Chúa Nhật XXIV thường niên  - Năm C
TÌNH YÊU VÀ SỰ THƯƠNG CẢM
Chú giải mục vụ của Hugues Cousin

NHỮNG DỤ NGÔN VỀ NIỀM VUI TẬP THỂ SAU KHI TÌM LẠI ĐƯỢC CÁI ĐÃ MẤT

Trong các chương từ 15 đến 19 sẽ có nhiều giáo huấn của Chúa Giêsu, chủ yếu dưới hình thức các dụ ngôn, được trình bày trước hết để soi sáng trên thái độ ân cần của Thiên Chúa đối với những kẻ bị xã hội tôn giáo khinh chê và ruồng bỏ. Đó là trường hợp của ba dụ ngôn làm nên chương 15. Tình yêu của Thiên Chúa đối với những kẻ không được yêu thương, cũng không đáng thương lên án một cách gián tiếp sự cứng cỏi và nghiêm khắc mà những người”công chính” hơn đối xử với họ.

Điểm bắt đầu ở chương 15 lại là một bữa ăn (cc. 1-3). Nhưng lần này Chúa Giêsu đón tiếp –có thể tại chính nhà Ngài- những người thu thuế và những người tội lỗi (với nghĩa xã hội lẫn tôn giáo của từ này) và Ngài ăn uống với họ. Những người thuộc phái Pharisêu và các Kinh sư lên án cử chỉ này vì nó bẻ gãy những hàng rào truyền thống phù hợp với sự khôn ngoan Kinh Thánh (x. Cn 1,1-15), và như họ đã từng làm nhân bữa ăn tại nhà ông Lêvi (5,29-30), họ lẩm bẩm. Dưới dạng dụ ngôn, lời đáp của Chúa Giêsu ở đây ngắn gọn và đanh thép (5,31-32); sự tương phản giữa những kẻ công chính và người tội lỗi ăn năn sám hối được nói đến ở 5,32 cũng như ở 15,7. Ba dụ ngôn ở đây thiết lập một liên hệ chặt chẽ giữa cách hành xử của Chúa Giêsu và thái độ của Thiên Chúa –đó là điều mới mẻ và căn bản. Những dụ ngôn này được gắn liền với nhau bằng các đề tài (niềm vui, sự hoán cải) và một diễn ngữ (bởi vì cái mất lại được tìm thấy) như một sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt cả chương. Hai đề tài đầu tiên (cc. 4,10) minh hoạ phần đầu của lời khẳng định:”Ta đến không phải để gọi những người công chính mà gọi các tội nhân” (5,32a), đề tài sau cùng minh hoạ phần cuối”để chúng ăn năn sám hối” (5,32b).

Để biện minh cho thái độ của mình, Chúa Giêsu bắt đầu bằng hai dụ ngôn có cấu trúc song song (cc.4,10). Cùng một câu hỏi giả thiết một lời đáp khẳng định. Một cái gì đó bị mất (từ nayù được dùng tới năm lần) mà người ta đã tìm lại được (sáu lần). Một người chăn chiên khá giả và ngược lại, một bà nội trợ nghèo mời bạn bè hàng xóm lại chia sẻ niềm vui của họ. Nếu con chiên tự đi lạc, thì một trong số mười đồng bạc –với một đồng đủ sống một ngày- bị người đàn bà đánh mất. Như vậy các dụ ngôn này không quan tâm tới cách thức sự mất mát; ngay cả việc tìm thấy cái đã mất cũng thuộc về quá khứ. Việc tìm kiếm ít được nhấn mạnh hơn là lời mời gọi cùng chia sẻ niềm vui.

Các dụ ngôn kép này (cc. 4-6.8-9) và việc áp dụng của chúng chỉ hơi khác nhau ở hình thức (cc.7-10), đồng hoá cái đã mất với tội nhân. Điều quan trọng hàng đầu là đừng đọc lời giải thích mà không có con người đi trước: liên hệ giữa chúng nhấn mạnh rằng việc sám hối của tội nhân không thể xảy ra, nếu trước đó Thiên Chúa đã không đi tìm họ. Ở cuối tiến trình này là niềm vui của Thiên Chúa đối với chỉ một tội nhân sám hối, một niềm vui mà Thiên Chúa chia sẻ cho toàn triều thần Thiên Quốc. Ở câu 7 (chứ không ở câu 10) có vấn đề chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn. Phải chăng đó là một lời mai mỉa nói với các người Pharisêu và Kinh sư, vì họ phải biết rằng không ai là công chính trước mặt Thiên Chúa (x. Rm 3,10tt) và chính họ cũng cần hoán cải? Phải chăng đây là một cách nhấn mạnh cách tột cùng – như trong chính dụ ngôn, câu 4 – cái giá trị của từng cá nhân đối với Thiên Chúa khi họ quay về với Ngài?

