Chúa Nhật XXIV thường niên  - Năm C
VUI MỪNG CỦA NGƯỜI CHĂN CHIÊN
Chú giải của William Barclay

Có thể nói không chương nào trong Tân Ước quen thuộc và đáng yêu cho bằng chương 15 của Luca. Nó được gọi là “Phúc Âm trong Phúc Âm”, như thể chứa đựng chính bản chất tinh tuyền của Tin Mừng Chúa Giêsu đã rao giảng.

Những dụ ngôn này của Chúa Giêsu đã phát xuất trong một bối cảnh đặc biệt. Các Kinh sư và Pharisêu đã vấp phạm vì thấy Chúa Giêsu nhập bọn và bầu bạn với những kẻ mà người Do Thái chính thống gọi là tội nhân. Pharisêu đã xếp tất cả những ai không tuân giữ luật vào chung một hạng, họ gọi những người đó là “dân của đất”. Có một hàng rào ngăn cách dứt khoát giữa Pharisêu và người “dân của đất”. Gả con gái cho một người dân của đất thì chẳng khác gì trói cô gái ấy nộp cho sư tử. Luật của Pharisêu định rằng “Khi có một người dân của đất, thì đừng trao tiền cho nó, đừng nói điều bí mật cho nó, đừng đặt nó coi sóc trẻ mồ côi, đừng để nó giữ của bố thí, đừng đi đường với nó”. Có luật cấm Pharisêu không được mời một người dân của đất đến dùng bữa, cũng không được nhận lời của ai trong hạng người đó. Luật cũng cấm Pharisêu không được liên lạc bình thường với họ, không được mua bán với họ. Pharisêu tránh hẳn mọi liên hệ với đám dân của đất, tức là những người không giữ đủ các chi tiết vớ vẩn, nhỏ nhen trong luật. Dĩ nhiên họ rất khó chịu khi thấy Chúa Giêsu làm bạn với những người không những thuộc hạng cùng đinh mà còn là tội nhân nữa, vì giao thiệp với hạng người đó thì bị ô uế. Chúng ta sẽ hiểu các dụ ngôn này đầy đủ hơn nếu chúng ta nhớ rằng người Do Thái ngoan đạo không nói “cả thiên đàng vui mừng vì một tội nhân hoán cải”, nhưng họ nói “cả thiên đàng vui mừng vị một tội nhân bị diệt mất trước mặt chúng”. Họ hướng cặp mắt độc ác để chờ xem huỷ diệt tội nhân, chứ không chờ mong giải cứu tội nhân.

Vì thế Chúa Giêsu nói cho họ dụ ngôn về con chiên lạc và vui mừng của kẻ chăn. Người chăn chiên ở xứ Do Thái có một công việc khó nhọc và nguy hiểm. Đồng cỏ thì hiếm. Cánh đồng cao nguyên ở giữa xứ chỉ rộng chừng vài dặm thôi, còn phần nhiều địa thế là những khe trũng dốc đứng và cảnh sa mạc hoang vu. Không có những bức tường chắn giữ nên chiên dễ đi lạc. G.A. Smith đã viết về người chăn chiên như sau “Trên mọt cánh đồng khô cỏ cháy, ban đêm chỉ có tiếng chó hú, người chăn chiên với gương mặt tỉnh táo, đôi mắt nhìn xa, màu da cháy nắng, mình đeo khí giới, đứng dựa trên cây gậy, mắt chăm chú nhìn bầy chiên đang ăn”. Chúng ta hiểu tại sao người chăn chiên ở xứ Do Thái lại là những người ở vị trí hàng đầu trong lịch sử nước họ, tại sao người chăn chiên là biểu tượng về sự quan phòng của Thiên Chúa, tại sao Chúa Cứu Thế đã lấy hình ảnh người chăn chiên làm gương mẫu cho sự từ bỏ mình. Người chăn sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm về đoàn chiên. Nếu một con chiên bị mất thì người chăn phải mang về nhà ít ra là cái lốt chiên để chứng tỏ là nó đã chết. Những người chăn chiên có tài theo dấu vết cách đặc biệt, có thể theo dõi dấu chân của một con chiên đi lạc hàng dặm qua núi đồi. Không có người chăn chiên nào không coi bổn phận mỗi người của mình là bỏ mạng sống mình vì đoàn chiên. Có nhiều đoàn chiên là tài sản chung, không thuộc cá nhân nào, nhưng thuộc một làng và có hai hay ba người chăn. Những người chăn có đoàn chiên còn đầy đủ thì có thể về nhà đúng giờ và báo tin rằng còn có một người chăn đang lặn lội trên sườn núi để tìm con chiên lạc. Cả làng sẽ thức chờ đợi, rồi khi thấy từ đàng xa một người chăn đang vội vã về làng, trên vai vác một con chiên, cả làng sẽ reo mừng và cảm tạ. Đó là hình ảnh của Chúa Giêsu nói về Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói Thiên Chúa cũng thế, Ngài vui mừng vì tìm lại được một tội nhân đã lạc mất, cũng như người chăn vui mừng vì tìm được chiên lạc đem về chuồng. Một thánh nhân đã nói “Thiên Chúa cũng vậy, niềm vui vô cùng lớn lao khi tìm thấy những sự đã mất”.

