúng ta tin để cầu nguyện, và để niềm tin và với niềm tin đó chúng ta cầu nguyện khỏi chao đảo, chúng ta ta cầu nguyện. Niềm tin làm phát sinh cầu nguyện, và cầu nguyện một khi đã phát sinh sẽ đem lại chắc chắn trong niềm tin.”