Như thế, việc Chúa Giêsu năng lui tới các kẻ bị loại trừ được biện minh bằng hành động của chính Thiên Chúa. Và diễn từ dụ ngôn như muốn nêu lên cho các thính giả một câu hỏi: Các bạn có thể chung vui với Chúa Kitô khi thấy những người tội lỗi đến gần Ngài để nghe Ngài chăng?

Dụ ngôn về người có hai con trai (cc.11-32) được trình bày như một bức tranh bộ đôi đưa vào hoạt cảnh người con út, rồi người con cả; trong cả hai trường hợp, người cha giữ một vai trò quyết định. Khi đọc dụ ngôn này chúng ta sẽ nhận thấy rằng: trong một dụ ngôn có hai kết luận, hai”cao điểm” thì cao điểm thứ hai là điều Luca muốn nhấn mạnh hơn cả.

Phần thứ nhất của dụ ngôn trình bày người con út dưới một hình ảnh không có gì đáng khen (cc. 1-24). Nó không đợi cha qua đời rồi mới sử dụng phần gia tài của nó, và nhất là nó hoang phí gia tài khi sống một cách truỵ lạc. Thế là nó phải đi làm công cho một kẻ ngoại giáo đến đỗi đi chăn heo –loại thú vật nhơ bẩn trong Do Thái giáo- và sẵn sàng nhét cho đầy bụng thức ăn của chúng. Nó chỉ quyết định trở về vì tình thế bắt buộc thôi. Chắc hẳn rằng trước một dung mạo như thế những người Pharisêu và luật sĩ đang nghe một câu chuyện phải cảm thấy đối với nhân vật này một tâm tình tương tự như họ đã có đối với các thực khách đồng bàn với Chúa Giêsu! Giọng văn thay đổi với sự suy tư của đứa con hoang đàng (cc. 17-19). Hành động mà anh ta định làm chắc hẳn có một lý do vụ lợi, nhưng nó ghi dấu bước chân khởi đầu của một cuộc hoán cải, một cuộc trở về với Thiên Chúa cũng như với cha của mình. Khi anh ta quả quyết rằng anh chẳng con đáng gọi là”con”, và xin được đối xử như một người làm công cho cha anh, anh không toan tính một mưu mẹo gì, với óc thực tế, anh ta tính toán về cái giá phải trả cho một cuộc trở về của anh.

Thái độ của người cha, trong phần thứ nhất này, làm người ta phải ngạc nhiên, ông không từ chối yêu cầu của đứa con út. Ông chia của cải cho các con, phân phát gia tài cho hai đứa. Đứa út nhận được một phần ba của cải, trong khi hai phần ba kia dành cho con cả (x. Đnl 21,17), thì người cha vẫn quản lý cho tới khi ông qua đời. Người cha để cho đứa con út được hoàn toàn tự do và, khác với người chăn chiên và bà nội trợ trong dụ ngôn trước, ông không làm bất cứ điều gì để tìm lại con mình. Nhưng chính tuy ân cần mà ông đón tiếp con khi nó trở về, có nguy cơ gây nên cho chúng ta, các độc giả, một lời kêu ca trách móc gần giống như lời trách móc mấy ông Pharisêu ở câu 21. Người ta cứ tưởng, như chính đứa con út đã tưởng, cùng làm người cha sẽ đối xử với nó như một người làm công cho mình (c.18), và sẽ đòi buộc nó phải đền bù lỗi lầm. Thay vì làm thế, người cha chạnh lòng thương, ông hạ mình chạy ra đón con –một sự vội vã không xứng đáng với một người Đông phương- ông bày tỏ với nó cách công khai những dấu hiệu yêu thương, ngay cả trước khi nó xưng thú tội lỗi. Rồi ông ngắt lời nó xưng thú, cho nó đeo nhẫn là dấu chỉ uy quyền, cho nó mang giày là dấu hiệu riêng của người tự do. Ông hồi phục nó hoàn toàn trong cuộc sống gia đình và tổ chức một bữa tiệc để cả nhà cùng chia sẻ niềm vui.