Có một ý tưởng kỳ diệu ở đây. Đó là chân lý vĩ đại cho ta biết Thiên Chúa nhân từ hơn loài người. Những người Do Thái chính thống hẳn sẽ gạt bỏ các kẻ thâu thuế, các tội nhân như một thứ phải loại trừ, chỉ đáng tiêu diệt. Chúa thì chẳng bao giờ như thế. Loài người có thể mất hết hy vọng về một tội nhân nào đó, nhưng Chúa thì không thế, Ngài yêu mến nhưng con chiên không hề đi lạc, nhưng trong lòng Ngài, có sự vui mừng cực lớn khi một con chiên lạc được tìm thấy và đem về nhà.

NGƯỜI PHỤ NỮ VỚI ĐỒNG TIỀN ĐÁNH MẤT RỒI TÌM LẠI ĐƯỢC (15,8-10)

Đồng tiền nói trong dụ ngôn này là đồng Drachma, trị giá chừng 4 xu Anh. Đồng tiền nhỏ nhất rất dễ rơi mất trong nhà của người dân quê xứ Palestine, và cũng phải mất nhiều thì giờ mới tìm được. Nhà của người Palestine thường tối om, vì chỉ có một cửa sổ tròn mà đường kính khoảng 4 tấc rưỡi. Nền nhà thì bằng đất nện được phủ bằng những tấm liếp sậy và cành cây nhỏ. Tìm kiếm một đồng tiền nhỏ trên một nền nhà như vậy không khác gì tìm một cây kim trong đống cỏ khô. Người đàn bà quét nhà, hy vọng nhìn thấy mặt đồng tiền lấp lánh hoặc nghe tiếng kêu của nó khi lăn trên những cành cây nhỏ. Có hai lý do khiến người đàn bà sốt sắng tìm kiếm đồng tiền.

1. Có thể vì nhu cầu.

Dù 4 xu không phải là nhiều, nhưng nó cũng cao hơn tiền công một ngày làm việc của một công nhân tại xứ Palestine. Họ thường sống trong cảnh thiếu hụt và hầu như luôn bị nạn đói đe doạ. Có thể người đàn bà nóng nảy tìm cho ra nếu không tìm được thì gia đình bà sẽ thiếu ăn.

2. Nhưng có thể còn có một lý do khác thơ mộng hơn lý do trên.

Tại Palestine, dấu hiệu của một phụ nữ có chồng là một chiếc vành trên đầu làm bằng một sợi dây bạc. Trong nhiều năm, một cô gái làm lụng và để dành cho đủ mười đồng tiền nhỏ đó, bởi vì cái chuỗi tiền tên đầu của nàng cũng đáng giá gần bằng chiếc nhẫn cưới. Khi nàng đã sắm được nó, thì nó là của riêng nàng, đặc biệt đến nỗi người khác không thể đoạt được của nàng, và nếu có đánh mất một đồng tiền nhỏ thì phải tìm kiếm nó như bất cứ người nào khác cũng làm thế khi đánh mất cái nhẫn cưới.

