Chúa Nhật XXII thường niên  - Năm C
 KHIÊM NHƯỢNG PHỤC VỤ
Lm. Đaminh Lâm Quang Khánh

Các Thiếu nhi thân mến, các con đọc lại cho Cha nghe câu Tin Mừng Lc 14,11 "Vì phàm ai mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" .

·                    Cha cám ơn các con. “Ai tự đưa mình lên sẽ bị hạ xuống”. Ở đây, Thiên Chúa lại yêu thích những ai ?

·                    thưa Cha : những người biết khiêm nhường.

·                    Nhưng các con hiểu khiêm nhường là gì? Sống khiêm nhường là sống như thế nào? Cha mời cấp Bao đồng

·                    Thưa cha: Khiêm nhường không phải là khinh rẻ bản thân, cũng không phải là thụ động không dám nhận trách nhiệm - nhưng sống trách nhiệm làm người ở đời và trách nhiệm làm con Thiên Chúa.

·                    Rất đúng cám ơn con. Khiêm nhường lại càng không phải là đeo vào cho mình một thứ mặt nạ để lôi kéo sự chú ý của người khác, làm cho người khác phải để ý đến mình.

Khiêm nhường là biết can đảm nhận lãnh những trách nhiệm cũng như biết cậy nhờ vào ơn của Chúa mà cố gắng chu toàn.

Ở trong Tin Mừng nhiều lần Chúa đã cảnh cáo mấy ông Biệt phái và luật sĩ về cái tội này: Họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo, thích ngồi ở chỗ nhất trong bàn tiệc chỉ với một mục đích là làm cho người ta đễ chú ý đến mình. Đó là một thứ mặt nạ của sự kiêu ngạo.

Kiêu ngạo là thói thường ở đời. Ai cũng muốn mình hơn người khác. Nổi nang hơn, giỏi giang hơn, giàu có hơn, thế lực hơn. Vì muốn nổi hơn người khác, nên nhiều người không ngần ngại tìm cách chà đạp người khác.

Khiêm nhường chống lại kiêu ngạo. Trong cuộc sống không ai ưa người kiêu ngạo. Và nhất là những người kiêu ngạo càng không ưa nhau. Trái lại, người khiêm nhường được mọi người yêu mến.

Cha kể cho các thiếu nhi câu chuyện này :

Sách Trang Tử thuật chuyện: Dương Chu sang nước Tống vào trọ một nhà kia. Chủ nhà có 2 nàng hầu, một đẹp, một xấu. Ðể ý quan sát, Dương Chu thấy trong nhà ai cũng quí trọng nàng hầu xấu mà khinh rẻ nàng hầu đẹp. Lấy làm lạ, Dương Chu hỏi thằng bé trong nhà. Chú bé nói: Người thiếp đẹp tự cho mình là đẹp nên mất đẹp. Chẳng ai nhìn thấy cái đẹp của nàng nữa. Còn người thiếp xấu tự biết mình xấu mà quên xấu. Không ai còn nhìn thấy cái xấu của nàng nữa.

Dương Chu liền gọi học trò đến dặn: Các con nhớ ghi lấy. Giỏi mà bỏ được cái thói tự cho mình là giỏi, thì đi đâu mà chẳng được người ta yêu quí tôn trọng.

Vì thế Ðức Giê-su đã khuyên ta nên biết khiêm nhường. Ði ăn tiệc cứ chọn chỗ cuối cùng mà ngồi. Nếu được chủ nhà mời lên thì thật vinh dự. Tự cho phép mình ngồi chỗ trên hết, lỡ bị chủ nhà mời xuống thì thật xấu hổ.

Ở đây Đức Giêsu không có ý dạy một bài học về nghệ thuật ứng xử ớ đời để nhằm thành đạt nhờ những thủ đoạn khéo léo. Đàng khác, để loại bỏ mọi hàm hồ, Luca xác định rõ Đức Giêsu diễn tả bằng "dụ ngôn" (c.7) và Người đề cập đến "những bữa tiệc cưới" (c. 8), một đề tài lớn trong truyền thống Kinh Thánh, gợi lên bữa tiệc cưới giữa Thiên Chúa và loài người.