Cùng một lý do như người chăn chiên và bà nội trợ:”Vì con ta… đã mất nay lại tìm thấy”. Hơn nữa, lý do ấy được bày tỏ một cách mới mẻ:”Nó đã chết mà nay sống lại”. Hoán cải là trở về với Thiên Chúa và như thế là trở về với cuộc sống đích thức. Nói một cách trống không –với các đầy tớ, mà cũng với các người Pharisêu và cả với chúng ta nữa- lời mời gọi hãy vui mừng mang một hình thức rõ rệt:”Hãy mở tiệc ăn mừng!”. Niềm vui này dễ hiểu đối với con chiên hay đồng bạc bị mất, thì ở đây lại làm cho chúng ta ngỡ ngàng vì tội lỗi của đứa con hoang đàng –một đề tài không có trong hai dụ ngôn đầu này. Niềm vui đó sẽ làm cho người con cả nổi giận như các người Pharisêu: chẳng lẽ cha lại mời nó ăn tiệc mừng với một tên tội lỗi, với một kẻ nhơ bẩn!

Trong phần thứ hai của dụ ngôn, chân dung của người con cả biểu lộ sự giận dữ, ganh tỵ và gây gổ (cc. 25-32) khi anh ta quả quyết rằng đã bao nhiêu năm trời hầu hạ cha và chẳng khi nào trái lệnh (c.19), anh tự đặt mình trong tương quan với cha như là một bổn phận hơn là do tình yêu. Thái độ”công chính” của anh làm ta nghĩ đến thái độ của các người Pharisêu và các luật sĩ. Như họ, anh tỏ ra giữ khoảng cách với tên hoang đàng khi nhắc đến tội của hắn (nó đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm) và gọi hắn là”thằng con của cha đó” –chứ không phải là”em của anh ta”. Anh ta tố cáo cha đã thiên vị và cuối cùng, trách cha đã giết bê béo ăn mừng với một kẻ chỉ là tội nhân.

Hình ảnh người cha phù hợp với chân dung đã có trong phần thứ nhất. Ở đây nữa, thái độ của ông không phải được tạo nên do những ước lệ của Đông phương mà bởi tình yêu đối với con ông: ông ra và năn nỉ con ông (c.28)! Để biện minh cho cách xử sự của mình, ông nhìn nhận rằng người con cả của ông chưa bao giờ đã chết hay bị mất và ông nhấn mạnh đến cuộc sống thân tình giữa hai người. Câu nói”tất cả những gì của cha đều là của con” nhắc nhở rằng, từ khi chia gia tài, người cha và người con cả cùng chung hưởng phần gia tài nhiều gấp đôi thuộc về người con cả (xc.12). Hai điểm được nhấn mạnh với cậu cả đang giận dữ: phải mở tiệc ăn mừng –thái độ này nằm trong chương trình của Thiên Chúa (x.2,49). Bởi vì được dựa trên hành động của chính Thiên Chúa (x.7,10). Và”đứa con” (c.30) cùng là”người em” của anh cả… Cuối cùng người cha nói lại lý do nền tảng, lần này được phong phú hoá nhờ lời giải thích thần học (cc.24-32): việc đi từ sự chết đến sự sống.

Dụ ngôn vẫn còn mở ngỏ: người ta không biết anh con cả có đón nhận lời khuyến dụ của cha và quyết định chia sẻ niềm vui vì cái đã mất lại tìm thấy như các bạn bè và hàng xóm trong hai dụ ngôn trước chăng. Anh có chịu chấp nhận cùng ăn với đứa em”nhơ bẩn” không hay cứ tự nhốt mình trong cơn giận dữ của anh ta? Vậy, nếu chính tôi, là thính giả hay độc giả của dụ ngôn này, đang ở trong hoàn cảnh của người con cả, thì chính tôi phải chọn lựa chấp nhận hay không lời năn nỉ của người cha. Một lời đáp tích cực là điều khó, đôi khi còn đau đớn nữa, dụ ngôn không nói rằng điều đó sẽ tự động có được. Lập trường của người con cả, trong đó phần chót của dụ ngôn đặt chúng ta vào, ngột ngạt hơn những gì phụng vụ thống hối đề nghị: vì phụng vụ này chỉ giới hạn ở phần thứ nhất của dụ ngôn và dẫn dắt chúng ta như thể đồng hoá chúng ta với người con út – điều này có lẽ dễ dàng hơn! Không thể chối cãi và Luca nhấn mạnh nhiều hơn đến phần thứ hai. Dù sao, quan điểm chính nhắm tới tình yêu và sự thương cảm của người cha đối với từng đứa con, được thể hiện qua suốt cả trình thuật. Chính đó là điều làm cho việc trở về của tội nhân thành khả thi và mời gọi chúng ta vui mừng, dù đôi khi có khó khăn lắm cũng phải vui mừng.