Vì thế chúng ta dễ hiểu niềm vui mừng khi bà nhìn thấy tia óng ánh của đồng bạc mất và khi tìm lại được nó. Chúa Giêsu phán: Thiên Chúa cũng làm thế, niềm vui mừng của Ngài và của các Thiên Thần khi có một tội nhân quay về nhà, cũng như niềm vui mừng của một gia đình khi đồng bạc quyết định cái no hay đói của họ được tìm thấy và cũng giống như người đàn bà đánh mất một tài sản có giá trị hơn tiền bạc, rồi tìm lại được.

Không có một Pharisêu nào lại mơ đến một Thiên Chúa như vậy. Một học giả Do Thái danh tiếng đã thừa nhận đây là một điều tuyệt đối mới mà Chúa đã dạy cho loài người về Thiên Chúa –đó là Ngài thực sự tìm kiếm con người. Người Do Thái có thể hình dung một người bò về nhà Chúa với tất cả sự hạ mình và kêu xin thương xót và được thương xót. Nhưng họ không bao giờ có thể hình dung ra một Thiên Chúa lại ra đi tìm kiếm con chiên lạc. Chúng ta thấy tình yêu đó hiện thân trong Chúa Giêsu. Con Thiên Chúa, Đấng đến để tìm và cứu những ai lạc mất.

CÂU CHUYỆN VỀ NGƯỜI CHA NHÂN LÀNH (15, 11-32)

Không phải là không có lý do khi người ta gọi chuyện này là chuyện ngắn vĩ đại nhất thế giới. Theo luật Do Thái, người cha không được tự do phân chia gia tài mình tuỳ ý thích, đứa con cả đương nhiên được 2/3, đứa con thứ 1/3 gia tài (Đnl 21,17). Không phải là một việc lạ khi một người cha phân chia gia tài ngay khi còn sống nếu ông muốn được nghỉ ngơi khỏi hoạt động kinh doanh. Nhưng có một sự vô tâm trơ tráo nơi đứa con thứ khi nó đề xuất việc chia gia tài này. Thực ra nó đã nói “Cha hãy cho con ngay bây giờ phần gia tài mà trước sau gì con cũng được lãnh khi cha chết, và hãy để con ra khỏi nơi này”. Người cha không tranh luận gì, ông hiểu rằng nếu con ông cần được một bài học thì nó phải có một bài học đắt giá, và ông đã cho như ý nó xin. Tức khắc đứa con lấy phần riêng của nó và bỏ nhà ra đi.

Hắn nhanh chóng tiêu xài hết tiền và kết thúc bằng việc chăn heo, một công việc cấm kỵ đối với người Do Thái, vì luật nói: “đáng rủa xả kẻ nào chăn heo”. Và Chúa Giêsu cho nhân loại tội lỗi một lời khuyên chưa từng có “Khi nó trở về với chính mình (nó tỉnh ngộ)”. Chúa Giêsu tin là bao lâu con người còn xa cách và chống nghịch với Thiên Chúa thì con người không thực sự là con người, con người chỉ thực sự là chính mình khi con người đang trên đường trở về nhà. Có một điều kỳ diệu nơi Chúa Giêsu là Ngài không tin rằng con người hư hỏng hoàn toàn. Ngài không bao giờ tin rằng ai đó có thể tôn vinh Thiên Chúa bằng cách phỉ báng con người, Ngài tin rằng con người không bao giờ được thực sự là mình cho đến khi nào con người trở về nhà với Chúa. Cho nên đứa con đã nhất định trở về nhà và xin cha nhận lại mình không phải để làm con, nhưng làm một tên nô lệ mạt hạng trong nhà, một tên đầy tớ ở thuê, một tên lao động công nhật trong nhà cha. Theo một nghĩa thì người nô lệ là một phần tử của gia đình, nhưng đầy tớ ở thuê thì có thể bị đuổi sau khi chủ báo trước một ngày vì nó không thuộc về gia đình chút nào. Vậy khi đứa con đã về nhà –theo bản Hy văn tốt nhất- cha chàng không để chàng kịp mở miệng xin làm đầy tớ. Ông đã lên tiếng trước. Chiếc áo dài tiêu biểu sự tôn trọng, chiếc nhẫn tượng trưng cho quyền bính, vì nếu ai cho kẻ khác chiếc nhẫn ấn tín của mình thì cũng như uỷ quyền cho người đó thay thế mình; đôi giày là dấu hiệu làm con khác với nô lệ vì con cái trong gia đình mới mang giày, còn nô lệ thì không được. (Ước mong của người nô lệ trong bài ca của người da đen là mau đến thời kỳ mà “mọi con cái Chúa được mang giày” vì đi giày là dấu hiệu sự tự do). Và một bữa tiệc được bày ra để mọi người ăn mừng đứa con hoang đàng trở về. Chúng ta dừng lại ở đây, thử nhìn xem chân lý trong dụ ngôn này.