Thực thế, dựa vào một câu trong sách Châm Ngôn ("Chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. Thà được người ta bảo: "Xin mời ông lên trên!" còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng") (Cn 25,6), Người cho thấy việc hình thành Nước Thiên Chúa gây nên một sự đảo lộn như thế nào trong thái độ sống của con người – ngược lại với thói thích ăn trên ngồi trước trong xã hội Do Thái: "Trái lại, khi anh được mời, thì hãy ngồi vào chỗi cuối...".

Khi thuật lại những lời này của Chúa, Luca có ý nhắc nhở cho mọi anh chị em Kitô hữu – xưa cũng như nay – phải cử hành nghi lễ Bẻ Bánh trong Ngày của Chúa với tinh thần nào: với cung cách của chính Đức tin, Đấng đã muốn sống giữa anh em như "một người phục vụ" (Lc 22,24-27). Bữa Tiệc của Chúa dứt khoát không chấp nhận những tranh dành ngôi thứ, nhưng ngược lại đòi hỏi thái độ phục vụ lẫn nhau vô vị lợi (x. 1Cr 11,17-22.33-34).

Trong bàn tiệc Nước Trời, những ai càng khiêm tốn lại càng được nâng lên cao. Vì Khiêm nhường là đi vào con đường của Thiên Chúa, là trở nên giống Thiên Chúa.

Các thiếu nhi thân mến, các con hãy nhìn vào gương Ðức Giê-su. Người là Thiên Chúa, nhưng Người không đòi cho mình được ngang hàng với Thiên Chúa, trái lại, Người đã tự hạ mình, mặc lấy thân phận nô lệ hèn yếu như ta, trừ tội lỗi.

Hãy nhìn vào hình ảnh bữa Tiệc ly. Trong bàn tiệc ai là người cao trọng nhất ? Thưa là Ðức Giê-su. Thế mà Người đã quì gối xuống rửa chân cho các môn đệ. Thiên Chúa đã quì trước mặt nhân loại. Thiên Chúa đã rửa chân nhân loại. Thiên Chúa đã lau những bàn chân nhơ nhớp của nhân loại. Thực là một sự Khiêm nhường thẳm sâu. Trong khi con người kiêu ngạo muôn vươn lên làm Chúa, thì Thiên Chúa lại khiêm tốn hạ mình xuống làm người. Trong khi con người hèn hạ muốn nâng mình lên bằng cách chà đạp người khác, thì Thiên Chúa cao cả lại hạ mình xuống để nâng con người lên. Hạ mình, đó là con đường của Thiên Chúa. Khiêm nhường, đó là khuôn mặt của Thiên Chúa. Vì thế những ai Khiêm nhường là trở nên giống Thiên Chúa, xứng đáng ngồi đồng bàn với Thiên Chúa trên Nước Trời. Nói xứng đáng không phải là do công phúc của ta, nhưng là do tình thương của Chúa.

Ai tự nâng mình lên thì không có giá trị gì. Ai được người khác nâng lên, giá trị có đó, nhưng rất mong manh. Ai được Thiên chúa nâng lên, giá trị đó mới thực cao quí, bền vững. Mà Chúa chỉ nâng cao những người Khiêm nhường.

Khiêm nhường như Ðức Giê-su không phải là hèn nhát. Trái lại chỉ những ai dũng mạnh, can đảm mới dám hạ mình phục vụ anh em.

Khiêm nhường như Ðức Giê-su không phải là nô lệ. Trái lại khiêm tốn phục vụ là một cử chỉ đầy tình yêu, một thái độ hoàn toàn tự do, cao quí. Khiêm tốn hạ mình phục vụ là thoát ra khỏi cái tôi chật hẹp ích kỷ để đi vào con đường tự do thênh thang của Thiên Chúa, của Nước Trời.

Vậy các thiếu nhi thân mến, giờ đây cha và các con hãy cùng nhau khẩn nguyện trong thánh lễ này : "Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết Khiêm nhường phục vụ như Chúa đã làm. Amen.