1. Không nên gọi dụ ngôn này là dụ ngôn về người con hoang đàng vì đứa con không phải là nhân vật chính, phải gọi là dụ ngôn về Người Cha Nhân Lành, bởi vì nó cho ta biết về tình yêu của người cha hơn là về tội của người con.

2. Dụ ngôn này nói nhiều về sự tha thứ của Thiên Chúa. Người cha hẳn đã chờ đứa con trở về nhà, vì ông trông thấy từ đằng xa. Đứa con gặp cha thì cha liền tha thứ cho con và không một lời trách móc. Có nhiều cách tha thứ, có tha thứ được ban cho như một ân huệ, và tệ hơn nữa là khi một kẻ nào đó được tha thứ nhưng bao giờ cũng kèm theo một dấu hiệu, một lời nói, một ngăm đe rằng tội vẫn còn để đó. Một lần kia, Lincoln được hỏi ông sẽ đối xử thế nào với quân phiến loạn Miền Nam, khi họ thua trận và trở lại liên hiệp với Hoa Kỳ. Người hỏi câu ấy nghĩ rằng ông sẽ báo thù họ ghê gớm, nhưng Lincoln trả lời “Tôi sẽ đối xử với họ như họ chưa bao giờ ly khai với chúng ta”. Thật lạ lùng tình yêu của Chúa khi Ngài tha thứ chúng ta y như vậy.

Nhưng câu chuyện đến đây chưa chấm dứt. Người anh cả đi về, anh thực sự buồn rầu vì em anh đã trở về. Người anh cả đại diện cho Pharisêu tự kiêu, tự mãn, họ thà xem thấy tội nhân bị tiêu diệt hơn là được cứu. Có mấy điều nổi bật nơi người anh cả.

1. Tất cả thái độ của anh chứng tỏ rằng bao nhiêu năm anh vâng lời cha chẳng qua chỉ là một bổn phận buồn rầu, chứ không phải là công việc của tình yêu.

2. Thái độ của anh là thái độ thiếu hẳn sự cảm thông. Anh nói về người em nhưng không dùng tiếng “em tôi” nhưng dùng chữ “con của cha”. Chàng là thứ người tự tôn, sẵn sàng đạp kẻ nào đã ngã xuống rãnh bùn hôi hám càng ngã sâu hơn nữa.

3. Tâm địa chàng rất dơ bẩn. Câu chuyện không nói tới gái điếm. Chính miệng chàng nói ra. Hẳn chàng đã nghi ngờ, tố cáo em chàng về thứ tội chính chàng muốn.

Một lần nữa chúng ta lại gặp một chân lý diệu kỳ là hoán cải, xưng tội với Chúa dễ hơn xưng tội với loài người. Thiên Chúa xét xử nhân từ hơn những người ngoại đạo. Tình yêu Chúa rộng lớn hơn tình yêu của loài người. Đứng trước một tình yêu như vậy, chúng ta không thể không chìm sâu trong kinh ngạc, ngợi khen và yêu mến Ngài hơn.

BA VẬT LẠC MẤT

Sau cùng chúng ta nên lưu ý rằng ba dụ ngôn này không chỉ là ba cách diễn tả cùng một việc. Có một sự khác biệt. Con chiên bị lạc mất hoàn toàn chỉ vì ngu dại. Nó không biết suy nghĩ. Có nhiều người sẽ tránh được tội lỗi nếu họ suy nghĩ kíp thời. Đồng bạc bị mất không phải vì lỗi của chính nó. Có người đi lạc đường vì bị kẻ khác lừa dối và Thiên Chúa không kể là vô tội kẻ nào xui kẻ khác phạm tội.

Nhưng Thiên Chúa có thể dùng tình yêu của Ngài, chiến thắng sự dại dột của con người, chiến thắng những tiếng cám dỗ, và chiến thắng cả sự tự ý phản loạn của con tim chúng ta nữa.